Người thách thức Tổng thống Vladimir Putin

Hy vọng hay ảo mộng?

Thứ Tư, 12/11/2014, 21:07

Mikhail Khodorkovsky, người từng là ông trùm giàu nhất nước Nga, cuối tuần qua bày tỏ ý định sẵn sàng dẫn dắt đất nước, sau gần một năm được ân xá khỏi án tù. Ông vừa phát động phong trào trên mạng với tên gọi “Nước Nga công khai” để liên kết những người Nga ủng hộ châu Âu và thúc đẩy sự phát triển xã hội dân chủ. Đây được coi là bước đệm trong cuộc chạy đua mới vào chính trường của Khodorkovsky khi ông lên tiếng tỏ ý sẵn sàng dẫn dắt nước Nga, điều phối lại quyền lực của tổng thống. Tuy nhiên, bước khởi đầu trở lại chính trường của cựu tỷ phú đang sống lưu vong này bị chế giễu là ảo vọng. Trong khi đó, những người ủng hộ ông lại ca ngợi rằng Khodorkovsky đang tiến hành nước đi đầu tiên cho một ván cờ rất dài.

“Một tên trộm thì phải vào tù”

Mikhail Khodorkovsky sinh năm 1963, trong một gia đình có bố mẹ làm kỹ sư và lớn lên trong một căn hộ hai phòng chật chội tại Moscow. Ông theo học tại Học viện Hoá học Mendeleev và từng là đảng viên Cộng sản Nga thời Liên Xô. Năm 1987, bốn năm trước khi Liên Xô hoàn toàn tan rã, Khodorkovsky lập ra công ty tài chính sau này trở thành Menatep, một trong những ngân hàng tư nhân đầu tiên thời hậu Liên Xô tại Nga.

Vào những năm 1990, ông bắt đầu kiếm được những triệu USD đầu tiên khi ngân hàng mua số lượng lớn cổ phần trong các công ty tư nhân hóa với giá rẻ mạt. Năm 1995, Khodorkovsky mua Tập đoàn Dầu khí Yukos trong một cuộc đấu giá quốc gia với giá thanh lý 350 triệu USD. Dưới dự điều hành của Khodorkovsky, Yukos trở thành doanh nghiệp dầu khí lớn thứ hai ở Nga, khi đạt được những tiêu chuẩn quốc tế và được đánh giá là một trong những doanh nghiệp vận hành tốt nhất nước Nga. Tập đoàn này khi đó đảm nhiệm vận chuyển bằng đường ống một phần năm số dầu nước Nga khai thác được và có sức hấp dẫn đặc biệt với các nhà đầu tư quốc tế.

Vào thời đỉnh cao của “đế chế kinh doanh”, Mikhail Khodorkovsky cũng bắt đầu có nhiều hoạt động liên quan đến chính trị. Ông từng ủng hộ tài chính cho hầu hết các chính đảng tại Nga, nhưng khẳng định không gắn bó với bất cứ một đảng phái nào. Ngoài ra, Khodorkovsky còn từng giữ chức Thứ trưởng Dầu mỏ và Khí đốt Nga dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin.

Khodorkovsky từng có những động thái chính trị được cho là đầy mạo hiểm khi không hề tỏ ra giấu giếm sự ủng hộ của mình đối với các chính trị gia đối lập với Tổng thống Vladimir Putin, người kế nhiệm đầy quyền lực của ông Yeltsin. Ông từng mua bản quyền xuất bản tờ báo Moskovskiye Novosti uy tín và chiêu mộ một nhà báo điều tra nổi tiếng về việc phê phán cung cách lãnh đạo hay đời tư của ông Putin. Năm 2003, Khodorkovsky bị buộc tội gian lận và trốn thuế. Vụ bắt giữ xảy ra khi đặc nhiệm Nga bao vây máy bay của Khodorkovsky, khi nó dừng lại để tiếp nhiên liệu ở Siberia. Trước khi bị bắt, nhà tài phiệt từng sở hữu khối tài sản trị giá 15 tỷ USD, và là người giàu nhất nước Nga. Báo chí  phương Tây khi đó nghi ngờ rằng đây là hành động nhằm loại Khodorkovsky - người đã tài trợ cho các đảng đối lập - ra khỏi vũ đài chính trị. Đáp lại, Chính phủ Nga tịch thu 13 tỷ USD cổ phiếu Yukos và nhấn mạnh vụ bắt giữ nhằm loại trừ nạn tham nhũng doanh nghiệp.

