Chợt nhớ Calisto

Thứ Ba, 29/01/2013, 10:45
Những ngày này, nhiều thông tin về Calisto đột ngột xuất hiện trở lại trên nhiều trang báo Việt Nam, từ việc ông sẽ sang Việt Nam để “ngắm nghía” đứa con mới chào đời của cậu học trò cưng Lê Công Vinh đến việc có khả năng ông sẽ hành nghề trở lại trên mảnh đất hình chữ S. Những thông tin như thế làm tôi chợt nhớ lại những hình ảnh, những suy nghĩ về ông và cả những kỷ niệm nho nhỏ, vụn vặt với ông ngày nào…

Trong huyết quản Latin

Hà Nội bây giờ mở rộng kinh khủng, nhưng lạ là tôi rất hay vô tình gặp Calisto, khi ở trên phố, khi ở quán café, khi ở một quán bar, khi ở nhà thờ… Những cuộc gặp gỡ tình cờ như thế, có thể tôi và ông chỉ cười, hỏi thăm nhau vài câu, nhưng cũng có lúc ngồi nói chuyện cùng nhau tất cả những câu chuyện trên trời dưới đất.

Những ai đã một lần nói chuyện với ông đều thấy đây là một con người có thần khí mạnh, có dòng máu Latin sôi sục, nên luôn ăn nói mạnh mẽ, và không ngại ngần “độp thẳng” người đối diện. Như một buổi tối trước thềm SEA Games 2009 chẳng hạn, khi  tôi hỏi ông: “ĐT U.23 QG của chúng ta có thể đoạt HCV SEA Games như mục tiêu của VFF không?”.

Một câu hỏi rất bình thường nhưng lại làm Calisto đùng đùng nổi giận. Ông tu một ngụm nước thật sâu, cau mặt lại rồi “xả” ra cả tràng: “Tôi không đồng tình với cách đặt vấn đề của anh. Muốn biết chúng ta có thể đoạt HCV hay không thì tôi phải biết chúng ta có gì, đối thủ của chúng ta có gì. Nhưng hiện nay tôi đang mù tịt về các đối thủ. Tôi đề nghị anh không nên hỏi những câu như thế nữa”. Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi hôm đó có cả phiên dịch viên Ngô Lê Bằng – người bây giờ đang làm TTK VFF, và chính ông Bằng cũng bị sốc với sự tức khí bất thình lình của thầy “Tô”. 

Công bằng mà nói thì dòng máu nóng điển hình đã đẩy con người Calisto đi tới tận cùng của hai thái cực: tiêu cực và tích cực. Tiêu cực thì rõ rồi: Khi nổi xung thiên, ông sẵn sàng “đá đít” người đồng nghiệp Constantine – cựu HLV trưởng ĐT Ấn Độ (LG Cup 2002), không chịu bắt tay người đồng nghiệp MC Menemy – cựu HLV trưởng ĐT Philipines (AFF Cup 2010) hay nhiều lần tranh cãi dữ dội với trọng tài.

Nhưng ở chiều hướng tích cực thì chính dòng máu hôi hổi, sục sôi của Calisto đã khiến cho nhiều cầu thủ nổi tiếng là bất trị ở ĐTVN được…thuần phục. Nói như một người gần gũi với cả Calisto tại AFF Cup năm 2008 lẫn Phan Thanh Hùng tại AFF Cup 2012 thì sự khác biệt lớn nhất giữa hai con người này nằm ở chỗ: Calisto dám sử dụng những nhân vật bất trị, và luôn biết cách “dằn mặt” những nhân vật này theo chiều hướng có lợi cho ĐT, còn với HLV Phan Thanh Hùng thì mọi nhân vật bất trị (dù là những người rất cần cho ĐT về mặt chuyên môn) ông Hùng đều dùng cách này hay cách khác loại khỏi cuộc chơi.

