Đo niềm tin Sea Games

Thứ Sáu, 15/11/2013, 13:46

Niềm tin, đó là điều mà bóng đá Việt Nam hay cân, đo, đong, đếm trước mỗi kỳ đem chuông đi đánh SEA Games. Có những lúc niềm tin được đốt lên thật nhiều, và cũng có những lúc chúng ta chỉ cách chiếc Huy chương vàng SEA Games nửa bước chân. Thế nhưng rốt cuộc là 54 năm đã trôi qua kể từ ngày đội tuyển Miền Nam Việt Nam đánh bại Thái Lan 3-1 để lên ngôi vô địch, niềm tin cứ đến rồi đi như một cuộc trốn tìm ác hiểm. Bây giờ, khi SEA Games 27 chỉ còn tính bằng tuần thì người ta lại hỏi một câu hỏi cũ: Niềm tin nào cho U.23 Việt Nam?

Câu chuyện về một chiếc cúp bị gãy

Một buổi tối tháng 11 năm 2009, U.23 Việt Nam hân hoan bày trận với U.23 Thái Lan trong trận đấu cuối cùng của VFF Cup – giải giao hữu cận kề SEA Games 25. Hân hoan là bởi trước đó, thầy trò Henrique Calisto đã thắng cả U.23 Singapore lẫn U.23 Trung Quốc để cầm chắc ngôi vô địch.

Nói như những lãnh đạo VFF hồi ấy thì chức vô địch VFF Cup sẽ là một lực đẩy quan trọng giúp cho thế hệ U.23 của những Thành Lương, Thanh Bình, Trọng Hoàng, Tấn Trường… dấn thân vào chiến trường SEA Games khốc liệt. Nhìn vào mặt lực lượng, binh tinh lẫn cả phương diện tinh thần, khí thế thì Đội tuyển U.23 Việt Nam thời điểm ấy quả nhiên là một đội bóng hùng mạnh, xứng đáng để người hâm mộ tin yêu.

Nhưng lại có những yếu tố phi vật chất khiến những người gắn bó với U.23 Việt Nam lúc ấy… run run lo sợ. Đó là khi bước lên bục nhận cúp vô địch VFF, các cầu thủ U.23 chỉ vừa giơ chiếc cúp ăn mừng vài phút là chiếc cúp đã bị gãy làm đôi. Đã có chuyên gia bóng đá trách VFF làm một chiếc cúp không ra hồn, khiến cho ngày vui của các cầu thủ diễn ra không trọn vẹn. Lại có người nhìn vào sự cố chiếc cúp bị gãy mà đắn đo với câu hỏi: đấy liệu có phải là cái điềm, báo hiệu một SEA Games chẳng lành hay không?

Ai cũng biết là vào đến SEA Games 25, thầy trò Calisto dễ dàng đi một lèo tới trận chung kết, và khi tái ngộ U.23 Malaysia ở trận chung kết (đối thủ đã thua tan nát chúng ta 1-3 ở vòng đấu bảng) thì U.23 Việt Nam đã được cả Đông Nam Á đặt ở thế cửa trên. Nhưng cứ như bị Virus đồng loạt mà 90 phút chung kết ấy, cầu thủ Việt Nam không còn là mình nữa.

Đến khi Mai Xuân Hợp đá phản lưới nhà thì tất cả đều hiểu thế là mọi thứ đã hết – giống như nó vẫn hết trong các trận chung kết SEA Games trước đó. Hình ảnh những cầu thủ tuổi 23 khóc ròng, và hình ảnh một con người cứng rắn như Calisto cũng phải mất tới cả chục phút định thần sau trận chung kết khó hiểu đến tận bây giờ vẫn găm vào lòng nhiều nhà lãnh đạo bóng đá một ký ức chẳng dễ nuốt trôi.

Sau trận chung kết thua đau, thua tệ ấy rất nhiều người lại nhớ đến sự cố “chiếc cúp bị gãy” gắn liền với “cái điềm chẳng lành” ở VFF Cup,  rồi kết luận: hoá ra, ngay cả khi đã có một cơ hội vô địch tốt hơn bao giờ hết, ngay mà niềm tin vào chiếc HCV SEA Games  dày như thế kỷ thì chúng ta vẫn không thắng nổi những lực cản vô hình.

