Đi chợ cho người

Thứ Tư, 01/10/2014, 14:00

Có người hôm qua lặng lẽ ăn bữa trưa vào lúc xế chiều, có người đã 2 năm ròng rã chưa được tự tay nấu bữa cơm để rồi ngồi quây quần bên chồng con nơi quê nhà… Ở những xóm lao động nghèo nằm sâu bên trong các con hẻm chằng chịt quanh khu vực ngã tư Bốn Xã, có đến hàng trăm người có hoàn cảnh như thế.

Nhưng mỗi ngày, họ lại lên đường đến chợ từ sớm để chọn mua những bó rau, con cá thật tươi, đong đếm từng đồng để góp phần tạo nên bữa ăn ngon cho hàng chục gia đình, bà mẹ khác. Cái tên “siêu thị di động” được nhiều người gọi vui từ đó mà gắn liền với họ suốt vài chục năm lặn lội ở đất Sài Gòn.

Lầm lũi mưu sinh

Gần 2h sáng, vài căn nhà 2 tầng nhưng thấp lè tè của một nhánh hẻm trên đường Khuông Việt, Q.Tân Phú bỗng dưng bừng sáng ánh đèn. Hơn 60 người phụ nữ, trẻ có, già cũng có lục tục dắt xe đạp lặng lẽ bước ra. Trong ánh đèn ngoài hiên mờ mờ, vài người đang nâng hai cái giỏ sắt tự chế gác lên yên sau. Vài người khác đang cố cột lại cái quai nón lá đã cũ, rách. Chuẩn bị xong, không ai nói với ai câu nào, họ cong lưng đạp mạnh pê-đan, chiếc xe chậm rãi tiến về phía trước.

Đó chỉ là một trong những xóm trọ của những người làm nghề “siêu thị di động”. Xóm này hầu hết đều cùng quê Bắc Ninh, với hơn trăm người tập trung đông đúc ở nơi mà người địa phương vẫn quen gọi là khu nhà lá, P.Phú Trung, Q.Tân Phú.

Theo chân chị Ngô Thị Hoàng, người đã có thâm niên 15 năm ròng đi chợ cho người ta. Đường từ khu nhà lá ra chợ Bình Thới (Q.11) mất của chị gần 30 phút hì hục đạp xe. Đến nơi, chị Hoàng cùng nhiều phụ nữ khác lao vào mua hàng, làm sôi động cả một khu chợ còn đang ngái ngủ. Chủ yếu đến những sạp quen thuộc, chị Hoàng thuộc nằm lòng vị trí các sạp tại đây. Còn quá sớm để bán cho khách mua lẻ, nên nhìn bên ngoài các sạp, từ rau tới thịt đều tươi xanh chẳng khác là bao so với hàng hóa vừa xuống bến ở các chợ đầu mối. Nhưng theo chị Hoàng, vẫn phải cân đo, chọn lựa thật kỹ, vì chỉ cần thiếu một lạng thịt, bán ế một bó rau là tiền lời cả ngày đi tong. Với giá sỉ khá mềm cho những người mua đi bán lại, khu chợ Bình Thới gần như chia làm hai ca, ca đầu khoảng từ 3h – 4h sáng, chỉ phục vụ những mối mua sỉ như chị Hoàng.

Với 2 cái giỏ sắt tự chế ở yên sau, hơn 10 loại rau củ thân còn sũng nước, 2 hộp trứng, khoảng 4 cân thịt và các loại hành, ớt tỏi, gia vị... được chị Hoàng sắp đặt gọn gàng đến độ khó tin. Đó là chưa kể hành trang còn có cơ man nào là cân, thớt, dao kéo, túi nilon… Đến một sạp khác lấy thêm thùng xốp đựng cá tươi nặng khoảng 5kg, hàng hóa của chị cho một ngày bán đã hoàn tất với số vốn gần 2 triệu đồng.

Chị Hoàng kể rằng, đối với nhiều người khác trong xóm, 15 năm mưu sinh xứ người của chị chẳng thấm tháp vào đâu. Ấy vậy nên, khi còn là cô gái đôi mươi mới bước chân vào Sài Gòn, các chị em đi trước đành phải giao cho chị đi bán ở tận khu vực Q.7, nơi chưa có ai trong xóm “phụ trách”. Theo chị, nhiều người đi trước đã chọn cho mình một khu vực riêng, hình thành một chuỗi những con đường với nhiều khách hàng thân quen. Những con đường gần đều đã có người chọn, chị vào nghề sau nên phải chấp nhận đi xa hơn. Ở cùng với chị Hoàng trong khu trọ này còn có 5 người chị em họ khác.

Chiếc xe đạp rỉ sét, đã bong tróc hết nước sơn của chị Hợi.

