Cơ quan tình báo quân sự Nga: Vào khó ra còn khó hơn

Thứ Bảy, 28/03/2009, 10:57
Victor Suvorov, tác giả cuốn sách nổi tiếng ở Nga về Tổng cục Tình báo Quân sự (GRU) "Bể cá" (đây là biệt danh của tòa nhà chỉ huy trung tâm GRU) có câu: "Luật lệ ở chỗ chúng tôi rất đơn giản: vào cửa - một rúp; ra cửa - hai rúp". Điều này có nghĩa là gia nhập GRU đã là một việc khó khăn rồi nhưng rời khỏi GRU lại là một việc khó vạn lần hơn.

Theo đúng quy định của các lực lượng vũ trang Nga, các vị tướng đến tuổi 60 đều phải về hưu. Vì thế không có gì đáng ngạc nhiên nếu mùa xuân 2009 ở Nga đã liên tục rộ lên tin đồn về việc Đại tướng Valentin Korabelnikov, lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Nga, vừa viết đơn xin rời khỏi quân ngũ gửi lên Tổng thống Dmitri Medvedev: theo lý lịch chính thức, ngày 4/1/2009, ông đã tròn 63 tuổi.

Thế nhưng, rất không đơn giản để một vị tướng lãnh đạo một cơ quan đặc biệt như tình báo quân sự Nga về hưu. Trung tuần tháng 3 này, Điện Kremli đã ra quyết định kéo dài thời hạn phục vụ của Đại tướng Korabelnikov thêm ít nhất một năm nữa. Nguyên nhân cụ thể không được nêu ra nhưng ai cũng hiểu rằng, để cơ quan tình báo quân sự tiếp tục hoạt động có hiệu quả, rất cần một vị chỉ huy giàu kinh nghiệm như tướng Korabelnikov. Các vị tướng khác không có lý do gì để "ghen tị" với ông.

Nhà tình báo chuyên nghiệp

Đại tướng Korabelnikov là nhà lãnh đạo thứ 27 của Tổng cục Tình báo Quân sự (GRU) thuộc Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Nga. Người tiền nhiệm của ông là Đại tướng Fiodor Ladygin, một cán bộ tình báo quân sự chuyên nghiệp tới tận chân tơ kẽ tóc, một người đánh giá rất cao vị chỉ huy "đàn em" của mình. Sự tín nhiệm của Đại tướng Ladygin đã đóng một vai trò không nhỏ để Đại tướng Korabelnikov mới có thể trụ vững vàng đến thế trên cương vị hiện nay…

Đại tướng Korabelnikov sinh năm 1946 tại tỉnh Tambov. Năm 1969, ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kỹ sư tên lửa Minsk. Năm 1974, ông tốt nghiệp Học viện Quân sự mang tên Frunze và năm 1988, tốt nghiệp Học viện Ngoại giao Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Liên Xô cũ.

Và sau đó, hơn 20 năm liên tục ông công tác tại GRU. Từ năm 1992 tới năm 1997, tướng Korabelnikov là Phó Tổng cục trưởng thứ nhất của GRU. Trong thời gian diễn ra chiến sự trên lãnh thổ nước Cộng hòa Chesnia, tướng Korabelnikov đã rất nhiều lần có mặt ở những nơi ác liệt nhất.

Tháng 5/1997, trong thời gian tiến hành các thủ tục y khoa để đưa Đại tướng Fiodor Ladygin về hưu ở tuổi 60, tướng Korabelnikov đã đảm nhận cương vị Quyền Tổng cục trưởng GRU (sau khi về hưu, Đại tướng Ladygin ra ngoài cộng tác với một doanh nghiệp muốn phát triển  những quan hệ làm ăn tốt đẹp với nước ngoài, vì khi còn đương chức, Đại tướng Ladygin đã xác lập được những mối giao hảo tuyệt vời với tầng lớp lãnh đạo không chỉ một quốc gia)…

Tới tháng 5/1997, ở tuổi 51, tướng Korabelnikov trở thành Tổng cục trưởng GRU. Đây là cựu học viên đầu tiên của Học viện Ngoại giao Quân sự lên được tới vị trí cao nhất trong ngành tình báo quân sự Nga.

