Giữa hai chiều thế giới

Thứ Bảy, 04/03/2017, 17:10
G8, danh từ quen thuộc mang tính quốc tế chỉ các nước có nền kinh tế và công nghiệp phát triển. Lại có một G8 của hội họa Việt Nam (VN), thành lập 2016.

Triển lãm (TL) đầu tiên của G8 vừa khai mạc 17h ngày 24-2-2017 (đến hết 2-3) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Một thế giới khác của các họa sĩ (HS) hai miền, mở ra cho công chúng nhiều không gian không chỉ bằng hình - màu. Thế giới hân hoan tình yêu, tươi non sự sống là quà tặng mùa xuân cho công chúng trong nước và du khách quốc tế thưởng lãm. 

Quà tặng trước hết là sự bất ngờ. Nhóm HS đồng cảm về quan điểm sống, tư duy nghệ thuật cùng liên kết để đồng hành sáng tạo. Con số 8 khởi đầu là số đẹp, hữu duyên, không cố định, bởi họ có thể tăng thành viên, song bước đầu 8 gương mặt cá tính này làm nên một "bát quái" chưa từng có của hội họa VN đương đại.

Họa sĩ Mai Hiên với cô mèo Susu bên hiên nhà - cũng là xưởng vẽ, gallery của chị. Ảnh: Trần Thùy Linh.

Tình cờ hay sự "sắp đặt" nào của thần nghệ thuật, vô hình trung, G8 gồm 4 người đàn ông, 4 người đàn bà, hiện chia đều sống ở hai thành phố lớn nhất của hai miền đất nước.

Đa dạng về phong cách, bút pháp, không hẹn trước mà đa số họ đã đưa họa phẩm bằng chất liệu acrylic; chọn thiên nhiên, hoa lá và phái đẹp làm đề tài chính, bộc lộ mỹ cảm và tâm thế sống, quan điểm nghệ thuật của mỗi nghệ sĩ: trung thực, rõ nét và cập nhật nhất, bởi 45 tranh trưng bày đều là sáng tác mới nhất - chân dung tâm hồn của họ hiện giờ. Tranh là tâm cảm của người ham sống, nỗ lực vì một thế giới tốt đẹp.

Hai chiều thế giới của họ không chỉ là hai chiều âm - dương của hai phái tính, định phận, đấy là chiều của thực tế và tưởng tượng, khách quan và kí ức, trong buồn - vui, cô đơn - hoan lạc, mênh mông - bé nhỏ, sự bao la và vi tế... ở thế giới bên ngoài và chính trong bản nguyên. Đối lập la liệt bên nhau không thể kiểm soát, nắm bắt hết, làm nên tính động trong tranh G8.

Nổi bật nhất là HS Bùi Mai Hiên (SN 1957), được xếp vào một trong các cây bút sơn mài có tiếng. Dị ứng sơn sau nhiều năm gắn bó, chuyển sang acrylic từ 4 năm nay. Hứng thú chất liệu mới, chị đang đi tới miền trong trẻo, mơ mộng. Ngỡ miền ấy đằng sau, phía tuổi trẻ - quãng đời đẹp nhất, thì kì lạ thay, chị "trẻ thơ" được bản thân ở tuổi 60. Trẻ và chất thơ tràn đầy trong tranh chị - lãng mạn, bay bổng, vượt khung. Bằng tranh khổ lớn, chị đưa Sapa về Hà Nội. 

Nhà riêng của chị tại 99 Nguyễn Thái Học, xưởng vẽ, gallery, nơi vẻ đẹp VN nói chung và Sapa nói riêng bừng rộ và khơi gợi đầy sức hút, tạo cảm hứng cho bạn bè, còn được nhân lên khi chị thuyết trình bằng tiếng Anh với các đoàn khách quốc tế, các tour du lịch tìm đến chị, và dạy cho các học trò lứa tuổi 10-18 mỗi tuần. 

Một năm nay, chị chuyên chú vẽ Sapa, hiện tượng chưa thấy ở nữ HS nào. Mai Hiên khiến người xem cùng mê theo chị, với Sapa trong khiết, bồng bềnh, thuần phác của Mai Hiên được bộc lộ qua các thời điểm của một ngày, của các mùa. Tranh lớn nhất của Mai Hiên, lớn nhất TL: Mùa xuân Sapa 1,6x3,6m (gồm 3 tấm), Cơn dông Sapa và Màu xanh Sapa (cùng 0,8x0,8m), Sapa nắng mật ong, Sapa những tia nắng đầu tiên (cùng 0,7x0,9m). 

