Công nghiệp phần mềm Việt Nam tiến vào Châu Âu

Thứ Ba, 17/06/2008, 11:00

Với thông tin công ty phần mềm lớn nhất Việt Nam (FPT Software) công bố việc thành lập Công ty TNHH Phần mềm FPT châu Âu (FPT Software Europe) tại Paris, Pháp với số vốn ban đầu là 300.000 USD vào ngày 13/6/2008, ngành phần mềm Việt Nam đã chính thức tiệm cận cánh cửa châu Âu để tiến thêm một bước mới trên thị trường lục địa già đầy tiềm năng.

Trước khi nói đến phần mềm xuất khẩu, không thể không điểm qua về thị trường nội địa để nhìn thấy tương quan giữa hai lĩnh vực này.

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có 86,5% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhưng mức độ rất khác nhau. Số doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp quản lý nguồn tài nguyên doanh nghiệp (ERP) chỉ đạt 7%. Tỉ lệ ứng dụng ERP của doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội còn thấp hơn, chỉ khoảng 1,1% (số liệu của Trung tâm Giao dịch CNTT thuộc Sở BCVT Hà Nội).

Mặc dù Hà Nội có khoảng 80% doanh nghiệp ứng dụng phần mềm nhưng có tới khoảng 20% chỉ ứng dụng ở mức độ phần mềm văn phòng. Có một nghịch lý là khi rất nhiều hãng nước ngoài, các công ty đa quốc gia chọn Việt Nam để làm phần mềm cho mình thì tại thị trường trong nước các khách hàng chính của ngành phần mềm là các doanh nghiệp trong nước, các cơ quan nhà nước lại vẫn lựa chọn sử dụng các giải pháp của nước ngoài.

Nhìn chung, các khách hàng lớn thuộc các ngành tài chính, ngân hàng, hàng không, dầu khí... đều rơi vào tay các hãng phần mềm đến từ nước ngoài, với các giải pháp trị giá hàng triệu, hàng chục triệu USD. Một trong những hạn chế của thị trường phần mềm nội địa theo đánh giá của các chuyên gia chuyên ngành, một phần là do cơ chế đấu thầu mua sắm phần mềm chưa hoàn thiện, thiếu khung pháp lý và các quy định, hướng dẫn.

Phần nữa là năng lực phần mềm nội địa chưa được gắn với dịch vụ triển khai và tích hợp hệ thống. Thêm vào đó là tốc độ đấu thầu, giải ngân đều rất chậm khiến các doanh nghiệp phần mềm nản lòng.

Dự báo năm 2008, theo nhận định của ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA) thì tốc độ tăng trưởng phần mềm tại thị trường trong nước sẽ tăng 40 - 50%. Tuy nhiên, để có bước đột phá trong lĩnh vực này thì còn nhiều vấn đề phải bàn, nhất là rất cần một giải pháp đồng bộ để kích cầu thị trường nội địa.

Về khía cạnh nguồn nhân lực, năm 2008 cũng có nhiều dấu hiệu khả quan, trình độ nhân lực CNTT tăng đáng kể. Mức giá trả cho nhân lực đã ở mức tương xứng,  có hợp đồng lao động trả lên đến 2.000-4.000 USD/người/tháng. Thậm chí, trả theo giờ là 20 USD/giờ.

Tuy nhiên, hiện chúng ta vẫn thiếu khoảng 1,5 triệu lao động trong lĩnh vực phần mềm, dự đoán đến năm 2010 sẽ thiếu 3 triệu lao động. Nguyên nhân do ngành đào tạo không kịp đáp ứng nhu cầu thị trường. Tình trạng nguồn nhân lực CNTT thiếu hụt này không chỉ ở Việt Nam mà còn "nóng" ở nhiều nước trên thế giới. Đây cũng chính là những lý do mà các thị trường xuất khẩu hứa hẹn nhiều lợi nhuận hơn cho các doanh nghiệp phần mềm.

Trong khi tại thị trường phần mềm nội địa (PMNĐ) chưa có mức đột phá thì ở lĩnh vực XKPM, tuy không rầm rộ nhưng lại có độ bứt phá rất cao. Theo số liệu năm năm gần đây (2002-2007), giá trị xuất khẩu phần mềm (XKPM) và dịch vụ phần mềm của Việt Nam tăng trưởng bình quân ước tính đạt hơn 55%, được đánh giá là mức tăng trưởng cao nhất so với các ngành kinh tế khác.

