Thị trưởng New York, Michael Bloomberg, chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ thứ ba

Còn nhiều việc để làm

Thứ Ba, 19/11/2013, 11:12

Ngày 5/11 vừa qua đã diễn ra cuộc bầu cử Thị trưởng thành phố New York. Và chiến thắng đã thuộc về ứng cử viên của đảng Dân chủ Bill de Blasio. Đây là đại diện đầu tiên của đảng Dân chủ được bầu vào vị trí này trong hơn 20 năm qua. Đương kim Thị trưởng New York, Michael Bloomberg, ở thời điểm giành được chiến thắng trong bầu cử năm 2002 đã là người của đảng Dân chủ nhưng lại ra ứng cử với tư cách đại diện cho đảng Cộng hòa vì khi đó đảng Cộng hòa có quá nhiều ứng cử viên ra tranh đấu. Cũng từ sự thay đổi này mà về sau ông Bloomberg cũng thay đổi luôn khuynh hướng chính trị của mình.

Tỉ phú Michael Bloomberg (vị trí 13 trong bảng xếp hạng toàn cầu của Forbes với 31 tỉ USD) tới cuối năm nay sẽ rời khỏi vị trí Thị trưởng New York. Tòa thị chính New York sẽ không bao giờ còn giống được như một tổ ong, nơi mọi chú ong đều ríu ra ríu rít xung quanh con ong chúa là ông thị trưởng. Michael Bloomberg đã quen làm việc trong một văn phòng được thiết kế tự do, từ khi ông còn là chủ công ty truyền thông mang tên ông - không gian như vậy giúp tạo ra một không khí làm việc dân chủ và những giao tiếp kết nối sống động giữa các nhân viên. Việc đánh giá những trật tự như thế phụ thuộc vào thái độ đối với Bloomberg và 12 năm mà ông làm việc  trên cương vị Thị trưởng New York.

Trên bức tường trong căn phòng đèn rất sáng có treo một mặt đồng hồ chạy ngược, có thể thấy rõ rằng vị Thị trưởng đã để lại dấu ấn có lẽ là sâu đậm nhất trong lịch sử New York chỉ còn lại gần hai tháng tại vị. Ông đã có những thành công (cấm hút thuốc lá,  hạn chế bán vũ khí, làm mới công trình ven biển, thông qua đạo luật cho phép tái ứng cử tới lần thứ ba) và cũng từng vấp phải những thất bại (tranh quyền tổ chức Olympic, lệnh cấm bán nước có gaz). Nhưng quá trình quản lý của Bloomberg đã cho thấy rõ hơn tất cả những gì mà một đại cự phú  không bị ràng buộc bởi bất cứ quyền lợi nào có thể cống hiến cho công việc chung. Bloomberg đã tạo ra những lợi ích mới và sử dụng quyền hành của mình để biến New York thành một biểu tượng chính bản thân mình trên cơ sở kỹ nghệ thông tin và bảo vệ sức khỏe con người. Trước khi diễn ra cuộc bầu cử ngày 7/11, ông Bloomberg đã trả lời phỏng vấn cho Tổng biên tập Forbes.

- Forbes: Ông dự định sẽ làm những việc gì tiếp theo?

- Bloomberg: Ngày 1/1/2014, tôi sẽ có mặt tại lễ nhậm chức của người kế nhiệm nếu tôi được mời. Tới ngày 2/1, tôi sẽ cùng người bạn gái thực hiện kỳ nghỉ đầu tiên trong vòng 12 năm qua tới đảo Hawaii và New Zealand. Chúng tôi sẽ chơi golf với  Julian Robertson (người đã kiếm được nhiều tỉ USD nhờ các quỹ tự bảo hiểm rủi ro) - trong một ngày đẹp giời, tôi đi được ngoài sân chơi không dưới 90 cú đánh. Rồi tôi sẽ sang Trung Quốc để thực hiện một số bài phát biểu nhân danh hãng. Đó là những kế hoạch dài hạn của tôi.

- Và chỉ có thế thôi ư?

