Giải Nobel - 2009 soi đường hướng thiện

Thứ Tư, 14/10/2009, 15:38
Tâm nguyện của Nobel là làm sao thông qua việc xét chọn những người xứng đáng với giải thưởng mang tên ông để giúp nhân loại ngày một đi lên theo hướng chân thiện mỹ.

Ngày 5/10 khai mạc tuần lễ Nobel lần thứ 108. Những nhân vật với các thành tựu nổi bật đã được ghi nhận bằng các giải thưởng mang tên Nobel trong các lĩnh vực y học (công bố vào ngày( 5/10), vật lý (6/10), hóa học (7/10), văn học (8/10). Những giải thưởng này đều được công bố ở Stockholm, thủ đô Thụy Điển. Tên người được nhận giải thưởng Nobel về hòa bình được công bố ngày 9/10 tại Oslo, thủ đô Na Uy. Ngày 12/10, cũng tại Stockholm, công bố tên người được nhận giải thưởng về kinh tế học - giải thưởng này do Ngân hàng Thụy Điển lập ra năm 1968.

Giản đơn nhưng nghiêm ngắn

Trong bản di chúc viết tại Paris ngày 27/11/1895, nhà sáng chế kiêm doanh nhân xuất chúng người Thụy Điển Alfred Bernhard Nobel, đã đưa ra quyết định lập một quỹ mà số tiền lãi từ đó sẽ được dùng làm giải thưởng tặng cho những ai trong năm qua đã có những đóng góp lớn hơn cả cho nhân loại. Số tiền lãi đó được chia làm 5 phần đều nhau để khuyến khích những phát minh trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, y học, văn học và trong lĩnh vực củng cố hòa bình. Lễ trao giải thưởng sẽ được tổ chức hàng năm vào ngày mất của Nobel. Những giải thưởng đầu tiên đã được trao ngày 10/12/1901.

Lễ trao giải Nobel.

Trách nhiệm xác định những người sẽ được nhận giải Nobel hàng năm được đặt trên vai Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển (giải thưởng về vật lý và hóa học), Trường Đại học Karolinska (giải thưởng về y học), Quốc hội Na Uy (giải thưởng về hòa bình) và Viện Hàn lâm Thụy Điển (giải thưởng về văn học). Khía cạnh tài chính của giải thưởng là do Quỹ Nobel đảm nhận.

Số lượng tối đa những người được nhận chung một giải Nobel không thể  lớn hơn 3. Giải thưởng có thể được trao cho người đã quá cố nếu người ấy vẫn còn sống vào thời điểm danh sách những người được nhận giải Nobel được công bố (thường là vào tháng 10) nhưng đã từ giã cõi đời trước ngày 10-12 cùng năm.

Những người đầu tiên

Người đầu tiên được nhận giải thưởng Nobel về vật lý (năm 1901) là nhà vật lý người Đức Wilhelm Conrad Rontgen "để ghi nhận những công trạng cực kỳ quan trọng trong phát minh những tia sáng tuyệt vời mà về sau đã được gọi bằng tên của ông". Rontgen sinh năm 1845 và mất năm 1923.

Giải Nobel hóa học đầu tiên đã được trao cho nhà bác học người Hà Lan Jacobus Henricus Van't Hoff (1852-1911) để "ghi nhận tầm quan trọng tột bậc của phát minh những định luật chuyển biến hóa học và áp lực thẩm thấu trong dung dịch". Giải Nobel về hoá học ngay từ đầu đã được trao cho các thành tựu nghiên cứu trong các lĩnh vực khác nhau của bộ môn khoa học này, từ hoá học lý thuyết tới hóa sinh học. Tuy nhiên, số lượng giải nhiều nhất vẫn là dành cho lĩnh vực hoá học hữu cơ.

Những giải Nobel đầu tiên trong y học đã được dành cho những thành tựu và phát minh đối với từng căn bệnh cụ thể: nghiên cứu về bệnh bạch hầu năm 1901 (bác sĩ người Đức Emil Adolf von Behring); bệnh sốt rét năm 1902 (bác sĩ Ấn Độ Ronald Ross); bệnh lao năm 1905 (nhà vi sinh vật học Henrich Hermann Robert Koch)... Trong nửa cuối thế kỷ XX, những người được nhận giải Nobel y học là những nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực thuần tuý  khoa học trong ngành y. Và sau năm 1979, khi giải Nobel y học được dành cho Allan Cormack với công trình chụp tia X-quang cắt lớp qua máy tính, giải thưởng này bắt đầu được trao chủ yếu cho các công trình thuần tuý lý thuyết.

Giải Nobel văn chương được trao cho những nhà văn có tác phẩm "gần gụi với lý tưởng". Khi nói từ này, Nobel đã không làm rõ hơn tiêu chí của nó. Người đầu tiên được nhận giải thưởng Nobel văn chương là nhà văn Pháp Sully Prudhomme (1839-1907). Năm nay, trước khi chính thức công bố tên họ nhà văn được nhận giải Nobel văn chương, đã có không ít ý kiến cho rằng, có thể một thi sĩ sẽ được hưởng vinh dự này vì lần cuối cùng thi ca được tôn vinh trong giải Nobel là vào năm 1996, khi nữ sĩ Ba Lan Wislawa Szymborska được nhận giải Nobel văn chương.

