Chủ nghĩa dân túy: Cơn địa chấn đang lan rộng

Thứ Ba, 28/02/2017, 12:48
Suốt thời gian qua, thế giới chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân túy. Cuộc trưng cầu dân ý tại Anh đã gây sốc cho toàn thế giới sau khi cử tri chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - còn gọi là Brexit.

Tiếp đó, đến lượt các cử tri Mỹ bất ngờ chọn tỷ phú Donald Trump làm tổng thống thứ 45, bất chấp trước đó lợi thế luôn nghiêng về đối thủ Hillary Clinton. 

Việc một nhân vật "ngoại đạo" về chính trị trở thành ông chủ Nhà Trắng và cú sốc từ bỏ liên minh của Anh cho thấy "cơn địa chấn" chủ nghĩa dân túy báo hiệu sự bất ổn bao trùm các cuộc bầu cử sắp tới ở châu Âu. 

Từ Italia, Áo, Hà Lan đến Pháp và Đức, thái độ bất mãn của người dân với các vấn đề từ chênh lệch giàu nghèo đến nhập cư sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lá phiếu, kéo theo là những hệ quả khó có thể dự đoán.

Kêu gọi thay đổi

Nguyên nhân chính khiến Brexit xảy ra là do chủ nghĩa dân túy ảnh hưởng đến cử tri hơn là những số liệu về kinh tế. Những người theo chủ nghĩa dân túy ít cởi mở, chậm đổi mới và khó dự đoán hơn. Bởi vậy, những mối lo về an ninh, về làn sóng nhập cư ảnh hưởng tới công ăn việc làm của người dân Anh, khiến cử tri Anh dễ quay lưng lại với EU. 

Trong khi đó, để chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, tỷ phú Trump - người hoan nghênh quyết định Brexit và thậm chí kêu gọi Mỹ ngừng quá trình toàn cầu hóa - đã mô tả đời sống ở Mỹ hiện nay thành một bức tranh xám xịt, tập trung vào chỉ trích mạnh toàn cầu hóa, đặc biệt là người nhập cư và những nhà lãnh đạo đã thúc đẩy toàn cầu hóa nhằm "chống lại những người công nhân bình thường" ở Mỹ.

Tờ Financial Times (Anh) nhận định, ngày 23-6-2016 sẽ đi vào lịch sử châu Âu là thứ năm đen tối - một ngày mà một quốc gia gục ngã trước nỗi hoài niệm quá khứ và khát khao được tự do thay vì nghe theo lý trí. Brexit là quyết định làm suy yếu châu Âu và phương Tây, chỉ trong một đêm đạp đổ những chính sách kinh tế và đối ngoại được gây dựng trong gần nửa thế kỷ. 

Tương tự, chiến thắng của ông Trump cũng truyền sự tự tin nhất định cho các phong trào dân túy châu Âu. Tuy nhiên liệu ông có thể mang việc làm từ Trung Quốc hay Mexico về cho người dân Mỹ, hay trục xuất người nhập cư bất hợp pháp ra khỏi Mỹ? Đó là các ưu tiên mà những nhân vật theo chủ nghĩa dân túy châu Âu quan tâm.

Có thể thấy chủ nghĩa dân túy đang trở thành kênh hợp pháp để những cử tri bị thiệt thòi thể hiện nỗi thất vọng và kêu gọi thay đổi đường lối. Ở Mỹ, đề xuất của ông Trump về việc ngăn chặn, không để người Hồi giáo vào nước Mỹ và xây dựng bức tường để ngăn người nhập cư vượt qua biên giới từ Mexico đã giành được ủng hộ. 

Ở châu Âu, các nhà lãnh đạo dân túy đã lợi dụng hàng triệu người tị nạn chạy trốn khỏi những cuộc xung đột ở Trung Đông để thuyết phục người dân rằng các chính sách mà EU áp đặt đe dọa sự an toàn và cả nền văn hóa của người châu Âu.

Các nhân vật dân túy đã chớp thời cơ, đẩy tâm trạng bức xúc của dân chúng lên thành cao trào chống lại thế lực cầm quyền. Họ lợi dụng sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và biệt lập chống lại chủ nghĩa quốc tế và toàn cầu hóa, lấy chủ nghĩa đơn phương và chuyên chế chống lại chủ nghĩa đa phương và tự do hóa. 

Hiện tượng Trump hay Brexit có thể làm thay đổi cơ cấu quyền lực và bàn cờ chính trị - kinh tế của một nước, hay một cộng đồng, vượt ra ngoài những dự đoán theo tư duy thông thường.

Cả thế giới bị sốc và ngỡ ngàng xem cử tri Mỹ bỏ phiếu cho Donald Trump vào Nhà Trắng, cũng giống như trước đó xem cử tri Anh bỏ phiếu rút khỏi EU. Có thể nói, đó là một cuộc chính biến bằng lá phiếu phản kháng của người dân. Chủ nghĩa dân túy phát triển là do một bộ phận "cảm thấy rằng mình đang bị tổn thương". 

Những người ủng hộ chủ nghĩa này cho rằng các lao động địa phương đang bị lấn át và mất việc làm vào tay những người di cư, hay sự tràn lan của hàng hóa giá rẻ (sản phẩm của các thỏa thuận thương mại tự do) đang tước đi cơ hội cạnh tranh của các nhà sản xuất nội địa. Điều này dần thúc đẩy xu hướng chuyên chế, cực đoan của những người theo chủ nghĩa dân tộc, và giúp phong trào dân túy lan nhanh như virus.

