Trưởng đoàn luật sư của Philippines trong vụ kiện "Đường lưỡi bò" Paul Reichler:

Chuyện chưa biết về "Quý ông tòa án thế giới"

Thứ Hai, 03/10/2016, 09:09
Trong sự nghiệp hơn 30 năm trên trường quốc tế, Luật sư Paul Reichler đã trở thành đại diện cho các quốc gia nhỏ bé chống lại những cường quốc trên thế giới như phiên tòa Nicaragua chống lại Mỹ, Georgia chống lại Nga, Mauritius chống lại Anh và Bangladesh chống lại Ấn Độ.

Ông nằm trong một nhóm các luật sư danh tiếng dày dạn kinh nghiệm đại diện cho các quốc gia độc lập tranh kiện trước Tòa trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) và Tòa án Quốc tế về Luật Biển ở Hamburg (Đức). 

Paul Reichler được vinh danh là "quý ông tòa án thế giới" nhờ những thành tích xuất sắc, đồng thời là một trong những luật sư lành nghề được tôn trọng nhất và có kinh nghiệm nhất về công pháp quốc tế.

Sau nhiều chiến thắng vang dội, một lần nữa "dũng sĩ diệt khổng lồ" Paul Reichler lại đứng lên bảo vệ một quốc gia nhỏ khác trong cuộc chiến chống một siêu cường đang lên, và trên thực tế là đối tác thương mại lớn thứ ba của quốc gia này. 

Ông Reichler từng đảm nhiệm vai trò trưởng đoàn luật sư của Philippines trong vụ kiện lịch sử với Trung Quốc về "đường lưỡi bò" trên biển Đông trước PCA. Toàn bộ đoàn luật sư của Philippines đều tin rằng, với sự hỗ trợ của Paul Reichler, Philippines có những luận điệu chắc chắn và thuyết phục, cả về mặt thẩm quyền thụ lý và khả năng chiến thắng.

Đứng về phe yếu

Paul Reichler sinh ra và lớn lên ở Long Island, ngoại ô New York. Cha ông là một phóng viên kỳ cựu của Hãng thông tấn AP, Reichler luôn muốn làm những điều khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn. 

Năm 1969, Paul Reichler tốt nghiệp bằng cử nhân loại xuất sắc Trường Đại học Tufts, bang Massachusetts. Khi Reichler đến Washington D.C. vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Jimmy Carter, ông trở nên nổi bật trong nhóm những người phản đối cuộc chiến Mỹ - Nicaragua. 

Trong sự nghiệp hơn 30 năm, luật sư Paul Reichler đã trở thành đại diện cho các quốc gia nhỏ bé chống lại những cường quốc trên thế giới.

Ông đã quyết định từ bỏ một công việc tốt ở Washington D.C. để bảo vệ một chính quyền vốn được xem là kẻ thù không đội trời chung của Mỹ. Tên tuổi của Reichler nổi lên vào năm 1984, chỉ 11 năm sau khi ông hoàn thành tấm bằng tiến sĩ luật  tại Trường Đại học Luật Harvard danh giá (1973).

Vào thời điểm đó, trước Tòa Công lý Quốc tế (ICJ), ông đại diện cho Chính phủ Nicaragua trong một vụ kiện mang tính lịch sử, chống lại nước Mỹ. Trong vụ kiện này, Nicaragua cáo buộc Chính phủ Mỹ cấp vốn cho lực lượng phản cách mạng để lật đổ chính quyền Sandinista, đồng thời cho rằng Mỹ đã đặt mìn ở các cảng và vùng nước thuộc quốc gia này. 

ICJ đã đứng về phía Nicaragua bởi Mỹ đã vi phạm nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực - một trong 7 nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế. Theo đó, tòa ra phán quyết yêu cầu Mỹ bồi thường cho Nicaragua 370,2 triệu USD. Tuy nhiên, Mỹ đã từ chối thực hiện phán quyết của tòa. 

