Hệ lụy mang tên Edward Snowden

Thứ Hai, 16/09/2013, 14:55
Ngày 3/9 tại khu dinh thự Novo - Ogarevo ở ngoại ô Moskva, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình Nga Pervyi Kanal và Hãng tin Mỹ AP mới tiết lộ thêm những điều thú vị liên quan tới Snowden… Theo lời ông, Snowden đã liên lạc với tình báo Nga ở Hồng Công từ vài ngày trước khi lên máy bay để tới Moskva. Trong lúc thỏa thuận về việc cho anh tị nạn ở Nga chưa đạt được thì anh đã tự ý bay tới nước này.

Thế là đã hơn một tháng kể từ ngày 1/8, thời điểm mà cựu nhân viên kỹ thuật hợp đồng của Cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ (SNA) và là cựu nhân viên chính thức của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden, người đã làm rò rỉ những bí mật hàng đầu của Chính phủ Mỹ và Anh cho giới báo chí về những chương trình theo dõi người dân, được chính quyền Nga chấp nhận cho tị nạn ở đất nước này. Kể từ thời điểm đó, do Snowden hầu như không tiếp xúc với các phương tiện truyền thông nên xã hội biết rất ít chi tiết về cuộc sống của anh trên lãnh thổ Nga cũng như những động cơ đã thúc giục anh hành động theo kiểu mà Washington gọi là “phản bội tổ quốc”. Mãi tới gần đây, ngày 3/9 tại khu dinh thự Novo - Ogarevo ở ngoại ô Moskva, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình Nga Pervyi Kanal và Hãng tin Mỹ AP mới tiết lộ thêm những điều thú vị liên quan tới Snowden… Theo lời ông, Snowden đã liên lạc với tình báo Nga ở Hồng Công từ vài ngày trước khi lên máy bay để tới Moskva. Trong lúc thỏa thuận về việc cho anh tị nạn ở Nga chưa đạt được thì anh đã tự ý bay tới nước này.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây nhất cho kênh truyền hình Nga Pervyi và Hãng tin Mỹ AP, ông Putin kể: “Ngài Snowden xuất hiện ở Hồng Công, gặp gỡ với các đại diện ngoại giao của chúng tôi. Người ta báo cáo với tôi rằng có một nhân viên như vậy, một nhân viên an ninh. Tôi hỏi họ: “Thế anh ta muốn gì?”. Họ đáp: “Anh ta đấu tranh cho nhân quyền, đấu tranh cho sự tự do phổ biến thông tin, đấu tranh chống lại những vi phạm trong lĩnh vực này và chống lại những vi phạm pháp luật ở trong chính nước Mỹ và chống lại những vi phạm các tiêu chí luật pháp quốc tế...”. Tôi bảo: “Thế cũng không sao, nếu anh ta muốn ở lại nước Nga thì cứ việc ở, nhưng chỉ trong trường hợp anh ta phải ngừng mọi hoạt động có thể gây tổn hại tới quan hệ Nga-Mỹ. Chúng ta không phải là tổ chức phi chính phủ, chúng ta có những lợi ích quốc gia...”. Người ta đã truyền đạt lại với Snowden những ý này. Và anh ta đáp: “Không, tôi là người đấu tranh cho nhân quyền. Tôi muốn kêu gọi các ông cùng đấu tranh với tôi...”. Tôi liền nói: “Không, chúng ta sẽ không cùng đấu tranh với anh ta, cứ để mặc anh ta tự đấu tranh...”. Và anh ta bỏ đi...”.

Tống thống Putin kể tiếp:

“Thế rồi anh ta lên máy bay để tới châu Mỹ Latinh. Người ta báo với tôi về chuyện Snowden bay đến chỉ hai giờ trước khi máy bay hạ cánh. Chuyện gì đã xảy ra tiếp theo? Thông tin đã bị rò rỉ. Tôi nghĩ, đại diện cơ quan an ninh tình báo Mỹ, hãy để cho họ đừng giận tôi nhưng lẽ ra họ đã có thể hành động một cách chuyên nghiệp hơn. Và cả các nhà ngoại giao cũng thế. Sau khi hay tin anh ta bay và quá cảnh ở nước Nga, họ đã gây sức ép tới tất cả các quốc gia mà anh ta có thể bay qua, gây sức ép tới các nước châu Mỹ Latinh, các nước châu Âu. Thay vì cứ để anh ta bay vào một quốc gia nào đó có cơ chế chiến thuật nhẹ nhàng hơn, hoặc là có thể bắt anh ta trên đường bay, việc mà họ đã làm để buộc máy bay của một vị Tổng thống một nước châu Mỹ Latinh phải hạ cánh, điều mà theo tôi là không thể chấp nhận được. Đó là việc không xứng đáng đối với cả nước Mỹ cũng như các đối tác châu Âu của họ. Lẽ ra họ nên làm như thế trong trường hợp của Snowden. Có gì cản trở đâu nào! Nhưng không, họ đã đe doạ tất cả, thành ra anh ta mặc nhiên bị kẹt lại ở Nga. Chúng tôi còn biết phải làm gì khác nữa? Trao trả anh ta cho nước Mỹ? Vậy thì trước tiên nước Mỹ hãy ký hiệp định về dẫn độ với chúng tôi đi. Nước Mỹ không muốn làm việc này? Thì cũng không sao. Hãy dẫn độ cho chúng tôi những kẻ cướp của chúng tôi! Không muốn dẫn độ thì cũng không sao. Tại sao nước Mỹ lại chỉ muốn chúng tôi phải dẫn độ một chiều! Sao mà lại ông kễnh vậy. Cần phải tôn trọng lợi ích của nhau, cần cùng làm việc và tìm kiếm những giải pháp chuyên nghiệp…”.

Ông Putin lý giải về việc Moskva cho phép Snowden tị nạn ở nước mình:

“Chính vì thế chúng tôi không bảo vệ Snowden, chúng tôi bảo vệ những chuẩn mực nhất định trong các mối quan hệ quốc gia. Tôi rất hy vọng là trong tương lai chúng tôi sẽ cùng Hoa Kỳ đạt được những thoả thuận thích ứng và sẽ cùng củng cố những thoả thuận này bằng văn bản mang tính pháp lý và bắt buộc. Snowden không hứa cung cấp cho chúng tôi tài liệu gì cả, chúng tôi đã không nhận được gì từ phía anh ta, chúng tôi thậm chí còn không có ham muốn ấy. Chúng tôi xuất phát từ quan điểm, chẳng gì chúng tôi cũng là dân chuyên nghiệp, tất cả những gì anh ta có thể nói thì các đồng nghiệp Mỹ của chúng tôi cũng đã lường hết được, họ đã liệu trước được mọi nguy cơ có thể nảy sinh đối với mình trong câu chuyện và đã thay đổi tất cả, tiêu huỷ tất cả. Vậy anh ta còn ích lợi gì cho chúng tôi... chúng tôi thực ra hoàn toàn không muốn dính vào việc này...”.

Tổng thống Putin cũng nói rằng ông không hiểu hết cách nghĩ của Snowden và gọi cựu nhân viên tình báo Mỹ này là “chàng trai kỳ lạ”: “Anh ta là một người rất khác, có thể đánh giá anh ta theo bất kỳ cách nào. Tôi hiểu rằng các cơ quan an ninh tình báo Mỹ cảm thấy có lợi hơn nếu coi anh ta như một kẻ phản bội, nhưng anh ta là con người với tư duy hoàn toàn khác. Anh ta cảm thấy mình là một người chiến sĩ đấu tranh vì nhân quyền. Có thể không công nhận anh ta là như thế, đó là việc của những ai đưa ra những đánh giá, nhưng anh ta tự coi mình là như thế và hành xử với chúng tôi từ chính vị thế đó. Chúng tôi hoàn toàn không cần rủ rê anh ta hợp tác, không cần buộc anh ta phải cung cấp thông tin gì. Anh ta cũng chẳng cố cung cấp cho chúng tôi cái gì và chúng tôi cũng không cần bắt anh ta phải cho biết thêm điều gì...”.

Trước câu hỏi: “Có lẽ là Snowden có thể sống ở Nga đến già?”, Tổng thống Putin nói:

“Tôi đôi khi cũng nghĩ về anh ta, anh ta là một chàng trai kỳ lạ. Một thanh niên trẻ, mới hơn 30 tuổi . Tôi không hình dung được anh ấy đang nghĩ gì? Anh ấy định sẽ xây dựng tương lai của mình ra sao? Về nguyên tắc mà nói thì anh ấy đã tự làm cho mình phải sống một cuộc sống rất phức tạp. Tôi cũng không hình dung được là anh ấy sẽ định làm gì sau này? Nhưng cũng cần phải thấy rằng, chúng tôi sẽ không cho dẫn độ anh ta, anh ta có thể cảm thấy được an toàn ở đây... Đó là số phận của anh ấy. Anh ấy tự chọn nó và tự làm mọi việc. Anh ấy cho rằng như thế là tốt đẹp và vì thế, cần phải những hy sinh như thế... Đó là sự lựa chọn của anh ấy...”.

