Cuộc tình bi thảm của một người đảo chính

Thứ Năm, 10/06/2010, 10:02
Phan Lạc Tuyên sinh năm 1930, là hậu duệ đời thứ 13 của họ Phan cự phách ở làng Hữu Bằng, Thạch Thất, Sơn Tây. Năm 1951, đang học dở Trường Luật, Phan Lạc Tuyên được quân đội vét vào danh sách đào tạo Sĩ quan trừ bị khoá I của cái gọi là Quân đội Quốc gia Việt Nam, chung khoá với một loạt tên tuổi sau này sẽ là những tướng lĩnh chóp bu của quân đội Sài Gòn như Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Xuân Vinh, Nguyễn Đức Thắng, Bùi Đình Đạm, Nguyễn Bảo Trị, Chung Tấn Cang, Lê Nguyên Khang v.v…

Ở tuổi 30, Phan Lạc Tuyên được Tổng thống Ngô Đình Diệm mời giữ chức Tiểu khu trưởng kiêm Tỉnh trưởng tỉnh Bình Dương. Nhưng Tuyên từ chối. Thay vào đó, anh khoác lên mình bộ quân phục rằn ri nâu, đội bê rê nâu, trở thành Chỉ huy phó Liên đoàn Biệt động quân, một  binh chủng con cưng của chế độ vừa mới thành lập.

Mang nặng tinh thần dân tộc chủ nghĩa, ngay khi đang bước trên con đường công danh rộng thênh thang, Phan Lạc Tuyên đã nhận ra và lớn dần lên trong lòng những mối hoài nghi về lý tưởng, về cái gọi là chính nghĩa quốc gia, về đạo lý và tính hợp pháp của cái chế độ mà anh đang dốc lòng phục vụ. Sau 5 năm kể từ ngày ông Ngô Đình Diệm về nước chấp chính, miền Nam Việt Nam vẫn chỉ là một xã hội ly loạn. Vết thương chia cắt của dân tộc ngày càng bị khoét sâu. Tất cả hàng hoá, nguyên nhiên liệu cần thiết cho việc xây dựng và phát triển xã hội đều phụ thuộc vào viện trợ Mỹ và nhập khẩu. Cả miền Nam chỉ có duy nhất một món hàng xuất khẩu, đó là… chủ nghĩa chống cộng cực đoan, một mối họa tàn phá dai dẳng.

Tâm trạng hoài nghi, sự chán ghét đối với chế độ độc tài đang thống trị miền Nam đã đẩy Phan Lạc Tuyên và một bộ phận sĩ quan trẻ trong quân lực Việt Nam cộng hoà ngả dần về phía hư vô chủ nghĩa. 0h ngày 11/11/1960, tại vị trí tiền đồn biên giới Việt Nam - Campuchia ở rừng Sa Mát, Tây Ninh, Đại úy Chỉ huy phó Phan Lạc Tuyên đã ra lệnh cho thuộc hạ bắt giữ Thiếu tá Chỉ huy trưởng Lữ Đình Sơn, giành quyền kiểm soát toàn bộ 12 đại đội của Liên đoàn Biệt động quân.

Chỉ để 2 đại đội ở lại tiếp tục làm nhiệm vụ (giống như lực lượng biên phòng ngày  nay) ở biên giới, Phan Lạc Tuyên đã chỉ huy 10 đại đội Biệt động quân, 12 khẩu pháo từ Tây Ninh kéo về Sài Gòn cùng Đại tá Nguyễn Chánh Thi - Chỉ huy trưởng Lữ đoàn nhảy dù và Trung tá Vương Văn Đông, giảng viên Trường Đại học Quân sự tiến hành đảo chính Ngô Đình Diệm, một vị Tổng thống cũng có phần nào giống như anh, rất nặng tinh thần quốc gia dân tộc!