Doanh số XKPM và dịch vụ năm 2007 theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông là 180 triệu USD trên tổng số doanh thu chung là 498 triệu USD. Hiện Việt Nam đang được xem là một trong 20 thị trường gia công phần mềm hấp dẫn nhất thế giới (theo khảo sát của nhà tư vấn quản lý AT Kearney - Mỹ).

Năm 2007 theo kết quả khảo sát của JISA (Hiệp hội CNTT Nhật Bản) Việt Nam lần đầu tiên giành vị trí là lựa chọn số 1 của các doanh nghiệp Nhật Bản trong mong muốn chọn đối tác nước ngoài để đặt gia công phần mềm. Công ty Hitachi - soft, công ty phần mềm của Tập đoàn Hitachi, cho biết hiện có tới 23% tổng khối lượng gia công phần mềm toàn thế giới của Hitachi hiện đang được thực hiện tại Việt Nam.

Dấu hiệu lạc quan mới từ "lục địa cũ"

Có thể khẳng định ngay rằng châu Âu không phải là thị trường mới và không phải đến thời điểm này nó mới bộc lộ là mảnh đất giàu tiềm năng. Ngay từ thời kỳ tiền sơ khai của làn sóng XKPM, năm 2000 thì chính FPT Software đã bắt đầu bước vào thị trường châu Âu thông qua khách hàng Harvey Nash (Bỉ).

Năm 2004 đánh dấu thêm một bước tiến mới của FPT Software tại thị trường này bằng việc hợp tác với IBM France và Benelux. Năm 2007, FPT Software đã kí thỏa thuận hợp tác lâu dài và trở thành đối tác chiến lược của Tập đoàn Neopost. Tuy nhiên, đó vẫn là những hợp đồng nhỏ lẻ, chỉ chiếm khoảng 13% tổng doanh số XKPM của FPT Sofware.

Nhật Bản và châu Á-TBD vẫn là thị trường chủ chốt của họ với thị phần tương ứng là 56% và 21%. Lý giải việc mở công ty tại châu Âu, ông Nguyễn Lâm Phương, Phó TGĐ FPT Sofware bộc bạch: "Thị trường công nghệ thông tin châu Âu tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây và đã trở thành một trong những thị trường lớn của thế giới với dự báo mức chi tiêu cho CNTT lên tới 156 tỷ euro trong năm 2008, (theo CBI - http://www.cbi.eu/). Lĩnh vực gia công phần mềm được đánh giá là một trong những yếu tố chính giúp thị trường tiếp tục tăng trưởng nhanh. Các nước Bắc và Trung Âu (Đức, Anh, Pháp, Hà Lan…) là thị trường lớn nhất châu Âu hiện nay.

Cơ hội mới đó là sau khi nhập thêm 10 nước Đông Âu vào cộng đồng chung thì khoảng cách giá cả của nguồn nhân lực mà các nước Tây Âu đang tận dụng ở khu vực này sử dụng đã bị san lấp, vì thế lục địa già cần phải tìm đến những nguồn lực bên ngoài. Thêm vào đó, với nỗ lực của VINASA, năm 2008 các doanh nghiệp phần mềm sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận 3 thị trường lớn là Bắc Mỹ, Nhật và EU.

Theo ông Phạm Tấn Công thì thị trường châu Âu đang mở ra rất tiềm năng vì năm 2008 VINASA tiếp nhận dự án với Đan Mạch để tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam và Đan Mạch.

"Đánh giáp lá cà"

Với lợi thế là doanh nghiệp phần mềm (DNPM) quy mô nhân lực lớn nhất Đông Nam Á với 2.500 lập trình viên, doanh thu XKPM chiếm 1/6 toàn bộ doanh thu của ngành công nghệ phần mềm (CNPM) Việt Nam (trên 750 doanh nghiệp) với 30 triệu USD vào năm 2007, lợi nhuận vượt ngưỡng 10 triệu USD.

