Hai trái tim vàng ở một góc thành Huế

Thứ Ba, 10/08/2010, 14:57

Thấy tôi bước vào nhà, anh chị chủ  đang sóng đôi bên nhau trên hai chiếc ghế "xích đu" đặt ngang cửa hóng gió, mới vội vàng ngồi dậy, xếp ghế đón khách. "Người ta đang tình tứ như thế, mình thật vô duyên…". Nếu như có quan hệ thân tình với gia chủ thêm chút nữa, có lẽ tôi đã trêu như thế.

Nhưng tôi chỉ gặp anh ở vài cuộc họp hội thơ Đường "Hương Giang" và đôi lần trong ngày giỗ nhà thơ Thanh Hải. Các "Hội Thơ truyền thống" ở các phường xã, các huyện là sân chơi riêng của "các cụ"; tôi lại chưa hề làm bài thơ Đường nào, khi đến dự với các cụ chẳng qua cho có "sự hiện diện" của giới văn nghệ chuyên nghiệp vậy thôi.

Trong các ngày giỗ nhà thơ Thanh Hải, về vai vế tuổi tác thì anh là bậc trên, nhưng kỷ niệm một nhà thơ nổi tiếng như Thanh Hải thì người ta vẫn thường chú ý đến đại diện của cơ quan này khác, của các văn nghệ sĩ tên tuổi, "người nhà" thì đã có chị Thanh Tâm "đại diện"; thế là anh - vị nhạc phụ kính mến của nhà thơ, thường chỉ khiêm tốn yên vị một nơi, nên rất ít người biết.

Tôi thì chưa một lần trò chuyện với anh. Với chị thì gần như là… xa lạ. Chưa biết tên, chưa kịp nhìn rõ mặt và chưa nghe chị nói một câu nào, tuy trong ngày giỗ nhà thơ Thanh Hải năm ngoái, anh chị đều đến dự. Vậy nên tôi không dám buông lời trêu chọc, chỉ thầm nghĩ cho vui vậy.

Cũng vì tâm trí đang nghĩ đến mối duyên tơ gắn kết hai nhân vật rất đặc biệt này, chứ hình như anh chị đang nằm chờ xem phim gì đó trên tivi thì phải. Mà tình tứ gì nữa, anh chị vừa tổ chức mừng đại thượng thọ: anh lên lão chín mươi, chị chẵn bát tuần!

Cho dù vậy, cảnh anh chị sóng đôi bên nhau gợi một niềm vui, một nguồn tươi trẻ. Khi tình cờ được biết cuộc đời của anh chị qua cuốn hồi ký "Sóng khát vọng" (NXB Thuận Hoá, 2010) mà chị Thanh Tâm vừa đưa cho, tôi còn niềm vui thú như chợt phát hiện "mỏ vàng" ngay dưới chân mình.

Phải! "Đôi bạn vàng" này tôi từng biết qua, nhưng rồi đã bỏ qua như với vô vàn con người bình thường mà chúng ta gặp trên đường đời; vậy mà cả anh và chị đều có một cuộc đời thật là kỳ diệu. Tôi gọi anh chị, chẳng qua vì tôi cũng đã qua tuổi "cổ lai hi"!

Ông Nguyễn Xuân Tốn và bà Nguyễn Thị Hiệp.

Đường đột phá vỡ không khí yên tĩnh của anh chị, tôi nhỏ giọng vẻ biết lỗi:

- Hôm qua gọi điện, nhưng chưa dám hẹn. Chiều nay có việc về An Cựu… Không ngờ chỗ anh chị cũng gần… 

- Mời anh vào… - Anh Nguyễn Xuân Tốn vừa bước vào phía trong lấy áo khoác ngoài, vừa vồn vã nói.

