Con tôi đi học mẫu giáo ở Nhật

Thứ Hai, 24/05/2021, 13:31
Khi vợ chồng tôi cùng con gái 6 tuổi từ Việt Nam sang Nhật sinh sống và học tập, việc đầu tiên là tôi phải tìm trường học cho con. Ở Nhật, 7 tuổi trẻ mới học lớp 1, con gái tôi 6 tuổi nên sẽ học lớp mẫu giáo lớn. Tôi không nghĩ việc tìm trường mẫu giáo cho con ở đất nước mặt trời mọc lại kỳ công đến thế.


Công cuộc tìm trường

Dù là trường mẫu giáo công lập đúng tuyến nhưng để được vào học thì không đơn giản chút nào. Sau khi tìm hiểu cả một danh sách dài, tìm ra 5 trường có thể nhận thêm học sinh, tôi phải xếp thứ tự nguyện vọng từ 1 đến 5. Để làm được như vậy, tôi cần liên hệ với từng trường, hẹn ngày giờ đến thăm cơ sở vật chất và trao đổi với giáo viên.

Trường ở gần ga tàu, tiện việc đưa đón thì diện tích lại hẹp và cũ. Trường mới rộng rãi thoáng mát, nằm cạnh công viên lớn thì tọa lạc trên ngọn đồi cao. Mỗi trường mẫu giáo ở đây thường có từ 5-10 lớp, mỗi lớp không quá 18 học sinh. Cô giáo ở trường nào cũng đón tiếp tôi rất niềm nở, hướng dẫn ân cần, nhưng đều kết lại một câu: "Nếu gia đình muốn cho con đi học mẫu giáo thì cứ liên hệ với ủy ban nhân dân quận nhé". Việc bé nào học ở trường nào, là do ủy ban quận xét duyệt, nhà trường cứ theo đó mà nhận trẻ thôi.

Hàng ngày, con tôi được đi dạo trong công viên ở cạnh trường mẫu giáo.

Tiếp theo là việc các gia đình tự chấm điểm hoàn cảnh gia đình. Nhà nào càng bận, bố mẹ đi làm về muộn, không có người trông nom thì điểm càng cao, càng có cơ hội xét vào trường đúng nguyện vọng. Vậy nên ở Nhật mới có chuyện nếu người mẹ làm nội trợ thì sẽ rất khó xin cho con được đi học mẫu giáo ở trường công. Như nhà chị Mimura ở thành phố Hachioji, thuộc thủ đô Tokyo mà tôi biết là một trường hợp điển hình.

Trường nguyện vọng 1 cách nhà chị có vài bước chân, nhưng do không đủ điểm xét duyệt nên chị phải gửi con ở trường nguyện vọng 4 cách nhà 5km. Mà con chị trúng tuyển vào nguyện vọng 4 đã là may mắn rồi. Vì gia đình chị có thu nhập trung bình, anh chồng là nhân viên công ty, đi làm từ sáng sớm đến tối mịt. Chị ở nhà chuyên tâm nội trợ và trông con. Và như vậy thì điểm xét tuyển vào mẫu giáo của con chị rất thấp, có xếp hàng dài cũng không đến lượt được gửi con vào trường công, còn trường tư thì lại quá đắt.

Cuối cùng, chị Mimura phải làm cam kết với ủy ban quận để được gửi con đi học tạm trong vòng 3 tháng. Trong thời gian đó, chị sẽ đi tìm việc làm thêm, để chứng tỏ hoàn cảnh gia đình không có ai trông con trong giờ hành chính. Nếu hết 3 tháng mà chị không tìm được việc làm, con chị sẽ phải rời trường để nhường chỗ cho những bạn khác gia đình "hoàn cảnh" hơn. Cũng nhờ có chị Mimura chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn đường đi nước bước mà tôi mới có thể cho con đi học mẫu giáo ở đất Tokyo người khôn của khó này.

Tiêu chuẩn "ba chữ an"

Đưa con đi học mẫu giáo, tôi mới thấy trường học ở Nhật chú trọng ba tiêu chí an ninh - an toàn vệ sinh thực phẩm - an toàn giao thông.

Một bữa trưa của con ở trường.

