Phía sau cái chết của mục sư Martin Luther King

FBI và lá thư… yêu cầu tự sát

Thứ Ba, 16/12/2014, 15:50
Mục sư Martin Luther King (15/1/1929 - 4/4/1968) đã cống hiến cuộc đời ngắn ngủi của mình cho cuộc đấu tranh vì quyền lợi của người da màu trong xã hội đầy rẫy bất công và thị phi của nước Mỹ trong những năm sau Thế chiến thứ 2. Các phong trào phản đối theo nguyên tắc bất bạo động do vị mục sư da màu này lãnh đạo đã gây được tiếng vang lớn trên chính trường vào những năm 1950 và 1960.

Như một quy luật, ông trở thành mục tiêu ám sát của các thế lực phân biệt chủng tộc, và điều tồi tệ đã xảy ra vào một ngày đầu tháng 4/1968. Cho dù kẻ thủ ác đã bị bắt và bị kết án nhưng dư luận cho rằng vẫn còn rất nhiều uẩn khúc đằng sau vụ ám sát ông. Mới đây, tiết lộ về lá thư được cho là của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) “yêu cầu” mục sư King tự sát đặt ra câu hỏi về vai trò thực sự mà cơ quan này đang đảm trách. Dư luận có quyền đặt câu hỏi: liệu rằng FBI có “bức tử” phong trào dân chủ Mỹ thế kỷ 20 hay không?

Lá thư… nặc danh

Cuộc đấu tranh vì quyền lợi của người da màu trong xã hội nước Mỹ vào giữa những năm 1960 do Martin Luther King khởi xướng diễn ra hết sức khẩn trương trong bối cảnh chính phủ Mỹ vẫn đang tiếp tục sa lầy trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Cùng với những hoạt động vì sự bình đẳng của người Mỹ gốc Phi, King - người đứng đầu Hội nghị lãnh đạo cơ đốc giáo miền nam (SCLC) - còn kêu gọi nhân dân Mỹ xuống đường phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa ở bên kia bán cầu.

King đã thẳng thắn phê phán vai trò của nước Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam và cho rằng cuộc chiến vô nghĩa này đã làm suy yếu phong trào đấu tranh cho các quyền lợi của người dân và phá hoại các chương trình xã hội mà đáng ra chính phủ Mỹ phải chú trọng hơn. Cũng chính vì quan điểm phản đối chiến tranh này, King đã lọt vào “tầm ngắm” của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) vì cho rằng ông có mối quan hệ với những người cộng sản ở Mỹ.

Mục sư Martin Luther King nhận giải Nobel Hòa bình năm 1964 tại Oslo (Na Uy).

Giám đốc FBI lúc bấy giờ là J. Edgar Hoover (1895 - 1972) đã ra lệnh điều tra các hoạt động của King. J. Edgar Hoover bắt đầu thấy khó chịu với Marin Luther King, đặc biệt khi nhà lãnh đạo dân chủ da màu giành giải Nobel hòa bình. Thật ra, Hoover đã có cảm giác nghi ngờ Martin Luther King “hoạt động cho cộng sản” ngay từ giữa những năm 1950. Do đó giám đốc FBI tìm mọi cách “nhổ cái gai” trong mắt bằng các biện pháp “ném đá giấu tay”.

Ông Hoover bí mật yêu cầu cấp dưới cho đăng báo những câu chuyện liên quan đến đời sống riêng tư, có ý tố cáo Martin Luther King ngoại tình, có đời sống trụy lạc phóng túng. Tuy nhiên, sau rất nhiều nỗ lực từ việc nghe trộm điện thoại cho tới gài người vào bộ máy các cộng sự của vị mục sư da màu này, FBI vẫn không thể tìm ra được bằng chứng nào chống lại King.

Năm 1964, khi Martin Luther King tiếp tục nâng cao uy tín với vai trò lãnh đạo khá thành công phong trào dân chủ, thì các nhân viên FBI dưới sự chỉ đạo của Hoover đã gửi một lá thư nặc danh yêu cầu Martin Luther King tự tử, và cảnh báo sẽ bị phanh phui “bê bối ngoại tình” cùng những “thói hư tật xấu” của ông.

