Cuộc đàm phán dầu mỏ tại Doha: Thất bại có là “mẹ thành công”?

Thứ Hai, 16/05/2016, 14:38
Hội nghị thượng đỉnh giữa các nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới diễn ra tại Doha vừa qua đã kết thúc mà không đạt được bất cứ một thỏa thuận nào.


Giá dầu và cổ phiếu toàn cầu ngay sau đó đã giảm nhanh chóng khi các quốc gia sản xuất dầu mỏ chủ chốt không thống nhất được việc "đóng băng" sản lượng dầu mỏ, nhằm khắc phục tình trạng dư cung trên thị trường.

Đúng như nhiều dự đoán trước đây, vấn đề địa chính trị ở khu vực Trung Đông, mà điển hình là căng thẳng giữa Arab Saudi và Iran, đã khiến cuộc hội đàm Doha thất bại. 

Giới chuyên gia nhận định, cho dù các nước xuất khẩu dầu mỏ có đạt được sự đồng thuận về cắt giảm sản lượng khai thác để "cứu" giá dầu thì cũng rất khó có cơ hội để giá dầu trở lại thời kỳ "hoàng kim" với mức giá khoảng 100 USD/thùng như cách đây vài năm. Sự sụp đổ của các cuộc đàm phán này báo hiệu rằng, giá dầu thô thế giới có thể chịu sức ép mới sau một thời gian hồi phục không đáng kể.

Vẫn còn những bất đồng

Trong bối cảnh Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang nỗ lực thúc đẩy giá dầu, các quan chức từ 18 quốc gia trong và ngoài OPEC đã nhóm họp tại Doha (Qatar) bàn về việc "đóng băng" sản lượng dầu mỏ như một biện pháp để thúc đẩy giá dầu. Tuy nhiên, cuộc họp đã kết thúc khi không có thỏa thuận nào được đưa ra, khiến đà phục hồi của giá dầu trở nên mong manh hơn bao giờ hết. 

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính khiến cuộc đàm phán về dầu mỏ tại Doha thất bại là do sự bất đồng giữa một số thành viên về các điều kiện trong thỏa thuận. 

Sự đối đầu giữa Iran và Saudi Arabia là rào cản lớn khiến thỏa thuận về sản lượng, vốn được trông đợi từ lâu, hiện phải chững lại. Gần 20 nước xuất khẩu dầu lớn của thế giới đã không thể tìm thấy đủ nền tảng chung để giữ nguyên hạn định khai thác dầu sau nhiều cuộc đàm phán.

Trước cuộc họp thất bại này, các nước đã đề xuất giữ sản lượng khai thác dầu ở mức của tháng 1/2016 cho đến ít nhất tháng 10/2016. Tuy nhiên, đàm phán Doha đổ vỡ cũng là trường hợp không nằm ngoài dự đoán khi mà Iran đã quyết định không tham dự cuộc họp quan trọng này vào phút chót. 

Tehran cực liệt phản đối ý tưởng bình ổn sản lượng bởi nước này đang toan tính giành lại thị phần đã bị mất sau khi được phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt. 

Saudi Arabia khăng khăng yêu cầu Iran phải tham gia vào cuộc đàm phán, trong khi quốc gia Hồi giáo Iran đã từ chối thẳng thừng và không cử đại diện tới Doha. Trên thực tế, dù Iran không tham gia đàm phán nhưng rõ ràng vai trò của quốc gia này lại rất lớn vì Saudi Arabia luôn vin vào sự vắng mặt của Iran để "ép" các thành viên khác phải đáp ứng các điều kiện trong thỏa thuận.

Các nhà phân tích cũng nhìn nhận trước cuộc họp này rằng, một thoả thuận bình ổn sản lượng nếu đạt được cũng chỉ có tác dụng rất ít để thay đổi tình trạng dư thừa dầu trên thế giới. 

Theo đề xuất ban đầu, các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt chỉ cần giữ nguyên sản lượng như mức của tháng 1 thay vì tiếp tục tăng lên, mục đích là để thúc đẩy giá dầu. Ý tưởng này được rất nhiều nước ủng hộ vì nó không đòi hỏi thêm sự hy sinh từ bất kỳ quốc gia nào.

Những dự đoán về việc các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt có thể nhất trí về một thỏa thuận "đóng băng" sản lượng đã đẩy giá dầu phục hồi lên mức quanh 40 USD. Tuy nhiên, thỏa thuận "đóng băng" sản lượng sụp đổ cũng đồng nghĩa với việc đợt tăng gần đây là "giả tạo", và nếu đúng như vậy, giá dầu thô thế giới có thể chịu sức ép mới sau khi tăng khoảng 55% kể từ tháng 2/2016. 

Mọi sự chú ý hiện nay hướng đến cuộc họp của các nước thành viên OPEC vào tháng 6 tới, nơi tổ chức này có thể "ra tay" nếu giá dầu thô bắt đầu một giai đoạn thoái trào mới. Hội nghị này, nếu thất bại, lại có thể dẫn tới viễn cảnh giá dầu thô trượt dốc hơn nữa trên các thị trường toàn cầu.

Vấn đề địa chính trị ở khu vực Trung Đông, mà điển hình là căng thẳng giữa Arab Saudi và Iran, đã khiến cuộc hội đàm Doha thất bại.

Thực tế cho thấy, đại đa số các nước thành viên OPEC đều cảm thấy bí bách khi giá dầu suy yếu, vì doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ được sử dụng để trang trải nhiều khoản chi tiêu công cộng và để làm giải toả các sức ép trong nước. 

