Giấc mơ Nhật Bản

Chủ Nhật, 27/12/2020, 11:39
Quyết định viết về một nền văn minh vĩ đại như Nhật Bản không hề dễ và không hề mới, vì ta có cảm giác rằng đề tài này được khai thác cặn kẽ và tất thảy tinh tiết của xứ sở mặt trời mọc đã được bàn hết rồi. Tuy nhiên trong bài viết này tôi vẫn  muốn chia sẻ những cảm tưởng cá nhân về đất nước đánh dấu trong tôi sự khởi đầu của một sự say mê suốt đời mang tên "châu Á".


Sự mê mẩn của tôi với Nhật Bản đã bắt đầu từ khi tôi còn bé. Theo thị hiếu thông thường của trẻ con, tôi cũng đã say mê các ninja, samurai và nhân vật võ thuật Nhật, tôi thậm chí đã tập võ karate và aikido trong nhiều năm. Tôi vẫn nhớ ấn tượng mạnh mẽ mà bộ phim ''Võ sĩ đạo cuối cùng'' (The Last Samurai) gây cho tôi vào thời tôi còn thiếu niên.

Bộ phim Hollywood này lấy bối cảnh cuộc Minh Trị Duy Tân của Đế quốc Nhật Bản khi đất nước muốn mở cửa với phương Tây, việc khiến các samurai, tầng lớp chiến sĩ truyền thống, nổi dậy chống lại quá trình phương Tây hóa của Nhật Bản. Tôi khâm phục tinh thần võ sĩ đạo và sự trung dũng của các samurai dùng thanh katana để chiến đấu chống lại những quân đội súng đạn, và tôi ngấm ngầm ghen tị với đại úy Mỹ (nhân vật chính do Tom Cruise đóng vai) khi anh ta gia nhập đội samurai và sau đó dần dần học ngôn ngữ, hòa nhập với văn hóa Nhật. Tôi ước mơ một ngày nào đó trong tương lai mình sẽ cũng có cơ hội tiếp xúc phương Đông xa xôi đó.

Khu phố cổ của cố đô Kyoto

Hồi cấp Ba, tôi tự học tiếng Nhật trên mạng và trong một thời gian thậm chí có ý định học ngành tiếng Nhật ở trường đại học. Trong nhiều năm, tôi cảm thấy hiếu kỳ đến sốt ruột trước một châu Á huyền bí và hấp dẫn chứa đầy ẩn số.

Trong mắt của tôi, Nhật Bản tiêu biểu cho nền văn hóa lạ kỳ và lôi cuốn của phương Đông, nó là một nền văn minh luôn hướng tới sự tinh tế và hoàn hảo. Trong vũ trụ Nhật, mỗi tinh tiết đều có ý nghĩa sâu thẳm, mỗi quá trình mang tính nghệ thuật. Theo khái niệm ''kaizen'' của người Nhật, chúng ta liên tục phải phấn đấu để cải tiến trên mọi phương diện, làm mọi thứ một cách công phu. Trong hình dung của tôi, dân tộc Nhật có nhiều phẩm chất vượt trội, luôn luôn đề cao danh dự, sự cống hiến và kỷ luật thép, làm gương mẫu cho các dân tộc khác để noi theo.

Bức tượng chú robot khổng lồ ở Kobe

Tuy nhiên, trong hơn một thập kỷ mà tôi đi du lịch khắp thế giới, tôi chẳng dám đến Nhật Bản và tự trải nghiệm xứ sở này. Tôi không dám bởi trong thâm tâm, tôi sợ rằng hình dung của tôi về một Nhật Bản đẹp kỳ lạ bị lãng mạn hóa mà tôi hay thấy trong các phim của đạo diễn Kurosawa không còn gần thực tế. Tôi sợ bị thất vọng.

Tôi cho rằng Nhật Bản của thế kỷ 21 là một quốc gia hiện đại thiếu bản sắc với những khối tòa nhà chọc trời bất tận, những tàu điện ngầm chật cứng hành khách và hàng triệu người dân sống một cuộc sống gấp rút, ngạt thở và đơn điệu. Dù vậy, tôi thỉnh thoảng nghe người ta vừa đi Nhật về khen tột cùng, khẳng định đến Nhật là ''một lần gặp cả đời mê say''. Vậy tôi cuối cùng quyết định đến Nhật Bản vào năm 2016 và tận mắt trải nghiệm xứ sở hoa anh đào.

Ngay từ lúc đầu đặt chân tại Tokyo, tôi bị sốc và hoa cả mắt trước những thứ giật mình ở mọi nẻo đường. Những giả định mà tôi từng có về Nhật Bản sụp đổ như lâu đài cát. Thứ bất ngờ thứ nhất là thủ đô Tokyo, đô thị lớn nhất thế giới với 37 triệu dân. Thế nhưng, Tokyo yên tĩnh đến khó tưởng. Không ồn ào, không xốn xao, không tiếng còi xe hay nhạc ầm ĩ hết cỡ. Tôi thong thả đi bộ dọc những đại lộ thoáng đãng giữa lòng trung tâm Tokyo, đi dạo ở công viên Ueno và những phố xã tĩnh mịch của quận Taito, không có cảm giác mình đang ở siêu đô thị lớn nhất thế giới. Tôi ăn một gói bim-bim xong rồi phải cầm túi nylon trong suốt nửa tiếng, tìm mãi một thùng rác để vứt. Mặc dù tìm một thùng rác trên phố Tokyo là việc không dễ. Tất cả mọi thứ cực kỳ sạch sẽ vì người Nhật có ý thức cao về vệ sinh công cộng.

