Đỏ mắt tìm chồng

Thứ Hai, 31/03/2008, 08:45
Họ sinh ra như những món quà của tạo hóa ban cho miền quê buồn tẻ và lam lũ, như những bông hoa của trời, đậu xuống rực rỡ trong một thiên nhiên khắc nghiệt, một đời sống nghèo nàn. Trong khung cảnh sống ấy, họ âm thầm tỏa hương, và cũng âm thầm héo tàn.

Những người đàn bà đẹp ấy trót sinh ra ở những miền quê nghèo. Giá như họ ra đời ở những nơi có điều kiện sống tốt hơn,có nhiều sự chọn lựa hạnh phúc hơn, có lẽ cơ hội cho cuộc đời của họ nhiều chứ không eo hẹp, khó khăn, thậm chí tủi phận như cái nơi nghèo khó, heo hút mà họ đang sống.

1. Tết năm nay cả nhà choáng sốc bởi một tuyên bố chắc như đinh đóng cột của ông anh cả. Ông sẽ chuyển cả gia đình ra Hà Nội. Cả nhà, cả họ ngạc nhiên như trên trời rớt xuống.

Ra Hà Nội? Hiện tại anh đang là Trưởng phòng kinh doanh của một công ty ăn nên làm ra ở thị xã. Vợ anh, chị dâu cũng đang là Chủ nhiệm khoa của trường đại học trong tỉnh. Anh chị có nhà cao cửa rộng ở ngay mặt phố, lương tháng đều đều cả hai người cũng chừng 10 triệu đồng. Đang yên đang lành, có của ăn của để sao bỗng dưng lại làm một cuộc đại cách mạng hoành tráng thế chứ. Chuyển được ra Thủ đô có phải dễ đâu.

Ông anh trầm ngâm. Bán cái nhà mặt phố này đủ tiền mua được căn hộ chung cư ở gần trung tâm Hà Nội. Chị hy sinh cái chức trưởng khoa, ra làm văn thư ở một trường đại học, bỏ làm chuyên môn nhưng bù lại có chỗ xí chân trong cơ quan nhà nước, trong môi trường sư phạm chị gắn bó hàng chục năm nay đã là mơ rồi. Anh thì chấp nhận nhì nhằng chạy bàn giấy cho một văn phòng tư nhân nước ngoài, miễn lương tháng dăm bảy triệu là ấm.

Anh tuyên bố: "Bỏ hết, bỏ hết, chức tước, địa vị của anh chị có đáng gì đâu mà tiếc, chỉ cần ra được Hà Nội. Nhà có hai cô con gái, cần gì nhiều tiền. Anh chị quyết định ra cho hai cháu có điều kiện học hành. Cháu lớn sang năm lên THPT, cháu út lên THCS, ra Hà Nội cho các cháu có nhiều cơ hội. Đời mình chật hẹp trong cái tỉnh lẻ này, có phấn đấu cả đời cũng đến thế thôi em ạ. Con cái mình có sắc nước hương trời, có thông minh giỏi giang mấy rồi cũng cùn mòn đi trong cái xó xỉnh này".

Ông anh cười ha hả sau những tuyên bố khiến cả nhà gây sốc. Khổ cho ông bà nội ngoại hai bên, thở ngắn than dài, ra Hà Nội làm gì cái chốn đất chật người đông, chen chúc nhau như kiến cỏ cho nó khổ. Đang yên ấm, đang phương trưởng không an cư mà lạc nghiệp lại cứ dở chứng.

Cả nhà kẻ bàn vào, người bàn ra. Ông anh cứ thế cúi mặt nhậu tới tới. Đến khi tàn cuộc, giọng đã sương sương, anh kêu chị dâu qua chiếu nhậu, nói với mấy anh em tôi giọng như khóc: "Em ơi, đời anh chị chỉ có thứ đáng giá nhất đấy là hai cô con gái. Chúng nó càng lớn càng xinh đẹp, lại học giỏi, có tư chất. Không chuyển cho chúng ra thành phố lớn, sau này học đại học xong, về quê làm việc, chúng nó biết lấy ai làm chồng.

