Đằng sau cơn bão tin đồn

Thứ Hai, 02/01/2017, 11:26
Facebook và Google thông báo họ sẽ quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống cơn lốc tin giả. Chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ là thời điểm khủng hoảng tin đồn.

Có tin rằng Giáo hoàng Francis ủng hộ Donald Trump. Có tin một viên chức FBI đang điều tra vụ rò rỉ e-mail của Hillary Clinton bỗng đột nhiên giết vợ rồi tự tử. Có tin Hillary Clinton đứng sau một đường dây mại dâm trẻ em. Có tin phe Dân chủ muốn áp dụng luật Hồi giáo tại Florida… 

Tất cả đều là đồn đại tầm xàm. Nhưng tại sao tin nhảm bùng nổ và với mục đích gì?

Những "bí mật" của tin đồn

Tờ PolitiFact (13-12-2016) gọi "lời nói dối ấn tượng nhất năm 2016 là tin dỏm". Tin nhảm không chỉ ở Mỹ. New York Times (17-11-2016) cho biết, một phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chia sẻ trên Facebook bức ảnh thi thể cô gái trẻ được tin là bị hiếp và giết bởi một tên buôn ma túy. Sự thật là tấm ảnh có nguồn gốc ở Brazil. Nó được dùng để "minh họa" cho tính "đúng đắn" của việc bắn giết vô tội vạ các đối tượng ma túy của Duterte. 

Cách đây không lâu, hàng chục ngàn người sử dụng Facebook tại Philippines cũng chia sẻ câu chuyện rằng NASA đã bầu chọn Duterte là "tổng thống giỏi nhất Hệ mặt trời"! Nhiều người cho đó là thật!

Fox News "sa thải" nhà báo Megyn Kelly vì tội ủng hộ Hillary Clinton.

Tại Indonesia, khi Joko Widodo tranh cử tổng thống năm 2014, bỗng xuất hiện tin đồn ông là người Công giáo gốc Hoa và còn là cộng sản chính cống. Tại quốc gia có tỷ lệ người đạo Hồi nhiều nhất thế giới như Indonesia thì điều đó không thể chấp nhận. Widodo cuối cùng phải trưng ra hôn thú để chứng minh ông không phải người Hoa và từng hành hương đến Mecca vào ngay trước thời gian bỏ phiếu. 

Tại Colombia, "dân mạng" cũng từng thổi lên tin đồn ca sĩ lừng danh Juanes phản đối một thương thuyết hòa bình với nhóm phiến loạn lớn nhất nước này. Tin đồn thiên hình vạn trạng. 

Vào thời điểm bùng nổ dịch Ebola năm 2014, có một tin nhảm nhí được chia sẻ tràn lan tại Sierra Leone trên Facebook và WhatsApp, rằng việc tắm bằng nước nóng với muối có thể chữa và ngừa được virus Ebola.

Tin nhảm cũng đang tấn công châu Âu. Thủ tướng Đức Angela Merkel không giấu được bực bội khi chỉ trích Google và Facebook không kiểm soát được tin đồn. "Các thuật toán kiểm soát thông tin phải minh bạch hơn" - bà Merkel nói - "Để những công dân quan tâm có thể nhận thức được điều gì thật sự đang xảy ra nhằm mang lại sự ứng xử đúng đắn đối với thông tin". 

Sự phức tạp của vấn đề không chỉ là ý thức để có "hành vi thông tin" đúng mực. Tin nhảm thậm chí được lợi dụng cho mục đích riêng, đặc biệt trong chính trị. Nếu tin nhảm gây ảnh hưởng cho đối thủ thì người ta không ngại gì lan truyền tin nhảm đó.

Khi xuất hiện tin rằng người tổ chức thăm dò chiến dịch tranh cử của Hillary Clinton, Joel Benenson, viết bản ghi nhớ bí mật miêu tả chi tiết cách tiêu diệt Hillary bằng việc thực hiện cuộc tấn công phóng xạ nhằm làm gián đoạn tiến trình bỏ phiếu, Roger Stone (cố vấn của Trump) đã khoái chí chia sẻ tức thì lên Twitter. 

Tin về việc John Podesta (nhà chiến lược chiến dịch tranh cử của Hillary) tham gia một nghi lễ bí ẩn trong đó ông uống các chất dịch từ cơ thể; hay tin Hillary trả tiền cho các đối tượng thăm dò công chúng cũng được chính Trump chia sẻ lên Twitter (Washington Post 4-11-2016).