Nếu phải kể thêm những bằng chứng khác cho sự mạnh mẽ tích cực của Calisto thì đấy là những câu nói như dao chém đá mà ông vung lên trong phòng thay đồ trước, giữa và sau các trận đấu. Sau trận ra quân thua Thái Lan 0-2 tại AFF Cup 2008, một trận đấu không nhìn thấy “phẩm chất chiến binh” của các học trò, Calisto đã “lên lớp” cả tiếng đồng hồ, và cuối cùng đã nói một “câu nói chết người” rằng: “Các anh phải biết, thế giới luôn nhìn nhận Việt Nam là một dân tộc anh hùng. Nếu các anh cứ đá như thế này thì các anh sẽ làm xấu hổ chính dân tộc, chính tổ tiên mình”.

Theo thừa nhận của các cầu thủ thì chính những cú đấm tinh thần mạnh mẽ như thế đã khiến họ vào trận thực sự máu lửa, và chính sự máu lửa ấy (chứ không phải trình độ chuyên môn) mới là yếu tố căn cốt đưa ĐTVN lên ngôi vàng khu vực. Rất nhiều lần tôi thắc mắc về nguồn cơn tạo nên dòng máu nóng của Calisto. Thì đây, câu trả lời của ông: “Hồi nhỏ tôi được học một thầy lịch sử cực giỏi, nhờ thầy mà tôi luôn yêu thích nghiên cứu lịch sử các cuộc chiến tranh. Và ngay từ lúc ấy, tôi nhận ra rằng trong cuộc sống này, người chiến thắng nhất định phải là người mạnh mẽ”.

Trong nhiều lần nói chuyện khác với tôi, Calisto thi thoảng lại kể về cha mình, một ngư phủ Bồ Đào Nha, một người mà theo mô tả của ông thì “trong 100 lần đi biển, cha tôi đều phải lường trước tình huống có thể chết bất cứ lúc nào”. Rồi ông kết luận: “Cha tôi không bao giờ dạy tôi phải sống thế nọ thế kia, nhưng tự thân cách sống, cách chiến đấu với đại dương của ông đã dạy tôi một bài học lớn về sự dũng cảm”.

Trong cô đơn thăm thẳm

“Calisto này, có bao giờ ông nghĩ thực ra ông là một tâm hồn yếu đuối hay không?”, một lần tôi đột ngột tấn công Calisto như thế. Câu trả lời đầu tiên của ông: “Không, chẳng ai nói tôi như thế cả”. Tôi tấn công tiếp: “Người ta vẫn bảo những người mạnh mẽ nhất thực chất lại là những người yếu đuối nhất, hoặc cô đơn nhất”. Câu trả lời thứ hai của ông: “Cô đơn? Cô đơn thì… đúng!”.

10 năm làm việc ở Việt Nam, 10 năm xa gia đình vợ con, Calisto phía sau sân cỏ là một…điển hình cô đơn không lẫn đi đâu được. Ông từng chia sẻ rằng suốt 10 năm ấy, không ngày nào là ông không điện thoại về cho vợ, nhưng những khoảnh khắc điện thoại chớp nhoáng – những niềm vui chớp nhoáng không che được một cõi cô đơn bao trùm.

Hồi còn làm việc ở đội bóng Đồng Tâm Long An, những buổi tối cô đơn, Calisto thường lên Sài Gòn, vào một quán bar, gọi một chai bia, đốt một bao thuốc và một mình lắc lư theo điệu nhạc. Khi ra Hà Nội sống thì thói quen đi bar của ông  không còn nữa. Dường như việc trở thành HLV trưởng ĐTVN – đồng nghĩa với việc nổi tiếng hơn, được nhiều người biết hơn, khiến Calisto cũng thận trọng hơn với những ứng xử ngoài sân cỏ.

Nhưng riêng thói quen lững thững đi bộ, quan sát từng con người, từng gương mặt rồi thoả sức bay bổng với trí tưởng tượng của mình thì vẫn được giữ nguyên. Ông chia sẻ: “Tôi rất thích dạo bộ quanh hồ Hoàn Kiếm để quan sát từng cảnh huống, từng cuộc đời ở đó”.

