Chốn nương náu của những con người bất hạnh

Thứ Năm, 17/01/2008, 14:30
Quán cà phê P.P nổi tiếng một thời ở phố Bồ Đề, Gia Lâm giờ đây không còn mở nữa, dù trên cánh cửa sắt im lìm hai chữ cái P.P vẫn ngự trị. Đã lâu lắm rồi không còn nghe tiếng cười nói nhộn nhịp của đời sống thường nhật ùa vào đây theo bước chân người mỗi sáng...

Cuộc sống với quy luật đào thải khắt khe và nghiệt ngã. Lặng lẽ và âm thầm như một sự cam chịu của số phận, cà phê P.P thu mình lại để làm quán trọ cho những người cuối cùng ghé chân, chở che và bảo vệ cho những tâm hồn đầy thương tổn không còn nơi bấu víu, cho những mảnh đời không may gặp bất hạnh.

Vì ngày mai tươi sáng

Quán P.P giờ đã là trụ sở làm việc của những người có HIV/AIDS (NCH) trong câu lạc bộ hoạt động nổi tiếng trong cộng đồng mang tên "Vì ngày mai tươi sáng'".

Thành lập từ tháng 1/2003 tại Hà Nội, gồm 11 thành viên dưới sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức phi chính phủ như: CARE, POLYCY, CEPHAD, USAID, Câu lạc bộ phụ nữ quốc tế và các tổ chức liên quan. Tôn chỉ của Câu lạc bộ là "Vì ngày mai tươi sáng".

Một tổ chức dựa vào cộng đồng, bao gồm các thành viên là những người trong nhóm tự lực của những NCH, do những NCH tự thành lập và điều hành tại một số tỉnh trọng điểm phía Bắc.

Hoạt động của những NCH và những người chịu trách nhiệm bởi AIDS trong việc đấu tranh, phòng chống, ngăn chặn sự lây lan của HIV/AIDS ra cộng đồng.

Hiện nay, nhóm đã phát triển lớn mạnh với mạng lưới bao trùm khắp cả nước với 1.800 thành viên tại nhiều tỉnh, thành, bao gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hải Dương, Nghệ An, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ.

Ngoài ra, nhóm có khoảng 500 trẻ em là những cháu chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi HIV/AIDS. Hiện nay, nhóm tập trung vào 3 mảng hoạt động chính: Hỗ trợ cho NCH về mọi mặt; cung cấp kiến thức, tăng cường tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh bao gồm cả điều trị ARV; giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Tôi đến P.P vào một buổi sáng mùa đông. Những cơn gió thổi từ phía sông Hồng vẫn còn lồng lộng trong cảm giác buốt lạnh. Ánh mắt những người hàng xóm của P.P nhìn tôi với một nỗi e dè, cảnh giác và ái ngại.

Chắc họ đang nghĩ, tôi là một bệnh nhân AIDS, đến đây để học cách cứu vớt cuộc đời mình. Chao ôi, sự kỳ thị trong con mắt của người đời dành cho căn bệnh AIDS xem ra không thể một sớm một chiều có thể cải thiện được.

Tất cả mọi người ở đây, cả những người NCH và người bình thường tình nguyện đến với cộng đồng HIV/AIDS, đang chung nhau bữa điểm tâm sáng. Tiếng cười giòn tan trên những gương mặt nhiều phong ba mang những vết tích ám ảnh của số phận đang rạng rỡ lên trong niềm vui gặp nhau ngày mới.

Bất chợt có khách lạ, nụ cười họ nhanh chóng biến mất nhường chỗ cho những ánh mắt e dè, nỗi khắc khổ hằn dấu trên gương mặt. Lam, cô gái tròn vo như cây nấm mang nụ cười đôn hậu giới thiệu tôi với tất cả mọi người trong nhóm.

Ở đây, Lam là cô gái duy nhất không có HIV, cô là vợ của Nguyễn Văn Tuấn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ "Vì ngày mai tươi sáng". Hôm ấy, chồng cô đi công tác xa, cô đã dành cả buổi sáng trò chuyện cùng tôi về hoạt động của câu lạc bộ và những câu chuyện tình cảm động của các thành viên trong câu lạc bộ.

Mối tình vượt qua cái chết

Lam kể rằng ngày cô gặp Tuấn, cô mới là cô gái 22 tuổi trong trắng và mơ mộng. Tuấn lúc đó đã 29 tuổi, đã sống "hết mình" trong những năm tháng tuổi trẻ. Tuấn vướng vào AIDS mà không biết mình lây nhiễm từ đâu. Cầm trên tay tờ phiếu xét nghiệm "tử thần", Tuấn đã tìm đến sông Hồng với quyết tâm thả mình vào dòng nước xoáy ngầu đỏ kia để quên hết mọi ưu phiền, bất hạnh.