Người tiền nhiệm trong giai đoạn từ 1992 tới 1997, Đại tướng Ladygin, đã nhận xét về tướng Korabelnikov như sau: "Tôi đã từng không chỉ một lần phải trực tiếp thông qua những quyết định liên quan tới số phận Valentin Korabelnikov và thậm chí phải đứng ra để đề nghị cho việc đưa ông lên chức vụ này hay chức vụ khác. Ông là một người chuyên nghiệp trong  tình báo quân sự, được đào tạo tốt về lý thuyết và có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động thực tế ở các lĩnh  vực khác nhau, trong đó có công tác tác chiến trực tiếp. Theo những gì mà tôi có thể nhận định được, các đánh giá của tôi về Đại tướng Korabelnikov đều đúng. Tôi cho rằng ông xứng đáng với vị trí lãnh đạo GRU và sẽ hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ đang đặt ra trước cơ quan này".

Khác với người tiền nhiệm, vốn chỉ là một chuyên gia phân tích thượng thặng và ít có điều kiện trực tiếp tham gia các chiến dịch thực tế, tướng Korabelnikov trong ngành tình báo quân sự Nga nổi tiếng là một vị chỉ huy năng động và quyết liệt trong tác chiến thực tế, không sợ chịu trách nhiệm về các quyết định do mình đã đưa ra…

Ngay sau khi tướng Korabelnikov ngồi vào ghế lãnh đạo GRU, trên báo chí đã xuất hiện những thông tin về việc ông phải chịu trách nhiệm về hoạt động chiến thuật trong vùng không gian Xôviết cũ và phụ trách cả hướng Chesnia. Người ta đã viết rằng, tướng Korabelnikov từng ở trên lãnh thổ Chesnia không chỉ một tháng, chỉ huy trực tiếp các chiến dịch đặc biệt và thậm chí có lần còn bị thương.

Ngoài ra, ông cũng được báo chí ghi nhận là đã trực tiếp chỉ huy chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh Chesnia, Dzhokhar Dudayev và nhờ thế mới được lên chức vụ hiện nay(?). Tuy nhiên, thông tin này đã bị Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ bằng tuyên bố rằng, mặc dù tướng Korabelnikov đã có mặt ở Chesnia và đảm bảo thông tin tình báo cho các hoạt động tác chiến của quân đội Nga ở Chesnia nhưng cả ông và cả những đơn vị đặc nhiệm dưới quyền ông đều không liên quan gì tới vụ hạ sát Dudayev. Nói chung, trong những thông tin như thế này, ít ai có thể biết rõ thực hư...

Ngày 20/8/1997, tướng Korabelnikov đã được đưa vào thành phần Hội đồng phối hợp liên bộ về chính sách kỹ thuật quân sự của LB Nga dưới quyền chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Nga lúc đó là ông Victor Chernomyrdin (từ tháng 3/1998, cương vị này do ông Sergey Kirienko nắm giữ). --PageBreak--

Tổ chức này tới ngày 20/8/1998 được Tổng thống Nga Boris Yeltsin chuyển thành Hội đồng phối hợp liên bộ (KMS) về hợp tác kỹ thuật quân sự giữa LB Nga với nước ngoài do Thủ tướng Kirienko "cầm chịch" và từ tháng 9/1998, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng mới là ông Evgueni Primakov. Tới tháng 12/1998, KMS đã bị giải thể.

Cũng từ ngày 31/12/1997 tới tháng 11/2000, tướng Korabelnikov là thành viên Hội đồng quan sát hoạt động của các công ty Rosvoouhebie (Vũ khí Nga) và Promezxport (Xuất khẩu công nghiệp).

Tháng 7/1999, tướng Korabelnikov đã được Tổng thống Nga lúc đó là ông Boris Yeltsin bày tỏ sự cảm ơn về những đóng góp cho quá trình dàn xếp xung đột ở Kosovo thuộc LB Nam Tư.

Ngày 6/9/1999, ông được đưa vào Ủy ban trực thuộc Tổng thống LB Nga về  các vấn đề hợp tác kỹ thuật quân sự với nước ngoài. Ông được phong quân hàm Đại tướng ngày 12/6/2003, đúng dịp kỷ niệm Ngày quốc khánh Nga…

Đại tướng Korabelnikov là Anh hùng LB Nga, từng được trao tặng Huân chương Dũng cảm và Công trạng trước Tổ quốc bậc IV (trong cuộc chiến Chesnia, đã có gần 1.500 nhân viên tình báo quân sự Nga được nhận các loại huân huy chương khác nhau của chính phủ; 15 người được nhận danh hiệu Anh hùng LB Nga).