Khodorkovsky bị xét xử lần đầu vào năm 2004. Tháng 6/2005, Khodorkovsky bị kết án 6 trong 7 tội danh gồm gian lận - trốn thuế và bị kết án 8 năm tù tại Krasnokamensk, một trại lao động ở Siberia. Trong thời gian thụ án, Khodorkovsky bị tước bỏ mọi hoạt động trí óc, ông không được đọc sách, chỉ được xem tivi cùng các tù nhân khác tại phòng giải trí. Trong khi đó, tài sản chính của Yukos đã được bán cho một công ty khác, sau này được Công ty dầu khí nhà nước Rosneft mua lại. Tháng 3/2009, khi còn khoảng 2 năm nữa sẽ mãn hạn tù, Khodorkovsky bị đem ra xét xử lần hai với các cáo buộc bổ sung rằng: ông và một đối tác kinh doanh cũ đã biển thủ 25 tỷ USD. Ông bị kết án thêm 6 năm tù vào tháng 12/2010 với tội danh biển thủ 350 triệu tấn dầu từ các công ty con. Các luật sư của Khodorkovsky luôn cho rằng vụ tố tụng nhằm vào thân chủ của họ được dàn xếp nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của ông trong chính trị. Nhưng Tổng thống Putin so sánh Khodorkovsky với siêu lừa Mỹ Bernard Madoff và nhấn mạnh: “Đã là một tên trộm thì phải vào tù”.

Các nhà phân tích cho rằng Khodorkovsky đang nuôi ảo vọng cầm quyền nước Nga, còn những người ủng hộ lại nói ông đang âm mưu một ván cờ chính trị rất dài.

Nuôi mộng cho một ván cờ dài

Mikhail Khodorkovsky đã được thả theo lệnh ân xá của Tổng thống Putin vào tháng 12/2013. Chỉ vài giờ sau khi được trả tự do, Khodorkovsky đáp máy bay sang Đức, nơi mẹ ông được cho là đang chữa bệnh. “Vào ngày 12/11/2013, tôi đề nghị Tổng thống Nga ân xá do hoàn cảnh gia đình, và tôi mừng vì quyết định tích cực đã được đưa ra. Vấn đề nhận tội của tôi không được đề cập đến”, ông Khodorkovsky tuyên bố lần đầu tiên kể từ khi tự do. Sau vài tháng tập trung vào việc gia đình, Khodorkovsky đã trở lại trước công chúng khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bắt đầu đạt đến ngưỡng nguy hiểm. Ngay lập tức, ông đưa ra một tuyên bố kêu gọi hòa bình và đối thoại, cho biết ông sẵn sàng đến bất cứ vùng nào ở Ukraine để làm nhà trung gian hòa giải.

Khordorkovsky tái phát động “Nước Nga công khai”, phong trào liên kết những người Nga ủng hộ châu Âu từng được ông khởi xướng vào năm 2001. Ông và các đồng sự cho rằng cần phải nhanh chóng cải cách chính trị và khẳng định đã đến lúc phải tính đến tương lai của Nga sau thời của ông Putin. Từ đây, ông cũng công khai tiết lộ tham vọng chính trị trở thành người đứng đầu nước Nga trong thời kỳ khủng hoảng nếu được yêu cầu. Điều này trái ngược với tuyên bố không dính dáng tới chính trị trước đây của ông khi được Tổng thống Putin ân xá.

Thực ra, Khordorkovsky không quan tâm đến ý tưởng trở thành tổng thống Nga vào thời điểm đất nước phát triển bình thường. Theo ông, nếu đất nước phải vượt qua khủng hoảng và thực hiện cải cách hiến pháp, thì cần phân phối lại quyền lực của tổng thống để tăng quyền cho tư pháp, quốc hội và xã hội dân sự. “Khi đó tôi sẽ sẵn sàng tham gia một phần nhiệm vụ này”, Khordorkovsky phát biểu sau nhiều năm im lặng. Cựu tỷ phú cũng khẳng định phong trào “Nước Nga công khai” của ông sẽ là một nền tảng cho những người có cùng khuynh hướng, chứ không phải một đảng chính trị. Ông cho rằng những người Nga ủng hộ châu Âu nên liên kết lại trước cuộc bầu cử nghị viện của Nga vào năm 2016.

