Điệp viên đến lúc bạc đầu

Thứ Bảy, 10/10/2009, 08:54
Người điệp viên thành công nhất là người không bao giờ được ai biết tới. Danh tiếng nổi như cồn, tràn ngập hình trên sách báo, những huyền thoại cho tương lai - tất cả những thứ này đối với một điệp viên chuyên nghiệp không phải là cái gì khác ngoài cái gọi là bị lộ mặt, tức là thất bại. Cặp vợ chồng Mikhail và Elisaveta Mukasey đã tránh được thân phận này. Nhưng họ cũng may mắn sống đủ lâu để được xã hội công khai thừa nhận những thành tích điệp viên của mình.

Ông Mikhail Mukasey  đã sống được tới năm 102 tuổi và chỉ qua đời vào tháng 8/2008. Còn vợ ông, bà Elisaveta Mukasey, hay "Elssa huyền  thoại",  vừa mới mất vào ngày 19/9/2009, thọ 97 tuổi.

Theo website Lenta.ru, nhiệm vụ lớn đầu tiên của cặp vợ chồng điệp viên Xôviết này được thực hiện ở thủ đô Hollywood, thành phố Los Angeles. Khi ấy, vào năm 1939, họ xuất hiện ở đó với vỏ bọc hoàn toàn hợp pháp. Ông Mikhail Mukasey được chính thức cử sang đó làm phó lãnh sự Xôviết. Một thời gian sau, vợ ông cũng sang cùng ông với hai đứa con thơ.

Nhìn thoáng từ bên ngoài, Los Angeles không phải là nơi có thể tạo nên được những mối quan tâm chiến thuật đối với các cơ quan tình báo. Thế nhưng, tại trung tâm của "kinh đô điện ảnh", có thể dễ dàng tìm kiếm những mối quan hệ  với những người gần gụi  với thượng tầng chính trị và nắm giữ những thông tin quý. Vì thế, ngoài việc thu thập thông tin từ các điệp viên Xôviết bí mật đang làm việc trên đất Mỹ, gia đình ông phó lãnh sự Xôviết khả ái đã rất tích cực tham dự vào cuộc sống thượng lưu sở tại.

Nhà văn nổi tiếng Theodore Dreiser đã gọi họ đầy trìu mến là Michael và Lisa, nhạc trưởng Leopold Stokowski cũng thường xuyên tới chơi cùng họ. Trong số những bằng hữu thân quen của gia đình Mukasey có nữ diễn viên điện ảnh và sân khấu Mary Pickford, người sáng lập ra hãng phim United Artits; ngôi sao lớn của điện ảnh câm Douglas Fairbanks; nhà sản xuất phim Walt Disney; nghệ sĩ dương cầm vĩ đại Vladimir Horowitz… Danh hài vĩ đại Charlie Chaplin cũng đặc biệt thân thiết với hai vợ chồng nhà ngoại giao Xôviết này…

Theo hồi ức của con trai cặp vợ chồng điệp viên, nhà quay phim Anatoly Mukasey, chính ở Mỹ mà anh ngay từ nhỏ đã nhiễm phải "cúm xinê". "Mặc dù mới tí tuổi thôi nhưng tôi đã nhớ rất rõ bác Charlie. Cha mẹ tôi đã là những khán giả đầu tiên của phim "Nhà độc tài"… Ba tôi đã dạy cho bác Charlie cách uống rượu vodka. Và tôi sẽ không bao giờ quên chuyện, sau bữa tối, dưới gầm cái bàn được phủ tấm khăn dài, tôi đã đùa nghịch cùng bác nhà văn Theodore đang bị say mèm…". Cậu con trai nhỏ của người cha xuất thân từ dòng họ thợ rèn ở tỉnh Minsk và người mẹ sinh ra ở tại làng công nhân nghèo gần Ulfa lại có cơ hội được đùa nghịch với nhà văn Mỹ nổi tiếng thế giới Theodore Dreiser… Giai đoạn đầu trong tiểu sử của cặp vợ chồng điệp viên Zefir và Elsa không thể nào ngờ được là sẽ có đoạn sau như thế.