Quê mình, có đàn ông ngon lành đâu mà lấy. Được đứa nào sạch mặt sạch mũi, học hành giỏi giang, chúng nó đi mất, có ai chịu về quê đâu. Hay lại như các cô thạc sỹ, tiến sỹ ở trường của chị mày đấy, mang tiếng đẹp gái, học hàm học vị cao ngất ngưởng nhưng rốt cục cũng chỉ có mấy thằng  trung cấp, sơ cấp lấy, thậm chí mấy tay thầu khoán, đi Tây về có tí tiền lấy. Đứa nào kén cá chọn canh thì thôi cứ thế mà ở già nhé, con gái đẹp đây không thiếu, càng học cao, càng ế chồng.

Thế đấy chú em ạ. Cứ nhìn những gia cảnh của các cô ở trường chị mà anh buồn. Anh chị quyết định chuyển ra Hà Nội, dù sao cũng là Thủ đô, người đông thật đấy nhưng sau này các cháu học hành giỏi giang đỗ đạt, quan trọng nhất không phải là cơ hội để làm việc mà cơ hội để các cháu chọn chồng. Chứ chúng nó xinh đẹp, thông minh thế, có được người chồng tương xứng, đời nó đỡ khổ.

2.Trời ơi, ngẫm lời ông anh nói mà tôi giật mình thon thót. Quê tôi đàn bà con gái đẹp thật, cứ nơi nào nghèo khó lam lũ, nơi nào có nhiều văn nhân thi nhân, con gái sinh ra vừa đẹp, vừa thông minh vừa lẳng, vừa quyến rũ kinh người.

Nhưng mảnh đất này không phải thiếu những trang nam tử hào hoa phong nhã. Phải tội đất nghèo quá, những nam thanh nữ tú có truyền thống thoát nghèo thoát khổ, thoát mảnh đất cày lên sỏi đá bằng cách lao vào học hành thi cử đỗ đạt. Miễn là đậu đại học, thoát được quê hương nghèo khổ, học xong bằng mọi giá bám trụ lại Thủ đô, hoặc thành phố lớn.

Nhưng sức bật, sự bám trụ dẻo dai ấy chỉ dành cho phần lớn các đấng mày râu. Còn các cô gái, học xong để có tấm bằng đại học, về quê thoát khỏi làm ruộng đã là một thành công lớn. Những cô gái vừa xinh đẹp, vừa học học hành đỗ đạt, cơ hội để có được những đấng nam nhi vừa đôi phải lứa thú thật nói ra thì quả là xót xa nhưng ít ỏi vô cùng.

Thế mới có chuyện một loạt các cô giáo ở trường đại học của tỉnh, từ cô T, Cô X, cô V, cô L thạc sỹ, tiến sỹ toán học, văn học, tâm lý nhưng vất vả lắm mới kiếm nổi tấm chồng. Các ông chồng quanh đi quẩn lại học hàm học vị, trình độ, tư chất thấp kém hơn vợ rất nhiều. Nghĩ mà buồn.

Sự cập kênh đó trong những trường hợp không tiện kể ra đây đúng là cảnh chồng thấp vợ cao, như đôi đũa lệch so sao cho bằng. Thất vọng về ý trung nhân, mà thực ra cũng chẳng kỳ vọng gì nhiều để mà thất vọng, các cô gái giỏi giang ấy đã tìm cách cân bằng cuộc sống của mình bằng công việc, phấn đấu. Rồi vợ càng ngày càng thành đạt, chồng càng ngày càng tự ty về sự thấp kém của mình.

Để xác lập quyền tối thượng của mình, các ông chồng dở chứng rượu chè, ghen tuông, hành vợ cho bõ tức. Ngay như ở một cơ quan truyền thông lớn của tỉnh, những ngôi sao giải trí nổi tiếng trong tỉnh vừa xinh đẹp, vừa giỏi chuyên môn, không bám trụ nổi tại các thành phố lớn phải về quê làm việc, quanh đi quẩn lại kén cá chọn canh mãi rồi cũng đành nhắm mắt đưa chân lấy chồng.

Tiếc cho những nhan sắc, những tài hoa trên đất tỉnh lẻ, rực rỡ là thế, hương sắc là thế nhưng cũng chỉ thế mà thôi, héo tàn trong đời thường buồn tẻ với những ông chồng không bao giờ chạm được vào phần nhạy cảm trong tâm hồn của vợ. Sự bất hạnh ấy dù các cô có giấu một cách khéo léo đến đâu thì cũng không thể không lộ ra, phơi bày trước cặp mắt soi mói của thiên hạ thường nhằm vào những người nổi tiếng dù là ở một phố thị nhỏ bé, khi vợ chồng có dịp xuất hiện bên nhau hay đến chỗ đông người.