- Hãy hiểu rằng tôi vẫn tiếp tục làm những việc mà tôi quan tâm. Tôi không định ném tiền ra gió. Tôi muốn nghiên cứu các vấn đề vũ khí, nhập cư, đổi mới công nghệ, công tác quản lý quốc gia và sức khỏe dân tộc... Tôi còn chưa rõ là dưới hình thức nào. Tôi hiển nhiên là vẫn tiếp tục làm việc với 63 thành phố đã từng gia nhập nhóm các thủ lĩnh của chúng tôi để đấu tranh chống lại sự biến đổi khí hậu, và mới đây tôi đã đồng ý tham gia hội đồng bảo trợ của Viện bảo tàng Nghệ thuật Tiền phong tại London (Serpentine Gallery). Những công việc này sẽ kéo theo rất nhiều những công việc khác nữa. Tôi cũng không ngại thế. Tôi có thể nói về những việc gì mà tôi chắc chắn sẽ không làm. Tôi sẽ không định trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, đó không phải là việc dành cho tôi. Tôi không muốn đi giảng dạy. Tôi không muốn làm nhà tư vấn. Những việc đó không hấp dẫn tôi. Tôi sẽ không trở lại với Hãng Bloomberg L.P. và cũng không muốn lập ra một công ty mới.

Cuộc sống của tôi luôn diễn ra như sau: Toàn bộ công việc của tôi diễn ra trong cơ chế 24/7. Tất cả những người trò chuyện với tôi, thuộc lớp người có thể chuyển rời khỏi chỗ mà họ trân trọng ý kiến của ta tới nơi mà không ai buồn quan tâm tới ý kiến đó, đều nhất loạt nói với tôi rằng: Có vô số những công việc tự chúng xuất hiện, không cần phải cầu cạnh gì cả. Và đúng là tôi cần phải trau dồi cả vốn ngôn ngữ Tây Ban Nha của mình. Tôi đã quyết định dứt khoát là sẽ nói bằng tiếng Tây Ban Nha không kém hơn so với những người coi đó là tiếng mẹ đẻ.

- Chắc ông sẽ sử dụng chương trình Rosetta Stone?

- Đó là giai đoạn đã qua.

- Nhưng liệu ông có cố gắng duy trì ảnh hưởng của mình?

- Ảnh hưởng của tôi một phần gắn với việc tôi là Thị trưởng New York.  Đó là thứ sẽ không còn nữa nên ở một mức độ nào đó tôi sẽ bị mất diễn đàn cao. Nhìn từ góc độ khác, tôi sẽ có thời gian để  làm những việc mà trước đây tôi đã không đủ thời gian để làm. Tôi sẽ có thể dành thời gian cho công việc của nhóm “Các thị trưởng chống lại vũ khí bất hợp pháp”. Như quý vị đều biết, ông Bill Clinton đã mất rất nhiều công sức để chương trình này không bị xóa bỏ và để góp phần thay đổi thế giới. Và ông ấy đã làm được việc đó. Hiện nay cả ông Bill Gates cũng đang làm công việc này.

- Ông mới đây đã nói về ý nghĩa ngày một lớn hơn của các thành phố và các cơ quan hành chính đô thị. Ông có thể nói gì về việc này?

- Ba mươi năm trước ở vị trí đầu tiên là các khu vực ngoại ô, phát triển dĩ nhiên với sự hỗ trợ của chính quyền liên bang, người ta đã xây dựng tất cả các con đường. Hiện nay tất cả những gì quan trọng nhất cũng  đang diễn ra trong các thành phố. Đô thị cung cấp các dịch vụ và chúng ta có thể đánh giá chất lượng của chúng. Các thị trưởng thực hiện những công việc lớn lao.

- Khác với các chính trị gia trong chính phủ liên bang?

- Chính phủ liên bang tiếp tục làm nhiều việc. Vẫn như trước đây, cơ quan này đảm nhận các vấn đề chiến tranh, hòa bình và nghèo đói. Phê phán nó thì dễ và cũng dễ nói rằng nó không làm gì cả. Nhưng nhiệm vụ của chính phủ liên bang ở khắp thế giới là: phân phối của cải. Các đô thị cung cấp dịch vụ. Còn chính phủ liên bang không làm những việc như thế ngoài những lĩnh vực như quốc phòng. Đó là những nhiệm vụ khác nhau.

- Chúng ta hãy cùng nói về hoạt động từ thiện. Ông từng công khai tuyên bố rằng ông sẽ hiến hết gia sản của mình.

- Tất cả những gì đang thuộc về tôi  sẽ được chuyển cho quỹ Bloomberg Philanthropies. Các con tôi giờ chẳng thiếu thốn gì cả.  Công ty của tôi cuối cùng sẽ được chuyển cho quỹ hoặc được bán  đi.

- Liệu một mình hoạt động từ thiện có thể thay đổi được thế giới không?