Lát sau, bên ấm trà vừa được pha, lần đầu, tôi được hầu chuyện với anh chị. Anh Tốn ngồi đối diện với tôi, lưng thẳng băng, vầng trán đỏ ong, thân hình cao to hầu như không suy suyển gì bất chấp những gian nan cùng cực trong những năm hoạt động cách mạng, nhất là trong 18 năm bị hành hạ nơi "địa ngục trần gian" Côn Đảo. Còn chị, hình như ngại ngùng ngồi sóng đôi bên anh, khẽ khàng ngồi xuống cạnh tôi, rót nước mời. Nghe giọng nói thanh trong, trẻ trung của chị, tôi thoáng giật mình, khẽ hỏi:

- Thế ra hôm qua, chị là người nghe điện thoại?

- Vâng…

- Chết thật! Thế mà tôi tưởng cháu nào trong nhà. Xin lỗi chị…

- Nhà chỉ có hai ông bà già…

Chị hơi cúi đầu, cười nhẹ và nể lời tôi, chuyển sang ngồi cạnh anh Tốn khi tôi xin được chụp một tấm ảnh kỷ niệm. Vừa khéo, tấm ảnh có phông là bức trướng và thư pháp bạn hữu vừa mừng anh chị thượng thọ.

- Đẹp đôi quá! Hồi trẻ, hẳn là chị cũng duyên dáng lắm đó!

Tôi ngắm nhìn, chọn khuôn hình và buột thành lời trêu đôi bạn già. Anh Tốn cười, mặt càng ửng đỏ, chị cũng cười khẽ; quả là miệng bà lão tám mươi mà vẫn còn duyên!

Cũng lạ, tôi tìm đến nhà anh chị vì cảm phục và cũng muốn chia sẻ những hy sinh mất mát to lớn của hai con người trong cuộc chiến đấu vì Độc lập và Tự do của Tổ quốc, nhưng sau ít phút gặp gỡ, cái cảm giác đau thương mất mát đã nhường chỗ cho niềm vui, khiến tôi cứ muốn trêu đôi bạn già. Phải! Chiến tranh đã qua hơn 35 năm, những vết thương không còn sắc cạnh khiến lòng ta buốt xót nữa.

Vả lại, trên một dải đất từng biết sống kiên cường và không bao giờ thất vọng như bài ca về con gà mua ở chợ Diên, đẻ 10 trứng, cho dù 7 trứng ung, "còn 3 trứng nở ra 3 con" thì "Con diều tha/ Con quạ bắt/ Con mặt cắt xơi" nhưng vẫn hy vọng "Còn da lông mọc, còn chồi nẩy cây"…, con người không bao giờ chịu gục ngã vì đau thương. Những gì còn lại hôm nay, trước mắt đã cho tôi niềm vui đó. Tôi bỗng nhớ một bài ký của nhà văn Sơn Tùng viết về lớp người tinh hoa của dân tộc đã mất, nhưng lại lấy nhan đề là CÒN. Vấn đề được-thua, "mất-còn" là chuyện muôn thuở của nhân loại, nhưng cái CÒN chứng tỏ bản lĩnh, sức mạnh và bản sắc của một dân tộc.

Thì đó, như "đôi bạn già", hai con người rất đỗi bình thường ở một góc khuất của thành Huế đang ngồi trước mặt tôi, sau bao nhiêu là trần ai quá sức chịu đựng của con người, tám-chín mươi tuổi vẫn còn sức sống, còn yêu đời. Tôi không sợ quá lời mà nói rằng: đó là một sự kỳ diệu của con người Việt Nam!   

Anh Nguyễn Xuân Tốn tham gia hoạt động từ trước Cách mạng Tháng Tám, có mặt trong đội ngũ hàng ngàn người dân huyện Phong Điền kéo vào Huế dự cuộc mít tinh lịch sử trước Ngọ Môn ngày 23/8/1945, rồi được cử làm Chủ nhiệm Việt Minh, Bí thư Đảng bộ xã Phong Nguyên, một địa phương đã có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ và tiếp vận cho chiến khu Hoà Mỹ của tỉnh Thừa Thiên.

