Gặp nạn, thấm thêm nghĩa đồng bào

Thứ Bảy, 04/04/2009, 15:59
Hôm ấy là 23/5/1968, Biên đội MiG-21 thuộc Phi đội 1, E 921: Đặng Ngọc Ngự (liệt sĩ phi công, Anh hùng LLVTND) - số 1; tôi, số 2 trực chiến tại sân bay Nội Bài (Đa Phúc). Tiếp thu máy bay, ăn sáng xong và trực cấp 2 tại nhà trực đầu Tây sân bay.

Khoảng 7 hay 8h gì đó, bỗng nhiên ông Ngự bị đau bụng, không thể trực tiếp nên phải thay số 1 là ông Nguyễn Văn Cốc (sau này là Trung tướng phi công, Anh hùng LLVTND). Hôm ấy tôi nhớ ông Cốc đang dự Đại hội Đảng bộ E921 nhưng vì không còn ai thay ông Ngự ngoài ông Cốc vì số phi công cũ chỉ còn lơ thơ vài người, ở 2 phi đội 1 và 2 đều không đủ điều kiện để trực chiến. Lớp phi công trẻ chúng tôi mới được bổ sung về trung đoàn thì mới bước vào trực chiến chủ yếu là số 2 cho các ông cũ.

Biên đội tôi và ông Cốc trực ở sân bay Nội Bài từ sáng đến chiều. Dạo ấy tuy trực ở Nội Bài nhưng vừa đánh máy bay không người lái ở miền Bắc vừa sẵn sàng bay vào khu 4 đánh máy bay cường kích của địch.

Khoảng 3h chiều thì biên đội được lệnh cất cánh bay vào sân bay Thọ Xuân, Thanh Hóa. Hạ cánh xuống sân bay Thọ Xuân, vào nhà trực nghỉ được vài phút thì có lệnh báo động cấp 1 phải ngồi trong máy bay khá lâu rồi lại xuống cấp 2, ít phút sau lại cấp 1, lại ngồi vào máy bay và lần này thì cất cánh đi đánh luôn (phải nói cái lần cấp 1 đầu phải ngồi trong máy bay khá lâu, có tới 10 phút mà thời tiết cuối tháng 5 ở Thọ Xuân, Thanh Hóa thì còn phải nói, nắng như đổ lửa, mồ hôi đầm đìa khắp người, lại bay trên máy bay F-13 (MiG-21 thế hệ đầu tiên làm gì có quạt, có điều hòa nhiệt độ như các loại hiện đại sau này).

Chúng tôi bay vào vùng trời Diễn Châu, Nghệ An và được thông báo vài lần "mục tiêu bên trái X, Y km, độ cao 6km". Quan sát theo thông báo nhưng chẳng thấy địch đâu cả. Được vài vòng thì thấy dưới thông báo cho lệnh bay 360 độ về phía Bắc, tôi theo ông Cốc (ông Cốc số hiệu 90, tôi 97 trên máy bay F-13 có số 62 cuối cùng). Nhận được lệnh tăng lực, tôi vừa mới từ bên phải chuyển sang bên trái ông Cốc để dễ cảnh giới phía biển.

Lúc ấy tôi nhìn về phía biển Đông, ở trên cao thấy có một vệt khói trắng, nghĩ có lẽ máy bay Mỹ bay "cao không" (bay ở độ cao 10.000m trở lên) nên không quan tâm gì lắm (sau này mới biết đó là tên lửa TALOS từ hạm tàu bắn lên, nó vọt lên cao rồi mới hạ độ cao để lao vào máy bay chúng tôi). Vừa lúc tôi báo cáo: "Tăng lực tốt" thì "rầm" một cái, người tôi hẫng ra trong một cảm giác chưa bao giờ gặp nhưng cũng vừa nhận ra rằng mình bị F-4 bắn trúng rồi.

