Gẫm thêm thiêng khí Hàm Rồng

Thứ Năm, 22/04/2010, 13:33

“Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao”... Có lẽ đành phải lấy câu của Trương Hán Siêu trong “Bạch Đằng giang phú” để... yểm vô bài viết này? Để gẫm để thấm thêm chiến công của quân dân Hàm Rồng Nam Ngạn bắt đầu cuộc chiến giữ cầu từ ngày 3,4/4/1965 qua 7 năm trời trụ bám ác liệt! Đức cao ấy là dũng khí, là phẩm chất để làm nên chiến công thời chống Mỹ...

Đúng vậy và biết vậy. Ấy thế đôi lúc vẫn cứ lấn bấn lẫn ngạc nhiên về thiêng khí Hàm Rồng. Hàm Rồng, đất hiểm đức lại cao...

Cứ rờn rợn từ cái đêm mùa đông năm 2007 ngồi với đám công binh thiện chiến vừa tháo thành công quả bom 1.000 pound của Mỹ tự dưng phát lộ phía trụ bờ Bắc cầu Hàm Rồng. Rất chi là tình cờ, một tốp công nhân của Đội Cầu 19-5 đã ngó thấy nó trồi lên giữa ban ngày ban mặt. Quả bom tấn ác hiểm ấy, có 2 khả năng. Một, khá khen thay cho tên phi công Mỹ nào cắt ra hơi bị chính xác từ cái năm máu lửa cắm thẳng xuống chân cầu đã câm không nổ? Hai, nó đã lừ đừ chậm chạp theo lưu tốc của sông Mã trồi sụt mãi từ đâu đến vướng phải trụ cầu rồi găm lì ở vị trí hiểm địa ấy đã hàng bao năm nay?

Sau khi bị phát hiện, nó lập tức được công binh đưa đến một vùng khác để tháo rời.  Nằm phục tít mãi xa xa khi thấy hiệu lệnh an toàn mới dám mò đến... Khi tôi tới thì quanh quả bom đã bị vô hiệu hóa có bao nhiêu là tiếng thở phào! Có lẽ cũng khéo khen cho kỹ nghệ chế tạo bom của các nhà lái súng Huê Kỳ. Quả bom ấy, hàng bao nhiêu năm gỉ vàng gỉ ệch trải qua ngàn trận mưa nắng, rồi lại chìm lỉm trong bùn nước nhiệt đới như thế mà thuốc bom vẫn khô khén, vẫn rời rợi sắc vàng, chỉ đợi một cú va đập mạnh nào đó thì khối thuốc kia sẽ bùng thành một thảm họa.

Cây cầu Hàm Rồng, vị trí giao thông huyết mạch Bắc Nam thời bình này sẽ đổ gục. Rồi chả may một đoàn tàu nào đang trườn trên cầu. Và cây cầu Hoàng Long song song bên cạnh kia, cộng hưởng thứ nổ thứ sập ấy liệu có toàn thây? Chao ôi càng nghĩ càng bừng ra lắm thứ rủn người! Quả là phúc cho Hàm Rồng xứ Thanh, phúc nước mình còn to như cái đình chứ chả bỡn...

Đêm ấy tôi theo chân ông Mạch, nhà ở Yên Vực bờ Bắc lên mé hang Mắt Rồng, cái hang thông với Hàm Rồng là nơi trụ bám an toàn cho nhiều lớp cán bộ chiến sĩ giữ cầu trong những năm trận mạc, trong đó có tổ làm phim Người Hàm Rồng, những Lê Lâm, nhà văn Hoàng Văn Bổn năm 1967. Giữa những nghi ngút khói hương, một ít hoa quả chai rượu tạm gọi là lễ tạ, ông Mạch và mấy anh em trong Đội Cầu thành kính sì sụp khấn vái thần sông thần núi linh thiêng đã bao năm nay rộng lòng che chở...

Câu chuyện của ông Mạch và mấy vị cao niên làng Yên Vực dẫn tôi về thời điểm mùa đông 60 năm trước, năm 1947, tự vệ làng Yên Vực tham gia đánh sập cây cầu cong cong linh thiêng để tiêu thổ kháng chiến. Đêm đó trước khi điểm hỏa cũng phải kín đáo thắp hương.

Nhưng chưa bao giờ hương nến xôm tụ như đêm trước ngày hội lớn Lễ kỷ niệm 45 năm trận đầu quân dân Hàm Rồng đánh thắng. Một đại lễ cầu siêu cho những người hiền bỏ mình vì sự nghiệp đánh giặc giữ cầu. Hương thì ít thôi mà cơ man nào là nến lung linh trên 10.000 cái đèn thả rập rờn trên sông chỗ chân cầu Hàm Rồng. Mạn trên một chút là la liệt đèn nến đang lừ lừ trôi từ chùa Giác Hoa của làng Yên Vực. Ghìm mình trong đám đông trên cầu Hoàng Long ngó sang bên cầu sắt, tôi thảng thốt nhận ra hàng ngàn viên ngọc là những chiếc đèn đang vờn trước Hàm Rồng! Giật mình thêm là chưa khi nào lại thấy hình sông thế núi làm nên cái thế rồng vờn bên sông Mã vào buổi đêm như thế?  Thanh Hóa thắng địa là nơi "Rồng vờn hạt ngọc, hạc bơi ven thành".