Để tránh nạn đói thậm tệ đang hoành hành, cuối năm 1917, gia đình của cô bé 5 tuổi Lisa Emelianova đã chuyển tới Tashkent sinh sống. Cô bé lớn lên vào học trường nội trú và năm 1929, thi vào Khoa Sinh học Trường Đại học Tổng hợp Leningrad (nay là Saint Peterburg). Cũng ở đó, cô đã làm quen với người chồng tương lai, Mikhail Mukasey, người từng làm việc ở nhà máy đóng tàu Baltic và đã tốt nghiệp khoa công nhân và được phân về học ở Trường Đại học các ngôn ngữ phương Đông. Anh được chuyên về tiếng Belgan và tiếng Anh.

Tốt nghiệp đại học, Elisaveta vào làm việc trong nhà máy và trước khi sang Mỹ, đã làm Hiệu trưởng Trường Thanh niên công nhân. Năm 1937, Mikhail Mukasey trở thành học viên của Trường Tình báo Hồng quân.

Những thông tin mà cặp vợ chồng Mikhail và Elisaveta Mukasey truyền từ Los Angeles được đánh giá cao ở Moskva. Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, họ càng ngày càng nhận được nhiều nhiệm vụ hơn. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là phải tìm hiểu xem trong tương lai gần, liệu Nhật Bản có tham chiến ở phía nước Đức phát xít hay không? Câu trả lời "không", cũng trùng với những thông tin mà nhà tình báo vĩ đại Richard Sorge cung cấp, đã giúp cho Bộ Tư lệnh Tối cao Xôviết chuyển từ vùng Viễn Đông những sư đoàn rất đang cần cho mặt trận phía Tây, quanh Moskva...

Năm 1943, kết thúc nhiệm kỳ công tác ở Mỹ, hai vợ chồng trở về Moskva. Sau khi Belorussia được giải phóng, Mikhail Mukasey hay tin rằng, cha mẹ cũng như những người thân thích khác của ông,  phải ở lại trên vùng lãnh thổ bị quân phát xít chiếm đóng, đều không được sống sót. Gần như toàn bộ cư dân ở làng Do Thái Zamostie, nơi Mikhail Mukasey sinh ra, đều bị quân phát xít bắn chết.

Trở về tổ quốc, Mikhail Mukasey được cử làm phó chỉ huy cơ quan đào tạo tình báo, còn vợ ông thì trở thành thư ký hội đồng nghệ thuật của Nhà hát Hàn lâm Moskva (MKHAT). Tuy nhiên, sau đó, năm 1947, cả hai vợ chồng đều được đề nghị tham dự một khoá đào tạo đặc biệt. "Elsa" đã học tiếng Đức và tiếng Ba Lan cũng như học cách điều khiển điện đài. Khi đó, Mikhail Mukasey đã 40 tuổi (ông sinh năm 1907). Và tới năm 1955, khi ông đã 48 tuổi, bắt đầu giai đoạn làm việc mới kéo dài tới 20 năm trong vai trò một điệp viên bí mật. Công việc dưới vỏ bọc phó lãnh sự dù phức tạp nhưng dẫu sao cũng không đòi hòi phải biến đổi thành một người hoàn toàn khác. Còn làm điệp viên bí mật có nghĩa là phải sử dụng giấy tờ giả, lý lịch giả, sống xa con cái…

Con gái của cặp vợ chồng điệp viên, Ella Mikhailovna, kể về chuyến ra đi làm nhiệm vụ của cha mẹ mình như sau: "Chào tạm biệt rồi, cha tôi không hiểu vì sao lại không đi ra theo lối cửa chính mà lại nhảy qua cửa sổ về phía sân sau. "Cần phải như thế" - mẹ tôi giải thích. Rồi sau đó mẹ nói là mẹ cũng phải đi tới chỗ cha vì "cha mẹ đang phải thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt". Tôi khi đó đang học lớp 7, còn em tôi đang học lớp 5. Tôi đã rất buồn vì thiếu mẹ. Đêm nào tôi cũng khóc…".