Tôi hoàn toàn tỉnh trong một khoảng thời gian không xác định được là bao lâu: lúc đầu người cứ hẫng nhổm lên khỏi ghế dù không thể nào với tay vào được những thứ ở phía dưới ngoài cần lái ở ngay trước mặt. Và tất nhiên, phản xạ đầu tiên tôi nghĩ ngay đến hai cần bật ghế dù ở hai bên thành ghế và cố gắng cúi xuống để chỉ cần một tay nắm được một trong hai cần bật dù mà thôi.

Loay hoay không biết mất bao lâu, nhưng rồi không hiểu bằng cách nào tôi đã một tay với được cần dù và bóp… Rồi thấy mình bị tung ra ngoài và lộn tùng phèo cùng với chiếc dù với khoảng thời gian rất lâu (vì khi tôi bị trúng đạn ở độ cao 6km mà các ghế dù khi ấy đều đặt đồng hồ tự động mở dù ở độ cao 2km thì mới có ôxy để thở, có nghĩa là tôi đã phải rơi tự do với gia tốc trọng trường từ độ cao 6km đến 2km) và rồi tự nhiên thấy mình bị đứng sững lại khi dù đã mở ra.

Tôi có cảm giác là mình đang đứng im tại chỗ chứ không phải đang rơi xuống. Lúc ấy mới kịp định thần lại là mình đã nhảy dù và có tâm trạng bình tĩnh lạ thường. Tôi nhớ không hiểu sao tôi mừng đến nỗi miệng huýt sáo mấy câu trong bài hát "Tiếng đàn Ta Lư" đang thịnh hành thời ấy…

Nhìn xuống dưới cánh đồng thấy hố bom lỗ chỗ. Xuống thấp hơn, tôi nghe thấy tiếng súng trường bắn nhưng chưa hiểu là bắn ai và đoán chắc là họ bắn báo hiệu gì đấy. Thế rồi dù xuống ngày càng nhanh và rồi "uỵch" - tôi và dù rơi ngã nằm nghiêng xuống một bờ ruộng trồng khoai. Đó là một bãi đất giống như một cái trại nho nhỏ, nằm cách làng một vài thửa ruộng.

Vừa định thần lại thì đã thấy một ông nông dân giơ một chiếc cuốc trên đầu, miệng nói gì tôi cũng chẳng nhớ. Sau này khi kiểm tra chiếc mũ bay tôi tháo ra khỏi đầu thấy có một vệt lõm xuống, không hiểu có phải khi tôi rơi xuống đất còn chưa kịp định thần thì đã bị cái ông cầm cuốc ấy phang cho một cái vào đầu mà mình không nhận ra nên mới có vệt lõm trên mũ ấy (ông già ấy bây giờ còn sống thì cũng già lắm rồi hoặc đã chết).

Trong khi ông già vẫn còn đang giơ cuốc trên đầu tôi thì đã thấy rất nhiều người đổ xô đến, trong đó có nhiều người mặc quần áo lính nên tôi khá yên tâm và những người lính nghe tôi nói rồi nhìn vào dáng dấp của tôi có lẽ mấy ông cũng đã tin tôi là người của ta. Trong số những người lính ấy có một đồng chí xem ra khá hiểu và chắc đã nhận ra tôi là phi công ta nên rất nhanh chóng bảo tôi cởi giày, cởi áo bay và mọi thứ, chỉ còn mỗi bộ quần áo lót bay (như kiểu quần áo đông xuân).

Cũng lúc ấy tôi đã thấy vây quanh tôi không thể đếm được mấy chục người và chủ yếu là đến bắt phi công Mỹ nên họ xúm cả lại. Tất nhiên lúc ấy tôi vẫn tỉnh và cố gắng bằng giọng nói của "lính Cụ Hồ" nói với mấy đồng chí bộ đội xung quanh tôi nên họ đã hiểu ra và tin đúng là phi công ta. Vì tôi bị bao vây cả một làng người nên không biết thế nào mà thoát đi đâu được. --PageBreak--

Tôi nhớ, vẫn đồng chí bộ đội (hay là cán bộ xã đội gì đó) thường xuyên ở cạnh tôi (thời chiến không thấy đeo quân hàm) đã hô hào các đồng chí bộ đội dồn cả vào trong để bảo vệ cho tôi vì họ biết còn nhiều người vẫn nghi ngờ tôi là phi công Mỹ. Khi ấy ở khu 4 suốt ngày chỉ thấy máy bay Mỹ quần trên đầu nên làm sao họ nghĩ được có chuyện phi công ta rơi xuống đấy.

Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh một bà mẹ chắc là có người thân bị bom Mỹ giết chết nên bà ấy xông vào trước mặt tôi. Tôi không hiểu bà nói gì, chỉ thấy bà lấy tay xỉa xói vào mặt tôi và bằng giọng Nghệ Tĩnh thều thào gì đó. Đồng chí bộ đội đã hô hào các đồng chí bộ đội khác và dân quân đứng thành hàng rào bảo vệ tôi và họ dẫn tôi vào trong làng. Có một đồng chí bộ đội cho tôi bộ quần áo bộ binh để tôi mặc. Sau này bộ quần áo ấy tôi đã mang ra sân bay Thọ Xuân rồi không biết vứt đâu mất. Bây giờ thấy tiếc vô cùng vì là một kỷ niệm…

Đang trên đường (trên bờ một con mương cạn nước để đi vào làng) tôi bỗng nhìn thấy từ bên phải phía trước ở bờ mương, bên kia có một ông nông dân tay cầm con dao quắm xông thẳng vào tôi. Không hiểu sao thần kinh tôi nhạy đến thế (mặc dù nhảy dù mất sức rất nhiều), tôi kéo tay đồng chí bộ đội và chỉ vào ông già. Lập tức đồng chí cũng nhận ra và khi ông già nhảy qua mương lao vào tôi thì đồng thời đồng chí này cũng nhảy xuống và đẩy ông già ngã lăn xuống con mương đó. Tự nhiên tôi thấy hoảng: Hóa ra còn nhiều người vẫn cho tôi là phi công Mỹ. Thế này thì nguy. Hình ảnh này đã đậm nét trong tôi và suốt đời sẽ không thể phai mờ…

Trên đường đi tôi thấy có đứa trẻ con chui vào sau tôi và lấy gậy, que chọc vào mông tôi. Cũng đúng thôi, từ khi chiếc dù xanh đỏ của tôi còn ở trên cao họ đã cho rằng phi công Mỹ nhảy dù nên trong đầu họ đã sẵn ý nghĩ ấy rồi. Đến khi xuống đất thì dân chúng ồn ào, cán bộ nói là phi công ta thì nhiều người cũng nửa tin nửa ngờ. Càng về sau thì số người biết phi công ta càng tăng.

Họ đưa tôi vào trong một ngôi nhà tranh vách đất, đóng kín cửa lại, chỉ còn tôi với đồng chí bộ đội vẫn đi kèm. Ngồi trong nhà tôi thấy dân bên ngoài vẫn đông lắm, có nhiều con mắt tìm những chỗ trống trên vách nhà để nhìn tôi. Một lúc sau, đồng chí bộ đội cho ý kiến là: Vì biết là phi công ta nên dân rất muốn được xem người và nghe tiếng và đề nghị tôi ra ngoài nói chuyện với mọi người.

Tôi rất mệt và chân tay mỏi nhừ, thật sự rất ngại phải gặp gỡ nói chuyện với dân nhưng vì các đồng chí cứ yêu cầu khẩn khoản quá, tôi đành ra ngoài và chọn một mô đất ở trong vườn hay sân gì đó rồi đứng lên đó nói. Tôi không nhớ tôi nói gì và có ai nghe được đâu vì đông người, ồn ào quá, lại giọng xứ Nghệ đặc sệt nữa. Tôi nói khoảng một phút rồi cảm ơn…