Đại tướng Korabelnikov được coi là một chuyên gia thượng thặng về hệ thống đảm bảo thông tin để thông qua các quyết định quân sự và chính trị - quân sự. Ông từng lãnh đạo nhiều công trình nghiên cứu các xu hướng phát triển các phương tiện và hệ thống thông tin liên lạc. Ông cũng là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu và là Viện sĩ Thông tấn của phân khoa Các phương tiện tình báo và xác định mục tiêu của  Viện Hàn lâm Khoa học Tên lửa và Pháo binh…

Dưới sự lãnh đạo của Đại tướng Korabelnikov, GRU đã hoạt động rất tích cực và có nhiều thành tích trong các giai đoạn chiến sự nhờ cách thu thập và xử lý thông tin nhanh nhạy. Tất nhiên, trong giai đoạn mới, cũng như nhiều bộ phận khác của các lực lượng vũ trang Nga, GRU cũng đang đứng trước yêu cầu cải tổ bộ máy. Tuy nhiên, không nhất thiết lúc nào để cải tổ cũng cần tới một nhà lãnh đạo mới.

Vào khó, ra còn khó hơn

Tổng cục Đăng lục Bộ Tổng tham mưu dã chiến Hồng quân, cơ quan được coi là tiền thân của GRU, ra đời ngày 5/11/1918. Đại tướng Korabelnikov trong một dịp kỷ niệm ngày thành lập GRU đã nói: "Tình báo quân sự là một trong những thành tố quan trọng nhất trong hệ thống an ninh quốc gia và an ninh quân sự của nước Nga. GRU đảm bảo chắc chắn các lợi ích chiến lược của nước Nga cả ở nội địa lẫn ở ngoài biên giới quốc gia".

Victor Suvorov, tác giả cuốn sách nổi tiếng ở Nga về GRU "Bể cá" (đây là biệt danh của tòa nhà chỉ huy trung tâm GRU) có câu:  "Luật lệ ở chỗ chúng tôi rất đơn giản: vào cửa - một rúp; ra cửa - hai rúp". Điều này có nghĩa là gia nhập GRU đã là một việc khó khăn rồi nhưng rời khỏi GRU lại là một việc khó vạn lần hơn.

Lãnh đạo GRU (hiện nay là Đại tướng Korabelnikov) là cấp dưới trực tiếp của Tổng Tham mưu trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng và không được có liên hệ trực tiếp với ban lãnh đạo chính trị quốc gia (như Tổng thống, Thủ tướng…). Khác với giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại (SVR) là người mà mỗi tuần vào ngày thứ hai phải gặp Tổng thống để báo cáo, Tổng cục trưởng GRU không có lịch cố định để báo cáo với nguyên thủ quốc gia về công việc của mình. Nguyên tắc này được đặt ra để các chính khách dân sự không thể có mối liên hệ trực tiếp với cơ quan tình báo quân sự.

Trong một bài trả lời phỏng vấn hiếm hoi, Đại tướng Korabelnikov nói: "Nếu cần thiết chúng tôi có thể hành động ở bất cứ nơi nào trên trái đất. Cơ quan tình báo quân sự chúng tôi đã không chỉ một lần chứng tỏ tính hiệu quả về công việc của mình trong thời gian diễn ra các cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Campuchia, trong xung đột Arab-Israel, tại Angola, Ethiopia, Afghanistan, Nam Tư, Iraq và nhiều điểm, nhiều vùng khủng hoảng khác trên thế giới.

Tuy nhiên, khả năng của bất cứ một cơ quan tình báo nào cũng không phải là vô biên, tình báo không thể và không cần phải chuyện gì cũng biết. Vì thế, chúng tôi thỉnh thoảng lại phân phối tiềm lực của mình theo những ưu tiên mà ban lãnh đạo đất nước xác định.

Mức độ quan tâm tới khu vực này hay khu vực khác phụ thuộc trực tiếp vào tầm quan trọng của những sự việc diễn ra tại đó từ góc nhìn về an ninh của nước Nga. Theo truyền thống và hoàn toàn có thể là trong lĩnh vực quan tâm của GRU vẫn có tình hình ở vô số những khu vực xung đột quân sự hay bất ổn định chính trị…"

Nguyễn Trung Tín
.
.