Suốt những năm chống Pháp và chống Mỹ, anh bám trụ ở những vùng hậu địch bị kềm kẹp gắt gao, liên tục giữ chức Bí thư từ huyện Hương Trà, đến Phú Vang xây dựng cơ sở cách mạng trong tình thế hết sức ngặt nghèo.--PageBreak--

Trong hồi ký của mình, khi nhắc lại giai đoạn Mỹ-Diệm lê máy chém mở chiến dịch "tố Cộng" 1956, anh viết: "Đảng bộ Phú Vang tính đến tháng 8/1955 là 357 đồng chí, nay chỉ còn 10 đồng chí tại chỗ… Hàng trăm đồng chí bị bắt vào nhà tù Mỹ-Diệm nhưng vẫn chiến đấu ngoan cường… như đồng chí Hồ Đắc Đàng, Nguyễn Văn Thể, dứt khoat không chấp nhận ly khai Đảng, nên địch bó sáo thả trôi sông, dân thương tiếc, làm lễ chôn cất tử tế…".

Bản thân anh, nhiều lần bị địch truy bắt, cận kề bên cái chết, nhưng đã được những người dân, trước hết là những bà mẹ nông dân cứu sống. Có lần không thể về kịp hầm bí mật vì địch phục kích, anh phải nằm ngửa cả ngày giữa ruộng lúa, chỉ chừa mặt mũi để thở, trời nắng nóng, đỉa đeo hút máu quanh mình tròn vo như trái sim chín, đến ngất lịm đi.

Nhiều lần, nhờ các mẹ mưu trí đánh lạc hướng địch mà anh trốn thoát… Nhưng đến tháng 9/1956, anh đã sa vào tay giặc do bị một tên chiêu hồi chỉ điểm. Từ đó, anh đã trải hầu hết những cực hình tra tấn trên địa ngục chuồng cọp Côn Đảo mà nhiều sách báo đã miêu tả, nhiều lần chết đi sống lại, có đợt tuyệt thực phản đối sự đàn áp dã man của địch kéo dài đến 19 ngày…

Vậy mà anh đã sống sót và được trở về quê hương sau khi Côn Đảo được giải phóng ngày 30/4/1975. Sau hơn một tháng được bồi dưỡng, thuốc men tại Nam Ô (Đà Nẵng), giữa tháng 6/1975, anh mới về đến Huế. Cha con xa cách quá lâu, cả ba cô con gái đều không nhận ra anh, mặc dù anh là trưởng đoàn, cầm cờ đi đầu.

Thật may là nhà thơ Thanh Hải, chàng rể út cùng đi với cô gái út Thanh Tâm đã nhận ra anh, do có lần đã gặp anh trong vùng địch hậu thời chống Pháp. Cái thân hình cao to của anh khó lẫn với người khác, hơn nữa cuộc đời anh chính là nguyên mẫu những nhân vật trong tập thơ "Những đồng chí trung kiên" của nhà thơ.

Bố con ôm chầm lấy nhau, tiếng cười lẫn tiếng khóc. Vài ngày sau, anh mới biết cả bố, mẹ và vợ mình, do luôn bị địch bắt tra khảo, đánh đập, đều đã lâm bệnh nặng qua đời. Nỗi đau quá lớn đã khiến anh ngất xỉu đi trong ngày vui!...

35 năm đã qua từ ngày ấy. Người bạn già ngồi sóng đôi bên anh hôm nay có thể nói là sự bù đắp của cuộc đời cho số phận của cả hai người và như có bàn tay nào sắp đặt vậy. Khi anh từ Côn Đảo trở về, chị cũng đang là một số phận cô đơn, lại là bạn cùng cơ quan với cô con gái đầu của anh (Nguyễn Thị Hải) từ hồi còn ở Ban Kinh tế Khu uỷ Trị Thiên trên rừng. Nhờ đó mà trong hồi ký của anh có một chương rất vui: "Tuổi 55 cưới vợ".

Đó là thời gian sau khi anh ra Hà Nội thăm Lăng Bác Hồ trở về. Anh viết: "Từ Hà Nội vào Huế đến thăm con tôi là Nguyễn Thị Hải tại Nhà khách Lê Lợi, con tôi đi vắng, bà mời tôi vào phòng niềm nở tâm tình. Hai người ăn bánh, uống nước trà. Trời càng khuya, câu chuyện cứ nối dài theo ngày tháng xa cách, mấy chậu hoa ngoài sân toả hương bay vào phòng thơm ngát. Hai người nhìn nhau cười. Tự đáy lòng tôi nói: "Chúng mình chung cảnh ngộ, cùng nhau xây dựng gia đình, bà đồng ý không?". Bà Hiệp không nói bằng lời, nắm nhẹ tay tôi, nở nụ cười chân thật. Mối tình già của vợ chồng tôi đến với nhau là thế đấy".