Đe dọa sự thống nhất

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân túy đã gây ra một loạt "cơn địa chấn" làm rung chuyển các nước phương Tây. Thủ tướng Italia Matteo Renzi đã phải từ chức sau thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý về cải cách Hiến pháp. 

Thất bại của ông Renzi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Phong trào 5 sao - vốn là phong trào dân túy chống lại các nguyên tắc xã hội, chính trị, và kinh tế truyền thống, đồng thời ủng hộ rời Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) - và đảng Liên đoàn miền Bắc phản đối nhập cư.

Dường như không quốc gia nào ở phương Tây "miễn dịch" với chủ nghĩa dân túy khi giới phân tích lo ngại chủ nghĩa này có thể lan rộng hơn nữa ở châu Âu trong năm 2017. Hà Lan, quốc gia sẽ khởi động mùa bầu cử 2017 của châu Âu với cuộc bầu cử quốc hội diễn ra vào ngày 15-3, hiện được coi là "liều thuốc thử" cho nền chính trị châu Âu. 

Chính khách Geert Wilders, lãnh đạo đảng Tự do chủ trương chống người Hồi giáo, muốn người Hà Lan sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mang tên Nexit, tương tự như Brexit ở Anh.

Pháp cũng sẽ bỏ phiếu lựa chọn một tổng thống mới vào tháng 5-2017. Chủ tịch đảng Mặt trận Dân tộc Marine Le Pen được cho là sẽ tiến vào vòng hai để "so găng" với nhân vật bảo thủ Francois Fillon. Trong bối cảnh phe cánh tả đang suy yếu, ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen có thêm nhiều cơ hội trong cuộc đua vào Điện Elysee. Bà Le Pen đã nhiều lần tuyên bố EU là "ung nhọt hút cạn sinh lực nước Pháp". 

Bà cho rằng chẳng có lý do gì để EU tiếp tục tồn tại, và nếu bà đắc cử tổng thống thì hành động đầu tiên sau khi nhậm chức sẽ là đòi EU trả lại chủ quyền tự do cho nước Pháp.

Dường như không quốc gia nào ở phương Tây "miễn dịch" với chủ nghĩa dân túy khi giới phân tích lo ngại chủ nghĩa này có thể bao trùm các cuộc bầu cử sắp tới ở châu Âu.

Còn Đức - quốc gia được cho là có sức kháng cự mạnh nhất trước chủ nghĩa dân túy - cũng sẽ chứng kiến không ít những bất ngờ trong cuộc bầu cử liên bang sẽ diễn ra vào mùa thu. Uy tín của Thủ tướng Angela Merkel đã sụt giảm mạnh do mở cửa đón người nhập cư. 

Trong khi từ lâu phải đối mặt các phong trào dân túy đang ảnh hưởng sâu rộng ở các nước láng giềng, bà Merkel giờ đây còn phải đối phó với sự trỗi dậy của đảng AfD chống người nhập cư và người Hồi giáo - vốn đang nhận được sự ủng hộ của 13% cử tri Đức, và hơn cả là chính những chỉ trích trong nội bộ Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) cầm quyền.

Các lực lượng dân túy và hoài nghi châu Âu cũng đang tăng cường lực lượng trước các cuộc bầu cử sắp tới ở khu vực Trung và Đông Âu. Séc sẽ tổ chức bầu cử hạ viện vào tháng 10-2017. Tỷ lệ ủng hộ đảng Dân chủ Xã hội (CSSD) cầm quyền giảm mạnh trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương gần đây. 

CSSD đã thất bại trước Phong trào ANO, chính đảng đã tận dụng được sự mất lòng tin của cử tri Séc đối với các đảng phái truyền thống ở nước này. Chiến thắng của các đảng dân túy và dân tộc chủ nghĩa ở các nước thành viên chủ chốt Tây Âu chắc chắn sẽ đem lại lợi thế cho ANO.

Giờ đây, mỗi quốc gia thể hiện tâm lý bất mãn một kiểu. Với kinh tế yếu kém, người dân Italia và Hi Lạp phẫn nộ trước chính sách thắt lưng buộc bụng do Đức áp đặt. Dân Pháp kêu ca EU quá tự do, trong khi dân Anh lên án tệ quan liêu hành chính của EU. 

Còn ở các nước Đông Âu, phe dân tộc chủ nghĩa trách EU về chính sách nhập cư và sự mở rộng cho hôn nhân đồng tính. Rõ ràng, chủ nghĩa dân túy đang là một triệu chứng của các thể chế dân chủ phương Tây, trong bối cảnh tình trạng bất bình đẳng xã hội gia tăng có thể đóng vai trò quyết định đối với sự lựa chọn của cử tri.

Tất nhiên, châu Âu sẽ không để xảy ra những cuộc chiến tranh lớn như quá khứ đau thương, nhưng chỉ nỗi lo ngại về sự gắn kết của EU đang lung lay cũng đủ là mồi lửa đốt cháy sự phục hồi còn yếu ớt của Eurozone, và thậm chí cả kinh tế toàn cầu. 

Chính phủ các nước phương Tây cần nỗ lực hơn nữa để giải quyết nhiều vấn đề kinh tế và xã hội mà họ đang đối diện; đồng thời, cải thiện các thông điệp gửi đến mọi công dân. 

Cách thức các quốc gia châu Âu giải quyết các cuộc khủng hoảng trong tương lai sẽ là chìa khóa tạo ra sự thay đổi cho tương lai chính trị của các phong trào dân túy. Nếu họ thất bại, sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân túy sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng đe dọa đến sự thống nhất của toàn EU, và tạo nên nhiều… "cơn địa chấn" mới...

Anh Doãn
.
.