- Chúng tôi đã tập trung sức vào việc đấu tranh chống lại thuốc lá và hiện nay một phần đáng kể trên thế giới đã thoát khỏi sự ám ảnh của thuốc lá. Chúng tôi xử lý nạn sốt rét và tạo ra loại muỗi không là nguyên do gây dịch. Tôi đã hiến tiền cho những chương trình vận động chống mang vũ khí theo mình và phát triển giáo dục. Nhưng những vấn đề mang tầm thế giới, những vấn đề lớn, thường rất quy mô và đòi hỏi những khoản đầu tư khổng lồ. Hãy thử nghĩ mà xem: New York mỗi năm tiêu tới 22 tỉ USD cho hệ thống trường công. Tiền cá nhân không thể thay thế tiền công do quy mô của các chi phí. Nhưng chúng cũng giúp làm những việc mà ta không thể làm nhờ tiền công quỹ cấp. Hoạt động từ thiện tư nhân có thể tài trợ cho các chương trình thử nghiệm. Khi sử dụng tiền công quỹ thì cần phải biết trước kết quả mong muốn, và nếu như kết quả này không thể đạt được thì báo chí sẽ nói đó là thất bại. Nhưng trong khoa học, khi một trong các phương án trở nên bế tắc, thì đó cũng là một kết quả quý báu. Vì thế cần thử tất cả những phương án rất khác nhau. Và ở đây cần tới các phương tiện tư nhân. Bản chất của quá trình canh tân là ở chỗ, không biết trước được liệu có đạt được hiệu quả đó không, sản phẩm cuối cùng sẽ trông như thế nào và liệu người ta có mua nó hay không?

- Ông từng lập ra Ủy ban các hành động chính trị Independence USA của mình vào tháng 10 năm ngoái và đã tài trợ cho một số ứng cử viên trong các cuộc bầu cử năm 2012. Ông đã đạt được những kết quả ấn tượng: 21  thắng lợi và 7 thất bại.

- Tôi không quan tâm tới tỉ số. Để đạt được kết quả tốt, đơn giản chỉ cần ủng hộ những người mà ta tin chắc là sẽ giành được chiến thắng. Toàn bộ vấn đề là ở việc thay đổi thế giới.

- Tại sao ông không trở về đứng đầu Hãng Bloomberg L.P.?

- Tôi đã chèo lái Hãng  Bloomberg L.P. 20 năm rồi. Đó là cương vị đòi hỏi làm sự việc suốt ngày đêm, mà tôi thì lại không sẵn sàng để làm thế. Hiện nay đứng đầu hãng là những người rất tốt...

- Ông có quan tâm tới trường hợp vi phạm luật riêng tư,  xảy ra trong năm nay, khi các phóng viên của Bloomberg  sử dụng cơ sở dữ liệu của các công ty để lấy được những thông tin riêng từ các khách hàng đã đăng ký?

- Đó là một câu chuyện bịa. Thực ra là 25 năm trước đây tôi đã nảy ra ý nghĩ rằng nếu như người ta sở hữu những cơ sở dữ liệu đó và trả cho chúng tôi tới 20 nghìn USD một năm mà lại không sử dụng chúng thì chúng tôi phải gọi điện thoại cho họ. Ai đó trong số các phóng viên thấy việc này và nói rằng có lẽ ở đó không có ai cả vì không ai lên mạng cả. Các công ty bên ngoài như  Goldman Sachs và Morgan Stanley đều đồng tình là không có việc gì khủng khiếp xảy ra cả.

- Có tin đồn là ông sẽ mua một tờ báo. Có thật thế không?

- Khi tôi gặp ông chủ xuất bản tờ Financial Times, tôi nói đùa rằng tôi mua nó hàng ngày. Tôi cho rằng, hiện đang có ba tờ báo vĩ đại, đó là Financial Times, Wall Street Journal và New York Times.  Vấn đề là ở chỗ không có tờ nào trong ba tờ này được rao bán cả. Hơn nữa, tôi cũng không phải là người làm báo.

- Ông đọc cả ba tờ báo này?

- Đúng thế, tôi là một trong những người vẫn thường xuyên đọc báo in như xưa. Ngày nào tôi cũng đọc hết những tờ báo được đặt trước mặt tôi. Tôi biết rằng tôi có thể đọc chúng trên mạng nhưng đó không phải là những việc giống như đọc trên giấy in...

Lương Xuân
.
.