Nhiều chuyên gia nhận định cựu tỷ phú Khodorkovsky quá tự cao vì dám trực tiếp đối đầu với chính quyền khi tuyên bố sẵn sàng dẫn dắt nước Nga. Đối với chiến dịch mà mục tiêu là thách thức quyền lực của Tổng thống Nga Vladimir Putin, sự khởi đầu của Khodorkovsky thật sự không suôn sẻ. Hầu hết người có tiếng nói trong giới chính trị Nga đều thể hiện hoài nghi, thậm chí chế giễu kế hoạch của ông.

Những nhà bình luận thân Điện Kremlin thì nhanh chóng chỉ ra rằng một cựu tù nhân, hiện đang sinh sống ở nước ngoài như Khodorkovsky, sẽ không có khả năng tranh cử trong tương lai gần. Ông không bao giờ có cơ hội hiện thực hóa ý định của mình, lý do đầu tiên và quan trọng nhất là vì Khodorkovsky không nhận được ủng hộ mạnh mẽ từ công chúng. Theo nhà bình luận chính trị Mikhail Rostovsky, cuối cùng ông Putin cũng gặp đối thủ xứng tầm. “Hãy để người mạnh nhất trong phe đối lập so tài với người có quyền lực nhất trong chính quyền”, Rostovsky nhận định. “Điều đó sẽ mang lại sự công bằng và tốt đẹp cho đất nước”. Nhưng Rostovsky cũng không tin tưởng vào chiến thắng của Khodorkovsky vì cho rằng sự ủng hộ đối với cựu tỷ phú là không rộng rãi, mà chỉ bó hẹp trong những người trí thức tự do.

Tuy nhiên, vẫn có gần một phần ba người dân tin rằng Khodorkovsky là nạn nhân của một cuộc đàn áp chính trị, và việc Khodorkovsky dám thách thức quyền lực của Tổng thống Putin không hề lố bịch. Tầng lớp trung lưu và dân chúng thành thị, những người cảm thấy không hài lòng với các vấn đề hiện tại của đất nước và muốn cải cách, có thể sẽ ủng hộ Khodorkovsky. Vì lẽ đó, nhân vật này nhiều khả năng sẽ đạt 15-18% số phiếu tại các cuộc bầu cử tự do.

Trong mắt người ủng hộ, qua hai lần ngồi tù, một ở đông Siberia, một ở tây bắc Nga, Khodorkovsky đã trải qua quá trình chuyển đổi từ nhà đại tư bản giàu có đến một tù nhân đầy kiên cường rồi trở thành người đứng đầu có đạo đức. Họ tin tưởng Khodorkovsky đang chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh dài kỳ. Dù Khodorkovsky chưa hội đủ điều kiện để tham gia bầu cử, nhưng khi tình thế đòi hỏi một cái đầu lạnh, kinh nghiệm và trí tuệ, thì nhiều khả năng ông sẽ đáp ứng mọi yêu cầu và “vùng lên”. Nhiều quan sát viên cho rằng sẽ rất thiếu sót nếu không xét đến hiện diện và tầm ảnh hưởng của Khodorkovsky. Điện Kremlin đang bộc lộ điểm yếu bởi nền kinh tế đất nước hiện quay cuồng khi hứng chịu nhiều trừng phạt khắt khe từ phương Tây và Mỹ xung quanh khủng hoảng ở Ukraine. Đây dường như là cơ hội tốt cho Khodorkovsky lật ngược thế cờ, hiện thực hóa tham vọng lịch sử thay đổi nước Nga. Tuy nhiên, mọi diễn biến chính trị luôn tiềm ẩn những bất ngờ, và không ai dự đoán chính xác điều gì sẽ đến với ông trùm tài phiệt này trong cuộc đua quyền lực đầy gay cấn trên chính trường xứ bạch dương…

Trần Hồng Nam
.
.