Hàng ngày, đạp xe khoảng 8 cây số để tới khu vực mình “phụ trách” ở Q.7, chị Hoàng đảo quanh khắp các tuyến đường từ Nguyễn Thị Thập, Lê Văn Lương đến các con đường đánh số nối tiếp nhau. Thỉnh thoảng có người gọi để mua bó rau, lạng thịt cũng là lúc chị được dừng và nghỉ chân ít phút. Nếu tính cả buổi mưu sinh, chị Hoàng đạp xe không dưới 40 cây số trong tròn nửa ngày để mang về số tiền lời vỏn vẹn gần 200 ngàn đồng.

Vài năm trở lại đây, khi hàng loạt những siêu thị lớn nhỏ, siêu thị tiện lợi có bán đầy đủ rau, củ quả mọc lên khắp nơi thì việc buôn bán cũng trở nên ế ẩm hơn trước. Theo thời gian, càng ngày những “siêu thị” trên xe đạp như chị Hoàng càng phải đi quãng đường dài hơn, tới những nơi xa hơn và về nhà trễ hơn. Lí do rất đơn giản, khách quen dần biến mất do họ thấy được sự thuận tiện của những chuỗi siêu thị mới mở. Khách mới thì ngại ngần, sợ đắt rẻ và sợ đủ thứ khác… mà theo chị Hoàng là: “Khó chiều lắm, rau hơi héo họ cũng chê, mà tươi quá họ cũng chê vì sợ thuốc trừ sâu, tăng trưởng”.

Không riêng mình chị Hoàng mà với rất nhiều người, Sài Gòn chỉ là những cung đường quen thuộc đạp xe đi bán và về nhà. Chị tuyệt nhiên không biết đến con đường nào khác vì hơn 15 năm qua, trừ lúc ốm đau, chưa một ngày chị dám nghỉ ngơi để đi đây đó. “Bữa nào may mắn bán đắt hàng, về nhà sớm thì khoảng 1 - 2 giờ chiều. Thường thì buổi trưa tôi ăn tạm bánh mì hoặc ghé những quán cơm lề đường. Về đến nhà, chợp mắt một tý là tới giờ dậy nấu bữa cơm chiều cho chồng”.

Hai năm chưa gặp được con

Hỏi thêm nhiều mảnh đời nữa mới biết, chị Hoàng vẫn khá may mắn khi được ở cạnh chồng, còn có người đầu ấp tay gối, tâm sự hằng đêm. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hợi, 43 tuổi, xa quê từ khi chỉ vừa tròn 20 và đã hơn 2 năm chưa lần nào được tự tay nấu bữa cơm cho chồng, cho con. Hai năm gồng mình trên chiếc xe đạp rỉ sét đã bong hết nước sơn, chị Hợi tích cóp mãi mới dư ra được ít tiền. Trong ánh mắt người phụ nữ ấy, chợt lóe lên niềm hi vọng vào một cái tết ấm áp, sum vầy khi kể chuyện về gia đình.

Chị kể rằng, hơn 2 năm trước, ngày biết tin đứa con gái lớn đậu vào một trường đại học ở Hà Nội, chị ngồi một mình trong căn phòng trọ vỏn vẹn 6m2 tối mịt, xập xệ mà nước mắt lưng tròng, vừa mừng vừa tủi nghe giọng con reo vui bên kia đầu dây điện thoại. Ẩn sâu bên trong dáng dấp nhỏ bé, xương xẩu của người mẹ ít học, vẫn còn đó rất nhiều niềm tự hào khi nhắc đến đứa con giờ đang là sinh viên. Nhưng dù muốn, vòng tay của chị vẫn chưa thể với được để trao tới con một cái ôm cho thỏa lòng. Khi ấy, chị bàn với chồng, bảo anh bỏ ruộng vườn ra Hà Nội xin việc, vừa làm vừa nuôi con. Chị ở trong Nam mỗi tháng cố gửi thêm ít tiền cho con lo học phí. Đứa con gái nhỏ hơn vừa lên lớp 10, đành gửi lại cho ông bà chăm sóc, bảo ban. Ngày về quê cứ thế xa dần…

Cô Nguyễn Thị Thương, 50 tuổi, quê ở tỉnh Hải Dương cũng đã hơn 20 năm sống với cái nghề như thế, thậm chí còn chật vật hơn. Có hai đứa con, cô đều bỏ lại quê nhà cho chồng dạy dỗ. Con trai lớn học mãi không qua nổi cấp 3, lêu lổng một thời gian rồi vào Sài Gòn làm thợ hồ nay đã 4 năm. Đứa con gái mới 17 tuổi, chịu khó học hành, từng là niềm hi vọng của cả nhà giờ biết yêu đương sớm. Người cha tội nghiệp một thân dạy con không biết làm sao, đành khăn gói đưa đứa con lỡ dại vào Sài Gòn sinh nở. Cô gái trẻ bỏ hẳn việc học hành, xin vào làm công nhân trong khu chế xuất được gần tròn năm.

