Có công, không bị phụ

Chủ Nhật, 18/10/2009, 09:32
Giải Nobel Y học, Vật lý và Hoá học 2009 đã chính thức trao cho 8 nhà khoa học Mỹ và 1 nhà khoa học Israel vì những cống hiến to lớn của họ trong cuộc sống. Để nhận được giải thưởng này, có người đã phải chờ tới 43 năm. Điều này cũng chứng tỏ, những người hết lòng vì khoa học đều được xã hội thừa nhận.

Từ giải Nobel Y học

Vì có công trong việc khám phá ra cơ chế tự bảo vệ của các nhiễm sắc thể (telomere) và enzyme telomerase nên giải Nobel Y học 2009 đã được trao cho 3 nhà khoa học Mỹ, Elizabeth H. Blackburn (sinh năm 1948), Giáo sư Trường Đại học California, San Francisco, Carol W. Greider (sinh năm 1961), làm việc tại Trường Y khoa Johns Hopkins ở Baltimore và Jack W. Szostak (sinh năm 1952), đang làm việc tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts ở Boston và Viện Y khoa Howard Hughes. Số tiền thưởng trị giá 10 triệu crown Thụy Điển (khoảng 1,4 triệu USD) sẽ được chia đều cho 3 nhà khoa học này.

Mặc dù tiến hành nghiên cứu từ những năm 70, nhưng phải đợi tới cuối năm 2009, công trình nghiên cứu của 3 nhà khoa học Mỹ mới được thừa nhận cho dù trước đó (2006) họ đã được trao giải thưởng Lasker về nghiên cứu Y học cơ bản. Giới chuyên môn đánh giá cao phát hiện của 3 nhà khoa học Mỹ bởi họ đã giải quyết được một vấn đề lớn trong y học, đồng thời mở ra những hiểu biết mới về tế bào, làm sáng tỏ về cơ chế của các rối loạn, từ đó tìm ra phương cách điều trị bệnh ung thư, gia tăng khả năng chống lão hoá ở người để kéo dài tuổi thọ.

Giải Nobel Y học 2008 được trao cho 3 nhà khoa học người Đức (Harald zur Hausen) và Pháp (Luc Montagnier và Francoise Barre-Sinoussi) vì có công trong việc phát hiện HIV và một loại virus gây ung thư cổ tử cung.

Giải Nobel Vật lý

Khác với những năm trước - trao về khoa học cơ bản, giải Nobel Vật lý 2009 được trao cho 3 nhà khoa học Mỹ, những người làm việc trong lĩnh vực công nghiệp vì những đóng góp trong lĩnh vực quang học cũng như nghiên cứu ứng dụng của nó trong thực tế. Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển coi nghiên cứu của 3 nhà khoa học Mỹ đã đặt nền móng cho việc xã hội mạng trên khắp thế giới hiện nay. Phát minh của 3 nhà khoa học Mỹ có tác dụng trực tiếp tới cuộc sống thường nhật - máy ảnh kỹ thuật số, Internet, cách mạng hoá ngành viễn thông.

Số tiền thưởng trị giá 10 triệu crown Thụy Điển (khoảng 1,4 triệu USD) sẽ được chia không đều cho 3 nhà khoa học - Charles Kuen Kao được hưởng 50% trị giá giải thưởng, 50% thuộc về Willard S. Boyle và George E. Smith - mỗi người một nửa số tiền còn lại.

Ông Charles Kuen Kao, giải Nobel Vật lý.

Phát minh của Charles Kuen Kao về sợi thuỷ tinh quang học đã tạo bước đột phá trong công nghệ truyền dẫn, nhưng để nhận Nobel Vật lý 2009, Charles Kuen Kao đã phải đợi 43 năm.

Tuy sinh ra (4/11/1933) tại Thượng Hải, Trung Quốc, nhưng Charles Kuen Kao (Cao Côn) lại lớn lên, học tập và làm việc tại Anh, sau khi tốt nghiệp Học viện Woolwich Polytechnic (nay là Trường Đại học Greenwich) năm 1957 và lấy bằng Tiến sỹ tại Trường Đại học Imperial College London năm 1965. Sau đó Charles Kuen Kao còn sang Mỹ nghiên cứu nên ông 2 quốc tịch Anh và Mỹ. Tuy nghỉ hưu từ năm 1996, nhưng Charles Kuen Kao vẫn được nhiều nơi mời làm cố vấn như tại Standard Telecommunication Laboratories Harlow, Anh và Trường Đại học Hongkong.

Ngay từ năm 1966, Charles Kuen Kao, cha đẻ sợi quang học đã cho rằng, tín hiệu bằng ánh sáng có thể đi xa tới 100 km thay vì chỉ đi được 20 mét với các loại sợi dẫn truyền khác được sử dụng trong thập niên 60. Tuy nhiên, nghiên cứu của Charles Kuen Kao sẽ khó phổ biến như hiện nay nếu không kết hợp với 2 phát minh cách đây 40 năm của Willard S. Boyle (gốc Canada) và George E. Smith. 2 nhà khoa học này đã phát minh là máy tích điện kép (charged-couples device - CCD) để biến ánh sáng thành những tín hiệu điện. Một trong những ứng dụng phổ biến của sợi quang học là gửi đi những tấm ảnh chụp bằng kỹ thuật số. Công nghệ CCD cũng giúp các bác sỹ thuận lợi hơn trong việc chẩn đoán bệnh.

Tuy sinh ra (19/8/1924) tại Nova Scotia, Canada và từng làm phi công trong đại chiến thế giới lần thứ II, nhưng ông Willard S. Boyle vẫn lấy bằng Tiến sỹ vật lý tại Trường Đại học McGill, Canada. Sau đó ông được mời làm Giám đốc điều hành của Phân viện Nghiên cứu viễn thông trong hệ thống phòng thí nghiệm Bell Labs, Murray Hill tại bang New Jersey, Mỹ, năm 1975 và đã nghỉ hưu được 30 năm (từ 1979).