Ở mọi ngóc ngách, tôi nhìn thấy những phát minh sáng tạo của người Nhật như những máy bán hàng tự động hay những nhà vệ sinh thông minh kiểu Nhật. Vừa ngần ngại vừa phấn khích, tôi ngồi xuống bồn cầu và nghịch hàng loạt nút điều khiển: làm ấm bệ ngồi, làm khô thoáng hay rửa ráy mông, phát tiếng nhạc piano. Đêm đầu tiên ở Tokyo, tôi không nhịn được sự tò mò nên quyết định ngủ ở khách sạn con nhộng (capsule hotel). Nhà nghỉ này phảng phất không khí gần viễn tưởng với những khối buồng ngủ nhỏ bé chỉ đủ cho một người nằm dài, không cửa sổ, không cửa vào (chỉ có một màn che). Tuy vậy, phải công nhận, đêm đó ở khách sạn con nhộng tôi ngủ không ngon.

Một du khách Tây chụp ảnh với hai cô ''geisha'' ở Kyoto

Ở Nhật Bản tôi chỉ có chín ngày nên mỗi ngày tôi chạy từ sáng đến tối tham ngôi đền nguy nga này, khu vườn tre kia, bảo tàng nghệ thuật này, lâu đài Trung cổ kia. Tôi đặc biệt say mê khu phố cổ của cố đô Kyoto với những ngôi nhà cổ kính, quán trà truyền thống và ngõ ngách hẹp, một nơi chốn đẹp đẽ như cảnh phim lịch sử về Nhật thời cổ xưa.

Ở Kyoto nhiều du khách nội địa thích ăn mặc kiểu Geisha, trang điểm đậm, đi guốc, búi tóc cao và mặc bộ kimono sặc sỡ, góp phần thêm vào bầu không khí xưa cũ. Đêm xuống, tôi thích dạo chơi ở các khu vực giải trí náo nhiệt với hàng vạn đèn neon. Tôi hòa mình vào biển người trẻ và lang thang ở các quán trò chơi arcade hay cửa hàng bách hóa bán đủ loại đồ chơi và búp bê độc đáo phù hợp với gu Nhật. Tôi cũng ngồi trong những quán rượu nhỏ bé dành cho khách địa phương và uống sake nóng một mình tại quầy. Còn một lần, tôi đi tắm ở nhà tắm công cộng sento, một loại nhà tắm bình dân dành cho người dân của quận.

Vậy điều khoái nhất ở Nhật là lang thang phố xá và quan sát cuộc sống hằng ngày của người Nhật, xem họ nói chuyện với nhau, mỉm cười với khách hàng, đi xe đạp hay đứng yên ở tàu điện ngầm. Đây là một dân tộc cực kỳ lịch thiệp và phong độ, luôn thể hiện một lòng nhiệt tâm không chút giả tạo. Họ có mắt nhìn cái đẹp và thị hiếu thời trang tinh tế, luôn ăn mặc chải chuốt đứng đắn (khi ngồi trên tàu điện ngầm, tôi có cảm giác duy có mình không mặc áo vest!).

Tôi tranh thủ mọi cơ hội để giao thiệp với người Nhật và tìm hiểu thêm về tư duy và nếp sống của họ. Tôi ngưỡng mộ sự say mê của họ với vẻ đẹp và sự cân đối. Giống như ngọn núi thiêng Phú Sĩ đối xứng một cách hoàn hảo, người Nhật luôn hướng đến sự toàn hảo trong mọi việc, mọi khía cạnh cuộc sống. Tôi nghiền ngẫm, tìm vô vàn bài học mà họ có thể dạy cho ta. Họ là dân tộc có tuổi thọ cao nhất thế giới (trung bình hơn 80 tuổi), họ có một chế độ dinh dưỡng cân đối gồm nhiều hải sản và rau sống, họ thích lối sống lành mạnh và làm việc cần mẫn.

Người ta hay nói rằng Nhật Bản là nơi mà nét hiện đại hài hòa cùng nét truyền thống. Tôi quyết tâm tìm lại sự kết hợp đó ở Hikone, một thành phố nhỏ không nổi tiếng nằm giữa Tokyo và Kyoto. Tôi đến Hikone chỉ vì một lý do: ngủ ở nhà nghỉ homestay là một ngôi nhà truyền thống đã hơn một trăm tuổi. Đến Nhật thì tôi chẳng muốn bỏ lỡ cơ hội cảm nhận không khí xưa cổ của một Nhật Bản đã gắn liền với trí tưởng tượng của tôi từ khi tôi còn bé.

Đúng như các nhà cũ trong các phim samurai, ngôi nhà của homestay giữ tính chất của kiến trúc truyền thống với những bức tường và ván gỗ, cánh cửa trượt làm bằng giấy mờ dán trên khung gỗ và những chiếc bàn thấp trên tấm thảm mềm tatami. Tôi ngồi trên sàn của phòng khách, ngắm khu vườn hoa qua cánh cửa trượt mở và trò chuyện cùng chủ nhà, cảm giác kỳ lạ nhói lên trong lòng như thể tôi đang nằm mơ.

Cảm giác thực hư này không khỏi theo tôi trong suốt thời gian tôi ở Nhật, như thể vùng đất này không còn thuộc hành tinh của ta. Cảm giác nằm mơ bám theo tôi đến khi tôi rời khỏi Nhật Bản trở về nước rồi choàng tỉnh và nhận ra rằng bất chấp các mâu thuẫn, áp lực và bất cập của nó, Nhật Bản quả thật không giống bất cứ nơi nào khác.

Nhà văn Marko Nikolic (Nguyên tác tiếng Việt)
.
.