Nhiệm vụ chính của cặp vợ chồng điệp viên với mật danh Zefir và Elsa là tổ chức mối liên lạc với Moskva thông qua điện đài. Chuyển tới trung tâm là những thông tin từ mạng lưới điệp viên Xôviết ở nước ngoài, còn các điệp viên thì nhận được những chỉ thị mới. Công việc này rất nguy hiểm, thường xuyên phải thay đổi vị trí, lập các hòm thư bí mật, tổ chức các cuộc gặp kín… Và chỉ cần bất cứ ai trong số các điệp viên bị nghi ngờ thì cơ quan phản gián của đối phương tất yếu sẽ lần tới dấu vết gia đình Mukasey.

Trong giai đoạn đầu, Mikhail phải sử dụng vỏ bọc là một công ty buôn bán lông thú. Bạn làm ăn của ông đã rất vui vì được ông trao cho toàn quyền thương mại, còn ông thì dành hết thời gian cho việc tìm một ngôi nhà thích hợp để tiến hành trao đổi điện đàm với Moskva. Ở thời đó, đấy là cách duy nhất để duy trì thông tin liên lạc với trung tâm.

Tiếp theo là các nhiệm vụ ở những quốc gia khác, trong đó có Mỹ và Israel. Ngoài nhiệm vụ làm điện báo viên, đòi hỏi rất nhiều tính sáng tạo và trình độ nghiệp vụ cao, "Elsa" còn thực hiện rất nhiều loại nhiệm vụ khác của lãnh đạo.

Thí dụ, có lần bà phải "trở thành" em họ của một điệp viên bí mật Xôviết đã qua đời ở nơi đất khách quê người. Elisaveta Mukasey đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không chỉ gìn giữ được huyền thoại cho người điệp viên mà còn mai táng được cho anh một cách đầy tình người…

Bà Elisaveta được phép hai ba tháng một lần về thăm con cái. Chồng bà ít được ghé qua nhà hơn. Một trong những chuyến thăm nhà kéo dài nhất trong giai đoạn họ làm nhiệm vụ là vào năm 1958, khi trong gia đình có hai đám cưới liền. Khi ấy, con gái họ lấy chồng, còn con trai họ lấy vợ là nữ diễn viên Svetlana Druzhinina, về sau trở thành một đạo diễn có tiếng…

Năm 1977, cặp vợ chồng điệp viên, suốt hai mươi năm làm việc ở nước ngoài không hề bị lộ, đã trở về tổ quốc. Họ trở thành những giảng viên trong trường tình báo, truyền thụ kinh nghiệm của mình cho các thế hệ điệp viên tương lai. Họ cũng viết nên nhiều giáo trình cho các trường đào tạo điệp viên. Những đóng góp của họ đã được tặng thưởng nhiều huân, huy chương…

Và rồi cũng đến lúc một số hoạt động của họ đến thời hạn giải mật. Năm 2004 đã xuất bản cuốn sách của họ "Zefir và Elsa. Những điệp viên bí mật". Ngay cả khi viết sách, vợ chồng Mukasey vẫn trung thành với công việc của họ - cuốn sách được viết ra với phong cách thú vị nhưng các bí mật nghề nghiệp của các điệp viên vẫn không bị bộc lộ. Năm 2005, trong khuôn khổ giải thưởng "Đỉnh Olympus Quốc gia Nga", cặp vợ chồng Mikhail và Elisaveta Mukasey đã được trao tặng danh hiệu "Những nhân vật huyền thoại" như những điệp viên bí mật kiệt xuất.

Trong một bài trả lời phỏng vấn, ông Mikhail Mukasey kể rằng, ở nước ngoài ngay cả khi chỉ có hai vợ chồng với nhau, họ vẫn trò chuyện cùng nhau bằng tiếng Đức, tiếng Anh hay tiếng Ba Lan, tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể lúc đó. Nhưng những khi cần phải thảo luận một điều gì đó cực kỳ quan trọng, họ thường ra ngoài thành phố (ở nhà họ không bao giờ đề cập tới những chuyện quan trọng) và nói cùng nhau bằng tiếng Nga. Và đó chỉ là một trong những thói quen nghề nghiệp của các điệp viên chuyên nghiệp

Lương Khánh
.
.