Chủ nhân của "Thuyền mây" ở Lao Chải, homestay nhìn xuống thung lũng Mường Hoa đã bị Sapa quyến rũ. Mỗi năm, chị lên Sapa vài lần. Thường trực tại Sapa để cập nhật hình ảnh và cảm xúc chuyển tới chị gái mỗi ngày là HS Bùi Minh Đức, người từng TL nhóm và riêng, mở gallery tại phố cổ Hà Nội, giờ đã chọn Sapa làm nơi để sống, vẽ, quản lý "Thuyền mây". Đây là cuộc lựa chọn của phải lòng duyên mệnh. 

Ngày nào chị cũng say sưa vẽ. Ánh sáng và màu sắc tranh của Mai Hiên tươi sáng, gợi mở, lượng tranh của chị đủ làm một TL riêng về Sapa. Con trai chị - Đào Hoàng Linh (SN 1996) cũng nối nghiệp bố mẹ, đang học năm 3, Khoa Hội họa - Đại học Mỹ thuật VN.

Tự vượt qua chính mình ngoạn mục là HS Nguyễn Thị Lan Hương (SN 1961). Sinh ra tại 18 Hàng Gà, Hà Nội, năm 1972, gia đình chị lên sơ tán tại TP Thái Nguyên; không ngờ, thành phố bên sông Cầu thành nơi gắn bó suốt đời với gia đình chị. Học mỹ thuật tại trường Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, nơi HS Vi Kiến Minh - cánh chim đầu đàn của hội họa Việt Bắc sáng lập khoa và để lại ảnh hưởng, tấm gương cho các thế hệ dù không được thụ giảng trực tiếp. 

Nhóm họa sĩ G8.

Năm 2000, Lan Hương về Hà Nội học Đại học Mỹ thuật, sống và sáng tác ở Thủ đô, vẫn giữ hộ khẩu Thái Nguyên, nơi bố mẹ già đang ở, và chị từng làm hai TL cá nhân. 

Ở đất kinh kỳ, Lan Hương đã có 3 lần làm TL solo, đặc biệt là loạt tranh vẽ sen của chị từ năm 2014, gây ấn tượng mạnh với công chúng và đồng nghiệp. Chị đã vẽ series hoa hướng dương, hoa đào, phong cảnh,... 

Đến sen, độ chín về kĩ thuật và nghệ thuật của chị khiến người xem khó tính phải trầm trồ. 100 tranh sen của Lan Hương là một khẳng định về đẳng cấp nghề, không dễ so bì. Chị đang sống và vẽ tại căn nhà 4 gian, kiểu truyền thống, trên phố Trịnh Công Sơn. Con người ham đi, ham tìm hiểu ấy, lần này đưa ra 5 tranh bán trừu tượng, acrylic khổ vuông 1,5x1,5m, đều mang tên Những con đường bên trong, đánh số 1-5. Những con đường bên trong là ý nghĩ, suy tưởng, cảm nghiệm. 

"Khép mắt lại giữa ánh sáng mặt trời, sẽ thấy những con đường trải bằng mao mạch màu đỏ, dẫn ta tới các con phố thênh thang dạo chơi trong cơ thể". Chị đã có hàng chục TL nhóm, khu vực, còn là một nhà giáo tận tâm. 

Từ năm 2005 đến nay, HS Lan Hương là giảng viên Hình họa của Đại học Hòa Bình. Hai con của chị đều được đào tạo và hiện làm việc trong lĩnh vực mỹ thuật. Nguyễn Thành Sơn (SN 1987) lấy vợ người Canada, định cư Montréal từ 2012, có một con gái hơn 2 tuổi. Bé được bà nội Lan Hương truyền tình yêu với sen - một loài hoa được coi như quốc hoa của nước Việt, đặt thành tên chính thức, Stella Sen. Sơn đã làm nhiều dự án quốc tế và hiện sống bằng vẽ tranh gratiffi, như ngày đầu, nhờ loại hình này mà anh gặp người vợ của mình tại Hà Nội. 

Vẽ acrylic điêu luyện, sơn mài truyền thống, HS Lan Hương vẫn chọn việc thử nghiệm chất liệu thành nhiệm vụ, hứng thú. Thay vì dùng sơn ta, chị vẽ sơn điều (chế từ nhựa của cây điều cho hạt). Ưa thích sáng tác đa chất liệu, chị còn tìm ra sự tổng hợp, kết hợp giữa sơn ta trộn acrylic, dùng sơn điều trên toile.

Rất sung sức, nhạy bén, mà đầy nồng nhiệt, tinh tế, là Trần Thùy Linh (1964), tỏa ra trong các chân dung hoa. Chị còn chụp ảnh có nghề với 3 máy chuyên nghiệp (1 máy Canon và 2 máy Leica). 

Mơ (hoa phù dung) - tranh của Trần Thùy Linh.

