“Hoàn cảnh đã buộc tôi vào cuộc đời mẹ”

Thứ Bảy, 04/03/2017, 10:37
Mẹ Nguyễn Thị Kỷ khi tôi gặp đã 90 tuổi, còn chị Nguyễn Thị Vui - con dâu mẹ đã 58 tuổi. Nét xuân sắc vẫn còn lưu giữ ở người góa phụ đã trải qua những năm tháng dài dằng dặc, gắn cuộc đời với mẹ chồng, nuôi lớn những đứa con.

Chị Nguyễn Thị Vui nói trong nước mắt: “Tôi về làm dâu mẹ năm 1974. Tôi thương mẹ vì anh Vũ Đức Hồng hy sinh trong chiến trường miền Nam, thời chống Mỹ, cho đến nay vẫn chưa tìm được mộ. Nào ngờ hòa bình rồi mà chiến tranh lại ập tới. Anh Vũ Đức Ninh - chồng tôi, hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, năm 1979”.

Trong ký ức chị Nguyễn Thị Vui, những ngày tháng 2-1979 như một cơn bão bất ngờ đổ xuống, để lại bao đau thương, tang tóc. Chị kể trước đây, chị và mẹ Nguyễn Thị Kỷ sống ở xã Vạn Ngược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Đó cũng là nơi anh Vũ Đức Ninh - người chồng thân yêu của chị hy sinh!

Vào năm 1979, Lào Cai cũng như các tỉnh biên giới phía Bắc đã phát động toàn dân sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, đẩy mạnh công tác xây dựng lực lượng địa phương, tăng cường dân quân du kích.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, có cha và anh hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, anh Anh Vũ Đức Ninh nhiệt tình tham gia lực lượng dân quân ở địa phương. Người đàn ông ấy đang có một cuộc sống hạnh phúc. Anh có tất cả: tuổi trẻ ngùn ngụt sức sống, người vợ trẻ xinh đẹp và hai đứa con trai kháu khỉnh.

Như bao người vợ đảm đang ở các tỉnh biên giới phía Bắc, chị Nguyễn Thị Vui tần tảo làm ruộng, nuôi lợn gà, chăm sóc con cái cho chồng yên tâm công tác. Nhiều đêm anh trực ở chốt, chị ở nhà dỗ con, thao thức lo cho anh. Nhiều đêm như thế trôi qua trong đời người vợ có chồng trực chiến. Nhưng trong ký ức chị, mãi mãi không phai mờ một ngày đau thương, tang tóc. Với người vợ liệt sĩ này, thời gian dường như mãi đọng lại, chỉ một ngày. Đó đêm 17- 2-1979.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Kỷ bên di ảnh con trai – liệt sĩ Vũ Đức Ninh.

Đêm ấy, anh Vũ Đức Ninh làm nhiệm vụ, trực chiến ở một chốt dân quân, vắng nhà. 3 giờ khuya, quân Trung Quốc đánh sang. Quá bất ngờ, chị Nguyễn Thị Vui không kịp mang theo vật gì quý giá, chỉ kịp bế đứa con chưa đầy một tuổi ra căn hầm. Chị ôm con nhỏ nấp trong hầm, nhìn ra ngoài thấy cảnh tàn phá ghê gớm. Ngôi nhà chị bị lửa đốt cháy ngùn ngụt.

Ngọn lửa thiêu hủy cả bức di ảnh liệt sĩ Vũ Đức Hồng - bức di ảnh mà mẹ Nguyễn Thị Kỷ xem như báu vật cuộc đời, vật kỷ niệm cuối cùng về đứa con trai đầu của mẹ, cả những lá thư anh Hồng gửi về cho mẹ từ chiến trường ác liệt phía Nam.

Trong cảnh tan hoang, mẹ Nguyễn Thị Kỷ dẫn cháu Vũ Đức Cường, còn con dâu Nguyễn Thị Vui bế cháu nhỏ Vũ Văn Quế. Hai người phụ nữ với hai đứa bé, cứ thế mà chạy trong khói lửa. Mẹ chồng con dâu với những đứa bé trên tay, hòa vào dòng người chạy loạn, chạy ra ga, đón tàu lửa đi Yên  Bái. Rồi họ về Lào Cai, theo chân bộ đội, nhờ bộ đội che chở, cho ăn, cho chỗ ngủ, quần áo.

