Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair xuất bản hồi ký: Nói tốt chưa đủ

Thứ Hai, 20/09/2010, 13:30
Ngày 1/9/2010, tập hồi ký của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair "Du hành: Cuộc đời chính trị của tôi" (A Journey: My Political Life) đã được phát hành cùng một lúc ở Anh, Mỹ và Canada. Ngay trong ngày đầu tiên, cuốn sách này đã trở thành sách best-seller và số lượng sách được mua đã vượt lên trên mọi kỷ lục trước đó trên mạng bán sách ở Anh Waterstone's.

Tập hồi ký này cũng chiếm vị trí đầu trong danh sách best-seller của cửa hàng sách trên mạng Amazon. Tuy nhiên, ngay trong lần tiếp xúc đầu tiên với độc giả để giới thiệu tập hồi ký của mình ở Dublin, ông Blair đã bị những người chống chiến tranh ném giày và trứng thối… Cũng vì sợ phải gánh cơn giận dữ của công chúng nên ông Blair đã phải bỏ cuộc gặp gỡ độc giả ngày 8/9, dự kiến tổ chức tại London

Để tăng sự hấp dẫn cho cuốn hồi ký, theo nhận xét của nhiều nhà báo, ông Blair đã không chỉ viết về cuộc đời của cá nhân ông và cũng không chỉ viết về chính trị. Tập sách đã làm dấy lên một làn sóng quan tâm của công luận. Nhiều phương tiện thông tin đại chúng thuộc đủ các xu hướng, từ dạng lá cải như The Daily Mirror và Daily Star tới các ấn phẩm được tiếng là chững chạc như The Times và The Guardian cũng đều đã đưa tin về nó.

Trên tờ Los Angeles Times, đích thân nhà báo Tim Ratten, từng được nhận giải Pulitzer, đã viết giới thiệu tập hồi ký của ông Blair. Theo nhà báo Ratten, cuốn sách ít ra cũng đã  cho thấy, khác với nhiều tập hồi ký Anh ngữ của các chính trị gia khác, nó thực sự được chính ông Blair chấp bút chứ không phải nhờ người khác làm.

Thời điểm xuất bản "Du hành: Cuộc đời chính trị của tôi" cũng trùng với một sự kiện quan trọng trong lịch sử thế kỷ XXI: Chỉ ít ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama chính thức tuyên bố kết thúc cuộc chiến tranh  ở Iraq. Như tất cả mọi người đều nhớ, ông Blair đã có những hành động liên quan trực tiếp tới cuộc chiến tranh đẫm máu và tốn kém này.

Mặc dầu binh lính Anh trong lực lượng liên quân quốc tế đã rời Iraq từ năm 2009, nhưng việc chiến tranh ở Iraq kết thúc chắc chắn sẽ khiến độc giả nhìn nhận những điều mà ông Blair viết trong hồi ký về nó theo một cách khác trước. Không ít người Anh đã không đồng tình với quan điểm của ông Blair về chiến tranh ở Iraq khi ông nói rằng, quyết định của Washington châm lửa cho nó là kịp thời và đúng đắn(?!).

Độc giả chờ đợi ở tập hồi ký của Blair nhiều điều. Một trong những chủ đề có thể mang lại sự thú vị cho người đọc là mối quan hệ giữa ông Blair với ông Gordon Brown, người đồng chí Công đảng và cũng là người kế vị ông trong ngôi nhà số 10 phố Downing.

Và trong vấn đề này, tác giả của tập hồi ký "Du hành: Cuộc đời chính trị của tôi" đã không làm người đọc thất vọng, mặc dù lắm lúc không thể rõ được là ở chỗ nào thì ông Blair nói thật, còn ở chỗ nào thì ông chỉ kể lại những giai thoại đượm mùi tiếu lâm.

