Từ một cuốn sách viết về lịch sử trăm năm của MI-5:

Cơ quan phản gián Anh hay bị tẽn tò

Thứ Hai, 19/10/2009, 15:02
Đúng vào năm kỷ niệm 100 năm thành lập, cơ quan phản gián Anh MI-5 đã cho tung ra một món quà bất thường - tập sách dày cả nghìn trang kể về lịch sử của nó. Tác giả sách là giáo sư Trường Đại học Cambridge, Chrisopher Andrew.

Theo thông tin được tiết lộ trong buổi ra mắt sách, lần đầu tiên trên thế giới một nhà nghiên cứu lịch sử chuyên nghiệp và cũng là một nhân vật thuần tuý dân sự được tiếp cận đầy đủ với kho lưu trữ của một cơ quan an ninh có tới hơn 400 nghìn vụ việc.

Vô cùng hấp dẫn

Tập "Bảo vệ vương quốc"  (The Defence of the Realm) mà GS Christopher Andrew đã dày công chấp bút trong gần 7 năm, đã ngay lập tức trở thành sách best-seller không chỉ riêng ở Anh và được trích dẫn trên hàng chục phương tiện thông đại chúng. GS Andrew thổ lộ rằng, ông đã phải làm việc "dưới sự kiểm soát" và không phải mọi tư liệu mà ông đã có cơ hội được tiếp cận đều có thể đưa vào sách.

Ý tưởng xây dựng một cuốn sách như thế đã được nảy sinh ngay trong chính sâu thẳm của bộ máy MI-5 sau tấn thảm kịch khủng bố ngày 11/9/2001 nhằm vào nước Mỹ và cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế đã được phát động trên quy mô thế giới. Khi đó, chính phủ Anh đã hành xử như một trong những đồng minh chính yếu của Nhà Trắng và MI-5 từ chỗ là một trong những cơ quan phản gián hùng hậu đã trở thành tổ chức truy lùng khủng bố năng nổ cùng Washington với nhiều phiêu lưu và mạo hiểm. Ngay trong thời điểm đó, lãnh đạo cơ quan an ninh Anh quốc này, Sir Stephen Lander đã nghĩ tới chuyện chỉnh đốn hình ảnh bị hoen ố không ít bởi những huyền thoại hư hư thực thực của MI-5. Cần phải làm sao để công chúng tiếp nhận các hoạt động của cơ quan phản gián này một cách tích cực hơn và để họ tin rằng những chuyện "bắt gián điệp" ám muội đã vĩnh viễn chìm trong quá khứ.

Để đạt được mục đích này, MI-5 đã cho phép một việc có lẽ là "vô tiền": Cho phép một nhà nghiên cứu dân sự vào lục tìm trong kho tư liệu đầy những bí hiểm của mình để viết lại những đoạn đường thăng trầm khúc khuỷu của mình từ năm 1909 tới nay. Tháng 2-2003, GS Andrew đã bắt tay vào công việc chứa đầy những bất trắc của mình.

Theo lời thổ lộ của chính vị GS mà tới thời điểm trên đã từng viết 12 cuốn sách về lịch sử an ninh phản gián và được đánh giá là một trong những chuyên gia hàng đầu về MI-5, thực sự là đã có quá nhiều điều bất ngờ trong công việc mà ông đã nhận. "Khi tiếp cận với các tư liệu, tôi luôn luôn phải kêu thầm: Trời ơi, hoá ra tôi chưa từng bao giờ biết gì về những chuyện này!".

Hóa ra là, ông Harold Wilson (Thủ tướng Anh trong những năm từ 1964 tới 1970 và từ 1974 tới 1976) đã không phải vô cớ khi luôn nghi hoặc rằng ông bị các cơ quan an ninh theo dõi. Mặc dù ông Wilson được đánh giá là một trong  những nhà hoạt động chính trị và lãnh đạo quốc gia xuất sắc nhất thế kỷ XX (dưới sự lãnh đạo của ông, Công đảng Anh đã bốn lần đắc cử), nhưng MI-5 trong suốt 30 năm vẫn tiến hành thu thập hồ sơ về ông. Và ông đã là vị Thủ tướng duy nhất trên hòn đảo sương mù được "hưởng vinh dự" này.

