Cứng chọi cứng

Thứ Sáu, 28/05/2021, 08:56
Sau 11 ngày giao tranh đẫm máu, Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza đã tuyên bố ngừng bắn với sự trung gian của Ai Cập. Thỏa thuận này giúp trút đi gánh nặng về một cuộc bộ chiến ác liệt có thể diễn ra ở Dải Gaza. Nhưng…


Binh bất yếm trá

Nhìn lại những gì đã qua phải thấy không có một cuộc bộ chiến nào của bộ binh Israel chống Phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas bên trong Dải Gaza! Những thông tin mà Bộ Quốc phòng Israel cung cấp cho các hãng tin Arập và quốc tế đang hoạt động ở khu vực Trung Đông về việc bộ binh Israel đang tiến vào sáp lá cà với quân của lực lượng Hamas ở Gaza, mang màu sắc của một đòn phép nhằm “lùa” các thủ lĩnh Hamas xuống những đường hầm bên trong Gaza để không quân và pháo binh Israel dùng bom đạn tiêu diệt... “Binh bất yếm trá” có vẻ đã được Israel áp dụng trong trường hợp này.

Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas đã đạt đến một cấp độ mà chính quyền Thủ tướng Netanyahu phải khẩn trương tìm ra giải pháp. Dù phấn lớn những quả rocket nhắm vào lãnh thổ Israel bị hệ thống phòng thủ chống rocket “Vòm sắt” đánh chặn thành công, thế nhưng vẫn có những quả rocket lọt qua hệ thống đánh chặn này.

Một cuộc không kích của Israel vào Dải Gaza. Ảnh: L.G.

Đã có những người Israel thiệt mạng và người dân Israel không còn cảm thấy an toàn nữa dưới sự bảo vệ của quân đội Israel. Các nhà hoạch định chính sách Israel đánh giá rằng chỉ bằng cách nhanh chóng đánh quỵ lực lượng chỉ huy của Hamas thì mới có thể hy vọng chấm dứt xung đột, bảo đảm an toàn cho người dân của mình. Mà muốn vậy thì phải đánh sập hệ thống đường hầm trị giá hàng tỷ USD cùng với các thủ lĩnh của Hamas trong đó. Đây là hệ thống đường hầm được xây dựng khi Israel tiến hành phong tỏa Dải Gaza, ban đầu được sử dụng để buôn lậu vào Gaza chứ không phải với mục đích quân sự.

Dần dà, Hamas đã cho xây dựng bên trong Gaza một hệ thống đường hầm chằng chịt và chuyển phần lớn các hoạt động của lực lượng này xuống dưới mặt đất. Theo nguồn tin từ phía Israel, Hamas có chừng 1.300 đường hầm và khi có tình huống khẩn cấp, phần lớn chỉ huy và các lực lượng của Hamas sẽ rút xuống các đường hầm như vậy.

Đó chính là nguyên do Israel tung tin về một cuộc tấn công trên bộ sắp diễn ra ở Dải Gaza với hy vọng các thủ lĩnh Hamas rút xuống đường hầm. 160 chiến đấu cơ của Israel đồng loạt mở cuộc tấn công bằng 450 quả tên lửa, tổng cộng với khoảng 80 tấn chất nổ, nhằm vào hệ thống đường hầm của Hamas nằm ở phía Bắc Gaza. Sau cuộc tấn công, phía Israel tuyên bố một số lượng nhất định các thủ lĩnh Hamas đã bị vùi lấp trong các đường hầm...

Đám cháy từ đốm lửa nhỏ

Mâu thuẫn giữa Israel với người Arập, cụ thể là với người Palestine kéo dài hơn nửa thế kỷ qua ở Trung Đông không phải là điều mới mẻ gì đối với thế giới. Cũng không mới mẻ gì việc những dàn xếp ngoại giao liên tục nhằm xác lập một nền hòa bình ở khu vực này thất bại nhiều như chính những dàn xếp đó! Căng thẳng giữa người Israel và người Palestine khi căng khi chùng nhưng chưa bao giờ biến mất. Nó chỉ chờ dịp để bùng lên.

Cũng như hầu hết mọi cuộc xung đột Israel - Palestine trước đây, cuộc chiến tranh - đúng, có thể gọi nó chính xác là một cuộc chiến - hiện nay giữa Israel với lực lượng Hamas ở Gaza bắt nguồn từ những sự cố nhỏ.

Ngày 12-4 vừa qua, lấy lý do muốn kiểm soát dòng người hành hương, cảnh sát Israel thiết lập nhiều rào chắn trước quảng trường Cổng Damascus ở Jerusalem, cấm người Hồi giáo vào đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa. Trước đấy, nhiều hộ gia đình người Palestine ở khu dân cư Sheikh Jarrah phía Đông Jerusalem cũng bị phía Israel trục xuất...

Những động thái này khiến người Palestine ở địa phương bất mãn sâu sắc vì cho rằng phía Israel phá vỡ cam kết cơ bản về tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo, muốn củng cố và mở rộng các khu định cư. Họ tập trung ở các khu vực Cổng Damascus, khu dân cư Sheikh Jarrah, đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa... Đã diễn ra nhiều cuộc đụng độ lẻ tẻ giữa người Palestine với cảnh sát và người dân Israel ở các khu định cư của Israel.

Kênh truyền hình Al Jazeera của Qatar đưa tin ngày 8-5, quân đội Israel tiến vào đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa, bao vây hàng nghìn tín đồ đang cầu nguyện và xua đuổi họ bằng bạo lực khiến 205 người bị thương. Làn sóng công phẫn của người Palestine dâng cao. Ngọn lửa xung đột nhanh chóng lan từ Jerusalem tới khu vực Bờ Tây do Israel đang chiếm giữ và Dải Gaza do Hamas kiểm soát.

