Euro 2012: Tranh đua không đối địch

Thứ Năm, 14/06/2012, 16:00

Tối thứ sáu 8/6 tại 8 thành phố của Ukraina và Ba Lan đã khởi động các trận đấu đầu tiên của Euro 2012 mà đội tuyển quốc gia về nhất sẽ được xác định ở trận chung kết ngay 1/7 tới. 16 đội tuyển quốc gia được phân làm 4 bảng và sẽ chạm trán với nhau một trận trong bảng của mình để rồi những đội hàng đầu mỗi bảng được quyền bước vào vòng tứ kết. Và giai đoạn đấu bảng sẽ kết thúc vào ngày 19/6.

Cũng lạ lùng đấy chứ, chỉ sau vài ba thế kỷ thôi (những chớp mắt ngắn ngủi trong lịch sử nhân loại), trò giải trí đơn giản và thuần phác của dân da đỏ châu Mỹ với cục mủ cao su nguyên chất hình tròn, qua tài biến cải và sáng tạo của người Anh (tác giả của môn bóng đá hiện đại) đã trở thành ngành kinh doanh thể thao thu hút được đông đảo người hâm mộ nhất và cũng lời lãi nhất. Euro 2012, chính thức khai trương đêm 8/6 vừa qua, thêm một lần minh chứng cho sức hấp dẫn không gì cưỡng nổi của bóng đá, lắm khi làm mê muội cả người trong cuộc lẫn khán giả.

Những con số thống kê chưa đầy đủ cho thấy, có tới vài ba tỉ người, không chỉ ở châu Âu mà còn ở rất nhiều nơi khác trên thế giới, trong những ngày qua và cả hôm nay nữa đã và đang bị hút hồn bởi những trận đấu sôi động và giàu kịch tính quanh trái bóng tròn với những ô màu trắng đen đối chọi trên sân cỏ Hoa Kỳ. Euro 2012 là dịp hái ra tiền không chỉ đối với các cầu thủ hằng trận phải “thoát y tài năng” trên sân, mà còn là mùa làm ăn thịnh vượng đối với nhiều hãng và các phương tiện thông tin đại chúng.

Trái bóng được nâng lên vị thế người đàn bà đẹp, tứ phía si mê mà chỉ được chọn một đấng hôn phu duy nhất, nghiêng tả thì hữu đau, lệch hữu thì rầu lòng tả. Có lẽ khó tìm được lĩnh vực hoạt động nào của con người lại thu hút được đông đảo khách hâm mộ như bóng đá.

Những gì diễn ra tại Euro 2012 cho thấy, ở mức độ rất cao, bóng đá đã không khiến người xem phải thất vọng. Tài nghệ tuyệt vời của những cầu thủ thượng thặng của nhiều đội, đủ các dân tộc, màu da, tín ngưỡng dưới màu áo của các đội tuyển quốc gia trên “lục địa cũ”, đã cống hiến cho khán giả những phút giây đầy khoái cảm thẩm mỹ lành mạnh. Nói không ngoa, nhiều trận đấu đã trở thành nhân tố kết đoàn đối với hàng tỉ người xem, có mặt ở sân vận động hay chỉ bên màn ảnh nhỏ nhìn qua truyền hình trực tiếp. Còn gì hơn cảnh hàng tỉ con tim cùng bồi hồi nhịp đập theo trái bóng lăn?! Đáng tụng ca thay môn thể thao đã trở thành niềm an ủi và cứu rỗi cho những người hâm mộ.

Ý nghĩa xã hội của bóng đá, nhờ thế, đã trở nên kỳ vĩ. Sức tác động của bóng đá đối với con người lớn lao đến mức không ai có thể làm ngơ. Nhiều chính khách tầm cỡ nguyên thủ quốc gia cũng nồng nhiệt bày tỏ lòng hâm mộ với trái bóng tròn, đôi khi buông lời nâng bóng đá thành “quốc đạo”.

Tuy nhiên, cũng chính Euro 2012 đã bộc lộ cả mặt sau trên “tấm huy chương bóng đá”. Ta đã biết rằng, nếu nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu bắt nguồn từ ảo ảnh và trò chơi mô phỏng, thì ở trạng thái nguyên thủy của nó, bóng đá, cũng như nhiều môn thể thao khác, phát sinh từ nhu cầu rèn luyện thân thể và trò chơi thi đấu có tính chất đại chúng. Một khi đã là trò chơi, cần không vụ lợi. Đó là những cuộc ganh đua về tài năng làm chủ túc cầu nhưng đó không thể là nơi thể hiện sự thù địch với nhau giữa các quyền lợi, các dân tộc, các hệ tư tưởng…

Tuy nhiên, vẫn phải nói rằng, bóng đá đỉnh cao thời hiện đại ngày càng rời xa khởi điểm lành mạnh của nó. Nền văn minh nhân loại ngay cả khi đã bước sang thế kỷ XXI hơn một thập niên rồi vẫn không thể cho phép trái bóng vô tư, bởi thế, các trận tỉ thí bóng đá ngày càng giống tiết mục biểu diễn được dàn dựng để tăng doanh thu. Các cầu thủ, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của môn nghệ thuật biểu diễn này, sớm phải chuyên môn hoá và đổ mồ hôi, sôi nước mắt luyện tập. Cuộc cạnh tranh quyết liệt không chỉ vì vẻ đẹp của thể thao, mà còn vì vô số lợi ích vật chất khác, dễ làm tha hóa ngay cả những tài năng bóng đá lớn nhất.