Cơ quan phản gián Anh đã quan tâm tới những giao tiếp của ông Wilson với các đối thủ tư tưởng: đó là các sĩ quan KGB, những người Nga khác, các đảng viên Cộng sản và các thủ lĩnh những phong trào cánh tả… Theo lời của GS Andrew, "mặc dù MI-5, tất nhiên là không nghe trộm vị Thủ tướng này và không bao giờ tiến hành những cuộc điều tra chủ động về ông nhưng vẫn có cả một hồ sơ về ông".

Cũng trong những năm đó, cơ quan phản gián Anh đã liên tiếp bị thất bại trong những nỗ lực "trấn áp" mạng lưới tình báo của Liên Xô cũ ở Anh. Chuỗi "họa vô đơn chí" đó của MI-5  mà GS Andrew đã phải kết thúc bằng một quyết định bất thường vào năm 1971 là buộc phải trục xuất tới hơn 100 nhà ngoại giao Xôviết.

Còn có thêm một thất bại tai tiếng của cơ quan phản gián Anh MI-5 liên quan tới "Bộ ngũ Cambridge" lừng lẫy lịch sử tình báo quốc tế thế kỷ XX. Mặc dầu nhóm tình báo viên  cộng tác với Moskva này đã bắt đầu hoạt động từ trước chiến tranh thế giới lần thứ hai nhưng thành viên cuối cùng của họ chỉ bị MI-5 phát giác vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước.

Nói chung, xét theo những trích dẫn trên báo chí Anh từ cuốn sách của GS Andrew, những thất bại của MI-5 đã được đề cập tới không ít. Không ít nhân vật tai to mặt lớn trong các đời nội các Anh đã cộng tác với các cơ quan tình báo nước ngoài. Thí dụ như ông John Stonehouse, một thời gian từng làm Bộ trưởng Kỹ nghệ và Bộ trưởng Bưu chính và Truyền thông trong nội các của Thủ tướng Wilson, đã từng cộng tác với tình báo Tiệp Khắc. Hạ nghị sĩ Anh Bob Edwards và hạ nghị sĩ Công đảng Will Owen cũng đã từng cộng tác với KGB.

Trong cuốn sách của GS Andrew, trong đại đa số các trường hợp cơ quan phản gián Anh đã kịp thời tìm ra dấu vết của các điệp viên nhưng rất hiếm khi có thể chứng minh được những mối nghi ngờ của mình bằng các bằng chứng và nếu thiếu những chứng cớ xác thực một trăm phần trăm thì rất khó giành được chiến thắng trong các phiên tòa. Luật pháp là luật pháp. Và các đối thủ của MI-5 đã khéo léo làm cho cơ quan phản gián Anh bị tẽn tò ngoài công đường.

Cũng trong cuốn sách của GS Andrew có những tình tiết chứng minh tính ít nhiều nguyên tắc của cơ quan phản gián Anh: khi nữ Thủ tướng Margaret Thatcher đòi hỏi MI-5 phải hỗ trợ cho việc đấu tranh chống lại phong trào bãi công  của các công đoàn, lãnh đạo MI-5 đã khước từ. Bởi lẽ nhiệm vụ này nằm ngoài khuôn khổ của lực lượng an ninh nên ngay cả "bà đầm thép" cũng không thể buộc MI-5 chà đạp lên luật pháp.