Tuy cùng mưu cầu đại sự nhưng cả 3 kẻ khởi xướng và chỉ huy cuộc binh biến lại hoàn toàn không đồng nhất với nhau trong cả mục đích lẫn phương pháp. Nguyễn Chánh Thi quá lỗ mãng, võ biền, chỉ muốn gây binh biến để loại bỏ, trừng trị một bộ phận mà ông ta ghét cay ghét đắng trong chính phủ và quân đội. Ý thức chính trị của Thi rất mù mờ.

Vương Văn Đông, ngược lại, tuy không có lấy một người lính thuộc quyền làm thực lực nhưng lại chất chứa quá nhiều mưu mô và tham vọng chính trị. Ông ta lại đang thậm thụt đi lại với một đám những tay Phòng Nhì cũ như Quách Sến, Nhữ Đình Lan đang lưu vong tại Cao Miên. Đầu óc thân Pháp của Đông vẫn còn nặng trịch, vẫn hão huyền tái lập ảnh hưởng chính trị của Pháp trên đất miền Nam. Phan Lạc Tuyên thừa nhiệt tình, thật tâm muốn chấm dứt quyền lực của một chế độ độc tài đã mục ruỗng, song cũng chưa hề hình dung sẽ thay nó bằng gì. Cả 3 kẻ lãnh đạo cuộc đảo chính đều không có chút ý thức nào trong phần việc phải làm để "chăm dân, trị quốc", nếu việc lật đổ anh em ông Ngô Đình Diệm giành được thắng lợi.

Phan Lạc Tuyên.
Lẽ ra cuộc binh biến chỉ nổ ra sau 0 giờ ngày 12/11/1960, chậm hơn so với thực tế một ngày. Nhưng vì không nắm quân trong tay, sợ mất vai trò sau khi đảo chính thành công, Vương Văn Đông đã cố tình phát động binh biến trước 24h, sau đó mới báo cho Nguyễn Chánh Thi biết, đặt kẻ đồng mưu trước việc đã rồi. Mục đích của Đông là tạo cơ hội để giành quyền bày binh khiển tướng, tự nâng cao vai trò cá nhân. Vì sự bị động này nên các đơn vị tham gia đảo chính đã triển khai hành động không đồng bộ. Mãi đến trưa ngày 11/11, mục tiêu quan trọng nhất là Dinh Gia Long vẫn chưa bị chiếm.

Bên trong hàng rào Dinh Gia Long, sức kháng cự của Liên binh phòng vệ Phủ Tổng thống vẫn còn rất mạnh. Từ sân Bộ Tổng tham mưu, 12 khẩu pháo 105 ly của Phan Lạc Tuyên đã nhắm hướng Dinh Gia Long, lấy sẵn tọa độ, sẵn sàng trút lửa giã nát lực lượng phòng thủ trong Dinh nếu Nguyễn Chánh Thi ra lệnh.

Nhưng miệng lưỡi giảo hoạt của Vương Văn Đông đã thuyết phục được Thi bãi bỏ lệnh xạ kích vì "Tổng thống đã xin điều đình, ta phải tin". Thay vào đó, Thi và Đông quay sang chuẩn bị họp báo om sòm, tuyên ngôn lớn tiếng cùng Phan Quang Đán, Phan Khắc Sửu, linh mục Hồ Văn Vui… đám chính khách salon xôi thịt.

Cơ hội bị bỏ lỡ. Bằng hệ thống điện đài cực mạnh trong Dinh Tổng thống, Diệm đã có thời gian liên lạc gọi các tướng lĩnh trung thành đưa quân về tiếp cứu. Trong khi Thi, Đông, Tuyên tin tưởng vào lời hứa đầu hàng của Tổng thống Ngô Đình Diệm, vẫn loay hoay thương thuyết cả ngày trời với Võ Văn Hải, Bí thư riêng của ông Diệm về cách thức chuyển giao quyền lực tại Bộ Tổng tham mưu thì khuya 11/11, từ ba bề bốn bên, quân "cứu giá" đã ùn ùn kéo về Sài Gòn: Sư đoàn 7 của Tướng Huỳnh Văn Cao từ Biên Hoà vào, Sư đoàn 13 của Trần Thiện Khiêm từ Mỹ Tho lên, sư đoàn 5 của Đại tá Nguyễn Văn Thiệu từ Bảo Lộc kéo xuống…