Thế nhưng, khi đắm mình vào dòng nước xiết, Tuấn đã bật khóc tức tưởi. Sống được đã là khó nhưng để chết cũng đâu có dễ dàng gì. Tuấn lội ngược dòng sông Hồng lên bờ và trở về nhà trong trận ốm liệt giường.

Ba ngày ba đêm nằm li bì không ăn uống gì, cha mẹ, anh chị em khóc cạn nước mắt vì lo cho Tuấn. Ngày thứ tư không chịu nổi cảnh cả nhà đau xót và lo lắng cho mình, Tuấn cắn răng trở dậy với một quyết tâm mãnh liệt: Phải sống.

Và Tuấn đã bắt đầu cuộc đời của mình lần nữa kể từ ngày có Lam, cô gái Hà Nội ngây thơ và đem tình yêu chân thành của mình để dâng hiến cho một người đàn ông mặc dù biết anh ta có AIDS.

Tuấn đã sống được, và trở thành Chủ nhiệm Câu lạc bộ "Vì ngày mai tươi sáng" đã thành đạt và nổi tiếng trong cộng đồng AIDS với những hoạt động thiết thực trong câu lạc bộ của mình có lẽ nhờ tình yêu thương của những người thân xung quanh anh, đặc biệt là gia đình và người con gái hiền thảo.

Lam nhớ lại: "Khi mình yêu anh, mình không còn cảm giác anh là N.C.H. Tính cách mãnh liệt, sự chịu đựng và tâm hồn phóng khoáng tốt bụng của anh đã chinh phục trái tim mình. Mình mong ước được trở thành vợ của anh, được sống với anh trọn đời cho dù những khó khăn vất vả. Yêu nhau lên non xuống bể tới 5 năm trời, hạnh phúc nhiều mà cay đắng và nước mắt cũng lắm".

5 năm đấu tranh tư tưởng với chính bản thân mình, hai người mới đi đến được một đám cưới. Bố mẹ gia đình của Lam cho đến giờ cũng không hay biết Tuấn bị nhiễm HIV/AIDS.

Cưới nhau xong, cả hai cùng lao vào công việc của Tuấn là hoạt động tích cực cho Câu lạc bộ "Vì ngày mai tươi sáng". Công việc thành công, thành lập được mạng lưới rộng khắp cả nước, hai vợ chồng lao vào công việc để quên đi nỗi khao khát có con.

Mỗi lần trở về nhà, bố mẹ Lam giục Lam đi khám, cô lại ứa nước mắt. Nhưng rồi khát khao làm mẹ đã khiến vợ chồng cô đánh liều. Kết quả sau gần 10 năm yêu nhau, 5 năm kết hôn, và đè nén ước ao có con đến cháy bỏng, họ đã liều mạng với số phận bất hạnh để có được một cậu con trai kháu khỉnh vừa tròn 7 tháng tuổi.

Thật may, câu chuyện tình yêu của họ, những việc làm từ thiện hữu ích của họ nhằm xoa dịu những nỗi đau trong cộng đồng AIDS đã khiến Trời Phật để mắt. Cậu con trai của Lam và Tuấn hoàn toàn khỏe mạnh, không bị lây nhiễm HIV/AIDS.--PageBreak--

Tìm đến nhau để nương qua bất hạnh

Ngay ở Câu lạc bộ "Vì ngày mai tươi sáng" của Tuấn và Lam có tới 4 - 5 cặp uyên ương đã tìm thấy tình yêu của mình trong cộng đồng những NCH. Một điều khá đau đớn cho nhóm cán bộ thành viên nòng cốt ở đây là hầu hết họ bị lây nhiễm HIV/AIDS từ phía đối tác là chồng, vợ hoặc bạn tình.

Một sự bất hạnh của số phận mà không ai có thể lường trước được. Họ không phải là những người chơi ma tuý, hay có một cuộc sống lang bạt giang hồ.

Tất cả họ đều là những con người vô tội bị tai nạn trong cuộc sống. Phạm Quốc Hùng - kế toán trưởng của câu lạc bộ năm nay 33 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội, từng tốt nghiệp Đại học Tài chính kế toán và có một công việc rất tốt ở một công ty nước ngoài khá nổi tiếng ở Hà Nội với lương tháng hàng trăm USD.

Hùng đau đớn khi biết tin người yêu mình có HIV/AIDS và ra đi đột ngột, để lại cho Hùng một nỗi khủng hoảng cùng cực. Hùng đi xét nghiệm và anh biết trước số phận của mình không nằm ngoài nghiệp chướng ấy.

Bỏ công việc, suy sụp tinh thần, rồi với nghị lực của một người được nuôi dạy, giáo dục tử tế và có trình độ hiểu biết, Hùng đã quyết tâm từ bỏ tất cả cuộc sống trước đây của mình để tham gia vào cộng đồng những NCH để tìm hiểu các thông tin, chia sẻ thông tin với những người có hoàn cảnh bất hạnh như mình.

