Chính trường Thái Lan: Không quá mù ra mưa

Thứ Bảy, 05/06/2010, 10:19
Cuối cùng thì tình hình Thái Lan cũng đã trở về với dòng chảy bình yên hơn: phải theo chính danh. Thủ tướng đẹp trai và có phong độ trí thức Abhisit Vejjajiva cuối cùng cũng đã đẩy lùi được những đợt biểu tình luôn luôn mang mùi bạo động của phe "Áo đỏ". Dẫu máu đã đổ trên đường phố Bangkok nhưng trật tự đã được vãn hồi. Không nên để quá mù ra mưa.

Khi những người "áo đỏ", ủng hộ cựu Thủ tướng Thái Lan triển khai hàng loạt những hoạt động đường phố, Thủ tướng Abhisit đã có những thời điểm tỏ ra núng thế và dường như cũng sẵn sàng nhượng bộ trước những sức ép từ đường phố. Một khi những người dân nghèo, mê muội vì những cử chỉ và lý lẽ mị dân của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, không chấp nhận thực tại nhiều phần cay nghiệt của nước Thái Lan hiện đại, đã xuống đường với sự mê dụ của những thủ lĩnh "Áo đỏ" trong cái gọi là Mặt trận thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) đã đồng loạt xuống đường. Những biểu lộ ban đầu đã mang tính hòa bình. Nhưng rồi, sự cố chấp của một số thủ lĩnh "Áo đỏ" đã khiến mọi sự dần dà trở nên căng thẳng và quyết liệt hơn.

Tới trung tuần tháng 5, đã xảy ra những đụng độ dẫn tới đổ máu. Thậm chí, nói theo BBC, tháng 5/2010 đã trở thành thêm một "tháng 5 đen" trong lịch sử của đất nước nhiều đền chùa vào hàng đầu của khu vực Đông Nam Á này. Còn nhớ, lại dẫn theo BBC, cũng dịp này đúng 18 năm trước, hàng trăm nghìn người đổ xuống đường biểu tình chống lại lãnh đạo quân phiệt, Tướng Suchinda Kraprayoon, dẫn đến đợt đàn áp đẫm máu làm hàng trăm người chết. Chỉ sau khi Quốc vương Thái Lan can thiệp, Tướng Suchinda từ chức, con đường trở lại quyền lực dân sự mới được mở lại…

Là một đất nước hấp dẫn vì tâm lý hòa bình và hòa hoãn, Thái Lan trong thời hiện đại đã gặt hái được không ít hoa thơm trái ngọt trong một tình huống nhiều xung đột ở Đông Nam Á bởi các sức ép quốc tế khác nhau. Nhưng khôn ngoan cũng không thắng được những điều kiện khách quan và Thái Lan rốt cuộc vẫn phải đối mặt với những mâu thuẫn xã hội trầm kha điển hình của thế giới hôm nay.

Cũng theo BBC, tháng 9/1992, khi Thủ tướng Chuan Leekpai lên nắm chính quyền, nước Thái hào hứng với hai chữ "dân chủ" theo những kiểu diễn giải rất hợp lòng người. Phong trào dân chủ thành thị, dẫn đầu là tầng lớp trung lưu có học đã mang lại một sự lạc quan chính trị mới nào đó cho xã hội Thái Lan, ngay cả khi đất nước này lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính dữ dội năm 1997. Thế nhưng, các "ngư ông đắc lợi" hơn cả trong cái gọi là quá trình dân chủ hóa ấy chỉ là những tầng lớp trung lưu thành thị, chứ không phải số đông hàng triệu người nghèo ở các vùng nông thôn. Vì thế, khi ông Thaksin Shinawatra xuất hiện trên cương vị Thủ tướng với những chính sách thực sự là quan tâm đến lợi quyền của những người nông dân nghèo - rất đông đảo - tất yếu đó đã trở thành ngôi sao sáng của chính trường Thái Lan.

Nói theo BBC, ông Thaksin, một cựu sỹ quan cảnh sát từng du học ở Mỹ và một tỷ phú, đã nắm trúng mong đợi của đông đảo quần chúng nhân dân, những người bị đoàn tàu dân chủ bỏ quên trên sân ga. Các chính sách hướng tới người nghèo ở nông thôn của Thaksin đã được hoan nghênh nhiệt liệt. Phóng viên BBC kể: "Tôi đã từng chứng kiến nông dân mấy tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan, gọi chung là Isaan, đón tiếp ông Thaksin trọng thị như đón anh hùng dân tộc".

Những người nông dân nghèo ở Thái Lan không quan tâm tới những vụ tai tiếng mà các phương tiện thông tin đại chúng tung lên liên quan tới ông Thaksin mà chỉ tín nhiệm ông ở những việc làm thực chất của ông có lợi cho họ. Đó âu cũng là một việc dễ hiểu. Và các bê bối tài chính và cáo buộc tham nhũng đã dẫn đến việc ông Thaksin bị truất chức, thông qua hình thức không hề dân chủ là đảo chính quân sự, hồi tháng 9/2006 đã không làm uy tín của ông hạ thấp trong con mắt của những người dân nghèo Thái Lan. Và thế là làn sóng biểu tình dẫn tới bạo động vừa qua ở Thái Lan của những người nông dân ủng hộ phe "Áo đỏ" là một sự tất yếu.