Theo lời ông  Anatoly Kucherena, luật sư riêng người Nga của anh, tiết lộ với phóng viên báo Nga Komsomolskaya Pravda, trong suốt khoảng thời gian qua, “chàng Don Kihote” nửa đường rẽ lối của tình báo Mỹ đã được lang thang trên đất Nga, học tiếng thổ địa và suy nghĩ trước nhiều lời mời cộng tác. Snowden hoàn toàn lảng tránh các nhà báo nên thông tin về anh rất ít. Ngày 2/9, luật sư Kucherena cho biết: “Snowden đã dần dà thích ứng được với hoàn cảnh mới. Anh không cần tới sự hỗ trợ của bất cứ một chuyên gia tâm lý học nào. Thứ mà anh cần là được sống trong những điều kiện bình thường nhất. Anh đã đi nhiều nơi, quan tâm đến nhiều việc, đặc biệt là các tin tức quốc tế. Anh là người thích du lịch, tham quan, tìm hiểu thế giới và làm quen với mọi người.  Anh hiểu mối nguy hiểm nghiêm trọng đang tồn tại hiện nay. Những điều kiện mà anh đang ở đáp ứng đủ các yêu cầu sinh hoạt và khả năng bảo vệ đối với anh…”. Cũng theo lời luật sư, Snowden cảm thấy công phẫn trước việc chính quyền Anh và Mỹ bắt ép báo The Guardian phải tiêu hủy những tài liệu về việc nghe lén do anh cung cấp. Khi chúng ta nói tới chuyện nhân quyền thì cách hành xử như thế từ phía London và Washington cho thấy giới cầm quyền ở những nước này coi cái gọi là lợi ích an ninh quốc gia  cao hơn những quyền chính đáng của con người. Snowden nói: “Điều đó hoàn toàn không trung thực và không đúng”.

Ở thời điểm hiện nay, Snowden đã nhận được khá nhiều lời mời cộng tác nhưng anh vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Luật sư cũng cho biết Snowden hiện hầu như đã nhẵn túi. Những quỹ quyên góp tiền ủng hộ cho anh ta chưa liên lạc được với “khổ chủ” nên cũng chưa chuyển được tiền cho cựu điệp viên Mỹ…

Theo tiết lộ của Snowden, được tờ The Washington công bố, năm nay, CIA đã nhận được ngân sách lớn nhất trong số 16 cơ quan an ninh tình báo của Mỹ:  14, 7 tỉ USD. Đứng thứ hai là Cơ quan An ninh nội địa: 10,8 tỉ USD. Đứng cuối cùng trong bộ ba hàng đầu này về ngân sách là Cơ quan Tình báo quốc gia về hàng không vũ trụ: 19,3 tỉ USD. Xác định số tiền mà 13 cơ quan an ninh tình báo của Mỹ được cấp trong năm nay không khó, nếu biết tổng số tiền cấp cho công tác an ninh tình báo ở Mỹ trong năm nay là 52,6 tỉ USD. Ngân sách này đảm bảo công ăn việc làm cho 107 nghìn nhân sự trong bộ máy. Chi phí dành riêng cho CIA trong một thập niên qua (kể từ năm 2004) đã tăng hơn 50%. Cũng phải nói rằng, chỉ riêng chi phí cho các hoạt động tình báo của nước Mỹ cũng đã lớn hơn toàn bộ chi phí quốc phòng của đại đa số các nước trên thế giới, thí dụ như Italia (34 tỉ USD) hay Cộng hòa liên bang Đức (45 tỉ USD)...

Về phương hướng hoạt động thì có thể thấy rằng, càng ngày các cơ quan anh ninh tình báo của Mỹ càng gia tăng vai trò của những chiến dịch liên quan tới công cụ giao tiếp. Đó không chỉ là việc nghe lén mà còn cả những tác động chủ động. Theo những tài liệu đã được công bố, trong những năm gần đây, Mỹ đã chuẩn bị tới 652 triệu USD để tiến hành các chiến dịch đột nhập vào các mạng Internet của nước ngoài để thu thập thông tin cho các cơ quan an ninh tình báo, áp dụng các phương tiện bí mật theo dõi mạng và thậm chí tung cả các chương trình hay virus độc hại vào các máy tính...

Chỉ tính riêng trong năm 2011, Mỹ đã tiến hành tới 231 cuộc tấn công mạng chống lại Nga, Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và nhiều quốc gia khác nữa…

Khánh Trường
.
.