Trong ký ức những người dân các tỉnh biên giới phía Bắc, nạn “chạy Tàu” còn in đậm nỗi kinh hoàng. Chị Nguyễn Thị Vui bàng hoàng nhớ lại: “Mẹ chồng tôi cõng cháu, theo đường mòn mà đi. 7 ngày ở Sapa, bà và cháu nấp trong hang đá. Đá tai mèo khiến chân bà tứa máu, sưng vù. Mỗi ngày, bà cháu chỉ được vắt mỳ bột tiếp tế. Khổ một mình bà chịu được nhưng nhìn thấy cháu khóc, bà cũng òa khóc theo…”.

Tiếp  theo là những ngày tha phương cầu thực. Bà bồng cháu về Nam Định, Thanh Hóa, sống nhờ bà con ở làng quê. Cuộc “chạy Tàu” đã cướp đi sức lực của bao người dân lương thiện. Cả ba bà cháu đều ốm. Sau đó, những người “chạy Tàu” gặp nhau ở ngã ba Cát Lem - nơi giáp 3 tỉnh Yên Bái - Phú Thọ - Tuyên Quang. Chị Nguyễn Thị Vui nghẹn ngào: “Có ông chú trên đường chạy Tàu, báo tin anh Ninh hy sinh. Cha tôi đã không ngại nguy hiểm, bám lại trận địa, chôn con rể tại xã Bản Vược, huyện Bát Sát!”.

Nỗi đau mất con khiến mẹ Nguyễn Thị Kỷ ngất đi nhiều lần… Nỗi đau mất chồng khiến chị Nguyễn Thị Vui như nàng Tô Thị hóa đá… Nhưng cả mẹ Nguyễn Thị Kỷ và nàng dâu Nguyễn Thị Vui đều không thể hóa đá…

Tiếng khóc của hai đứa trẻ khiến mẹ chồng và nàng dâu giật mình bừng tỉnh. Họ hiểu còn có thứ cần phải vượt lên nỗi đau là cái đói. Họ phải chiến thắng cái đói để cứu những đứa trẻ. Họ phải thắng cái đói vì tương lai những đứa trẻ. Và đúng như chị Nguyễn Thị Vui nói: “Hoàn cảnh đã gắn tôi vào cuộc đời mẹ”…

Hai đứa trẻ buộc hai người phụ nữ phải mạnh mẽ để tồn tại. Họ lau nước mắt, chặt cây cối, dựng nhà… Người vợ liệt sĩ dốc sức cày cuốc, khai hoang, trồng lúa nuôi con. Ở Vụ Bản, nước lụt tràn lên Lào Cai, cái ăn thật quá khó khăn. Vốn là một phụ nữ năng động, chịu thương, chịu khó; mẹ Nguyễn Thị Kỷ không đành lòng nhìn cảnh hai cháu nội chỉ ăn cơm độn sắn. Mẹ tìm đường sang Tuyên Quang, với hy vọng ở đây đất còn trống, sẽ dễ kiếm sống hơn…

Quả như suy đoán của mẹ Nguyễn Thị Kỷ, ở Tuyên Quang lúc ấy đất hoang còn nhiều. Được nhiều người động viên, mẹ thuyết phục chị Vui đưa gia đình về vùng đất mới. Hai người phụ nữ cắm đất, cất tạm ngôi nhà để ở, trên quả đồi đầy đá sỏi. Sự siêng năng, cần mẫn của mẹ chồng nàng dâu đã được đền bù. Có được 6 sào ruộng, hai mẹ con cày cuốc, cấy lúa. Bà con mỗi người góp một tay, giúp mẹ con chị dựng nên gian nhà tranh. Từ mồ hôi nước mắt của hai người phụ nữ góa bụa, những hạt vàng vụ mùa no ấm chảy về ngôi nhà họ.