Câu ca dao ấy là nắc nỏm đến dãy núi Rồng. Dãy núi này phát mạch từ làng Dương Xá (còn gọi là làng Giàng tận Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa) mười mấy cây số ngoằn ngoèo, nhấp nhô uốn lượn ven bờ sông Mã. Đến địa phận chỗ sông Mã đây thì mạch núi chồm lên tạo thành một cái đầu giống như đầu Rồng, có mắt, có mũi với cái mồm đang chực đớp lấy viên ngọc. Tiền nhân đã không ngần ngại đặt tên cho mạch núi cụt chồm lên ấy là Hàm Rồng, tên chữ là Long Hạm.

Chưa hết, đối diện với Hàm Rồng bên kia sông có một hòn núi đá thấp xinh xắn gọi là núi Ngọc, tên chữ là Hỏa Châu. Nếu không có dòng sông Mã chảy giữa núi Rồng và núi Ngọc thì vùng núi Rồng có đủ 100 ngọn. Ca dao xứ Thanh còn day dứt "Chín mươi chín ngọn bên đông/ Còn một ngọn Nít qua sông chưa về". Núi Nít chính là hòn núi Ngọc đây. Vùng địa linh nào có đủ con số một trăm như: 100 ngọn núi, 100 con sông, 100 cồn đất, 100 cái giếng (tự nhiên), thì nơi đó sẽ trở thành đế đô trường cửu!--PageBreak--

Con Tạo đã bày dòng sông Mã mênh mang chắn ngang ngọn núi Nít để muôn đời hòn ngọc này cách lế với đầu rồng khiến đất này mãi là rồng vờn ngọc, chả thành được đế đô trường cửu. Nhưng bù lại, phải thế nào thì học giả Phan Huy Chú mới tấm tắc lẫn thở dài trong Lịch triều hiến chương loại chí: "Xứ này một dòng sông, một con suối, một quả núi chỗ nào cũng là danh thắng". Phải là thế nào thì các đấng, bậc tao nhân mặc khách nước Nam mình, những là Phạm Sư Mạnh, Trần Nghệ Tông, Lê Quát, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông,  Ngô Thì Sĩ, Ninh Tốn... đã đến đây và có thơ lưu cho hậu thế lẫn lưu trên vách đá của hang núi Rồng?

Cứ tiếc hùi hụi bữa nhỡ không vào hầu chuyện một nhà ngoại cảm ở chân cầu phía Bắc Hàm Rồng vì mải đắm đuối theo chân mấy học giả về làng cổ Đông Sơn nằm dưới chân Núi Rồng. Bảo là tình cờ thì cũng phải thôi nhưng phải có sự xui khiến như thế nào thì một thứ quý vật mới lạc vào tay ông Nguyễn Văn Lắm ở làng Đông Sơn trong một buổi đi câu mùa thu năm 1924. Thứ quý vật ấy chốc nữa sẽ nói.... Ông Lắm thấy nó lộ ra bên rệ sông Mã. Chả biết vật chi, thứ gì, tiện tay ông xách nó về làm bục kê cho vại muối cà. Một bữa (tình cờ chăng?) có một viên thuế quan người Pháp rẽ vào nhà ông Lắm. Một viên chức Pháp ghé cái nhà tướp của một ông lão An Nam đi câu thì cũng là một sự lạ, một sự xui khiến nào đó chứ nhỉ?

Ngó thấy cái vật ông Lắm kê vại cà, viên thuế quan bảo vần ra cho coi. Lại một thứ xui khiến và tình cờ nữa, viên thuế quan lại là người mê đồ cổ. Chẳng rõ là vật gì nhưng thấy hay hay mắt xùy ra cho ông lão câu mấy hào bạc. Ông lão tất nhiên mừng hú và cũng chả cần biết số phận cái thứ tròn tròn thâm thấp ông tiện tay xách về ấy như thế nào.

Một lần ghé xứ Thanh đảo qua nơi bạn mình trị nhậm, ông bạn tòng sự ở Viễn Đông Bác cổ của viên thuế quan nọ đã kinh ngạc nhìn thấy vật đó. Nó được mang ra Hà Nội. Tiếp theo là những đào bới thám sát quanh khu vực ông lão đi câu... Rồi 10 năm sau, năm 1934, toàn thế giới đã biết được cái vật ông Lắm tiện tay xách về ấy là cái trống đồng. Cũng từ đó, vùng đất này đã góp đã bầu nên cho An Nam, cho Việt Nam, cho nền văn minh nhân loại thuật ngữ Nền văn minh văn hóa Đông Sơn. Sau này 80 trống đồng tìm thấy ở Thanh Hóa chiếm 1/3 trống đồng ở Việt Nam thì phần nhiều tìm thấy ở làng cổ Đông Sơn này!