Nicaragua sau đó đã đệ đơn lên Liên Hiệp Quốc yêu cầu Mỹ phải tuân thủ phán quyết, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Diễn biến của vụ việc đi đến một giai đoạn khiến nước Mỹ "trả giá rất đắt" trên phương diện danh tiếng.

Paul Reichler đã đi thẳng vào vấn đề trọng tâm, trình bày cho 15 thẩm phán biết đến những thiệt hại khủng khiếp mà Nicaragua phải gánh chịu khi bị Mỹ đặt mìn ở những cảng biển. 

Cuối cùng, tất cả 15 thẩm phán đều ủng hộ cho Nicaragua và ICJ đã yêu cầu Mỹ dừng ngay hoạt động nói trên. Luật sư Reichler đã chọn đứng về phía những người Nicaragua và năm 1986, ông đã giành về cho quốc gia Trung Mỹ nhỏ bé này chiến thắng vang dội tại ICJ. 

Vị luật sư trẻ mới bước vào tuổi 38 đã "đánh bại" nước Mỹ trong một vụ kiện có tính chất quyết định, chứng minh ngay cả các nước lớn cũng không được phép vi phạm luật quốc tế.

Trước áp lực quốc tế, Mỹ đã đi đến quyết định trao cho Nicaragua 500 triệu USD trong gói hỗ trợ kinh tế. Và tác giả của tất cả những diễn biến trong vụ kiện Nicaragua - Mỹ, không ai khác, chính là Luật sư Paul Reichler. Truyền thông đánh giá Reichler là một trong những người đóng góp vào chiến thắng đầu tiên của Nicaragua bởi tòa ICJ đã đưa ra phán quyết có thẩm quyền với vụ kiện Nicaragua - Mỹ. 

Chiến thắng mở đầu của Nicaragua được dàn dựng bởi một vị luật sư ở Washington D.C. không tên tuổi, đã bỏ việc tại hai công ty luật danh giá. Và trong số nhiều luật sư Mỹ đến làm việc tại Nicaragua, chưa có ai nhận được sự tin tưởng hoàn toàn như Reichler - vị luật sư tốt nghiệp Trường Đại học Luật Harvard.

Chiến thắng quan trọng

Vì Paul Reichler là người đứng đầu cũng như linh hồn của nhóm luật sư đại diện cho Nicaragua, công đầu trong chiến thắng vụ kiện Mỹ thuộc về ông. Từ sau đó, Paul Reichler được biết đến là người đại diện cho nước nhỏ đấu lại cường quốc. Ông rất nổi tiếng trong các vấn đề như nhân quyền, chủ quyền quốc gia hay thiệt hại môi trường xuyên biên giới, và thường đứng về phe yếu thế. 

Khi một tổ chức nhân quyền của Mỹ đề nghị Reichler đại diện cho Ibrahim al-Qosi - một tù nhân tại trại Guantanamo, ông đã nhận lời không một chút do dự. Trong nhiều chuyến đi đến trại Guantanamo, Reichler đã đàm phán với phái đoàn quân sự Mỹ để giảm án cho Al-Qosi. Cuối cùng, phạm nhân này được đưa trả về Sudan vào năm 2012.

Cách đây chưa lâu, Paul Reichler cũng đã giành chiến thắng cho Uruguay trong vụ kiện về luật kiểm soát thuốc lá giữa chính phủ nước này và tập đoàn Mỹ Philip Morris International. Đặc biệt, ở các vụ kiện trong khuôn khổ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), ông Reichler từng đại diện cho nhiều quốc gia nhỏ thắng kiện các quốc gia lớn như vụ Mauritius - Anh hay Bangladesh - Ấn Độ. 

Reichler đã giúp Philippines giành chiến thắng lịch sử trong vụ kiện biển Đông khi PCA ra phán quyết bác bỏ gần như tất cả quan điểm của Trung Quốc.