Thí dụ như về những sự kiện xảy ra năm 1994, khi Công đảng sau cái chết bất thình lình của ông John Smith ngày 12/5 cần phải tìm kiếm người thủ lĩnh mới, ông Blair trong tập hồi ký của mình đã kể lại một câu chuyện khá lạ lùng. Theo đoạn trích được tờ The Daily Telegraph dẫn lại, khi đó ông Blair và ông Brown gặp nhau tại nhà ông Nick Ryden để thảo luận về việc ai trong số họ sẽ đứng ra tiếp tục lãnh đạo Công đảng.

Cả hai chính trị gia này đều tuổi gần tứ thập và đều là những người có khát vọng đi lên đủ để trong thời điểm đó "nhòm ngó" vào ngôi nhà số 10 phố Downing, văn phòng của Thủ tướng Anh (nơi mà về sau, cả hai đều đã được cai quản một thời gian).  Trong tập hồi ký của mình, ông Blair kể rằng, đang trò chuyện với nhau, ông Brown đã bảo rằng ông phải ra khỏi phòng vài phút.

Thế là ông Blair chờ, sau 10’ rồi 15’ vẫn không thấy ông Brown quay lại phòng.  Rồi chuông điện thoại trong phòng vang lên. Do ông Blair không phải là chủ nhân của ngôi nhà đó nên ông không cầm ống nghe lên. Thế là máy tự động trả lời được bật lên.

Và Blair rất ngạc nhiên khi nghe thấy trong máy giọng nói của ông Brown. Hóa ra là trong ngôi nhà của ông Nick Ryden, khi tiến hành công việc sửa chữa thì những người thợ đã quên lắp tay nắm vào bên trong cánh cửa phòng vệ sinh. Thành ra, khi ông Brown vào đó rồi thì ông không có cách nào để mở cửa ra được.

Và theo lời ông Blair, nếu ông Brown hôm đó không quyết định từ bỏ việc tranh chức thủ lĩnh Công đảng thì ông Blair chắc chắn sẽ để cho đối thủ của mình ngồi trong phòng vệ sinh ấy mãi… Số phận chức tước quan trọng nhường ấy đôi khi lại được "xử lý" một cách tình cờ và trớ trêu đến vậy…

Trong tập hồi ký của mình, ông Blair không phải lúc nào cũng nói như đùa về ông Brown như thế. Nếu tin vào những gì ông Blair viết, thì trước cuộc bầu cử nào Công đảng cũng phải đối mặt với cái gọi là "vấn đề Gordon": Ông Brown luôn cho rằng ông dư sức để làm Thủ tướng nên ông không sẵn sàng ủng hộ người đồng chí - đối thủ của mình.

Thành ra quá trình hiệp thương trong nội bộ Công đảng luôn làm mất thời gian hơn cần thiết phải như thế. Cũng theo ông Blair nhận xét, ông Brown là một người biết "tính toán chính trị" nhưng lại không có "linh cảm chính trị". Ông Blair cho rằng, ông Brown có óc phân tích nhưng về mặt  cảm xúc thì lại "câm và điếc".

Và ở cuối tập hồi ký khá dày của mình, ông Blair đã buộc cho người kế vị ông trên cương vị Thủ tướng Anh, tội đã làm thất bại chiến dịch tranh cử của Công đảng năm 2010: ông Blair cho rằng, ứng cử viên đảng Bảo thủ David Cameron sở dĩ giành được chiến thắng chỉ vì ông Brown đã không thích ứng được với những điều kiện hiện đại của hoạt động chính trị, và vì Công đảng dưới thời ông Brown làm thủ lĩnh đã từ bỏ nguyên tắc cách tân từng được đưa ra vào giữa thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, khi ông Blair còn là thủ lĩnh của nó.

Trong tập hồi ký "Du hành: Cuộc đời chính trị của tôi", ông Blair cũng có nhắc tới Công nương Diana - ông dành cho bà gần 20 trang sách. Tuy nhiên, ông lại chỉ nói gián tiếp tới câu chuyện mà nhiều độc giả chờ đợi ở ông khi nhắc tới Công nương Diana.