Hùng đã tham gia câu lạc bộ với vai trò kế toán trưởng, phụ trách mảng truyền thông của mạng lưới. Tại đây, một lần nữa tâm hồn anh được sưởi ấm bởi tình yêu với một cô gái là thành viên tự nguyện của câu lạc bộ.

Cô gái bị lây nhiễm HIV từ chồng, và hiện chồng cô đã chết vì căn bệnh nan y này. Tình yêu đã giúp cho những con người bất hạnh đến được bên nhau, tiếp thêm sức mạnh cho nhau.

Không chỉ Hùng mà Trần Kim Oanh, 30 tuổi, thành viên của câu lạc bộ cũng là một người vô cùng bất hạnh. Oanh lây nhiễm HIV từ chồng. Chồng mất, không chịu nổi sự kỳ thị xa lánh của mọi người, cô tìm đến cộng đồng AIDS để nương thân.

Tại đây, cô đã tìm lại được niềm vui sống có ích cho xã hội. Cô làm tình nguyện viên chia sẻ kiến thức và thông tin về HIV/AIDS trong cộng đồng, tình nguyện chăm sóc tại nhà những bệnh nhân AIDS nặng.

Giờ đây, niềm vui sống đã bừng tỏa trở lại trên gương mặt của Oanh. Oanh cũng đã tìm thấy tình yêu của mình ở một chàng trai cùng cảnh ngộ, cùng sinh hoạt trong nhóm tình nguyện.

Dũng ít hơn Oanh hai tuổi, chưa từng lập gia đình, anh bị nhiễm HIV trong một lần thỏa vui cùng bạn bè. Bất hạnh đã đưa họ đến bên nhau có lẽ là bây giờ và mãi mãi, tận khi cái chết như một ngưỡng đến của số phận.

Ở trong mạng lưới Câu lạc bộ "Vì ngày mai tươi sáng", không ít những cặp vợ chồng lấy nhau dù người đàn ông biết rằng người yêu, nửa kia của mình có HIV/AIDS.

Ngay ở tỉnh NA, có hai cặp vợ chồng rất nổi tiếng, họ hiện đang là viên chức Nhà nước, trong số họ người có HIV/AIDS lại là phụ nữ. Mặc dù biết trước người mình yêu có HIV và khả năng có con là không thể, thế nhưng những người đàn ông kia, bằng tình yêu lớn hơn cái chết, lớn hơn cả chính cuộc sống của họ, họ đã chấp nhận và đi đến hôn nhân.

Giờ đây, cuộc sống của họ đã ổn định, chan hoà trong cộng đồng. Những người ngoài không một ai biết họ bất hạnh. Chính tình yêu thương, sự hy sinh lớn lao của những người đàn ông đã giúp cho các cô gái có HIV/AIDS thêm tự tin về cuộc sống, yêu cuộc sống hơn và sống thiện hơn với cuộc đời.

Vĩ thanh

Quán cà phê P.P giờ đây không còn là nơi ghé chân cho thực khách nghiền cà phê ngon như ngày xưa nữa. Mỗi sớm mai thức dậy, có thể cánh cửa ấy vẫn đóng, không phải vì những người trong ngôi nhà ấy muốn khép lòng mình mà bởi người đời, cộng đồng, những người sống quanh ta chưa sẵn sàng mở lòng mình với họ.

Giờ đây, P.P chỉ có thể là nơi dành cho những con người có hoàn cảnh và số phận bất hạnh. Là ngôi nhà chung, là mái ấm sẵn sàng mở rộng cửa cho những tâm hồn đau đớn vì căn bệnh HIV/AIDS ở khắp nơi tìm về nương náu.

Chủ ngôi nhà này cũng là một người bạn của chủ nhiệm câu lạc bộ vì tình yêu thương, vì những chia sẻ với NCH, họ đã để cho nhóm làm trụ sở hoạt động trong lúc nhóm gặp khó khăn nhất gần như đứng trước nguy cơ tan rã vì không có một nơi nào cho nhóm thuê làm trụ sở.

Giờ đây, quán cà phê P.P tầng một là hội quán, là phòng tư vấn truyền thông miễn phí cho những NCH tìm đến. Gác xép chật chội của tầng một là nơi đặt 4 - 5 cái máy tính nối mạng Internet với những cái bàn phím luôn lách cách tiếng gõ.

Một ngày ở ngôi nhà P.P cũng bận rộn và hối hả với bao công việc phải làm. Những con người nơi đây quên mất nỗi đau bệnh tật của chính mình, quên mất quỹ thời gian sống của mình đang ngắn lại để ngày đêm cống hiến sức mình vì một cộng đồng không có AIDS

.
.