Trong nội đô, một loạt đơn vị khác như Lữ đoàn Thiết giáp của Lê Nguyên Khang từ Gò Vấp, lực lượng hải quân của Chung Tấn Cang ở bến Bạch Đằng cũng rục rịch  tấn công vào sườn quân đảo chính.

Hành sự như một tay tập sự, Nguyễn Chánh Thi phạm thêm một sai lầm lớn nữa là không cho quân chiếm Đài Phát thanh Sài Gòn. 1 giờ trưa ngày 12/11, đài đã cho phát công khai lời hiệu triệu của chính ông Diệm kêu gọi các đơn vị đưa quân về Sài Gòn dẹp loạn.

Biết thất bại đã gần kề, Nguyễn Chánh Thi, Vương Quang Đông đã cho bắt Trung tướng Thái Quang Hoàng ném lên xe Jeep phóng ra phi trường Tân Sơn Nhất. Viên tướng Tư lệnh Biệt khu Thủ đô bị đám loạn quân đẩy lên  một chiếc DC4 do Đại uý Phan Phụng Tiên cầm lái bay thẳng sang Nam Vang xin tị nạn chính trị.

Phan Lạc Tuyên ban đầu định liều mạng sống chết đánh luôn một trận cuối cùng. Một số sĩ quan thuộc quyền xúm vào can ngăn, khiến anh thay đổi ý định. Cùng với Trung úy Ân, Hạ sĩ Thúc và một người lính, viên đại uý dự mưu bất thành dùng xe Jeep rút về Tây Ninh. Tại cửa khẩu Sa Mát, anh đã đánh lừa đám quân canh gác cửa khẩu để cho Hạ sĩ Thúc có cơ hội bất ngờ tăng tốc tung gãy barie chắn đường, đưa chiếc xe Jeep có 4 tay đào tẩu ngồi trên vọt thẳng sang đất Cao Miên bắt đầu cuộc đời lưu vong.

Sau khi thẩm vấn, nhà chức trách Cao Miên đưa nhóm của Phan Lạc Tuyên về trại tỵ nạn Monivông ở Phnôm Pênh. Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông cũng ở trại này. Nhưng những mâu thuẫn sâu sắc trong quan điểm đã khiến ba kẻ dự mưu hầu như không liên lạc, thăm viếng gì nhau. Mỗi người trong số họ lại tiếp tục đeo đuổi những dự định riêng, những lựa chọn chính trị khác biệt.

Nắm được tâm tư, nguyện vọng của cựu Đại úy Phan Lạc Tuyên và một số cộng sự xuất thân Biệt Động quân, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã bí mật liên lạc, lôi kéo thành phần dân tộc chủ nghĩa trong nhóm đảo chính lưu vong về phía cách mạng. Một cuộc gặp gỡ bí mật đã diễn ra tại toà soạn Báo Trung Lập (một tờ báo do MTDTGPMN thành lập) tại số 380 đường Mônivông. Tại đây, Phan Lạc Tuyên được ông Trần Văn Kiêm (chủ bút), ông Hai Lý (đại diện Ban Binh vận TW Cục miền Nam) và anh Nguyễn Thế Thịnh (công nhân in) tiếp đón. Sau buổi  tiếp xúc, Phan Lạc Tuyên đã nhận lời giữ liên lạc với Ban Binh vận Trung ương Cục.