Lúc ấy các đồng chí mới cho biết trời đã về chiều, phải dẫn tôi lên vị trí đóng quân của Tỉnh đội Nghệ An. Đoàn người xung quanh tôi vẫn đông đúc, chỉ khác là lần này tôi thấy bọn trẻ đã đi sát và nắm tay tôi thân mật lắm. Tôi khá yên tâm vì đến lúc đó thì chắc là hầu hết đã nhận ra tôi là phi công ta…

Trời tối dần, lúc đó chỉ còn mình tôi và đồng chí bộ đội (thực ra đến bây giờ tôi cũng không chắc chắn có phải vẫn đồng chí bộ đội ấy hay là một đồng chí khác vì lúc ấy có để ý đến ai đâu, chỉ nghĩ sao cho nhanh chóng về được đơn vị). Đi khoảng 3 - 4 km thì đến Tỉnh đội. Lúc ấy đã lên đèn.

Tôi được đưa vào một căn nhà, trong đó có một vài người, tôi nhớ có một đồng chí cán bộ Tỉnh đội đón tôi. Trong nhà còn vài người nữa, có đèn dầu, mà đèn dầu cũng chỉ thắp trong nhà chứ không dám để ngoài trời vì máy bay Mỹ vẫn đánh phá vùng ấy cả ban đêm. Sau đó ít lâu tôi nghe có tiếng máy bay và tiếng bom nổ ở phía Nam. Họ nói máy bay Mỹ vào đánh phá đấy.

Đồng chí cán bộ Tỉnh đội đưa tôi 1 hộp sữa bò, bật ra để tôi ăn (ăn chứ không uống) nhưng tôi không đói, cũng không khát, lúc ấy chỉ thấy ê ẩm hết cả người, không thể nhấc nổi mình dậy, phải nằm trên giường… Khoảng 10-11h đêm thì được lệnh ra vị trí để lên xe về Bắc. Tôi được 4 đồng chí cả nam, nữ (hay toàn nữ tôi không nhớ được) khiêng tôi trên cáng đi khoảng 1km đến vị trí có xe chờ và tôi lên xe về Bắc.

Kể đến đoạn này tôi bỗng thấy ân hận quá, nghĩ lại cả quá trình từ khi tôi nhảy dù cho đến khi xuống cáng lên xe có biết bao chuyện tình cảm phải nhớ, phải ơn. Thế mà 41 năm không hề có một tin tức gì về những người đã giúp tôi thoát nạn. Bây giờ nghĩ lại mới thấy hết cái quý giá của tình người cũng như sự hy sinh...

Cũng xin thú thật, sau cú nhảy dù này tôi luôn có mặc cảm rằng: Trận đầu ra quân của tôi không giống một số đồng chí khác, thường là "đánh thắng trận đầu" - nghĩa là bắn rơi máy bay địch và sẽ là đà cho các trận sau. Còn tôi thì đã bắn rơi "âm" một máy bay - nghĩa là tôi bị bắn rơi (tuy không phải là máy bay địch bắn mà tên lửa mặt biển bắn).

Chỉ có điều tôi luôn tự an ủi, đó là: Biết đâu tôi đã cứu mạng cho một đồng đội nào đó của tôi khỏi bị tên lửa từ hạm tàu Mỹ bắn rơi như tôi, bởi vì ngay sau trận ấy, lập tức các máy bay ta từ ngoài Bắc và khu 4 chỉ được phép bay ở độ cao dưới 2.000m trừ trường hợp phải quần đánh với máy bay địch. Lý do là rađa từ hạm tàu Mỹ ngoài biển Đông luôn nhìn rõ máy bay ta bay ở độ cao lớn, sẵn sàng cho máy bay tiêm kích vào đánh chặn hoặc bắn tên lửa từ hạm tàu vào máy bay ta.

Kết thúc câu chuyện này, tôi chỉ có một nguyện vọng tha thiết mong được gặp lại những người đã giúp tôi qua cơn hoạn nạn trong chiến tranh

Đại tá Hà Quang Hưng
.
.