Với việc gần ½ người Mỹ trưởng thành đọc tin từ Facebook, theo khảo sát Pew Research và Knight Foundation công bố ngày 26-5-2016, ảnh hưởng tin nhảm không phải không nghiêm trọng. Trong khi đó, cần trung bình hơn 12 tiếng người ta mới có thể giải tỏa được "nghi án" tin đồn (firstdraftnews, 6-5-2016). 

Như Joshua Benton, giám đốc Nieman Journalism Lab cho biết (niemanlab.org, 9-11-2016), bản tin nhảm Giáo hoàng ủng hộ Donald Trump đã được hơn 868.000 chia sẻ trên Facebook trong khi bài báo nói rằng tin ấy là nhảm thì chỉ được 33.000 lượt share.

NASA bình bầu Duterte là "tổng thống giỏi nhất Hệ mặt trời".

Kinh doanh tin nhảm

"Đây là bản tin thiên niên kỷ!" - một "bài báo" viết trên WorldPoliticus.com. Trích từ "nguồn FBI", bài báo cho biết Hillary Clinton sẽ bị truy tố vào năm 2017 với các tội liên quan xìcăngđan e-mail. "Lời cầu nguyện của bạn đã được trả lời" - tựa bài báo trên. 

Với những người ủng hộ Trump, họ không cần gì nhiều hơn vậy. Bài báo nhảm nhí lập tức được hơn 140.000 chia sẻ, bày tỏ cảm xúc và bình luận trên Facebook (BuzzFeed News 4-11-2016). Ít người biết rằng nguồn tin nhảm này xuất phát từ tận Macedonia xa xôi, nơi có hơn 100 website ủng hộ Donald Trump. 

Tại sao họ làm vậy? Chẳng có yếu tố chính trị gì ở đây cả. Vấn đề là tiền. Họ lập ra website dỏm, viết tin nhảm câu view, để được tiền quảng cáo của Google AdSense. Một "nhà báo mạng" Macedonia nói với BuzzFeed News rằng anh ta kiếm được 5.000 USD/tháng hoặc có khi 3.000 USD/ngày!

Trong năm 2015, ngôi làng nhỏ Veles (45.000 dân) tại Macedonia đã tung ra ít nhất 140 website chính trị Mỹ (WorldPoliticus.com, TrumpVision365.com, USConservativeToday.com, DonaldTrumpNews.com, USADailyPolitics.com…). 

Điều tra của BuzzFeed News cho biết, hầu hết người lập website đều ở tuổi còn trẻ. Chúng láu cá trong việc xào nấu và chế biến tin giật gân. Một bài viết trên ConservativeState.com ghi: "Hillary Clinton (vào) năm 2013: (từng nói) "Tôi muốn thấy những người như Donald Trump lãnh đạo. Họ trung thực và không thể bị mua chuộc". 

Chỉ trong một tuần, "bài báo" này được 480.000 chia sẻ trên Facebook. Trong khi đó, một bài viết trên New York Times về việc Trump tuyên bố mất 916.000 USD trong thu nhập 1995 chỉ được nhận 175.000 phản ứng trên Facebook trong suốt một tháng.

Một phóng sự New York Times (25-11-2016) cho biết thêm, một số nguồn từ các quốc gia khác cũng có "phong trào" lập website ủng hộ Donald Trump để kiếm tiền. 

Một tin đồn từng lan truyền rộng rằng Barack Obama sẽ qua Canada sống nếu Trump đắc cử đã được xì ra từ "The Burrard Street Journal" của John Egan tại Vancouver (Canada). 

Một nguồn tào lao khác gây đình đám không kém thì xuất phát từ Beqa Latsabidze, sống ở Tbilisi (Georgia), sinh viên khoa học máy tính. Công việc của Latsabidze là "cắt và dán", thỉnh thoảng trộn lẫn với tin thật hoặc đơn giản hơn là sao chép từ các nguồn tầm xàm, trong đó có nguồn của John Egan, người từng định kiện Latsabidze tội… "vi phạm bản quyền".

Giáo hoàng "ủng hộ" Donald Trump.