Tuy nhiên, nhiều quan điểm cũng nghi ngờ các nước như Arab Saudi - quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới - đang giở một trò chơi về kinh tế với các nhà sản xuất dầu Mỹ. Giá dầu giảm gần 70% kể từ giữa năm 2014 khi các nhà sản xuất lớn bơm 1-2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, vượt quá nhu cầu cần thiết. Do hoạt động sản xuất dầu mỏ phi truyền thống (trong đó có khí đá phiến của Mỹ) gia tăng, nguồn cung dầu thế giới bị đẩy lên cao và kéo giá dầu hạ. 

Bên cạnh đó, bất chấp dự báo về nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh, các nhà sản xuất lớn như Saudi Arabia vẫn tiếp tục bơm sản lượng kỷ lục trong khi Iran cũng tăng sản lượng sau khi được dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Lạc quan sau thất bại

Bất chấp tham vọng đề ra, các nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới ở trong và ngoài OPEC không thể đạt bất kỳ thỏa thuận nào về việc giới hạn nguồn cung dầu trong bối cảnh giá dầu xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua. Các nước khai thác dầu mỏ đều tuyên bố họ cần thêm thời gian. 

Bước thất bại này gây tác động mạnh mẽ lên giá dầu và chắc chắn sẽ tiếp tục gây biến động trong thời gian tới, khiến các nhà đầu tư "nơm nớp" lo sợ. Thị trường chứng khoán và dầu mỏ tại châu Á và châu Âu đã lao dốc khi giá dầu Brent trên sàn giao dịch London giảm 3 USD (tương đương 7%), xuống mức 40,1 USD/thùng. Các hợp đồng giao dịch dầu tương lai ở New York cũng giảm 6,8% - mức giảm lớn nhất trong ngày kể từ 1/2/2016.

Hội nghị ở Doha được định hình nhằm hoàn tất thỏa thuận "đóng băng" sản lượng dầu - vốn đưa ra từ hồi tháng 1 - để giúp vực dậy các thị trường dầu mỏ đang chao đảo và đẩy giá dầu lên cao. Thất bại lần này đang buộc cả thế giới phải chứng kiến nguy cơ ngày càng tăng của việc cung vượt cầu quá xa. 

Đàm phán đổ vỡ cũng làm giảm đáng kể uy tín của các nhà sản xuất dầu trong OPEC và khiến cả thế giới "lặn ngụp" trong biển nhiên liệu không mong muốn. Thất bại chắc chắn phần nào tác động đến nền kinh tế, bởi giá dầu giảm liên tục sẽ làm lung lay lòng tin của nhà đầu tư và có thể làm trầm trọng thêm biến động tài chính, khiến nhiều nước khai thác dầu mỏ bị thiệt hại hàng trăm tỷ USD, dẫn đến tình trạng thâm hụt ngân sách lớn và buộc phải áp dụng các biện pháp khắc khổ, nhất là các quốc gia vùng Vịnh.

Do hoạt động sản xuất dầu mỏ phi truyền thống (trong đó có khí đá phiến của Mỹ) gia tăng, nguồn cung dầu thế giới bị đẩy lên cao và kéo giá dầu hạ.

Cho dù kết quả cuối cùng vẫn là con số 0 so với mục tiêu ban đầu của cuộc đàm phán, thị trường dầu trên thế giới lại đang cho thấy một tín hiệu kì lạ. Đó là, việc thiếu đi "thỏa thuận Doha", nhiều khả năng lại trở thành một tín hiệu tốt hơn cho chính tương lai của thị trường dầu. 

Điều này có nghĩa, giá dầu vẫn sẽ tiếp tục quá trình tái cân bằng giữa cung và cầu, để rồi tự bình ổn theo quy luật tự nhiên. Theo giới phân tích, trung bình phải mất 18 tháng để giá dầu bắt đầu có được sự cân bằng trở lại, và với đà giảm như hiện nay, không cần một quyết định đóng băng nào khác từ OPEC để đưa giá dầu trở lại với quỹ đạo của nó. Khi ấy, giá dầu sẽ trở nên ổn định hơn vào khoảng những tháng cuối năm 2017.

Trước hàng loạt tín hiệu xấu trên thị trường, các chuyên gia phân tích khẳng định, áp lực liên tục và dai dẳng vào sản xuất nhằm cắt giảm nguồn cung là một điều hết sức cần thiết cho thị trường. Rõ ràng, không có bất cứ một thỏa thuận hồi phục kinh tế nào tốt hơn việc để mọi thứ diễn ra theo đúng chu kỳ của nó một cách dài hạn. 

Sự phục hồi từ tốn của giá dầu vẫn đang diễn ra khi các nhà sản xuất ngoài OPEC đang cố gắng cắt giảm sản lượng. Thỏa thuận tại Doha vô nghĩa với giá dầu bởi nếu thỏa thuận này thực sự được ký kết, sản lượng dầu mỏ bơm ra thị trường thế giới vẫn không có gì thay đổi. 

Ngoài ra, việc không có cơ chế kiểm soát sẽ khiến thỏa thuận mất đi ý nghĩa, không mang lại bất cứ sự thay đổi thực chất nào đối với nguồn cung dầu mỏ. Mấu chốt vấn đề vẫn là, không quốc gia nào muốn lợi ích của mình giảm xuống. Vì thế, cuộc chiến dầu mỏ sẽ còn kéo dài…

Nam Hồng
.
.