Đầu tiên là vấn đề an ninh. Sáng nào cũng vậy, trước khi đưa con đến trường, tôi phải kiểm tra hai thứ: mật khẩu và thẻ ra vào. Cánh cổng trường mẫu giáo có gắn mã số, bảng điều khiển trên cao, quá tầm với của trẻ con. Chỉ có cô giáo và phụ huynh mới biết được mật khẩu để mở cánh cửa đó, cứ vài tháng mật khẩu lại đổi một lần. Sau khi gửi con tận tay cô giáo, phụ huynh sẽ quẹt thẻ, xác nhận giờ gửi con và đăng ký giờ đón con, bố hay mẹ sẽ đón con, đón lúc 17 giờ hay 17h giờ 30 phút. Nếu đón sớm 15 phút thì sẽ phải xin phép cô giáo, hoặc đón muộn quá 15 phút thì phải gọi điện đến trường trước ít nhất một tiếng. Việc đón con nhiều lúc cũng thật gian nan.

Khi ở trường, phụ huynh không bao giờ tự ý chụp ảnh con cùng với các bạn, vì việc chụp ảnh là quyền riêng tư cá nhân. Ngay cả nhà trường nếu muốn đăng ảnh con trên website hoạt động nội bộ cũng phải ký cam kết với phụ huynh.

Tiếp đến là an toàn vệ sinh thực phẩm ở trường. Ngay cạnh bảng tin là một chiếc bàn phủ kính, trưng bày các món ăn trong ngày. Ví dụ, buổi trưa có cơm, cá, sa lát và sữa; bữa chiều có bánh bao và nước cam. Tất cả các món ăn đều được để riêng và có quy ước, sa lát phải để đĩa tròn, cơm trong bát màu trắng, súp ở bát màu nâu, đồ tráng miệng ở đĩa có trang trí hình chú thỏ. Việc trưng bày món ăn vừa để cho phụ huynh biết mà chuẩn bị bữa tối cho con thêm đa dạng, vừa lưu lại để kiểm tra chất lượng đồ ăn.

 Ngày sinh nhật con gái, tôi định gửi bánh kẹo để nhờ cô tổ chức ở lớp nhưng cô từ chối. Vì nhà trường có trách nhiệm với tất cả đồ ăn tại trường. Bạn nào bị dị ứng với món gì, bạn nào hơi béo lại hay ăn quá liều lượng calo tiêu chuẩn, cô giáo đều theo dõi hàng ngày, phụ huynh không được phép gửi đồ ăn tới lớp. Sinh nhật của các con trong cùng một tháng sẽ được nhà trường tổ chức liên hoan chung và tặng quà.

Cuối cùng là vấn đề an toàn giao thông. Trường mẫu giáo con tôi nằm gần ngã tư lớn, xe cộ đi lại nhiều nên vào giờ cao điểm, từ cô hiệu trưởng đến các cô giáo và cả phụ huynh trong trường đều thay phiên nhau hướng dẫn giao thông. Người thì mặc áo phản quang ra hiệu cho ôtô dừng lại khi đèn đỏ, người thì cầm cờ hướng dẫn phụ huynh và học sinh sang đường, thận trọng và nhịp nhàng.

Hàng ngày đi học, trong balo của mỗi trẻ đều có một bàn chải đánh răng, cốc và hai chiếc khăn sạch, khăn xanh để lau miệng, khăn hồng để lau tay, tất cả đều được ghi tên con để không nhầm lẫn. Ăn trưa xong, các con sẽ được cô giáo hướng dẫn đánh răng rất tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Mỗi ngày con tôi và các bạn được thay ít nhất ba bộ quần áo: bộ khi vận động ngoài trời, bộ pizama lúc ngủ trưa, bộ mặc bình thường lúc phụ huynh đưa đón. Cuối tuần phụ huynh sẽ mang về giặt toàn bộ giày thể thao, giày đi trong lớp, mũ kèm áo khoác đồng phục, vỏ đệm, vỏ gối và hai chiếc chăn. Từ khi con tôi đi học, ban công nhà tôi lúc nào cũng phơi đầy quần áo.