Đồng thời, cũng phải nhận thấy rằng, bóng đá, trong nhiều trường hợp, đang bị lợi dụng cho những mục đích nằm ngoài khuôn khổ thể thao. Là cuộc chơi quyết liệt thu hút được số lượng khán giả khổng lồ, bóng đá không chỉ bị các ngành kinh doanh lợi dụng, hay trong tình huống khá hơn, còn phải đồng lõa với những trò kinh doanh lắm khi không mang mục đích củng cố sức khoẻ con người, mục tiêu tối thượng của bất cứ một môn thể thao nào. Vì một lẽ gì đó, bóng đá, như thực tế cho thấy, dễ kích động những tình cảm ăn thua không lành mạnh nhất của con người.

Đã xuất hiện quanh các cuộc thi tài bóng đá chủ nghĩa dân tộc, địa phương, sô-vanh... Tỉ số trận đấu không hiếm khi bị coi như yếu tố quyết định duy nhất đối với cuộc chơi, phân giải những thanh toán nợ nần nằm ngoài bóng đá. Trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay, bóng đá là môn thể thao rất dễ bị những lực lượng dân tộc cực đoan lợi dụng để truyền bá những tư tưởng độc hại của chúng.

Không ngẫu nhiên mà tờ báo Mỹ The Time trước khi khai mạc Euro 2012 đã viết: “Có thể khi đứng trong sân vận động quê hương trong giai đoạn đầu của trận đấu quốc tế trước một đối thủ thâm căn cố đế, quý vị không hay biết về chuyện này nhưng đại đa số những người châu Âu hôm nay không quá say mê chủ nghĩa ái quốc. Trong thời đại hiện tại, khi châu Âu chẳng mấy khi tiến hành chinh chiến, rất ít khi thấy được những người châu Âu vẫy quốc kỳ hoặc hát quốc ca ở ngoài lãnh thổ sân vận động hay quán rượu, nơi có máy thu hình phát trận đấu trên truyền hình. Có lẽ sự xem nhẹ chủ nghĩa ái quốc là hệ lụy từ giai đoạn lịch sử đẫm máu của lục địa này cũng như của việc thông thường các biểu tượng quốc gia hay bị lạm dụng bởi các phần tử phát xít mới hung bạo hay những phong trào cánh hữu bài xích người nhập cư. Có thể đó chỉ là sự công nhận đơn thuần những đường biên giới đã thay đổi giữa các dân tộc trong một thế giới ngày càng trở nên gắn kết hơn bởi các phương tiện truyền thông di động. Dù có lý giải thế nào thì hôm nay người ta vẫn nhìn chủ nghĩa ái quốc như một di sản từ thế kỷ XX, khi tinh thần dân tộc đã đạt tới đỉnh điểm của nó (150 năm trước đã không hề tồn tại nước Đức hay nước Italia, còn Croatia hay Czech vẫn còn chưa được là các quốc gia riêng biệt). Thế nhưng, vòng đấu Euro 2012, khởi tranh từ thứ sáu 8/6, đã gợi cho chúng ta nhớ lại rằng, bóng đá vì sao đấy vẫn không hề bị xu thế trên điều chỉnh và nó vẫn là nơi dành cho những màn diễn pantomin hoài niệm nhưng thông thường cũng không mấy độc hại của chủ nghĩa siêu ái quốc”.

Cũng tờ The Time nhận xét rằng, trong những tuần diễn ra Euro 2012, đối với những người Hà Lan, Anh, Đức và Pháp, vốn rất rộng rãi trong những cảm xúc công dân thế giới trong những tình huống khác, sẽ lại chìm đắm vào những ký ức  vẻ vang huyền thoại để phục thù cho những thất bại lịch sử của mình và để khởi nguồn khao khát phục hội niềm kiêu hãnh đế chế cổ xưa đã bị đập vỡ. Đó có thể sẽ là ảo giác bù đắp lại cho những gì họ không thể nào làm được trong những điều kiện địa chính trị hiện nay…

Dù có thể rất tuyệt vời và huyền diệu, nhưng bóng đá chỉ là và trước hết phải chỉ là bóng đá. Mọi mưu toan dùng bóng đá như một phương tiện có thể thay thế những nỗ lực xây dựng xã hội văn minh, no ấm đều dễ dẫn đến hậu quả xấu. Bóng đá không và không được là hỏa mù để những chính khách kém tài kinh bang tế thế dùng để đánh lạc hướng xã hội, xoa dịu những bất mãn hoặc thất vọng của người dân trước thực trạng đen tối.

Mỗi dân tộc, mỗi đất nước phải tìm ra con đường riêng để phát triển và đi lên về mọi mặt, kể cả về thể thao. Thành tựu chỉ đến khi ta biết chọn cho ta những gì hợp với mình nhất. Nhân loại có vô số điểm chung, nhưng cũng có không ít dị biệt. Có thể cùng một lúc tập hợp được hàng tỉ người chăm chú theo dõi vòng lăn ảo mờ đen trắng của trái bóng da, nhưng dầu sao cũng cần hiểu rằng, suy cho cùng, những giải quốc tế như Euro hay thậm chí cả World Cup chỉ là một lễ hội, không thể vĩnh viễn kéo dài.

Không ăn ốc vẫn nói mò

Một ngày trước khi Euro 2012 khai cuộc, Công ty Cá độ Anh William Hill đã công bố bản dự đoán của mình về cơ hội của các đội tuyển quốc gia châu Âu tham dự cuộc đua tài tại Ukraina và Ba Lan năm nay. Theo đó, cơ hội lớn nhất có thể thuộc về các đội tuyển Tây Ban Nha và Đức, từng lọt vào vòng chung kết  của Euro trước. Những đội tuyển cũng có cơ hội tốt, dù kém xa hai đội tuyển trên, là  Hà Lan, Anh, Pháp và Italia.

Phạm Huy Dũng
.
.