Hình như cuộc gặp cũng không hẳn là duyên kỳ ngộ. Chính chị Hải cũng muốn se duyên cho hai người. Chị biết, sau những năm tù đày và mất mát như thế, nhất là lúc vết thương tái phát, đau ốm, bố cần một nơi nương tựa. Cả chị Hiệp cũng thế. Chồng chị, anh Nguyễn Văn Tiếp, chiến sĩ đại đội vũ trang huyện Phong Điền đã hy sinh từ năm 1953, khi chị vừa mang thai được 6 tháng.

Giữa cuộc chiến đấu gian khổ, chị vừa công tác Hội Phụ nữ, vừa nuôi dạy con khôn lớn, không tưởng chi đến việc đi bước nữa, nghĩ rằng đã có chỗ nương tựa là cậu con trai Nguyễn Văn Tiến. Chị không ngờ, vào lúc Tiến vừa qua tuổi 15, cậu đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ liên lạc cho xã đội Phong Chương.

Đó là ngày mồng 1 Tết Mậu Thân, Tiến dẫn hai cán bộ qua trảng cát, máy bay rọ gáo phát hiện, sà xuống, Tiến đã bắn đến viên đạn cuối cùng trước khi hy sinh. Mất con, có thời gian chị Hiệp gần như phát điên, hàng ngày lên trảng cát kêu "Tiến ơi! Con ơi", nên huyện rút chị làm cán bộ thoát ly để tránh bị địch bắt…

Gần 10 năm sau cái tang đau xót này chị mới gặp anh Xuân Tốn. Khi đó, chị chỉ là một nhân viên bình thường của một "Nhà khách", nhưng qua chị Hiệp, anh Xuân Tốn như đã được gặp lại hình ảnh những Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã nuôi nấng, cứu anh thoát chết nhiều lần trong vòng vây quân thù giàu súng đạn và không thiếu mưu mô. Quả nhiên là sau này, chị Hiệp đã được tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng".

Anh Tốn từng nói với chị Hiệp rằng "chúng mình chung cảnh ngộ"; thật ra thì anh chị còn cùng có "trái tim vàng" được thử thách qua lửa đạn, chung thuỷ với cách mạng và nhân dân… Chỉ có khác, anh xuất thân trong một gia đình có học, thân phụ đi thi Hương không đỗ, ở nhà làm thuốc bắc; bản thân anh cũng có học lực "primaire", biết chữ Hán và chữ Pháp và rất mê làm thơ.

Trong "chuồng cọp", những lúc cận kề cái chết là anh lại đọc thơ Tố Hữu cho bạn tù nghe; và anh lấy viên sỏi sáng tác thơ giữa nền xi măng nhà tù: "…Máu xương đổ giữa ngục tù Côn Đảo/ Vẫn xanh thơm trong trang sử, hồn quê".

Trước lúc chia tay đôi bạn vàng, anh Tốn kể chuyện hồi anh sang Đức điều dưỡng, nhiều bạn bè quốc tế gặp anh đều hỏi vì sao các anh có thể sống được trên chục năm giữa một địa ngục trần gian như chuồng cọp Côn Đảo, anh đã nói rằng nhờ ý chí của người cách mạng, nhờ tinh thần đoàn kết… và nhờ cả viên vitamin C mà một nhân viên nhà tù là nội tuyến mật của ta gài vào tiếp sức khi anh chỉ còn thoi thóp. Tôi thì muốn bổ sung là còn nhờ những vần thơ, nhờ lòng tin vào tương lai của dân tộc.

Với một tâm hồn như thế, lại được tình yêu sưởi ấm, con người có sức sống vượt qua tuổi tác và những quá khứ đau thương...

Nguyễn Khắc Phê
.
.