Mà thường thì sau khi đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm, Calisto lại ngồi một mình ở một quán café trên đường Lý Thái Tổ, cạnh báo Hà Nội Mới (quán này hiện đã đóng cửa) khoảng 1,2 tiếng rồi mới bắt taxi về khách sạn. Tôi hỏi: “Những lúc ngồi một mình, ông hay suy nghĩ điều gì nhất?”. Calisto rít thuốc (phải nói thật là những ai không chịu được khói thuốc thì không thể ngồi nói chuyện với một người nghiện thuốc nặng và đốt thuốc liên tục như ông) rồi mới trầm ngâm cho biết: “Tôi nghĩ về tất cả mọi thứ đã diễn ra trong cuộc đời này. Nhưng tôi có một thói quen hàng chục năm nay, đó là những lúc khó khăn nhất, như lúc ĐTVN thua 11 trận trước thềm AFF Cup 2008 chẳng hạn, là tôi lại nghĩ tới những con người khốn khổ, đau đớn  ở châu Phi mà tôi từng nhìn thấy. Nghĩ tới họ, tôi  hiểu rằng mình có đau khổ, có cô đơn tới đâu thì vẫn may mắn, hạnh phúc hơn họ rất nhiều… ”.

Đến lúc này thì tôi hiểu thứ bùa chú giúp Calisto thoát khỏi cõi cô đơn thăm thẳm không chỉ là những điếu thuốc – người bạn thân thiết của mọi tâm hồn cô đơn trong cõi sống này, mà còn là những chiêm nghiệm sâu sắc được đúc rút từ hàng chục năm trải nghiệm của một cuộc đời.

Trong mông lung vô hình

Calisto tin vào cái gọi là “số phận”, và luôn là một tín đồ trung thành của…Chúa. Năm 2009, khi tình cờ biết người lái xe của mình cũng là một tín đồ của Chúa, Calisto lập tức mua tặng anh một bức tượng đức mẹ. Và theo lời kể của Hiếu, tên người lái xe ấy, thì rất nhiều lần anh đã chở Calisto tới Nhà thờ Lớn để cầu may cho ĐTVN, điển hình nhất là lần ĐTVN buộc phải thắng Singapore ở trận đấu cuối cùng của vòng bảng AFF Cup 2010 trên sân Mỹ Đình.

Vẫn liên quan tới trận đấu đặc biệt này, có một câu chuyện không mấy người được biết, đó là với suy nghĩ “thôi thì có kiêng có lành” nên một ngày trước trận đấu, 2 quan chức VFF đã đi…xem “thầy”. Kết quả là “thầy” bảo ngày diễn ra trận đấu là ngày rất xấu với Calisto, nên ĐTVN chỉ có thể giành chiến thắng nếu Calisto không đi xe cùng đội tới sân. Hai quan chức VFF tự hỏi nhau: Phải làm sao để Calisto tin và nghe theo những điều như thế này?

Cuối cùng người được giao thuyết phục Calisto là PCT VFF Nguyễn Lân Trung, và ông Trung cũng không ngờ rằng ngay sau khi nghe ông “trình bày vấn đề” là Calisto đã nhận lời ngay. Thế nên trận Việt Nam – Singapore hôm ấy, Calisto đã không đến sân Mỹ Đình bằng chiếc xe chở các tuyển thủ, mà đến bằng xe riêng, do ông Nguyễn Lân Trung cầm lái. 

Calisto là thế đấy: Rất nóng nảy, rất cô đơn, rất bình dị, rất suy tư, và rất, rất…đời!

“Cầu thủ Việt Nam thường…ích kỷ”

Trong nhiều suy nghĩ của Calisto về bóng đá Việt Nam nói chung và cầu thủ Việt Nam nói riêng, tôi rất đồng cảm với suy nghĩ như trên. Calisto phân tích: “Tôi thấy nhiều cầu thủ Việt Nam chỉ biết nghĩ đến cá nhân mình, gia đình mình và quả bóng rồi… chấm hết. Họ không nghĩ tới những biến động của thời cuộc, của nhân loại để thấy rằng mình vẫn sướng hơn rất, rất nhiều người khác. Thành ra khó khăn một tí là họ kêu ca, và có người vì thế mà sụp đổ.

Tôi muốn họ phải hiểu biết hơn, và mạnh mẽ hơn. Tôi từng nói với họ rằng: “Khi tấn công Ai Cập, Napoléon tự nhủ là mình đang đối diện với 2.000 năm văn minh, và khi ra trận, các tuyển thủ Việt Nam cũng phải tự nhủ mình đang dối diện với cả chục triệu các fan hâm mộ”.

Phan Đăng
.
.