Trần Thùy Linh mở tương lai bằng sự trở về nơi chị đã sinh trưởng và cha mẹ ở đây, chị có nhà riêng trên đường Lạc Long Quân. Trần Thùy Linh từng du học tại Leipzig (Đức) và du ngoạn - TL hơn 30 nước trên thế giới, đã chọn ra 7 tác phẩm chất liệu tổng hợp và sơn dầu bán siêu thực ưng ý nhất. Khổ 1x1,3m: Về miền yêu thương, Khúc ca xuân số 3, Mùa gọi; Mơ, Sau cơn mưa, Chuyện ngày xưa, Như thuở ban đầu (đều 1,1x1,1m). Diễn tả vẻ đẹp đắm say ẩn trong hoa, mẫu đơn, phù dung, đào, cúc, anh túc, poppy đẹp mê hồn. Từ tết ông Táo để vẽ, cùng với Lâm Thanh là 2 HS từ TP HCM, sống và vẽ ở Hà Nội lâu nhất, với các tác phẩm TL được vẽ tại đây.

Sức sống tỏa ra từ màu sắc êm dịu, mướt mát của Lâm Thanh (1962), người đàn ông sinh trưởng và học hội họa tại Hà Nội, thành đạt tại phương Nam. Thiếu nữ của anh là kiều nữ, giai nhân đẹp, mềm mại từ 6 tranh lụa của một HS tài hoa, phong lưu, đẹp trai như Lâm Thanh. Bút pháp mềm mại và đặc thù của chất liệu lụa giúp HS Lâm Thanh tạo nên những nàng tiên, thiên thần, gợi cảm, thánh thiện, những nhan sắc bí ẩn, cổ điển bước ra từ quá khứ. Các nàng là những đóa hoa tỏa hương khoe sắc mà không dám có ý nghĩ gợi dục thông thường. Chỉ muốn các nàng mãi đẹp không tuổi như thế, và được gặp những giai nhân ấy trong đời thực. 

Gần gũi hơn là bầy thôn nữ của Trần Quang Hải (1956) - lớn tuổi nhất của G8, lại tung bút trên 6 vóc sơn mài chói đỏ, nóng bỏng. Tương hợp với thế giới mỹ nhân của các đồng nghiệp nam, có thiếu nữ mùa xuân của Thái Vĩnh Thành (sinh 1970 tại Vĩnh Phúc), 6 tranh acrylic.

Trẻ nhất trong G8, HS miền Trung duy nhất bên 7 HS người gốc Bắc là Đỗ Đình Cường (1979) của quê hương núi Ấn, sông Trà, đem đến Hà Nội bộ 5 tác phẩm phong cảnh bằng chất liệu sơn mài, sơn khắc, tổng hợp.

Tưởng sơn khắc đã là tỉ mẩn, kiên trì, nhưng khó khăn kì công nhất là tranh cắt vải, hiếm người theo hơn 30 năm như Trần Thanh Thục (1960). Chị miệt mài sưu tập vải trong và ngoài nước, không dùng bảng màu, cọ vẽ, không gắn, đính thêm vật liệu chi tiết khác ngoài vải có sẵn. 5 tranh Trần Thanh Thục theo phong cách tả thực được hình tượng hóa từ thực tế, thể hiện bằng các sắc vải tự nhiên mà chị nương theo và tạo ra cùng kéo, keo dán. Cần cẩn trọng, kiên nhẫn, khó tính để theo đuổi, loại hình này khó kiếm truyền nhân. Rất nhiều phim, phóng sự đã làm về Thanh Thục. 

Ngợi ca vẻ đẹp là cách để HS bảo vệ dung mạo của đất nước mình. Trần Thanh Thục đã đeo đuổi một loại hình khó, đam mê trong sự cô độc của hành trình mệt nhọc, mà chị vẫn đùa là "đẻ thưa, ít tranh". Bởi tính đặc thù các gallery không bày/đặt tranh cắt vải, ai muốn mua, tìm hiểu phải gặp trực tiếp HS tại nhà riêng trên phố Kim Mã. Bận vẽ, chị còn lo giặt, phơi, chống ẩm mốc cho kho vải.

Nảy ý định làm TL ngay từ khi lập nhóm, G8 đã thể hiện đội hình mạnh, đầy sáng tạo từ hai chiều thế giới trong chính mỗi HS, làm nên một thế giới đa chiều. Bất ngờ lớn nhất mà họ đem đến là sinh lực, sự bất tử, nhờ/bằng nghệ thuật của tài năng đích thực. 

Sự hào phóng trong xúc cảm của họ khiến tôi liên tưởng, nghĩ đến hình ảnh Bát tiên quá hải, những nghệ sĩ là tiên, là thiên sứ được Thượng đế ấn định phận kiếp sáng tạo, để suốt đời một hành trình nhọc nhằn và hạnh phúc,  thi hành sứ mệnh thiêng liêng: tạo ra, lưu truyền cái đẹp.

Vi Thùy Linh
.
.