Năm 1981, chị Vui đưa hai con trai về ngã ba Cát Lem, chuyển mộ chồng về nghĩa trang ở Bản Qua, Bản Vượt, Lào Cai. Người chết mồ yên mả đẹp nhưng cuộc sống người phụ nữ góa bụa thật không dễ dàng.

Người phụ nữ trẻ góa chồng không dễ sống yên thân giữa những cám dỗ. Nhưng tình yêu thương con vô bờ bến giúp chị ở lại với mẹ chồng, cùng nuôi dạy hai đứa con nên người. Người mẹ trẻ ấy trải qua muôn vàn đắng cay, cơ cực. Nhà chị bị kẻ xấu đốt nhiều lần. Chị kiên trì dựng lại đẹp hơn. Nhiều người đàn ông theo đuổi chị Vui. Nhưng chị để ngoài tai những lời tán tỉnh, kiên tâm ở vậy nuôi con.

Chị Nguyễn Thị Vui – vợ liệt sĩ Vũ Đức Ninh hy sinh ngày 17-2-1979 ở Lào Cai.

Chị bộc bạch: “Hoàn cảnh đưa đẩy buộc chân tôi ở lại với bà. Nếu hồi đó tôi gửi con cho bà, đi bước nữa, chẳng ai làm gì tôi. Nhưng tôi không làm vậy vì thương bà, thương con!”.

Cuộc sống nơi đô thị hiện đại ngày nay đâu mấy ai còn nhớ những công đoạn làm ruộng bằng sức người ngày trước. Chị đã từng một mình gặt lúa, gánh từng bó lúa trĩu hạt về nhà, kê tấm ván đập đến khuya…

Chị làm việc quần quật để quên đau buồn, quên những năm tháng góa bụa, quên tuổi xuân vẫn cháy hừng hực trong người phụ nữ được trời phú cho một sức sống tràn đầy. Chị chuyển hóa nỗi khao khát của mình vào khát vọng tương lai của hai đứa con trai. Mẹ chồng chị rất hiểu, rất thương con dâu như chính thương quãng đời góa bụa của mình. Mẹ ở nhà trông cháu cho con dâu rảnh chân tay ra đồng, gánh vác việc nặng nhọc…

Năm tháng trôi đi, mẹ Nguyễn Thị Kỷ đã bước sang những ngày xế bóng tuổi già. Chị Nguyễn Thị  Vui cũng không còn trẻ nữa. Hai người phụ nữ một già, một trẻ đều có chung hoàn cảnh mất đi người thân yêu, đã gắn cuộc đời với nhau, yêu thương nhau hơn ruột thịt. Hơn ai hết, mẹ Nguyễn Thị Kỷ hiểu được sự hy sinh, nén lòng chịu đựng cảnh góa bụa của con dâu. Mẹ góa chồng cũng mới ngoài 30. Hoàn cảnh đã khiến hai người phụ nữ góa bụa buộc cuộc đời với nhau, nương tựa nhau, vì tương lai những đứa trẻ.

Khi hỏi về những người con hy sinh, mẹ nói rất giản dị: “Đến tuổi, mẹ phải cho con đi”. Mẹ không nguôi nhớ đứa con trai đầu lòng, pha lẫn nỗi tiếc nuối: “Thằng Hồng là bộ đội đặc công. Khi nó đi bộ đội, tôi không ngăn mà chỉ buộc nó “lấy vợ rồi hãy đi”. Nó dỗi: “Mẹ đừng lo con muộn vợ!”. Tôi gợi ý nó đi xem mặt những cô gái đẹp trong làng. Nó gạt đi: “Làm trai quyết chí thu thân, không cần lấy vợ vội”.

Tôi biết nó từ chối khéo, cho mẹ yên tâm. Kỳ thật, nó không muốn người ta vì nó mà lỡ làng cả cuộc đời. “Nó nói vậy nhưng tôi biết bụng nó, đàn ông con trai đứa nào mà không muốn lấy vợ”. Nó dự định khi nào hết giặc, nước yên, nó quay về cưới vợ, đâu ngờ…”.