"Trung tâm tin tức" Latsabidze là căn hộ hai phòng thuê mà đương sự ở chung với em trai. Cả hai đều là chuyên gia máy tính. Họ có một "cộng tác viên", vốn là kỹ sư kiến trúc. Họ cho biết họ chẳng quan tâm gì đến chính trị Mỹ. Tiền thôi! Thoạt đầu họ lập trang walkwithher.com, chuyên ủng hộ Hillary Clinton, với bài vở xào nấu từ báo Mỹ. Khi trang walkwithher cùng một số trang khác ủng hộ Hillary bị thất bại, họ chuyển sang ủng hộ Trump. 

Vài bài viết là thật nhưng chủ yếu là giả, chẳng hạn một bản tin nói rằng "Chính phủ Mexico tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới với Mỹ nếu Trump đắc cử tổng thống". 

Dữ liệu khảo sát của Buzzfeed cho biết, đó là bản tin xạo đứng thứ ba trong danh sách tin nhảm được lan truyền nhiều nhất trên Facebook từ tháng 5 đến tháng 6-2016. Latsabidze "làm ăn" được đến mức khoe rằng một đối thủ Ấn Độ đã đề nghị mua trang của đương sự với giá 10.000 USD. Thời điểm kiếm được khá nhất của Latsabidze là khi xuất hiện bản tin Mexico đóng cửa biên giới. Đương sự "vô mánh" được khoảng 6.000 USD.

Kỹ thuật của Latsabidze là tạo ra loạt trang Facebook giả để kéo link vào các website chính của mình, trong đó có trang một cô gái xinh đẹp tên Valkiara Beka. Latsabidze chẳng giấu giếm khi tiết lộ "Valkiara Beka" chính là mình!

Để câu view, Latsabidze chỉ đăng tin giật gân, chẳng hạn một bài ngày 17-11 có hàng tít: "Vụ này rất to, rất to: Putin vừa tung ra trát bắt quốc tế nhằm vào George Soros!". Có những bản tin trộn giả với thật, chẳng hạn tin "Hillary đang hấp hối giờ chỉ muốn nằm cuộn lại và không bao giờ bước ra khỏi nhà lần nữa sau khi thất cử". Trong thực tế, sau ngày bầu cử, Hillary có nói bây giờ bà chỉ muốn nằm nhà đọc sách.

Làm thế nào để kiểm soát tin đồn?

Newsweek (28-11-2016) cho biết, năm 2015, Google đã công bố nghiên cứu về thuật toán lọc tin nhảm. Facebook cũng nói họ đang nghiên cứu ứng dụng trí thông minh nhân tạo để phát hiện tin giả. Tuy nhiên, như tác giả Ilya Lozovsky viết trên Foreign Policy (18-11-2016), vấn đề quan trọng là cần giáo dục truyền thông trong nhà trường và phải dạy cho học sinh từ nhỏ để giúp phân biệt được nguồn đáng tin với nguồn đang cố lừa dụ. 

"Sẽ không có tự do cho một cộng đồng trong đó thiếu những phương tiện phát hiện dối trá" - Ilya Lozovsky trích lời nhà báo Walter Lippmann (1889-1974), người được xem là cha đẻ của báo chí hiện đại. Lippmann luôn hoài nghi khả năng một công dân trung bình có thể hiểu được các vấn đề quốc gia hoặc có thể có những nhận định chính trị hợp lý.

Cách đây 31 năm, trong quyển Amusing Ourselves to Death (Tự sướng đến chết), nhà phê bình truyền thông Neil Postman nói, bản chất hoàn cảnh sẽ quyết định thông điệp mà nó truyền tải. Postman lo ngại sự phát triển truyền hình sẽ biến những vấn đề bàn luận nghiêm túc thành trò giải trí. 

Bây giờ, như Ilya Lozovsky nhận xét, truyền thông xã hội đang "nguyên tử hóa" các ý kiến thảo luận. "Chúng ta chia sẻ những câu chuyện chứa tín hiệu và củng cố bản thể bầy đàn của chúng ta, chứ không phải những điều dẫn đến việc đòi hỏi phải suy nghĩ thấu đáo. Chúng ta đọc những gì mà bạn bè chia sẻ. Chúng ta "retweet" (nhắn lại) những gì mà những nhà báo yêu thích của chúng ta tweet (nhắn bằng Twitter). Và chúng ta dường như không quan tâm đến việc tìm kiếm những quan điểm thay thế".

Suy cho cùng, một trong những giải pháp tốt nhất là người đọc phải tự kiểm duyệt và nên có một hành vi thông tin (media behavior) đúng đắn cho riêng mình.

Cao Trí
.
.