Nhiều người cho rằng đây chỉ là một tin đồn. Thế nhưng, giáo sư sử học người Mỹ Beverly Gage đã tình cờ phát hiện ra bản gốc của bức thư khi đang nghiên cứu cuốn sách viết về Hoover. Trong một bài viết đăng trên Thời báo New York số ra ngày 11/11, bà Gage cho biết vô cùng sốc khi biết nội dung trong thư, và gọi đó là “vết nhơ tai tiếng và đáng xấu hổ nhất” của FBI dưới thời Hoover.

Theo phát hiện của bà Gage, William Sullivan - phó giám đốc FBI lúc bấy giờ nhận được chỉ đạo từ giám đốc Hoover viết một lá thư nặc danh, sau đó cử một nhân viên đến Miami để gửi thư đến nhà riêng của mục sư Marin Luther King ở Atlanta. Theo đó, FBI bêu rếu Martin Luther King có những “cộng sự cực nham hiểm”, rằng ông là nhà lãnh đạo phong trào dân chủ chuyên ăn chơi và thích tiệc tùng với những cô gái, thậm chí luôn “nói tục, chửi thề và sặc mùi dâm uế”.

Lá thư cũng kết tội King “là một kẻ xảo trá, vô ơn”, và đe dọa sẽ liệt kê hết những cuộc truy hoan, hành vi ngoại tình và biểu hiện vô đạo đức của ông. FBI cũng mượn mấy con chữ mà nói rằng: Martin Luther King chỉ còn 34 ngày để “tự kết liễu” trước khi sự xấu xa của ông được phơi bày.  

Theo giáo sư Gage, lá thư gửi Martin Luther King 50 năm trước núp bóng chiêu bài bảo vệ an ninh quốc gia, do các cơ quan tình báo (ở đây là FBI) viện ra để thu thập thông tin tình báo. Việc này đã xâm phạm nghiêm trọng quyền riêng tư của công dân, đồng thời nhiều khả năng tạo nên những đòn trả thù cá nhân và chính trị vì những lý do chỉ người trong tổ chức mới nắm rõ.

Cố giám đốc FBI, J. Edgar Hoover.

Đâu là “bộ mặt thật” của FBI?

Martin Luther King là một biểu tượng được cả thế giới công nhận về đấu tranh dân quyền cho người da màu. “Tôi có một ước mơ” được trân trọng như một trong những bài phát biểu quan trọng nhất ở thế kỷ 20 - một bản tuyên ngôn đầy sức mạnh về bình đẳng và chống phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử. Martin Luther King được hàng triệu người dân Mỹ và trên khắp hành tinh yêu mến, tôn trọng.

Những tiết lộ gần đây cho rằng: trong khi mục sư Martin Luther King tổ chức chiến dịch đấu tranh đòi dân quyền và dân chủ, thì FBI lại điên cuồng cắt xén, hạ thấp uy tín, và cô lập ông. Mùa xuân năm 1968, phong trào đòi bình quyền của người da đen tại Mỹ đang sôi sục, với “đỉnh điểm” là ở Memphis - đô thị lớn nhất tiểu bang Tennessee thuộc phía nam nước Mỹ. Khi biết giới lao động da màu cũng như người nghèo da trắng tại đây định tổ chức một cuộc biểu dương lực lượng rầm rộ. King quyết định tới đó để hưởng ứng; và những kẻ cực đoan phân biệt chủng tộc cũng “soạn bẫy” chờ ông.

Nhưng tại phi cảng Atlanta (tiểu bang Georgia), chuyến bay đi Memphis của King phải hoãn lại, vì có cú điện thoại nặc danh cho biết phi cơ bị gài bom. Các nhân viên an ninh của hãng hàng không Western Airlines rà soát mọi chỗ mà không thấy gì. Mãi sau này người ta mới hay rằng, chuyến đi tới Memphis của lãnh tụ người da đen ở Mỹ đã được đích thân Hoover ra lệnh cho thuộc hạ phải “bám sát gót và không được rời mắt” - ngay từ khi ông mới đặt chân đến Memphis ngày đầu tiên. Và vụ “lỡ chuyến bay” nói trên dĩ nhiên thuộc một mưu đồ nhằm xác định rõ ngày giờ di chuyển của King mà phía FBI đã đạo diễn đầy tinh tế.