Với ông, trước tòa án hoặc trước hội đồng trọng tài, nước nhỏ, dẫu yếu thế hơn về quân sự, tài chính, thương mại ,vẫn có cơ hội đấu lại các quốc gia lớn mạnh hơn nhiều.

Đối với vụ kiện biển Đông, khi đàm phán giữa Philippines và Trung Quốc đối với tranh chấp giữa hai bên không mang lại kết quả, Manila đã quyết định nhờ đến trọng tài quốc tế. 

Paul Reichler trở thành Trưởng đoàn Luật sư cho Philippines từ năm 2013 sau khi chính quyền Manila tổ chức một cuộc tìm kiếm toàn cầu. Vụ kiện đường lưỡi bò của Philippines đã khắc sâu thêm hình ảnh "dũng sĩ diệt khổng lồ" độc đáo trong nền luật pháp quốc tế. 

Trong vụ kiện của Philippines, Paul Reichler làm việc cùng bốn luật sư người Mỹ và Anh. Trong hai ngày đầu tiên của phiên tranh tụng, đội ngũ luật sư đưa ra những lí lẽ giải thích tại sao hội đồng tòa trọng tài gồm 5 thành viên tại PCA lại có thẩm quyền với vụ kiện của Philippines.

Philippines bắt đầu kiện Trung Quốc trước Tòa Trọng tài từ đầu năm 2013 với hy vọng ngăn chặn những hành động hung hăng của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia này. 

Truyền thông từng đặt cho luật sư Paul Reichler câu hỏi tại sao công ty luật của ông không "lo ngại việc làm mất lòng Trung Quốc" khi chấp nhận biện hộ cho Philippines trong vụ kiện. 

Reichler trả lời: "Các cộng sự ở FoleyHoag và tôi đã đối mặt với một lựa chọn: đấu tranh cho công lý, hay lảng tránh việc gây thù chuốc oán với các nước giàu và mạnh - những nước nên kết thân thay vì đi kiện họ, thậm chí có khả năng trở thành những khách hàng tiềm năng. Thế nhưng, chúng tôi trở thành luật sư để đấu tranh cho công lý; vì vậy, chúng tôi chưa bao giờ do dự trong việc phải chọn lựa… sự công bằng".

Vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc có rất nhiều điểm tương đồng với vụ Nicaragua và Mỹ trước đây. Một lần nữa, Paul Reichler lại ủng hộ cho một nước nhỏ như Philippines đối đầu với một đối thủ mạnh hơn nhiều lần. 

Và một lần nữa, một nước lớn - như Trung Quốc - từ chối tham gia và công khai bác bỏ thẩm quyền của Tòa trọng tài. Sau cùng, ông Reichler đã giúp Philippines giành chiến thắng lịch sử trong vụ kiện biển Đông, khi Tòa trọng tài ra phán quyết bác bỏ gần như tất cả quan điểm của Trung Quốc.

Đây được xem là phán quyết mang tính lịch sử, trong đó, lần đầu tiên một cơ quan tài phán quốc tế có tư cách pháp nhân bác bỏ quyền lịch sử của Trung Quốc trong phạm vi đường lưỡi bò, thực chất là bác bỏ đường lưỡi bò, xác định nó không có cơ sở pháp lý và cũng bác bỏ luôn cả quyền lịch sử đối với tài nguyên bên trong đường lưỡi bò. 

Toà cũng khẳng định những gây hại đối với môi trường, làm gia tăng tranh chấp và những tính phi pháp trong nhiều hành động của Trung Quốc, không chỉ đối với Philippines mà còn đối với các hoạt động khác nói chung. Tuy vậy, Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận phán quyết cuối cùng này. 

Dù vậy, dư luận vẫn mong đợi rằng, giống như vụ kiện Nicaragua - Mỹ, quyết định của PCA cuối cùng cũng sẽ góp phần dẫn đến sự giải quyết ổn thỏa và hòa bình giữa các bên…

Phương Thảo
.
.