Iraq: Sau chiến tranh vẫn không là hòa bình

Thứ Tư, 15/09/2010, 14:10
90 tháng sau khi bắt đầu, cuộc chiến tranh ở Iraq, trong cách nhìn của Washington, đã chấm dứt. Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 31/8/2010 đã chính thức tuyên bố kết thúc chiến dịch quân sự tại đây. Thế nhưng tại Iraq cho tới ngày hôm nay vẫn còn tới 50.000 binh lính Mỹ đồn trú cùng vô số những nhân viên đánh thuê của các công ty vệ sĩ tư nhân.

Và vẫn như trước đây, tại Iraq hằng ngày vẫn tiếp tục diễn ra các hành vi bạo lực đẫm máu chống lại chính phủ, chống lại quân đội nước ngoài và cả chống lẫn nhau vì các lý do tôn giáo, sắc tộc cũng như tư tưởng. Hòa bình vẫn là giấc mơ quá vời xa ở một trong những quốc gia dồi dào "vàng đen" nhất thế giới này.

Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp từ phòng bầu dục trong Nhà Trắng ngày 31/8/2010, Tổng thống Obama đã bắt buộc phải công nhận rằng, nước Mỹ "đã trả một giá đắt" trong cuộc chiến tranh Iraq. Ông Obama đã không sử dụng từ "chiến thắng" hay từ "sứ mệnh được hoàn thành" trong bài phát biểu của mình. Hơn ai hết, ông hiểu rằng, quân đội Mỹ đã làm được quá ít việc mà họ cần phải làm, một khi đã thổi bùng lên ngọn lửa bạo lực ở đất nước Iraq xa xôi với lý do chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Trong thời điểm cao nhất, Lầu Năm Góc đã phải duy trì ở Iraq tới 170 nghìn quân. Hơn bốn nghìn quân nhân Mỹ đã chết ở đây, hàng chục nghìn bị thương. Những con số này hiện vẫn đang tiếp tục gia tăng vì còn một người Mỹ ở Iraq là còn những vụ đánh bom khủng bố nhằm vào họ…

Số lượng tiền của đã tan thành mây khói ở đây cho tới nay vẫn chưa tính được đầy đủ. Năm 2003, vài tuần trước khi xua quân vào Iraq, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là ông Donald Rumsfeld đã khẳng định rằng, toàn bộ chiến dịch, kể cả chi phí cho việc tái thiết lại Iraq sau chiến tranh, cùng lắm sẽ chỉ ở mức 50 tỉ USD.

Trong bài diễn văn kết thúc chiến tranh ngày 31/8/2010, Tổng thống Obama đã đưa ra một con số khác: chiến tranh ở Iraq và ở Afghanistan chỉ làm mất của những người đóng thuế Mỹ khoảng 1 nghìn tỉ USD. Tuy nhiên, các chuyên gia độc lập lại cho rằng, chi phí thực sự phải lớn gấp ba bốn lần con số này… Đó là chưa kể những mất mát của các nước khác cùng tham gia liên quân quốc tế trên các chiến trường IraqAfghanistan

Theo đánh giá chung của các phương tiện thông tin đại chúng quốc tế, mặc dầu Washington đã tốn quá nhiều công của và nhân lực ở Iraq nhưng rốt cuộc vẫn không đạt được những mục tiêu đã đề ra từ 7 năm trước, khi họ bắt đầu chiến dịch quân sự ở đây.

Những cuộc rút quân Mỹ khỏi Iraq vì thế vẫn bị coi là "không kèn, không trống" dù các phương tiện truyền thông thân chính phủ đã cố gắng tỏ ra phấn khởi hết cỡ với sự kiện này. Cho tới nay, không ai có thể nói rằng đã có một xã hội dân chủ ổn định được xây dựng ở Iraq. Những vụ đánh bom khủng bố vẫn đang diễn ra hằng ngày ở đây.

Rõ ràng là Iraq đã không trở thành "phòng thí nghiệm tốt nhất" cho tương lai như cựu Tổng thống Mỹ George Bush (con) đã hào hứng tô vẽ khi bắt đầu cuộc chiến. Tướng Mỹ Raymond Odierno, người từng trở lại Iraq làm Tư lệnh các lực lượng Mỹ đồn trú tại đó trong giai đoạn được coi là đen tối nhất ở đây, cũng đã buộc phải công nhận rằng, tình hình Iraq hiện nay vẫn đang tồi tệ.

Quá nhiều hỗn loạn và bạo lực diễn ra trong khi chính phủ bản địa không đủ năng lực để kiểm soát tình hình. Ông nhấn mạnh: "Sứ mệnh của Mỹ vẫn chưa được hoàn thành và Iraq đang đứng trước một tương lai mờ mịt". Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates ngày 1/9/2010 cũng phải thừa nhận rằng, ngay chính ông cũng không rõ là cuộc chiến tranh kéo dài 7 năm qua ở Iraq có ý nghĩa hay không; mọi việc đành phải để "lịch sử sau này phán xét"…

Hơn thế nữa, danh giá của nước Mỹ cũng đã bị suy giảm nghiêm trọng trong con mắt cộng đồng thế giới theo đà bóc trần những trò gian dối liên quan tới cuộc chiến tranh này.  Những lý do ngụy tạo để gây hấn đã làm lộ rõ dã tâm đen tối của những người chủ xị, hoàn toàn không vì mục tiêu gieo giống dân chủ mà chỉ vì những toan tính lợi ích vị kỷ của mình.