Bà ngoại ở tuổi 50 vốn đã lam lũ đạp xe bán hàng từ khuya cho đến quá trưa, giờ kiêm thêm việc giữ cháu vào mỗi buổi chiều, thường xuyên mất luôn giấc ngủ. Ông ngoại cũng phải hi sinh vài cuốc xe ôm buổi sáng để dành hết thời gian cho đứa cháu. Vào một buổi tối mưa dầm dề cuối tháng 8, trong dãy phòng trọ 20 căn tương đối “sang trọng” ở xóm Đồi thông (P. Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân), 5 người già trẻ chen chúc nhau trong khoảng 12m2 nền gạch. Từ khi có thêm đứa trẻ, căn gác nhỏ xíu bên trên vốn đã chật kín nay chứa hầu hết mọi đồ đạc trong nhà, phần dưới nhà trống trơ mà theo cô Thương là: “Để cho thằng cháu có chỗ bò qua, bò lại”.

Cái khó ló cái khôn

Nói thẳng thì, hầu hết các chị, các cô làm nghề đi chợ cho người ta này hầu hết không ai được học hành tử tế. Có người thú nhận đến giờ lâu quá đã quên luôn mặt chữ, đọc báo đôi lúc khó khăn. Nhưng nói thế không phải để khinh thường họ, mà là để nể phục sự thích nghi nhanh chóng với thời cuộc, mong sống được với cái nghề đã trót lỡ vận vào mình.

Để có thể cạnh tranh được với những cửa hàng, siêu thị sang trọng mọc lên ngày càng nhiều, hầu hết mọi người trong xóm, kể cả những người đọc không rành mặt chữ đều trở thành những bậc thầy về tính toán. Và không biết bắt đầu từ ai, nhưng giờ đây hầu hết mỗi người trong khu Nhà lá, xóm Đồi thông… đều sắm cho mình một chiếc điện thoại di động. Trong khi bán, họ xin số của khách quen, chủ yếu là những bà mẹ bận rộn, người già cả ở nhà một mình, hoặc mấy cô sinh viên sống trong dãy nhà trọ cách xa chợ… rồi chủ động đề nghị họ gọi hoặc nhắn tin để đặt hàng. Với cách làm ấy, xóm “siêu thị di động” rất được lòng khách hàng khi đảm bảo cho những gia đình này luôn có được bữa ăn với những món mà họ thích, đồng thời lại không tốn công đi chợ, chọn lựa rồi trả giá từng đồng. Thỉnh thoảng khi cần, nhiều người còn kiêm luôn “dịch vụ” tư vấn qua điện thoại khi các bà mẹ “bí” món ăn.

Mỗi ngày, từ sau bữa cơm chiều đến khoảng 7-8 giờ tối, điện thoại của các chị cứ lần lượt rung lên, nhận tin nhắn đặt hàng các món ăn cho ngày mai. Có khách hàng nhờ mua giúp nguyên liệu cho bữa ăn, không quên dặn cả món… tráng miệng. Có người ngoài những món hàng ngày, mạnh dạn nhắn tin nhờ mua giúp vài món ăn chay… Chỉ với một quyển sổ nhỏ, mỗi người trở thành một bà nội trợ riêng cho hàng chục gia đình khác khi phải tính toán chi phí mua sắm sao cho hợp lý, rẻ nhất mà đồ ăn vẫn đảm bảo sạch, tươi ngon.

Từ ngày hành trang có thêm chiếc điện thoại di động, cuộc sống của xóm siêu thị nghèo bỗng trở nên sáng sủa hơn trước. Ai có nhiều khách quen, nhận được nhiều mối đặt hàng thì chỉ cần chạy một vòng giao hết số thức ăn là gánh hàng trên xe đã vơi đi phân nửa.

Theo chị Hoàng, nhiều người nhanh nhạy, khéo chọn thức ăn và biết chiều lòng khách nay đã có thể tự “lên đời” cho mình chiếc xe máy. Công việc mua bán mỗi ngày giờ trở nên thật nhanh, mà lại đỡ mất sức hơn xưa. Cũng có người nhiều khách hàng đến nỗi, họ đầu tư mua hẳn một chiếc xe ba gác máy. Mỗi sáng đi chợ đầu mối lấy hàng về, sau khi chia lại cho các chị với giá “rẻ hơn ngoài chợ” vẫn còn dư lại đủ để giao hàng và đi bán lai rai.

Cùng ước mơ mà mới nghe qua có vẻ quá đỗi bình thường, đối với chị Hợi, chiếc xe máy dường như là chiếc cầu giúp nối dài vòng tay của người mẹ nghèo khó. Chị đã nghĩ về nhiều điều mình có thể làm được với nó, khi có thể đi bán xa hơn, kiếm được nhiều tiền hơn, giúp đứa con mình vượt qua quãng đời sinh viên một cách dễ dàng hơn. Và cũng chỉ một chiếc xe máy, quãng đường từ Sài Gòn xa xôi về quê nhà của chị rồi sẽ ngày càng ngắn lại

Đặng Minh Tiến
.
.