Trang thông tin “Stop FBI” từng lên tiếng chỉ trích công khai hành vi xúc phạm một biểu tượng hòa bình, đáng kính trọng như Martin Luther King. Ngoài ra, trang này còn tiết lộ việc biết giám đốc FBI đương nhiệm đang giữ một bản sao nghe lén điện thoại của Martin Luther King (bí mật gài thiết bị trên bàn làm việc). Đó chính là một lời nhắc nhở cơ quan điều tra này từng có hành vi phạm pháp.

Được biết, trước khi lá thư gửi Martin Luther King bị lộ, vào tháng 10/2010, tổng thanh tra Bộ Tư pháp Mỹ đã ban hành một bản báo cáo xác nhận FBI đã “theo dõi, do thám trái phép các nhà hoạt động dân chủ - xã hội Mỹ”. Hành vi của FBI khi chụp mũ, liệt kê các nhà hoạt động dân chủ - xã hội vào danh sách khủng bố là hoàn toàn sai. Một số bình luận cho rằng FBI đang công khai đàn áp các phong trào dân chủ, công lý và hòa bình ở Mỹ.

Quả thực, sau khi Martin Luther King bị ám sát năm 1968, các “cuộc tấn công” của FBI vẫn tiếp tục được tiến hành. Trong những năm 1970, FBI chống lại nhiều tổ chức đòi dân chủ - nhân quyền đã hoạt động trong những năm 1960. Thậm chí, FBI nhắm mục tiêu đàn áp phong trào dân chủ quốc tế của Ủy ban đoàn kết cùng Nhân dân El Salvador (CISPES). Tuy nhiên, sau 7 năm điều tra CISPES, FBI đã thất bại dù cơ quan này đã vi phạm nhân quyền và đe dọa cuộc sống của nhiều người dân.

Trong bối cảnh hiện nay, FBI tập trung sức lực nhiều hơn vào thẩm tra và “quấy rối” dưới chiêu bài “chống khủng bố”. Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, FBI vươn “bàn tay sắt” ra khỏi biên giới nước Mỹ nhằm trợ giúp các cơ quan tình báo chống lại mọi hình thái tội ác ở nước ngoài. Tuy nhiên, FBI đã vi phạm pháp luật khi thực hiện ghi âm bất hợp pháp hàng nghìn cuộc điện đàm trong quá trình điều tra chống khủng bố từ năm 2003 đến năm 2006.

Một báo cáo dày 289 trang đã mô tả việc FBI ban hành hơn 700 văn bản viện dẫn lý do “tình trạng khẩn cấp” nhằm tìm cách ghi âm hơn 2000 số điện thoại khác nhau. Thế nhưng, rất nhiều cuộc điều tra không liên quan gì đến các tình huống khẩn cấp hay là đe dọa tính mạng người dân. Và phía FBI đã không dám khẳng định ai cho phép thực hiện các cuộc ghi âm này.

Rõ ràng, Cục điều tra liên bang Mỹ không chỉ là một cơ quan “phi chính trị” có nhiệm vụ chống tội phạm hoặc khủng bố. Ngược lại, đó là một cơ quan chính trị cấp cao, liên tục hướng mục tiêu vào các phong trào cấp tiến đấu tranh để xã hội Mỹ thực sự có dân chủ và tiến bộ. FBI vẫn vướng phải chỉ trích liên quan tới quyền riêng tư và an toàn của chính người dân, thậm chí từng phải đối mặt với Quốc hội trước các câu hỏi liệu đã làm đủ tốt “các công việc” trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ của mình hay chưa. Thế nên, một khi công dân Mỹ phạm pháp và phải chịu hậu quả thì không một ai trong FBI có thể ở trên pháp luật được…

Phạm Anh – Lâm Anh
.
.