Giải Nobel hòa bình hiện nay vẫn được coi là giải thưởng quốc tế có uy tín trong lĩnh vực hoạt động chính trị - xã hội nhưng không phải lúc nào cũng tạo nên được những ý kiến đồng thuận chung trên thế giới. Xét chọn giải Nobel về hòa bình là một hội đồng do Quốc hội Na Uy lựa từ những nhà hoạt động xã hội nổi tiếng ở nước này.

Giải Nobel hòa bình có thể được trao cho những cá nhân hoặc các tổ chức. Những người đầu tiên được nhận giải Nobel hòa bình là doanh nhân người Thụy Sĩ  Jean Henri Dunant, người sáng lập ra Hội Chữ thập đỏ và nhà kinh tế học người Pháp, chuyên gia môi giới quốc tế  Frederic Passy. Năm nay có hơn 200 cá nhân và tổ chức được đề cử vào giải Nobel hòa bình, nhiều nhất từ trước tới nay (kỷ lục cũ thuộc về năm 2005 với 199 tổ chức và cá nhân được đề cử). Và rốt cuộc là Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhận giải Nobel hòa bình năm nay.

Giải thưởng Nobel trong lĩnh vực kinh tế học được lập ra muộn nhất và cũng là sự bổ sung đầu tiên và duy nhất vào danh sách những lĩnh vực xét giải Nobel. Tên chính thức của giải là: Giải thưởng trong lĩnh vực kinh tế học để tưởng nhớ Alfred  Bernhard Nobel. Nó được Ngân hàng Nhà nước Thụy Điển lập ra năm 1968 nhân kỷ niệm 300 năm ngày thành lập của nó. Từ đó đến nay, năm nào, ngân hàng cũng trích cho Quỹ Nobel số tiền bằng tiền của một giải thưởng Nobel. Những người đầu tiên được nhận giải thưởng Nobel về kinh tế học năm 1969 là nhà kinh tế học người Na Uy Ragnar Frisch, người lập nên những nguyên tắc xây dựng "thanh toán quốc gia"  và nhà kinh tế học người Hà Lan Jan Timbergen, tác giả của lý thuyết "chế độ tối ưu".

Số tiền của những giải thưởng Nobel đầu tiên năm 1901 là 150 nghìn cuaron Thụy Điển (6,8 triệu cuaron tính theo tỉ giá năm 2000). Sau đó, số tiền này bị giảm và chỉ tới năm 1991 mới lại tăng lên bằng như cũ. Hiện nay, số tiền của mỗi giải Nobel là 10 triệu cuaron Thụy Điển, tức là khoảng 1,47 triệu USD (năm  2007 - 1,542 triệu USD; năm 2008 - 1,399 triệu USD).

Từ năm 1901 tới năm 2008 đã có 789 người và 20 tổ chức được nhận giải Nobel.

Vẫn cần cải tiến

Mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu nổi tiếng đã ký vào một lá thư để ủng hộ cho việc lập ra thêm ít nhất là hai giải Nobel nữa trong lĩnh vực bảo vệ sức khoẻ và bảo vệ môi trường. Và giải thưởng này, cũng tương tự như giải Nobel về hòa bình, có thể được trao cho không chỉ những cá nhân mà cả các tổ chức xứng đáng. Trong lĩnh vực môi trường, giải thưởng sẽ được trao không phải cho lý thuyết mà cho các hoạt đông thực tiễn trong đấu tranh chống lại hiện tượng ấm lên toàn cầu và cứu giúp những loài sinh vật quý hiếm. Trong lĩnh vực bảo vệ sức khoẻ cần trao giải thưởng cho những thành tích trong việc diệt trừ các căn bệnh.

Nhóm tác giả của lá thư trên cũng bày tỏ mong muốn "mở rộng" giải thưởng trong lĩnh vực y tế, quan tâm hơn tới những nhà nghiên cứu làm việc trong các lĩnh vực như sinh học (kể cả sinh học tiến hóa) hay tâm lý học để họ có thể được nhận giải thưởng uy tín cao bậc nhất này. Lập luận của họ như sau: "Khi Alfred Nobel ký vào di chúc của mình, nhân loại còn chưa phải biết tới những nguy cơ như HIV và hiện tượng ấm lên toàn cầu". Và Nobel "đã không thể nhìn thấy trước được sự xuất hiện của những môn khoa học mới sẽ làm thay đổi thế giới tốt hơn".

Lá thư trên đã được tổ chức bởi tạp chí khoa học Anh New Scientist. Với 10 chữ ký của 10 nhà nghiên cứu nổi tiếng, trong đó có một người đã được nhận giải Nobel năm 2001 (Tim Hunt), nó đã được chuyển tới Ủy ban Nobel vào đầu tháng 10 này.  Trong nhóm những người ký vào lá thư trên còn có Peter Diamandis, lãnh đạo Quỹ X Prize chuyên về phát triển công nghiệp vũ trụ tư nhân. Tuy nhiên, theo lời lãnh đạo Ủy ban Nobel Michael Sohlman, chắc rất khó xuất hiện những giải Nobel mới… Dẫu sao, lá thư trên cũng là một tín hiệu không vô ích

Trần Trung
.
.