Tôi mới cho con đi học ngày hôm trước thì hôm sau cô hiệu trưởng đã gọi riêng ra trao đổi, vẻ mặt vô cùng nghiêm trọng. Tôi chuẩn bị sẵn tinh thần, rút ngay quyển sổ và cây bút ra để ghi chép lại. Cô nói với tôi rằng cô rất lo lắng vì cả ngày con tôi không hề đi vệ sinh, mặc dù cháu vẫn hoạt động, ăn ngủ bình thường. Tôi ngẩn người ra một lúc, rồi xin phép cô lên lớp xem qua một vòng. Và tôi nhanh chóng tìm ra nguyên nhân chính ở khu vệ sinh thơm tho và bóng loáng, mà cụ thể là tại cái bồn cầu nhỏ xinh kia.

Mỗi khi trẻ đi vệ sinh, bồn cầu sẽ phát ra đoạn âm thanh như tiếng suối chảy róc rách, để con không ngại với tiếng động của mình. Mùa đông trời lạnh, bồn cầu có chế độ sưởi ấm. Trẻ vừa đứng dậy, bồn cầu sẽ tự xả nước ào ào. Con gái tôi còn lạ lẫm với thiết bị vệ sinh tự động gắn cảm ứng nên đành… nhịn. Sau khi tôi trình bày vấn đề một cách nghiêm túc, cô giáo và cô hiệu trưởng hiểu ra và mỉm cười. Sự quan tâm sát sao của các cô đối với con khiến tôi rất yên tâm.

"Bài tập" và quà tặng cho phụ huynh

Con đi học, nhưng tối về thì bố mẹ lại có bài tập được giao trong cuốn sổ liên lạc xinh xắn. "Hôm nay lúc 10 giờ sáng, trong lúc chơi ở công viên, con bị ngã ở bồn hoa. Ở chân bên trái, dưới đầu gối một gang tay, có chỗ bị xước một đoạn dài 5cm, không chảy máu nhưng hơi tấy đỏ, có vẻ khá đau. Gia đình theo dõi và đừng chạm vào chỗ xước nhé..." - những dòng chữ được cô giáo viết tay nắn nót. Khỏi phải nói là vợ chồng tôi cảm kích trước sự tận tụy chu đáo của cô giáo đến thế nào. Tôi sẽ viết một đoạn dài để xác nhận với cô rằng sức khỏe của cháu hoàn toàn ổn định. Việc ghi sổ liên lạc là việc làm của các bố mẹ hàng ngày, dù ghi ít hay ghi nhiều nhưng ngày nào cũng ghi. Vào những dịp trường tổ chức lễ hội, văn nghệ hay trò chơi dân gian thì cô giáo ghi đến cả trang giấy. Mỗi khi đọc lại, tôi mới thấy cuốn sổ thật ý nghĩa vì đã giúp cha mẹ thấy được sự lớn lên của con mỗi ngày.

Mỗi lần đón con, tôi lại hồi hộp xem con có quà gì tặng tôi. Quà ở đây chính là thành quả con đã làm ở lớp hoặc tham gia các hoạt động ở trường. Dù nóng hay lạnh, dù thời tiết đang chuyển mùa, miễn là trời không mưa, sáng nào cả lớp cũng hoạt động ngoài trời khoảng hai tiếng. Cô giáo dắt các con đi bộ khoảng một tiếng và chơi một tiếng ở công viên, vườn hoa gần đó. Trên đường đi có vô số điều thú vị và hấp dẫn mà trẻ con có thể khám phá. Từ con sâu ẩn dưới chiếc lá, viên sỏi hình vuông lấp lánh, cho đến cầu vồng tuyệt đẹp sau cơn mưa. Dưới góc nhìn của trẻ nhỏ, qua sự hướng dẫn của cô giáo, đều là những trải nghiệm tuyệt vời. Vậy nên, món quà tôi nhận được có thể là câu chuyện về chú kiến đi loanh quanh, là chiếc vòng cổ được xâu bằng lá khô, tất cả đều làm tôi thích thú...

Vào thứ 6 hàng tuần, cô giáo cho con tự chọn một quyển truyện tranh mang về nhà đọc. Sáng thứ 2 con sẽ mang truyện đến lớp trao đổi với bạn bè. Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, con gái tôi - học sinh người Việt duy nhất trong trường đã yêu lớp, yêu bạn bè, yêu cô giáo và nhanh chóng hòa mình vào với môi trường giáo dục mới.

Trần Quỳnh Trang
.
.