Cũng làm việc trong hệ thống phòng thí nghiệm Bell Labs, Murray Hill (từ năm 1959 cho tới khi nghỉ hưu 1986), ông George E. Smith (sinh 10/5/1930 tại White Plains, New York) đã nhận tin mừng khi vẫn đang yên giấc nồng tại tư gia ở thị trấn Waretown, bang Jerrsey bởi người ta gọi điện thoại vào hồi 5h43' (theo giờ địa phương).

Giải Nobel Vật lý 2008 được trao cho 2 nhà khoa học Nhật Bản và 1 người Mỹ vì những phát hiện về cơ chế cũng như nguồn gốc sự phá vỡ tính đối xứng trong vật lý nguyên tử.

Giải Nobel Hoá học

Người Israel và Mỹ đã ghi danh vào danh sách nhận giải Nobel Hóa học 2009 sau khi bà Ada E.Yonath, người Israel (sinh năm 1939) và Thomas A. Steitz, người Mỹ (sinh năm 1940) cùng Venkatraman Ramakrishnan, người Mỹ gốc Ấn Độ (sinh năm 1952) được Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển thừa nhận công trình về cấu trúc và chức năng của ribosome. Đây là nghiên cứu mấu chốt về chu trình của sự sống - ribosome dịch mã ADN thành sự sống - tìm ra cấu trúc, chức năng của ribosome và cách thức chúng vận hành ở quy mô nguyên tử.

Cả 3 nhà khoa học đều tạo được mô hình 3D để chỉ ra các loại thuốc kháng sinh khác nhau tác động tới ribosome - nhiều kháng sinh chữa bệnh hiện nay được xây dựng trên cơ chế ngăn chặn ribosome của vi khuẩn - không có ribosome hoạt động, vi khuẩn sẽ không thể sống được.

Với giải thưởng này, bà Ada E.Yonath trở thành người phụ nữ thứ 4 đoạt giải Nobel Hóa học. Không những thế, bà Ada E.Yonath còn là người phụ nữ Israel đầu tiên đoạt giải Nobel cho dù nước này từng 9 lần được Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển vinh danh với 3 giải Hóa học.

Bà Ada E.Yonath sinh ra (1939) tại Jerusalem trong một gia đình người Do Thái. Sau khi lấy bằng cử nhân (1962), bà đã học tiếp tại Trường Đại học Hebrew ở Jerusalem và lấy bằng Tiến sĩ về tinh thể học tia X tại Viện Khoa học Weizmann tại Israel (1968). Bà Ada E.Yonath cho biết, câu chuyện về cuộc đời và thành tựu của bà Marie Curie, người đầu tiên nhận 2 giải Nobel đã khiến bà quyết tâm cống hiến cho sự nghiệp hóa học.

Hiện bà Ada E.Yonath đang công tác tại Viện Khoa học Weizmann, Rehovot của Israel. Người phụ nữ gần đây nhất nhận giải Nobel Hóa học là Dorothy Crowfoot Hodgkin, người Anh (năm 1964).

Tuy sinh ra (1952) tại Tamil Nadu, Chidambaram, Ấn Độ và hiện đang công tác tại phòng thí nghiệm sinh học phân tử MRC, Cambridge, Anh, nhưng ông Venkatraman Ramakrishnan lại mang quốc tịch Mỹ. Giáo sư Venkatraman Ramakrishnan từng lấy bằng cử nhân hóa sinh tại Trường Đại học Baroda, Ấn Độ (1971) và bằng Tiến sĩ hóa sinh tại Trường Đại học Ohio, Mỹ (1976). Sau khi lấy bằng Tiến sĩ (1976) tại Trường Đại học Ohio, Mỹ, ông Venkatraman Ramakrishnan đã nổi tiếng với công trình xác định cấu trúc 3 chiều dưới phân tử của ribosome và mối liên hệ phức tạp của chúng với thuốc kháng sinh.

Ông Thomas A. Steitz sinh ra (1940) tại thành phố Milwaukeee, bang Wisconsin, Mỹ, từng lấy bằng Tiến sĩ sinh vật lý và sinh hóa học phân tử tại Trường Đại học Harvard (1966) và hiện đang công tác tại Trường Đại học Yale và Học viện Howard Hughes, Mỹ. Ông Thomas A. Steitz nổi tiếng về tinh thể học sinh vật (bio-crystallography) và nhiều công trình nghiên cứu về lý sinh và hóa sinh phân tử.

Hội đồng Nobel Hóa học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho rằng, nghiên cứu về ribosome đã giúp bào chế các kháng sinh mới, góp phần cứu mạng sống và giảm nỗi đau cho nhân loại. Theo giới khoa học, protein là thành phần cơ bản của sự sống nên có thể coi ribosome giống như cỗ máy xây dựng và duy trì sự tồn tại của sinh vật. Những mô hình không gian ba chiều do 3 nhà khoa học này tạo dựng đã cho thấy các loại thuốc kháng sinh khác nhau tác động như thế nào đến các ribosome trong tế bào sống. Số tiền thưởng trị giá 10 triệu crown Thụy Điển (khoảng 1,4 triệu USD) sẽ được chia đều cho 3 nhà khoa học này.

Giải Nobel Hoá học 2008 được chia đều cho 3 nhà khoa học Mỹ Osamu Shimomura, Martin Chalfie và Roger Y. Tsien vì đã phát hiện và phát triển protein huỳnh quang xanh lục (GFP)

Trường Giang
.
.