Hồng Bàng – Dung mạo, linh khí Hải Phòng ở đó

Thứ Sáu, 03/06/2016, 23:34
Sau vài năm mất mùa, phượng đã kịp nở đúng hẹn cho trọn câu hát “Tháng Năm rợp trời hoa phượng đỏ” đã thành biểu tượng của thành phố cảng lớn nhất miền Bắc. Những kiến trúc, sự kiện lịch sử tiêu biểu nhất của Hải Phòng (HP) đều thuộc quận Hồng Bàng.


Hồng Bàng - niên hiệu nước ta thời sơ khai được dùng làm tên quận trung tâm nhất của đất “Hải tần phòng thủ”. Một tên quận được thành lập sắp tròn nửa thế kỷ nhưng lại chất chứa mấy nghìn năm lịch sử đất nước, khi là địa danh duy nhất của Việt Nam mang niên hiệu đất nước thuở đầu.

Không phải chờ đến tối 6/5/2016, Lễ hội Hoa phượng đỏ lần thứ 5, tiêu điểm là đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống nữ tướng Lê Chân và Bằng xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Nhà hát thành phố với chủ đề Nối vòng tay bè bạn truyền hình trực tiếp trên VTV1, HP đã nối vòng tay từ lâu ra bốn bể năm châu. Sân bay quốc tế Cát Bi thêm những đường bay sau bao đường bay của những khát vọng mãnh liệt. 

Về HP mà không đặt chân vào Hồng Bàng thì chưa phải là về đất Cảng. Quận có 11 phường với 14 vạn dân. Vùng 1 (khu trung tâm) quận gồm 5 phường: Hoàng Văn Thụ, Minh Khai, Quang Trung, Phan Bội Châu, Phạm Hồng Thái. Quá trình đô thị hóa và cảng hóa đã thay đổi hẳn địa hình tự nhiên của khu vực, hình dáng chung vẫn còn giữ được nhờ sự phân định ranh giới của sông Tam Bạc, sông Lấp cũ và sông Cấm.

Sông Lấp (bây giờ là hồ Tam Bạc và khu vườn hoa dọc đường Trần Hưng Đạo - Quang Trung và Trần Phú -  Nguyễn Đức Cảnh), xưa là kênh Bonnal đào năm 1885.

Khu vực này nhiều lợi thế và tiềm năng về du lịch - dịch vụ - thương mại, tập trung nhiều cơ quan quan trọng của Trung ương, trụ sở Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố và Văn phòng đại diện nước ngoài; có chợ Tam Bạc, chợ Sắt sầm uất; dải trung tâm chạy dọc từ cổng cảng chính đến bến Tam Bạc - bến xe lớn nhất HP (đã rời đi ngày 15/6/2015).

Vùng 2 (cận trung tâm) gồm 3 phường: Hạ Lý, Thượng Lý, Trại Chuối trước là vùng trũng nhất, thấp nhất của nội thành vốn là các bãi lầy ven sông với thực vật nước lợ: cói, bần, sú, với các nhà máy đóng tàu lừng danh một thuở: Bạch Đằng, Sông Cấm, Tam Bạc.

Hình ảnh Nhà hát lớn Hải Phòng với biểu tượng hoa phượng 3D tối 6/5/2016.

Vùng 3 (xa trung tâm) là vùng đô thị hóa, gồm 3 phường: Sở Dầu, Hùng Vương, Quán Toan nằm trong vùng quy hoạch khu công nghiệp phía bắc đường 5, nhiều cơ sở liên doanh nước ngoài về sản xuất thép. Với quỹ đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng còn khá lớn, lực lượng lao động dồi dào, chứa đựng thế mạnh và tiềm năng phát triển sản xuất - dịch vụ…

Kiến trúc Pháp làm nên sự cổ kính và dung mạo HP đô thị trung tâm. Hồng Bàng - nơi Pháp đổ bộ ngày 7/3/1946, là trung tâm kháng chiến và giải phóng thành phố từ 11/1945 - 13/5/1955. Trong các thuộc địa của Pháp, chỉ Việt Nam được xây nhà hát. Nhà hát Lớn HP khánh thành năm 1900, xây sau Nhà hát Lớn TP Hồ Chí Minh 9 tháng và trước Nhà hát Lớn Hà Nội 11 năm.