Ít lâu sau, phía Campuchia đã tách những người tỵ nạn thành 3 nhóm, ở 3 trại khác nhau, tuỳ theo thiên kiến chính trị của họ. Thông qua Sa Biêng, một lính gác người Miên gốc Việt, sách báo, tài liệu của MTDTGPMN đã được chuyển vào tận trại Stung Miênchay - nguyên là một chuồng ngựa cũ của Pháp - cho nhóm của Tuyên. Từ sự thuyết phục của anh, Trung úy Ân, Hạ sĩ Thúc, Trung úy Hồ Công Minh, Thiếu úy Thái Trần Trọng Nghĩa và một số người khác đã đồng lòng cùng Tuyên theo về với Cách mạng.

Tháng 3/1962, tất cả những người tỵ nạn đều được phóng thích khỏi các trại, tự do tìm việc làm tại Phnôm Pênh, chỉ mỗi tháng một lần phải đến trình diện nhà chức trách địa phương. Nhờ vốn tiếng Pháp và khả năng viết báo, Phan Lạc Tuyên đã xin được một chân biên tập trong tờ La Depêche Du Cambogde do Châu Seng, Bộ trưởng Bộ Thông tin Campuchia sáng lập. Biết tính Phan Lạc Tuyên, ông Bộ trưởng kiêm chủ bút nhắc: "Viết gì cũng được nhưng đừng quá khích, ông Diệm cho mật vụ sang ném lựu đạn vô toà soạn thì khốn".

Cũng nhờ sự giới thiệu của ông Châu Seng, ít lâu sau đó, Phan Lạc Tuyên đã được mời dạy môn Văn chương hiện đại Pháp tại Trường Lyssé Anna Kout do Hoàng thân Virya, cậu ruột của ông hoàng Shihanouk làm Hiệu trưởng. Sau nhiều biến động và sóng gió, mối tình đầu êm đềm của Phan Lạc Tuyên đã nảy nở tại Trường trung học này. Tên nàng  là Katherin Trinh Mây, thường gọi là Kathy, một nữ sinh năm cuối trung học.

Mẹ gốc Hoa lai Việt, bố là người Campuchia, hiện đang giữ chức Giám đốc Trung tâm Y tế Thủ đô Phnôm Pênh. Kathy thừa hưởng được cả nét duyên dáng của người mẹ lẫn sự thông minh, học thức của bố. Bản thân cô cũng thành thạo 5 ngôn ngữ: Việt, Anh, Hoa, Pháp, Miên. Nhan sắc, dòng dõi và học thức đã biến Kathy thành một tiểu thư quý phái, đài các, trở thành  hoa khôi của Trường Anna Kout.--PageBreak--

Xuất thân quý tộc, được cưng chiều và ưa mơ mộng, Kathy tỏ ra đặc biệt quan tâm đến mẫu người hùng sa cơ đầy lãng mạn như ông thầy Phan Lạc Tuyên của cô. Phần khác, vẻ lấp lánh của trí tuệ trong những trang văn chương lãng mạn Pháp mà anh say mê giảng cũng gieo vào lòng cô gái không ít những cơn mơ bay bổng. Tuyên sống một mình trong gác trọ. Thỉnh thoảng, Kathy lại mượn cớ nhờ anh giảng giúp một đoạn văn, chuyển ngữ  giùm vài câu tiếng Pháp để tìm đến, giúp anh dọn dẹp, giặt giũ - những công việc mà ở nhà, cô đã có người giúp việc lo, chẳng bao  giờ phải mó tay.

Như thể tình cờ, Kathy cũng thường xuất hiện đúng vào lúc ông thầy giáo vừa ra khỏi cửa nhà. Mỗi lần như thế, cô thường... nhường tay lái chiếc xe hơi riêng để "cho thầy đi nhờ" xe của cô đến trường. Thỉnh thoảng, cô lại mời anh về nhà ở số 17, đường Yukanthor để giới thiệu cùng cha mẹ.