Khi kể về cuộc gặp gỡ cuối cùng với Công nương Diana, ông Blair không nói thẳng là ông có đưa ra hay không yêu cầu đối với Công nương ngừng mối quan hệ tình cảm với Dodi Al-Fayed (Hoàng gia Anh không muốn chứng kiến một cuộc hôn nhân giữa phụ mẫu của hai hoàng tử với con trai của một tỉ phú Ai Cập), nhưng cũng công nhận rằng, trong lúc đi dạo khá lâu cùng nhau, giữa ông với Công nương Diana đã có một cuộc trò chuyện không đơn giản, khiến Công nương cảm thấy buồn.

Tuy nhiên, thời điểm mà cựu Thủ tướng Anh đưa ra trong hồi ký, ngày 6/7/1997, lại cho thấy, cuộc trò chuyện đó diễn ra trước khi công việc tình cảm riêng tư của Công nương (đã li dị Thái tử Charles) khiến Hoàng gia Anh phải lo lắng.

Thêm vào đó, trước khi tập hồi ký được phát hành, ông Blair đã khẳng định với các phóng viên tờ The Guardian rằng, việc Công nương Diana có thể lập gia đình mới đã không được đề cập tới trong cuộc gặp đó. Rốt cuộc là độc giả không thể hiểu được là ông Blair đã nói chuyện gì với Công nương Diana để Công nương phải buồn…

Trong những chuyện còn lại liên quan tới Công nương Diana, nói chung ông Blair đã viết được như công chúng mong đợi. Ông Blair ngỏ ý khâm phục Công nương và lấy làm tiếc vì cái chết quá sớm của Công nương. Và những gì ông mô tả về những ngày sau khi Công nương tử nạn ở trong điện Burkingham cũng không khác so với các cảnh đã được dựng trong phim "Nữ hoàng", được làm năm 2006.

Các hành xử của ông Blair, khi ấy đang là Thủ tướng, sau khi Công nương tử nạn cũng không còn là bí mật gì với ai: Khi ấy, ông đã cố gắng thuyết phục Nữ hoàng Elizabeth II đứng ra đọc tuyên bố chính thức về sự kiện này và khi Nữ hoàng kiên quyết từ chối, ông đã nhân danh cá nhân làm việc đó. Ông cũng đã cố gắng yêu cầu tổ chức tang lễ chính thức cho Công nương Diana…

Ông Blair trong tập hồi ký của mình đã đề cập tới cả trăm nhân vật nổi tiếng ít hay nhiều. Và trong đại đa số các trường hợp, ông đều nói về họ từ khía cạnh tích cực. Ngay cả cựu Tổng thống Mỹ George Bush (con) mà thời gian gần đây nhiều người, kể cả những người từng một thời thân cận, chê bai, ông Blair vẫn tìm ra lời để khen vì tính bình tĩnh, ý chí phấn đấu và cách ứng xử giản dị.

Thậm chí, ông Blair còn khen ông Bush (con) cả về thứ mà thông thường, mọi người vẫn chê - đó là trí tuệ! Ông Blair viết rằng, trong nền chính trị Mỹ cũng như Anh, một nhân vật kém trí tuệ không thể nào thành công đến mức trở thành nguyên thủ quốc gia…

Cựu Thủ tướng Anh cũng tỏ ra khâm phục các thủ lĩnh của đảng Cộng hòa Ireland "Sinn Fein" Jerry Adams và Martin McGuiness. Ông coi họ là những nhân vật xuất chúng và kể rằng càng biết họ, ông càng có cảm tình sâu sắc hơn với họ. Ông Blair cũng dành nhiều lời tốt đẹp cho cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và cả cầu thủ bóng đá David Beckham.

Nếu có điều gì đó khiến không ít người công phẫn thì đó chỉ là quan niệm của ông Blair về cuộc chiến ở Iraq. Ông đã ủng hộ Tổng thống Mỹ George Bush (con) trong việc "nổi lửa" ở đó. Và ông bắt buộc phải gánh chịu những hệ lụy của quyết định sai trái này, dù ông thấy đó cũng là việc phải chăng…

Hoàng Phong
.
.