Nhà hát mọc lên từ nền chợ của làng cổ An Biên với bản vẽ, thiết kế, vật liệu mang từ Pháp sang, một công trình kiến trúc Baroque luôn là “phông nền” sang trọng của mọi sự kiện lớn. Cây đàn lire trên cánh cửa nhà hát - biểu tượng của âm nhạc và nghệ thuật đang vang ngân. HP được coi là một cái nôi, vùng nghệ thuật chủ chốt của Việt Nam.

Nhà hát giới hạn bởi các phố: Hoàng Văn Thụ (phía tây), Trần Phú (phía nam), Đinh Tiên Hoàng (phía đông), Nhà Hát Lớn (phía bắc). Diện tích 5.400m2, gồm: khu sân và khu cột cờ (khu thảm cỏ cũ). Sau giải phóng, dỡ bỏ Nhà Kèn, toàn bộ khu vực này được cải tạo thành vườn hoa.

Ở vị trí Nhà Kèn trước kia, cột cờ mọc lên, xung quanh là các thảm cỏ vuông vắn, viền bởi lối đi lát gạch men trắng. Kỷ niệm 50 năm giải phóng HP, một đài phun nước màu nghệ thuật đã khánh thành vào ngày 13/5/2005 cùng 2 đài phun nước tại vườn hoa Lê Chân và vườn hoa Nguyễn Văn Trỗi.

Cảng Hải Phòng (bến Sáu Kho) cổ xưa thuộc địa phận quận Hồng Bàng, nay là cảng luân chuyển hàng rời, là thương cảng lớn, địa danh lịch sử, xây dựng năm 1876, từng nối liền Vân Nam (Trung Quốc) bằng đường xe lửa. Sau khi dự Hội nghị Fontainebleau từ Pháp về, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghé vào cầu Ngự ở cảng này trước khi về Hà Nội. Dấu ấn kiến trúc Pháp đẹp nữa là Bưu điện HP - Anh hùng lực lượng vũ trang.

Kênh vành đai hay sông đào Bonnal - tên viên công sứ Pháp chủ trì việc đào kênh để ngăn cách khu người Việt và người Âu, lấy đất lấp mặt bằng và dùng kênh chuyển hàng hóa - nối sông Tam Bạc và sông Cấm ở đoạn cổng cảng chính nối 2 bờ là 3 cây cầu: cầu ở ngã tư cầu Đất, cầu Sắt ở ngã tư Trần Hưng Đạo và ngã tư Điện Biên Phủ - Trần Phú. Kênh Bonnal sau này là hồ Tam Bạc, khu đẹp nhất HP với dải vườn hoa đẹp nhất miền Bắc.

Những địa danh HP thợ thuyền và mạnh mẽ trong văn chương, đặc biệt là tiểu thuyết của Nguyên Hồng - người bùng sáng tài năng và có các tác phẩm quan trọng nhất viết tại/ về đất này.

Vườn hoa Đưa Người, là vườn hoa Djibouti từ đại lộ A. Courbet  (Hoàng Văn Thụ) đến phố Bắc Ninh (nay là Lãn Ông) rộng 14.300m2, sau đó được chia làm nhiều phần để xây quán hoa, bến ôtô, thư viện bình dân, nhà tắm công cộng, nhà thương bình phúc.

Năm 1954, vườn hoa này mang tên công viên Khổng Tử rồi một phần thành chợ Vườn hoa. Cuối 1955, nơi đây là vườn hoa An Biên và giờ thành nhà triển lãm thành phố.

Khu vườn hoa rộng lớn này hình thành vườn hoa Lê Chân, bị quân đội Pháp bao vây, đánh chiếm Nhà hát Lớn từ 20 đến 24/11/1944.