Ông Giám đốc Trung tâm Y tế Thủ đô, bố của cô, vốn là người ghét ông Ngô Đình Diệm nên tỏ ra quý mến, thường tiếp đón Phan Lạc Tuyên hết sức nhiệt tình. Những cuộc đàm đạo bên bình trà tàu do Kathy pha mời giữa ông và anh thường kéo dài nhiều giờ, rất tâm đầu ý hợp. Nghe tin thầy giáo Phan Lạc Tuyên bị ốm, bà mẹ thường giục Kathy tự tay làm thức ăn, sau đó lại giục ông chồng Giám đốc đích thân lái xe đưa con gái đến tận gác trọ thăm nom chăm sóc ông thầy. Trong những lần gặp gỡ ấy, Kathy đã được Tuyên bộc bạch ý nguyện muốn theo về với Cách mạng. Cô ngỏ ý sẵn sàng giã từ đời sống nhung lụa để theo anh tận cùng trời cuối đất. Không muốn, cũng không thể chối từ tấm lòng của người yêu, Phan Lạc Tuyên hết sức phân vân.

Tháng 7/1963, nhóm cựu Biệt động quân gồm Tuyên, Ân, Thúc, Minh nhận được chỉ thị của TW Cục miền Nam rời đất Cao Miên để về căn cứ. Sở CS đặc biệt Nam Vang nghiêm cấm những người tỵ nạn tham gia hoạt động chính trị. Vì vậy, chuyến đi phải giữ bí mật tuyệt đối, kể cả với người thân. Đau đớn, Phan Lạc Tuyên đành im lặng dứt áo ra đi, không báo cho Katherin Trinh Mây biết. Kỷ niệm duy nhất về cô mà anh mang theo là một tấm ảnh Kathy chụp nghiêng, khuôn mặt sang và nụ cười trong trẻo nhưng dường như định mệnh cũng đã phớt nhẹ lên đó một chút u hoài.

Ra cứ rồi ra Bắc tham gia nhiều hoạt động vì hoà bình, đến năm 1971, Phan Lạc Tuyên được gửi sang Ba Lan học và bảo vệ luận án Tiến sĩ sử học. Sau 12 năm xa cách bặt tin, mãi đến tháng 8/1975, khi trở lại Việt Nam, Tiến sĩ Phan Lạc Tuyên mới biết được đôi chút thông tin về Kathy yêu dấu. Nhiều năm trời, cô vẫn thương nhớ và đợi chờ anh. Cô đã tốt nghiệp bác sĩ Y khoa tại Pháp, đã lấy chồng ở Pháp và có một con gái. Thông tin đầu tiên đến với anh chỉ có chừng đó. Bỏ khá nhiều thời gian tìm kiếm, sang tận thủ đô Phnôm Pênh tìm đến tận ngôi nhà cũ của Kathy, Phan Lạc Tuyên cũng tuyệt đối không nhận thêm được thông tin gì về cô.

Phải thêm 4 năm sau nữa, khi đã định cư lâu dài ở phường 18, Tân Bình, Tiến sĩ Phan Lạc Tuyên mới có đầy đủ thông tin về Katherin Trinh Mây. Một người chị của cô lấy chồng người Hoa, chuyển theo chồng sang Sài Gòn sinh sống. Tình cờ, có một người bà con bên chồng của người phụ nữ này cũng ở phường 18, Tân Bình.

Từ thông tin của người này, Tiến sĩ Phan Lạc Tuyên đã  bỏ thời gian tìm kiếm, cuối cùng đã gặp được người chị ruột của Kathy tại Gò Vấp. Suýt chút nữa, anh lại là người đến trễ: người chị của Kathy đã hoàn tất thủ tục, không lâu nữa sẽ cùng chồng sang Pháp định cư. Cuộc trò chuyện vội vàng giữa họ thường xuyên bị ngắt quãng bởi những tiếng nấc nghẹn đau xót. Thông tin về người yêu chỉ đến với Phan Lạc Tuyên đầy đủ khi tất cả đã thành thảm kịch.