Những lực cản mà trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều góc khuất còn chưa được giải mật thì người ta vẫn tạm thời gọi nó là “cái điềm”, là “định mệnh”, là những “kịch bản” mà tưởng như chỉ có ông trời mới có thể tạo nên.

Và câu chuyện về một trận chung kết bị gãy

Cũng giống như thời kỳ tiền SEA Games 25, tiền SEA Games 27, U.23 Việt Nam lại thử sức trong một giải đấu giao hữu mang tên BTV Cup. Và giải giao hữu này thì các học trò của HLV Hoàng Văn Phúc cũng vào chung kết, nhưng lại gãy sau 90 phút chung kết không thể cầm hồn cuộc chơi. Nhiều người tiếc vì trận chung kết gãy đổ ấy đã phá đi mạch dài hơn 10 trận liền bất bại. Và người ta còn tiếc vì cho rằng chức vô địch BTV Cup sẽ là một lực đẩy quan trọng giúp U.23 Việt Nam tự tin bước vào chiến trường SEA Games.

Huấn luyện viên Hoàng Văn Phúc lại cầm quân dự SEA Games trong bối cảnh không được quá nhiều người tin yêu…

Song thực ra thì 90 phút bại binh và hình ảnh những cầu thủ tuổi 23 buồn tủi mếu máo tại chung kết BTV Cup lại giúp chúng ta được nhiều hơn mất. Ít ra thì nó cũng giúp thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc được trải nghiệm với cảm giác bại trận sau một loạt dài toàn hoà và thắng. Phải nhờ cảm giác bại trận (lại là bại trận trong 90 phút kết đầy nỗ lực) thì các cầu thủ mới có thể lớn hơn, trưởng thành hơn, dày dặn bản lĩnh hơn.

Và nếu nhìn nhận theo góc độ ấy thì cả những sóng gió hậu trường của đội tuyển tại giải đấu này, từ trận hoà 3-3  bất thường với CLB Aletico Bungo (Brazil) đến việc ông HLV trưởng bị “tạm đình chỉ” một cách nhanh chóng, tức thời  cũng có ý nghĩa tích cực của nó. Chính từ sóng gió ấy mà tình cảm thầy trò như thêm phần khăng khít và được thể hiện một cách trực tiếp, trực diện trước bàn dân thiên hạ. Cứ nhìn cái cảnh các cầu thủ chạy ùa lên khán đài ôm chầm lấy HLV Hoàng Văn Phúc (người khi đó vẫn đang bị “tạm đình chỉ”) sau những loạt luân lưu nghẹt thở ở trận bán kết với Sinh viên Hàn Quốc, rồi hình ảnh ông Phúc xuống sân ôm những cậu trò nhỏ vào lòng sau trận chung kết thua đau là có thể hiểu rõ điều này.

Và ở điểm này thì U.23 Việt Nam của năm 2013 lại rất giống với U.23 Việt Nam của năm 2009 – cái năm mà giữa thầy “Tô” với các cầu thủ cũng tồn tại một mối quan hệ thầy – trò, cha – con cực kỳ khăng khít.

Tương đồng và tương phản

Nếu như xét ở mối quan hệ thầy trò thì U.23 Việt Nam của ông Phúc và U.23 Việt Nam của ông “Tô” có rất nhiều nét tương đồng. Nhưng nếu xét ở góc độ chất lượng thầy và chất lượng trò thì giữa 2 đội tuyển lại xuất hiện những sự tương phản lớn lao. Năm 2009, U.23 Việt Nam là tập hợp của một thế hệ trẻ xuất sắc với những cái tên nổi đình nổi đám như Thành Lương, Trọng Hoàng, Thanh Bình, Long Giang…, nhưng bây giờ thì U.23 Việt Nam lại chỉ có những cá nhân tầm tầm, người này nhỉnh hơn người kia chút ít.

Huấn luyện viên Calisto đã thất bại trong một kỳ SEA Games được nhiều người kỳ vọng.