Đã có không ít những nhân vật có hạng ở Mỹ gần đây buộc phải nói rằng, nếu họ không bị chính quyền của ông Bush (con) lừa dối vì điều bịa đặt là chính thể của Tổng thống Iraq, Saddam Hussein, có vũ khí hủy diệt hàng loạt, thì chắc hẳn họ đã không ngây thơ ủng hộ cuộc chiến tranh ở Iraq như đã làm…

Ngay Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Gates mới đây nhất cũng công nhận rằng, cuộc chiến tranh ở Iraq đã bị phủ bóng đen vì cách nó được bắt đầu 7 năm về trước, một sự bắt đầu dựa trên những lý do ngụy tạo…

Tất cả những lý do trên đã không chỉ khiến vị Tổng thống Mỹ thứ 43 George Bush (con) phải rời khỏi Nhà Trắng một cách khá bẽ bàng mà còn gây nguy cơ đe dọa triển vọng có thể tái tranh cử Tổng thống Mỹ của ông Barack Obama trong tương lai.

Thực ra, cách nhìn nhận về cuộc chiến tranh ở Iraq của cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa cũng không khác nhau là mấy, mặc dù trong các diễn văn tranh cử, các chính trị gia của hai đảng chủ đạo này đã cố gắng đi ngược lại nhau ở thời điểm cần tranh thủ lòng cử tri. Về thực chất, họ vẫn chỉ là hai mặt của một tấm mề đay. Đúng như bình luận viên Mark Adomanis trên trang web InoSMI đã nhận xét, trong thời gian chạy đua vào Nhà Trắng, ông Obama đã tỏ ra chống chiến tranh ở mức độ cao nhất mà một ứng cử viên Tổng thống ở Mỹ có thể trình diễn.

Ông Obama đã luôn nhấn mạnh một cách đắc chí rằng ông ngay từ đầu đã chống lại cuộc chiến tranh Iraq và đưa ra những lời hứa chắc như đinh đóng cột về quyết tâm chấm dứt mau chóng chiến sự ở Iraq, đến mức Ủy ban xét giải Nobel về hòa bình cũng đã động lòng bày tỏ sự ủng hộ đối với ông bằng cách tranh ngay cho ông giải thưởng danh giá này.

Cũng nhờ những "danh ngôn" chống chiến tranh Iraq nên trong cuộc đấu loại nội bộ của đảng Dân chủ, ông Obama đã vượt lên trên nữ ứng cử viên đồng đảng Hillary Clinton (cựu đệ nhất phu nhân Mỹ là người ủng hộ cuộc chiến tranh ở Iraq). Tất cả những gì mà ông Obama đã nói và làm trước khi bước vào Nhà Trắng đã nhất quán tạo nên cảm giác là ông rất dị ứng với tinh thần quân phiệt và bạo lực nhà nước.

Thế nhưng, sau khi trở thành Tổng thống, ông Obama đã bắt buộc phải hành xử dưới sức ép của những định chế chính trị nặng ký hơn nên cũng đành phải lên dây cót cho các binh lính Mỹ đang thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố trên chiến trường Iraq cũng như ở Afghanistan.

Cũng có thể, Tổng thống Obama không có những cảm xúc chiến tranh như người tiền nhiệm Bush, nhưng vấn đề là ở chỗ, hàng loạt những lĩnh vực quan trọng trong hệ thống chính trị và kinh tế Mỹ phụ thuộc rất nặng nề vào sự phát triển của nền công nghiệp quốc phòng.

Cũng có thể ông Obama không hẳn đã đồng sàng đồng mộng với các ông trùm các tổ hợp sản xuất vũ khí, thậm chí ông cũng biết là rất nhiều người trong giới tài phiệt này không thích ông, nhưng ông cũng đủ thông minh để hiểu rằng, đối đầu với họ là việc lợi bất cập hại, thậm chí có thể dẫn tới mất lực và sụp đổ chính quyền.

Đương kim Tổng thống Mỹ có thể không thuộc phái diều hâu nhưng cũng như bất cứ một chính trị gia nào khác, ông quan tâm trước hết tới vận hội của cá nhân mình và muốn tạo thế lực tốt, thì cần im lặng trước chủ đề đó…

Dẫu sao thì cuối cùng ông Obama cũng đã làm được điều mà ông đã hứa với cử tri Mỹ là rút quân ra khỏi Iraq, dù là trong tinh thần "bỏ của chạy lấy người". Một số đơn vị vừa được rút khỏi Iraq sẽ được tung tới chiến trường Afghanistan để chiến đấu chống lại lực lượng Al Qaeda.

Theo dự kiến, 50 nghìn quân nhân Mỹ còn lại ở Iraq để hỗ trợ chính quyên sở tại đảm bảo an ninh rồi cũng sẽ  được rút đi cho tới cuối năm 2011. Tuy nhiên, thời hạn này vẫn mới chỉ là một ý định và đang bị coi là khó khả thi, bởi lẽ, thực ra Washington đang để lại ở Iraq một viễn cảnh đầy nguy cơ trở thành hỗn loạn, điều mà người Mỹ đã không hề hứa khi xua quân tràn vào đây 7 năm trước

Đặng Đình Nguyên
.
.