Anh Vũ Đức Hồng hy sinh năm 1970, do trúng pháo địch. Mãi đến năm 1974, mẹ mới nhận được giấy báo tử. Con hy sinh, mẹ lặng người, không khóc được thành tiếng. Mẹ nhớ mới hôm nào tiễn anh Hồng đi. Xe đơn vị đến đón anh. Phút chia tay, anh nhìn mẹ, mắt đỏ hoe.

Anh dặn em trai Vũ Đức Ninh bằng cái tên thân mật: “Bi ở nhà thay anh lo cho mẹ”. Trong vẻ cố tỏ ra bình thản của mẹ ẩn giấu nỗi đau đớn tột cùng, khôn nguôi trong lòng mẹ. Cả anh Vũ Đức Hồng và Vũ Đức Ninh đều ra đi khi tuổi còn rất trẻ. Xương thịt các con mẹ đã tan vào lòng đất. Chỉ có anh Vũ Đức Ninh, mẹ còn giữ được bức ảnh chân dung, đưa được hài cốt anh về yên nghỉ ở nghĩa trang quê nhà. Còn anh Vũ Đức Hồng vĩnh viễn nằm lại ở “mặt trận phía Nam”. Mẹ nói mẹ rất mong đưa hài cốt anh về quê nhưng biết anh nằm ở đâu mà tìm…

Trầm ngâm một lúc, mẹ lại nói: “Dù mất con nhưng mẹ được an ủi, thấy mình đỡ khổ hơn nhiều bà mẹ khác, bởi còn có hai cháu ngoan thành đạt…”. Tôi hỏi mẹ: “Con trai mẹ đi vào Nam chiến đấu rất xa xôi, mẹ có sẵn lòng…”. Mẹ bật thốt lên: “Cả nước người ta đi, làm sao mẹ giữ con lại. Cả nước cùng đi mới chống được giặc!”.

Chị Nguyễn Thị Vui rất trân trọng, yêu thương khi nói về mẹ chồng: “Bà luôn động viên con cháu học hành, siêng năng làm ăn. Bà rất thương con, cháu. “Bà quá tốt, tôi không nỡ đi bước nữa…”.

Em Vũ Đức Cường hết lòng yên kính bà nội: “Bà như mẹ, bởi bà nuôi nấng chúng tôi từ nhỏ. Chúng tôi gọi bà xưng con. Bà thường nói bà mất hai con trai, bù lại bà có hai đứa cháu. Bà hay nói với chúng tôi, bác mày hy sinh chống Mỹ, bố mày hy sinh chống Tàu. Hai con ráng sống cho xứng đáng”.

Bà kể bác Hồng tôi là một người hiền lành, chu đáo, dân làng ai cũng thương. Chúng tôi có những kỷ niệm thời thơ ấu không quên, những năm tháng theo bà đi giáp ba tỉnh, tìm cái ăn, vượt qua bao nỗi khổ. Chúng tôi rất hạnh phúc khi có một người mẹ không đi bước nữa, ở vậy nuôi con… Chúng tôi có mất mát khi bác và bố hy sinh nhưng có sự ấm áp tình thương, lời ru của bà.

Khi mẹ tôi có người theo đuổi, bà khuyên: “Các con mẹ mất rồi, con ráng làm nuôi con cho đến lúc chúng trưởng thành. Mẹ con mình có rau ăn rau có cháo ăn cháo. Nhưng con quyết chí đi bước nữa thì mẹ cũng không giữ…”.

Bà tỏ ra cứng rắn nhưng tôi biết bà tìm chỗ kín mà khóc, để chúng tôi không chạnh lòng. Thương bà, tôi đã từng đi đến Quảng Trị tìm mộ bác Vũ Đức Hồng nhưng không gặp…”.

“Có khóc thì con cũng chẳng về với bà nữa. Còn  nhiều người khác, con người khác hy sinh như mình…”. Những câu nói giản dị của bà mẹ Tuyên Quang theo suốt chúng tôi trên đường về phương Nam.

Trầm Hương
.
.