Ngày anh rời đi, Katherin Trinh Mây đã ngồi lại một mình trong căn gác trọ và khóc rất lâu. Kathy không biết tại sao anh đi mà không lời từ giã, nhưng cô tin là anh có lý do, tin rằng tình cảm của anh sẽ không bao giờ thay đổi. Vì thế, cô đã im lặng nhặt nhạnh tất cả mọi thứ giấy tờ, khung ảnh mà anh để lại trong gác trọ đem về nâng niu cất giữ như những kỷ vật. Cô cứ một mực chờ anh quay lại, chờ mãi.

Tốt nghiệp Trung học, Kathy sang Pháp học Y khoa. Cô đã từ chối rất nhiều lời cầu hôn, rất nhiều tiếng tỏ tình để  ôm mãi hy vọng sẽ gặp lại Phan Lạc Tuyên. Tháng 2/1965, Hội nghị Nhân dân Đông Dương được tổ chức tại Phnôm Pênh. Qua báo chí, Kathy mừng như bắt được vàng khi biết tin Phan Lạc Tuyên sẽ có mặt trong đoàn đại biểu của MTDTGP miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị. Gác chương trình học ở Pháp sang một bên, Kathy đã bay ngay về Phnôm Pênh tìm kiếm, chỉ mong được gặp lại người mà cô yêu dấu.

Không bắt được liên lạc, suốt một tháng trời diễn ra hội nghị, sáng nào Kathy cũng ôm một bó hoa tươi đứng chờ và ngóng tìm trước cổng khách sạn nơi có đoàn Việt Nam ở để đợi gặp anh. Nhưng, nguyên tắc bí mật được áp dụng triệt để, ngoài chương trình nghị sự, các đại biểu Việt Nam tuyệt đối không được có thêm bất kỳ một cuộc tiếp xúc riêng nào khác. Hàng ngày, họ được xe đón tận sảnh khách sạn, đưa đến hội nghị, rồi lại đón trả về tận sảnh. Suốt cả tháng trời, họ vẫn luôn ở sát bên nhau mà vẫn lướt qua nhau không một phút trùng phùng, dù cả hai đều cháy bỏng nhớ nhung và khát khao gặp mặt.

Khi Kathy đã tốt nghiệp bác sĩ Y khoa thì Phan Lạc Tuyên, muộn màng hơn, vẫn đang long đong với Ba Lan tuyết trắng để trả nợ bút nghiên, không để lại được một chút tin tức. Vô vọng, Kathy đành găm chặt thương nhớ vào lòng để lập gia đình.

Tháng 4/1975, Khmer Đỏ tiến vào Phnôm Pênh. Gia đình Katherin Trinh Mây ngay lập tức bị biến thành những nạn nhân đầu tiên trong chủ trương cuồng sát, diệt chủng tàn bạo và ngu xuẩn. Bởi lẽ, tất cả mọi thành viên trong gia đình cô đều là trí thức, đều có bằng cấp cao, cả gia đình gồm toàn những người có tiếng tăm trong xã hội thượng lưu của Thủ đô Phnôm Pênh. Cả cô con gái bé nhỏ của Kathy cũng  không tránh  được cơn đại họa. Duy nhất chỉ có mỗi chị gái đầu của Kathy, vì theo chồng sang Việt Nam sinh sống, không thường xuyên có mặt ở Campuchia nên mới có cơ hội sống sót. Cô trở thành nhân chứng, phải sống để chứng kiến, để có cơ hội thuật lại với Phan Lạc Tuyên đoạn kết bi thảm của một cuộc tình.

Lúc đó, cuộc đời và chuỗi tháng năm chờ đợi của người đảo chính, Tiến sĩ Phan Lạc Tuyên đã về rất xa bên kia sườn dốc. Ông đã gần 50 tuổi!

Nguyễn Hồng Lam
.
.