Năm 2009, cơ trưởng U.23 Việt Nam – Henrique Calisto được đánh giá là một bậc thầy về chiến thuật và tâm lý, còn hiện giờ cơ trưởng U.23 Việt Nam Hoàng Văn Phúc chỉ được biết đến trong tư cách một ông thầy hiền hoà, lành tính, ưa cầu thị. Và nếu nhìn vào lộ trình đi tới SEA Games thì giữa hai đội tuyển này cũng là hai con đường khác xa nhau. Cái lộ trình mà ở đấy, trong khi U.23 của Calisto êm ả, trơn tru rồi hãnh diện với ngôi vô địch VFF Cup thì U.23 của Hoàng Văn Phúc lại chông gai, sóng gió rồi đổ gục trong 90 phút chung kết BTV Cup không như ý mình.

Nhưng sau nhiều kỳ SEA Games với nhiều bài học xương máu đã qua thì hình như chính U.23 của ông Phúc mới là đội bóng đáng tin, đáng kỳ vọng hơn. Một đội bóng gãy từ cơ trưởng (thể hiện ở quyết định “tạm đình chỉ”), gãy cả tâm lý và gãy luôn trận chung kết BTV Cup, nhưng nhờ đó lại nhìn rõ mình và sửa mình, thay vì một đội bóng tiến đến SEA Games bằng một chiếc cúp, nhưng lại là… cúp gãy, và vào đến chung kết SEA Games thì gãy thật, gãy không thương tiếc!

Bóng đá Việt Nam có những chỉ số niềm tin khác và rất khác so với những chỉ số niềm tin mà người ta vẫn cân, đo bằng những chuẩn mực logic thông thường.

Khi nào bất tin nhất thì Bóng đá Việt Nam lại có cơ hội “làm nên chuyện” nhiều nhất?

AFF Suzuki Cup 2008, có nằm mơ cũng chẳng ai tin ĐTVN sẽ lên ngôi vua khu vực. Không chỉ vì Đội tuyển đá 11 trận liền không thắng trước khi chính thức đem quân dự giải, mà vì sau những trận đấu ấy, nội bộ Đội tuyển đã rối từ trên xuống dưới. HLV Calisto thậm chí đã đề nghị các cầu thủ bỏ phiếu kín, và đã  tính đến trường hợp nếu có trên 50% các cầu thủ đề nghị mình ra đi thì sẽ chính thức đệ đơn từ chức lên VFF. Phải đến khi Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ “bảo lãnh” bằng câu nói: “Không thay Calisto với bất cứ giá nào!” thì nhà cầm quân người Bồ Đào Nha mới yên tâm đem quân đi đánh trận.

Mà vào đến trận đánh chính thức rồi, ĐTVN tưởng như sẽ bị loại ngay sau vòng bảng khi bị Malaysia cầm hoà cho đến những phút cuối cùng của một trận đấu mà chúng ta phải thắng mới có cơ may đi tiếp. May sao, một cú đá hỏng của Vũ Phong và một mô đất nhô lên bất thương ở sân vận động Surakul (Phuket – Thái Lan) đã giúp chúng ta giành chiến thắng trong đường tơ kẽ tóc. Và thế là chúng ta hồi sinh rồi đi một lèo tới ngôi vô địch sau 90 phút phải mấp mé giữa lằn ranh sống chết.

Rõ ràng là chính ở cái giải đấu mà ĐTVN bị đánh giá thấp nhất và ít được tin tưởng nhất lại là giải đấu đem lại cho chúng ta một chiến công ngọt ngào. Nó tương phản trông thấy so với những giải đấu và những trận đấu mà tưởng như chúng ta đã “vô địch tới nơi…” nhưng rốt cuộc đấy lại là những kịch bản khiến chúng ta khóc hận.

Sẽ là khập khiễng nếu so sánh binh tình của ĐTVN trước thềm AFF Cup 2008 với binh tình của U.23 ở thời điểm hiện nay. Nhưng có điểm chung dễ thấy là trước cả hai giải đấu này, các cầu thủ của chúng ta đều không nhận đươc quá nhiều sự quan tâm, kỳ vọng…

Phan Đăng
.
.