Cùng năm 1999, khi lòng hồ Tam Bạc được nạo vét thì tượng đài Lê Chân khởi công. Ngày chót năm 2000, gần 20 thế kỷ sau khi tuẫn tiết, Lê Chân lại hiên ngang với áo bào xung trận, tay trái cầm gươm - tượng đồng 7,5m/19 tấn. Bà đã mang người nhà và người quê đến An Dương lập trại, gây dựng nghĩa quân ở căn cứ An Biên. Tên An Biên khởi thủy đất này, thuộc quận Lê Chân, là tên phường mà nữ tướng được phong Thánh, Thành hoàng làng xã An Biên, huyện An Dương.

Ra đời ngày 25/12/1899, từng là trọng điểm kinh tế đất nước, là nhà máy xi măng đầu tiên ở Việt Nam và Đông Dương, một trong những nhà máy hình thành nên giai cấp công nhân Việt Nam. Xi măng HP đã xây nhiều công trình lớn như: Lăng Bác, Bảo tàng Hồ Chí Minh, cầu Thăng Long, thủy điện Hòa Bình.

Xi măng HP nhãn hiệu Con Rồng đã tới vùng viễn đông Vladivostoc (Nga), đảo Jawa (Indonesia) - di tích lịch sử cách mạng này đã chuyển về Tràng Kênh, xã Minh Đức, huyện Thủy Nguyên. Nhưng trong ký ức HP, nhà máy và những người công nhân vẫn như đang bên bờ sông Tam Bạc.

Trụ ở UBND thành phố nguyên là tòa thị chính xây trên nền đình làng Gia Viên - đất nhượng địa theo Hiệp ước 1974. Đây là một trong các công trình đầu tiên Pháp xây tại HP. Ngân hàng thành phố, Ngân hàng quận Hồng Bàng vốn là Ngân hàng Đông Dương (xây dựng năm 1923). Thành phố nào cũng có những cửa hàng hoa, nhưng chỉ HP có dãy quán hoa hơn 70 năm tuổi, nằm bên phải quảng trường Nhà hát Lớn.

Được xây cuối năm 1944 do Đốc lý Luciani chủ trì kiến thiết và Chánh lục lộ Gautier phụ trách thiết kế mỹ thuật, gồm 5 quán trên diện tích 300m². Mỗi quán rộng 20m², cao gần 4m, cách nhau 6m. Bờ nóc hình hoa chanh 4 cánh tỏa ra bốn phía.

Quán dựng bằng gỗ lim, mái lợp ngói âm dương, là một điểm đến yêu thích của khách du lịch, lưu vào tác phẩm nhiều họa sỹ, nhiếp ảnh gia. Chẳng riêng Hà thành, HP cũng có vườn hoa Con cóc với chiếc bể bơi ở giữa có con cóc phun nước, nay là vườn hoa Kim Đồng, rộng 2,5 ha.

Năm 1938, 1942, Pháp mở hội chợ, chọn vùng đất vườn hoa Nguyễn Du và Kim Đồng làm địa điểm. Sau năm 1942, gọi là Jardin d’ Enfant (Ấu trĩ viên), đồng thời vẫn dùng làm hội chợ, trong vườn có thư viện thiếu nhi thành phố. Ngoài ra dải trung tâm còn có vườn hoa Nguyễn Du (thường gọi là vườn hoa Cây Cọ), vườn hoa Nguyễn Bỉnh Khiêm, vườn hoa Nguyễn Văn Trỗi và vườn hoa Lê Chân.

Hồng Bàng còn nhiều di tích văn hóa tâm linh: đền, đình, chùa. Những đường phố HP lưu dấu nhân vật lịch sử từng sống và cống hiến trên mảnh đất Hồng Bàng, bằng tên gọi làm cho chúng ta khi bước trên mảnh đất này như thấy lịch sử hiện dần trên mỗi bước chân có sóng Bạch Đằng và sóng tình thanh thiết. HP từng là nơi tập trung nhiều người Hoa sinh sống nên có phố Khách và những cửa hiệu Hoa kiều, phố Tây, khu Lạc Viên.

Diện tích 14,5km2 của quận là cốt lõi của một đô thị trong tam giác kinh tế, thành phố công nghiệp, nơi đầu tiên người Pháp xây dựng chính quyền, cai trị, khai thác thuộc địa miền Bắc. Những phố mới, chung cư hiện đại cùng tồn tại với các làng cổ còn nguyên tên: Gia Viên, An Biên, An Lạc, An Chân, Hạ Lý, Thượng Lý, ngoài cư dân gốc còn nhiều dân lao động đến từ các tỉnh.