Mặt khác, với chứng chỉ CMM5, CMMI mức 5 (Hệ thống quy trình sản xuất phần mềm đạt mức cao nhất trong mô hình trưởng thành về năng lực sản xuất phần mềm) và chứng chỉ Hệ thống bảo mật thông tin đạt chuẩn 7799-2:2002 (2007: ISO 27001:2005); các khách hàng truyền thống Harvey Nash, IBM France, Neopos, IBM Singapore, P&G Vietnam, Fujifilm Group, Hitachi Group, IBM Japan, Nissen, Ambient Consulting, Agilis Solutions… FPT Sofware đang có lợi thế lớn để "ngoạm một miếng lớn" trên miếng bánh phần mềm ngon béo của châu Âu. Pháp là điểm được chọn, bởi lẽ Việt Nam được coi là nước nói tiếng Pháp (Francophoni) đang có nhiều cơ hội tìm kiếm các đơn hàng với quốc gia này.

Ông Jerome Modolo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Neopost Technology tại Việt Nam (Tập đoàn của Pháp chuyên về giải pháp thư tín lớn thứ 2 trên thế giới và là đối tác chiến lược của FPT Software), khẳng định: "Các công ty trên thế giới hiện nay luôn tìm kiếm những đối tác có năng lực kỹ thuật, đồng thời có khả năng cung cấp và hỗ trợ cho khách hàng tại chỗ với chi phí cạnh tranh. Việc thành lập công ty tại thị trường châu Âu có ý nghĩa rất quan trọng, giúp cho DNPM tiệm cận với khách hàng và thiết lập, phát triển mối quan hệ hợp tác công nghệ và kinh doanh giữa hai bên,  đồng thời kết nối hai lục địa cả về mặt địa lý lẫn ngôn ngữ".

"Lối cũ ta về"

Theo ông Bùi Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT: "FPT Software Europe là chi nhánh thứ 3 của FPT Software đặt tại nước ngoài, sau công ty tại Nhật Bản, Singapore. FPT Software Europe được thành lập với mục tiêu đón đầu làn sóng gia công phần mềm đang diễn ra ở châu Âu - một trong những thị trường lớn về công nghệ thông tin trên thế giới, đồng thời nhằm phục vụ tốt hơn các khách hàng hiện tại của FPT Software tại khu vực này.

Sự ra đời của FPT Software Europe sẽ giúp FPT Software đa dạng thêm thị trường và tạo sức tăng trưởng mới trong thời gian tới. Đồng thời, sự kiện này khẳng định chiến lược toàn cầu hóa của Tập đoàn FPT với định hướng là chủ động tiếp cận thị trường và nâng cao chất lượng dịch vụ".

Giám đốc FPT Sofware châu Âu, Lê Hà Đức cho biết: Dịch vụ thế mạnh mà FPT Software Europe dự định tung vào thị trường châu Âu là mảng công nghệ New Technologies (J2EE, .NET, Oracle), công nghệ nhúng, dịch vụ nghiên cứu và phát triển (R&D). Các khách hàng lớn nhắm đến như: Renault, BNP Paribas, Neopost, Hitachi Europe. 7 triệu USD là con số mà FPT Sofware dự định sẽ lấy từ thị trường châu Âu năm 2008, chiếm khoảng 16% trong kế hoạch doanh thu 48,5 triệu USD của toàn FPT Sofware.

Kế hoạch kế tiếp trong năm 2009 là mở rộng mạng lưới kinh doanh sang các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan và mở thêm chi nhánh thứ 2 tại châu Âu vào năm 2010. Lạc quan là quá sớm và thận trọng là điều cần thiết, nên việc  mở công ty phần mềm của FPT mấy năm nay không rầm rộ tiền hô hậu ủng như thời trước.

Một hướng đi mới, một con đường mới bao giờ cũng đòi hỏi thử thách, khó khăn. Tuy nhiên, phải nói rằng, với thành công từ thị trường Nhật Bản sau 2,5 năm thâm nhập (16 triệu USD năm 2007) và từ thị trường Singapore sau hơn 1 năm thì cách đánh giáp lá cà, chủ động tiếp cận khách hàng là một hướng đi thành công.

Quan trọng hơn cả, sau những loay hoay mở ra hướng đa ngành, đa dịch vụ theo mô hình của một tập đoàn lớn (mở rộng ra các hướng ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bất động sản….) chưa có dấu hiệu lạc quan thì việc quay lại tập trung vào các mảng chính là IT, là phần mềm của FPT Software nói riêng và FPT nói chung đang đi lại đúng định hướng ban đầu của họ và đúng với vị thế Công ty CNTT hàng đầu của Việt Nam. Điều này sẽ giúp họ tiến đến mục tiêu toàn cầu hóa nhanh hơn, vững chắc hơn. Âu cũng là hợp lẽ!

Tháng 6/2008

Hàn Phi
.
.