Làng cổ Đông Sơn là một trong ba làng cổ lớn nhất miền Bắc. Ngồi với các nhà khảo cổ và nghiên cứu sử càng mỗi lúc mà càng giật mình. Họ đọc từ cái cổng làng, những bức dại (bình phong) cung cách bố trí ngói thiết trần nóc nhà mái ngói trong hơn 10 nhà cổ còn sót lại mà ra được những là  tính cộng đồng được bảo lưu bền vững trong làng, xã ra được cả một số thiết chế văn hóa mang dấu ấn từ thời Lý - Trần được lưu giữ. Lại thấy hơi hai hãi khi chiêm bái Đền Đức Thánh Cả Lê Uy (làng cổ Đông Sơn nay đã lên phường và có con đường chạy ven làng mang tên Đức Thánh Cả) đền thờ tướng Trần Khát Chân, đền Mẫu Liễu Hạnh. Hãi bởi từng ngần ấy bom đạn Mỹ giội xuống Hàm Rồng cách cầu có mấy trăm mét đường chim bay mà làng cổ Đông Sơn dân chỉ phải đi sơ tán, còn nhà cửa, làng nước yên hàn cả. Mấy ngôi đền thiêng trở thành nơi cứu chữa thương binh và để bộ đội trú quân. Có thể dưới chân nến càng tối hay càng gần mục tiêu xác suất an toàn càng cao? Hoặc làng Đông Sơn đã có các Ngài linh thiêng che chở? Chả biết nữa!

Tôi sửa lại dáng ngồi cho ngay ngắn trước các thượng tọa đại đức của phái Thiền Viện Trúc Lâm, họ từ các trung tâm Thiền Viện ở Yên Tử, Đà Lạt, ở Sóc Sơn, Tam Đảo về đây đang sửa soạn cho Lễ đặt đá xây Thiền Viện ngay tại chân đồi C4 Hàm Rồng nơi diễn ra trọng điểm ác liệt những năm đánh Mỹ.

Thượng tọa Thích Kiến Nguyệt đang nói đến sự nhiệm mầu, đại ý, nơi nào hẻo lánh hoang vu kém sinh khí thì sự hiện diện của Thiền Viện đều mang lại khí sắc tươi tốt cho con người, linh khí cho cảnh vật huống hồ ở đây đã đắc địa một Hàm Rồng linh thiêng lẫn lịch sử oai hùng. Hữu long tắc linh có rồng đến ở là đất thiêng).

Ngó qua bản phối cảnh Thiền Viện Trúc Lâm sầm uất vấn vít trong màu xanh cây cối, Hòa thượng nói vậy thì biết vậy thôi nhưng mai kia, với sự trần thiết bắt mắt trong xây cất lẫn hành đạo, Thiền Viện Trúc Lâm Hàm Rồng sẽ là điểm nối, điểm nhấn hấp dẫn cho khách tham quan hành hương về mảnh đất lịch sử linh thiêng Hàm Rồng Sông Mã.

Lại nhớ đêm qua diễn ra đại lễ cầu siêu bên dòng sông Mã chỗ chân cầu Hàm Rồng, ngắm các em mấy trường sư phạm Đại học Hồng Đức đồng phục trắng nuột nét mặt xúc động trang nghiêm thành kính đang thong thả đặt từng ngọn đèn xuống mặt sông lung linh huyền ảo. Ánh nến từ đèn hắt lên khoảng hồng tươi lên khuôn mặt làm em nào cũng thành tiên thành đấng cứu rỗi trong đêm thiêng cầu siêu. Các em liệu có tin những ngọn đèn mà họ vừa thả xuống kia họp với bè đèn quầng đèn lung linh huyền ảo cả một khúc sông dài kia sẽ phá tan uất kết dẫn đường siêu sinh tịnh độ cho bao linh hồn đã bỏ mình vì sự nghiệp giữ cây cầu chiến lược một thời đạn bom máu lửa?

Tôi chẳng biết nữa. Nhưng ngắm ngó những gương mặt thoắt thành kính như thể vừa thoát xác kia, tôi biết họ tin 45 năm trước, khí thiêng Hàm Rồng đã từng hiển linh để cùng trợ chiến để thăng hoa khí chất anh hùng dũng cảm của cha ông họ trong sự nghiệp giữ cầu, giữ nước. Đất đã hiểm, đức lại cao! Bởi lứa các em, tất thảy đều được học cái câu trong Bình Ngô Đại Cáo mà lứa chúng tôi đã bị bỏ ra khỏi sách giáo khoa. Âu cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng ngầm giúp mới được như vậy!

.
.