Những trục trặc trong quan hệ  giữa cơ quan phản gián Anh với các thủ lĩnh quốc gia đã xảy ra không chỉ một lần. Theo giả thuyết của GS Andrew, trước thời điểm ký hiệp ước Munich năm 1938, tạo cơ hội cho trùm phát xít Hitler rảnh tay gây họa cho nhân loại,  MI-5 đã cảnh báo trước vị Thủ tướng Anh lúc đó là Neville Chamberlain về những toan tính thực chất của Đức quốc xã. Cơ quan phản gián Anh đã phải sử dụng cả những thủ pháp chiến tranh tâm lý: Họ thường xuyên báo cáo với Thủ tướng Chamberlain về  việc Hitler đã rủa xả ông bằng những lời lẽ khiếm nhã. Thế nhưng, thái độ của ông Chamberlain trong vấn đề này đã không thay đổi…

Trong cuốn sách của mình, GS Andrew đã dẫn dắt độc giả đi dọc con đường hình thành và phát triển của cơ quan phản gián Anh, từ thời điểm mới thành lập, khi biên chế MI-5 chỉ có hai người, qua những phức tạp thời trước chiến tranh và cả những vụ việc của thế chiến thứ hai, những đối đầu giữa hai hệ thống xã hội trong thời kỳ chiến tranh lạnh  tới cuộc khủng hoảng của nhành tình báo trong những năm 80 của thế kỷ trước, sự tan rã của Liên bang Xôviết và hệ thống xã hội chủ nghĩa ở châu Âu, rồi qua những bùng phát của chủ nghĩa khủng bố quốc tế đầu thế kỷ XXI…

Cuốn sách "Bảo vệ vương quốc" hiện đang được bán rất chạy và có lẽ sẽ được tái bản không chỉ một lần. Những tư liệu của các cơ quan an ninh tình báo không phải dễ lọt được vào tay những nhà nghiên cứu dân sự - đó còn là cả những bức ảnh độc nhất vô nhị được chụp từ những phương tiện theo dõi đặc biệt, văn bản các báo cáo và hình ảnh tang chứng, vật chứng cũng như nhiều câu chuyện giật gân lý thú mà lịch sử ngành phản gián Anh cũng như bất cứ một cơ quan phản gián của một quốc gia nào khác không hề thiếu thốn.

Cần khách quan hơn

Tuy nhiên, hiện đã xuất hiện những ý kiến của các chuyên gia về tính khách quan và giá trị lịch sử trong những gì mà GS Andrew trình bày trong công trình khá công phu của mình. Công nhận GS Andrew là dân chuyên nghiệp cao cấp trong lĩnh vực lịch sử tình báo gián điệp, bình luận viên Richard Norton - Taylor của tờ The Guardian vẫn phát hiện ra vấn đề chính ở chỗ, cộng đồng khoa học cho tới nay vẫn không rõ, ông Andrew được lãnh đạo MI-5 cho phép tiếp cận với nguồn thông tin nào và những thông tin nào mà ông buộc phải giữ bí mật sau khi làm quen với kho tư liệu của MI-5.

Theo bình luận viên Norton - Taylor, những vụ việc ầm ĩ như của cựu Thủ tướng Wilson dĩ nhiên sẽ rất thu hút sự chú ý của độc giả nhưng cho tới nay vẫn chưa rõ, vai trò của cơ quan phản gián trong vụ việc này như thế nào. Ngoài ra, vẫn đang  tồn tại quá nhiều điểm tối trong lịch sử an ninh tình báo Anh mà cuốn sách của GS Andrew vẫn chưa đề cập tới.

GS Anthony Glees của Trường Đại học Tổng hợp Brunel từ tháng 2/2003 đã tuyên bố rằng, việc chỉ cho một hai người tiếp cận với các kho lưu trữ bí mật sẽ không thể giúp tìm hiểu vấn đề được minh bạch và mang tính khoa học đích thực. Và có lẽ GS Andrew cũng chưa thể là một nhà nghiên cứu lịch sử độc lập được với cơ quan phản gián Anh

Lương Khanh
.
.