3. Không chỉ với trường hợp những cô gái "cao số" vì vừa đẹp vừa giỏi mà vẫn phải đỏ mắt tìm chồng, mà với những nhan sắc đơn thuần, nghĩa là với những mỹ nhân chỉ quá đẹp nhưng không tài cao thì cơ hội để chọn ý trung nhân quả thật là còn eo hẹp hơn nữa. Bởi những nam tử có học và thành đạt, thường tìm đến những cô gái học vấn tương đương để chọn vợ.

Tâm lý tự tin, thiếu mạnh mẽ ở những trang nam nhi nơi phố huyện như quê tôi là phổ biến, bởi vậy, họ cứ chừa những người đẹp ra không dám bén mảng lại gần, cứ như thể những tuyệt sắc giai nhân ấy sinh ra nghiễm nhiên thuộc về một ai đó khác chứ không phải thuộc về họ. Vì thế mà phần lớn gái đẹp quê tôi đều lấy chồng không được như ý.

Chủ yếu là những anh chàng đi Tây, đi xuất khẩu lao động về có tý tiền, xe máy đẹp chạy vè vè, ôtô lượn lờ và đương nhiên các chàng đi Tây về hoặc các ông thầu khoán già bỏ vợ tìm đến các mỹ nữ và không từ bất kỳ khổ nhục kế nào từ tiền lẫn tình để chinh phục các người đẹp. Vậy là những mỹ nhân ở quê tôi, chồng học rộng tài cao thì không có duyên với tới. Thôi thì cứ thầu khoán, đi Tây, buôn bán mà đổ vía vợ chồng.

Cô T hoa khôi miền rừng, 16 tuổi đã đẹp rụng rời. Đẹp đến thế, lại đi bán hàng cho mẹ ở chợ, lọt vào mắt xanh không biết bao kẻ tình si. Nhưng chỉ có một tay lái buôn chuyên đánh hêroin ở biên giới mới đủ cơ để nàng xiêu đổ đồng ý về làm vợ.

Trai giàu, gái sắc, cuộc sống tất nhiên là nhung lụa. Mãi đến dăm năm sau, khi đã đẻ cho chồng vài đứa con, một ngày nọ Công an đến còng tay ông chồng giàu sụ, hoa khôi T mới té ngửa trước thực tế phũ phàng: chồng mình đích thị là tay buôn hêroin.

Chuyện của N còn buồn hơn thế nữa khi 17 tuổi, N rơi vào tay một gã đàn ông hơn mình đến 15 tuổi, từng có một đời vợ nhưng lại vừa đi Đức về, đôla "nhiều như… quân Nguyên". Khổ nỗi, chồng N chỉ nhiều đôla do một chuyến đi Đức bị trục xuất về nước và số đôla kia là tiền đền bù cho hợp đồng lao động chưa hoàn tất.

Về nước, cưới N, cứu giúp cha mẹ vợ đông con một ít tiền để trang trải, chồng N mua vài cái xe Dream thời đó cả tỉnh chưa ai mơ tới một chiếc Dream màu mận chín thì vợ chồng N đã hai người hai chiếc.

Trình độ không, nghề nghiệp không, miệng ăn núi lở, hết tiền, chồng N lại khăn gói vượt trời Tây để lại cô vợ xinh như mộng và cô con gái vài tuổi. Người đàn bà đẹp thế lại vắng chồng thì đàn ông ai chịu để cho yên. Người đàn bà có bản lĩnh đến mấy mà trước những cơn tấn công như vũ bão của mấy tay lái xe, thầu khoán dai như đỉa, đủ mọi khổ nhục kế để được một lần hái nụ hoa vắng chủ kia. Vậy là N sa chân.

"Tiếc thay một  đóa trà mi...". Cuối cùng chồng N nghe tin vợ lăng nhăng đã không trở về. Những gã đàn ông kia chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao, không có ai chịu lấy N làm vợ. Bây giờ N vẫn là một bà chủ nổi tiếng xinh đẹp và chịu chơi của một cửa hàng kinh doanh trên phố thị… Nhan sắc thì vẫn chưa chịu héo tàn...

.
.