Hồng Bàng là cửa ngõ giao thông thủy, sắt, bộ của HP, bởi vậy cuộc thi sáng tác ca khúc và mẫu biểu trưng về quận Hồng Bàng chính là sự ngưng tụ tỏa sáng giá trị lịch sử, văn hóa, du lịch của thành phố. Thông tin dư địa chí văn hóa của cuộc thi được đăng tải trên cổng giao tiếp điện tử quận Hồng Bàng (http://hongbang.haiphong.gov.vn/cuoc-thi-sang-tac-bieu-trung-ca-khuc).

Quận ủy Hồng Bàng vẫn đón chờ tiếp tác phẩm như những lời tỏ tình với HP và Hồng Bàng tới hết 30/5/2016, tác phẩm dự thi gửi về: số 3 Phan Chu Chinh, quận Hồng Bàng.

Quận ủy Hồng Bàng, với tinh thần cầu thị, đổi mới táo bạo, đổi mới tiên phong bởi hệ thống lãnh đạo trẻ mạnh bạo, nhiệt huyết, yêu thành phố. TS Kinh tế Trần Quang Tuấn - Phó Bí thư thường trực Quận ủy Hồng Bàng yêu trọng nghệ thuật, đã ủng hộ nhiều triển lãm mĩ thuật tầm cỡ tại đây.

Tôi chưa thấy phòng làm việc của một vị lãnh đạo nào nhiều tranh đẹp thế, toàn sáng tác bởi các họa sỹ tiếng tăm của nền hội họa Việt Nam tặng cho anh; nên dễ hiểu khi mặc dù chỉ là cuộc thi cấp quận, song ban chỉ đạo, ban tổ chức cuộc thi đã trọng thị mời những nghệ sĩ, học giả, chuyên gia đẳng cấp quốc gia về HP tư vấn, xây dựng thể lệ, để phát động cuộc thi sáng tác, với giải thưởng cao nhất 50 triệu đồng.

Cuộc thi đã thu hút một lượng lớn nhạc sỹ, họa sĩ kiến trúc sư chuyên và không chuyên trong - ngoài nước, đúng là vòng tay rộng mở. Ban giám khảo gồm các chuyên gia uy tín: Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mĩ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, KTS Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS Hoàng Thúc Hào, HS Đinh Quân, chỉ huy dàn nhạc Nguyễn Thiếu Hoa, nhạc sĩ Hoàng Lân, nhạc sĩ Duy Thái v.v... Lễ trao giải sẽ là festival của những tài năng và tình yêu đón chào 55 năm thành lập quận 5/7/2016. 

Hồng Bàng, với vẻ đẹp đặc trưng sẽ được hiển hiện qua mỗi ca khúc và mẫu biểu trưng bộc lộ được tính cách của người HP - những sáng tạo mới dành riêng cho vùng địa linh hào hùng và đậm chất văn hóa. Như vọng nghe thơ Văn Cao, Lê Đại Thanh, Thế Lữ, nhạc Đoàn Chuẩn tình tứ hào hoa, quyến luyến, những vở cải lương để đời của Sỹ Tiến vang động mỗi lời ca từng hàng cây góc phố HP.

Tranh nối tranh, ảnh vẽ ánh sáng, những cuốn phim tiếp nối hòa điệu tình ca nồng nàn mùa hè HP mãnh liệt đầy nhựa sống mà hình ảnh Hồng Bàng hôm nay là đại diện trong đôi mắt xanh mãi của người HP, người yêu HP và hướng về đây.

Mọi đặc tả, cận cảnh kỷ niệm, hồi ức, chờ mong triệu triệu người về với nơi thân thương trong nhịp yêu “dưới màu hoa như lửa cháy khát khao” vô tận, không chỉ là thời hoa đỏ tuổi trẻ của thi sĩ Doãn Thanh Tùng những năm chống Mĩ, là màu hoa của sức trẻ, của tuổi mới mà 55 nhịp mùa phượng đã tạo tác dấu ấn bất tử Hồng Bàng.

ViVi
.
.