Ngày 10-5, Hamas bắt đầu phóng rocket tới các khu vực như Tel Aviv, Beersheba của Israel. Phía Israel đáp trả bằng các cuộc không kích vào Dải Gaza cũng như các khu vực khác của người Palestine. Thương vong tăng dần, đặc biệt là đối với người Palestine, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Đỉnh điểm là các cuộc không kích của không quân Israel nhằm vào những đường hầm của Hamas sau đòn tung tin giả về một cuộc bộ chiến sắp xảy ra...

Căn nguyên chính trị

Tất cả những gì diễn ra từ đầu cuộc xung đột giữa Israel với lực lượng Hamas ở Dải Gaza cho thấy hai bên dường như không muốn đơn phương lùi bước. Và họ có những lý do của mình, bắt nguồn từ các lợi ích chính trị.

Trong 2 năm qua, Israel đã tổ chức liên tiếp 4 cuộc bầu cử nhưng tình trạng chia rẽ giữa các đảng phái cũng như xung đột lợi ích giữa các lực lượng chính trị trên chính trường Israel đã khiến không thể lập được chính phủ. Đảng Likud do Thủ tướng Netanyahu lãnh đạo ngày càng thu hút được ít phiếu bầu, cũng không thể liên minh được với bất cứ đảng phái nào khác để lập chính phủ. Sau cuộc bầu cử tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Netanyahu một lần nữa thất bại trong việc thành lập chính phủ.

Rocket phóng từ Dải Gaza vào Israel. Ảnh: L.G.

Ở Israel, một số đảng phái theo đường lối trung dung đang xúc tiến thành lập chính phủ liên minh nhưng khả năng thất bại là khó tránh khỏi. Không loại trừ khả năng Israel sẽ lại phải tổ chức một cuộc bầu cử thứ 5 trong vòng 2 năm để tìm lối thoát khỏi tình trạng bế tắc trên chính trường hiện nay.

Bản thân Thủ tướng Netanyahu cũng đang trong tình cảnh khó khăn với các cuộc điều tra của cơ quan pháp luật Israel. Việc tiếp tục duy trì vị trí là người đứng đầu chính quyền sẽ giúp vị thủ tướng theo đường lối cứng rắn loại bỏ những rủi ro pháp lý một khi bị mất đi chiếc ghế quyền lực.

Vấn đề nằm ở chỗ mặc dù có nhiều đảng phái (38 chính đảng tham gia cuộc bầu cử lần thứ tư vừa qua), thế nhưng tất cả các đảng phái ở Israel đều có chung một lập trường trong vấn đề Palestine, coi việc không nhượng bộ người Palestine là đường lối duy nhất giúp mang lại sự ủng hộ của cử tri. Thủ tướng Netanyahu rất biết điều này và trong cuộc xung đột với Hamas, chắc chắn sẽ tiếp tục duy trì một thái độ cứng rắn, không lùi bước.

Trong khi đó thì mặc dù cuộc tổng tuyển cử bầu ra cơ quan lập pháp ở Palestine đã chính thức bị hoãn, thế nhưng cuộc cạnh tranh giữa các lực lượng chính trị vẫn diễn ra gay gắt. Tình trạng xung đột với Israel cho Hamas một cơ hội để chứng tỏ thể hiện sức mạnh và lập trường cứng rắn với Israel nhằm tìm kiếm lợi thế so với các lực lượng chính trị ủng hộ Tổng thống Abbas.

Cứng chọi cứng, bom chọi rocket, cuộc xung đột giữa Israel với Hamas khó bề kết thúc sớm.

Lực bất tòng tâm

Không thể bỏ qua vai trò của Mỹ, đối tác đã nhiều lần dắt đại diện của cả Israel lẫn Palestine đến bên bàn đàm phán hòa bình và cũng chừng đó lần chứng kiến các thỏa thuận bị phá bỏ không thương tiếc.

Tổng thống Biden mới lên nắm quyền một thời gian ngắn, còn phải lo đối phó với các vấn đề nổi cộm trong nước, đặc biệt là đại dịch COVID-19. Về mặt đối ngoại, địa bàn Trung Đông nói chung và mối quan hệ Israel - Palestine đã không còn nằm ở vị trí trọng tâm mà phải lùi lại sau những ưu tiên chiến lược như quan hệ nước lớn (với Trung Quốc, Nga), hình thành và triển khai “chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, xây dựng Bộ tứ chiến lược Mỹ-Nhật-Úc-Ấn Độ, “kéo” Iran quay lại với thỏa thuật hạt nhân P5+1...

Trong bối cảnh đó, chính quyền của Tổng thống Biden không chú trọng vào các biện pháp ngoại giao giải quyết hoàn toàn xung đột giữa Israel với người Palestine, điều mà rõ ràng đã được chứng tỏ là vô vọng. Tất cả những gì mà Washington có thể làm là né tránh các vấn đề hóc hiểm như “giải pháp hai nhà nước”, không quá thiên vị cho Israel như chính quyền tiền nhiệm nhưng chắc chắn cũng không làm gì để thúc đẩy ước mơ về một nhà nước của người Palestine có thể trở thành hiện thực.

Nói cách khác, Mỹ lực bất tòng tâm trong việc giải quyết vấn đề xung đột Israel-Palestine. Cuộc chiến bùng nổ ở Dải Gaza cho thấy Washington không thể làm gì nhiều để tiếp tục duy trì vai trò người trung gian hòa giải duy nhất ở vùng đất nóng bỏng này.

Yên Ba
.
.