Thái Lan những ngày đỏ lửa.

Thực ra, những người "Áo đỏ" cũng không phát minh ra điều gì mới lạ trong các đấu tranh chính trị ở Thái Lan. Đưa ông Abhisit lên chức Thủ tướng cũng đã là làn sóng biểu tình, của những người gọi là "Áo vàng". Khi ấy, những người "Áo vàng" đã xuống đường đòi giải tán chính quyền thân ông Thaksin vì cho rằng, đó là chính quyền cũng không thực sự vì dân vì nước. Chính việc lập nên các Thủ tướng thông qua các hoạt động đường phố đã khiến không ít người cho rằng, nền dân chủ ở Thái Lan thực ra chỉ là một dự án của giới người giàu, có đủ tài lài lực kích động những đám đông quần chúng…       

Những người "Áo đỏ", lúc đầu cũng chỉ tính đến việc gây sức ép bằng những biện pháp hòa bình nhưng dần dà đã bị lôi cuốn theo tư tưởng cực đoan của một số thủ lĩnh UDD. Và bạo lực đã bùng nổ khi những hoạt động mềm mỏng không mang lại kết quả như những người "Áo đỏ" mong muốn.

Tính đến 11h ngày 20/5, những người "Áo đỏ" biểu tình quá khích đã phóng hỏa 39 địa điểm tại thủ đô Bangkok, trong số này có các văn phòng nhà nước, nhà dân, cửa hàng và một số đài truyền hình. Riêng vụ hỏa hoạn tại trung tâm thương mại Centre One ở Bangkok đã thiêu trụi 300 gian hàng, gây thiệt hại ước tính khoảng 1 tỷ baht (tương đương 30,9 triệu USD) và khiến 1.000 người mất việc làm…

Từ đêm 19/5, cũng theo BBC, bạo lực có dấu hiệu gia tăng tại các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, nơi có 4 tòa thị chính - của các tỉnh Udon Thani, Khon Kean, Mukdahan và Udon Ratchthani - đã bị đốt phá, với mức hư hại tới 20-40%, và khoảng 13.000 người tham gia tuần hành chống chính phủ tại 20 tỉnh Đông Bắc và các khu vực lân cận…

"Gót chân Asin" của những người "Áo đỏ" hiện nay là ở chỗ, các hoạt động mang tính vô chính phủ của họ không chỉ dồn chính quyền của Thủ tướng Abhisit vào thế bí mà còn gây nên những xung lực tàn phá cuộc sống bình thường của đất nước vẫn có tiếng là hiền hòa và biết thỏa hiệp này. Và vì không còn chỗ nào lùi nữa nên đành phải "ăn miếng trả miếng", Thủ tướng Abhisit đã buộc phải bộc lộ thái độ cứng rắn cần thiết và đưa quân đội vào vị trí cần có…

Đã có nhiều chục người bị thiệt mạng trong những đụng độ bạo lực từ ngày 14 tới ngày 19/5, nâng tổng số người thương vong vì đụng độ trong sáu ngày qua lên 442. Thái độ cứng rắn và không "mũ ni che tai" của quân đội Thái Lan, ủng hộ Thủ tướng Abhisit, đã buộc toàn bộ người biểu tình "Áo đỏ" rời khỏi chùa Pathumwanaram tới trụ sở Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan. Trung tâm tình trạng khẩn cấp (CRES) Thái Lan tối 19/5 đã buộc phải quyết định thực thi lệnh giới nghiêm tại 23 tỉnh, nâng tổng số địa phương áp dụng lệnh giới nghiêm lên 24 trên tổng số 76 tỉnh của nước này. Trước đó, Thủ tướng Abhisit mới áp dụng lệnh giới nghiêm tại thủ đô Bangkok

Máu đã đổ dầm dề tại thủ đô Bangkok, buộc các chính trị gia Thái Lan như kiểu ông Thaksin phải thận trọng hơn trong những mưu toan kích động quần chúng chống lại chính quyền danh chính ngôn thuận của Thủ tướng Abhisit… Và phát biểu trên truyền hình mới đây nhất, Thủ tướng Abhisit đã nói ông "tin tưởng và quyết tâm giải quyết vấn đề của Thái Lan, đưa đất nước trở lại với hòa bình và ổn định". Trước tình thế không thể khác được, cựu Thủ tướng Thaksin, đang sống lưu vong ở nước ngoài cũng phải nói rằng, tình hình này có thể giải quyết bằng thương lượng…

Cũng trong buổi phát biểu trên truyền hình mới đây nhất, Thủ tướng Abhisit đã khẳng định rằng, Chính phủ Thái Lan quyết tâm kiểm soát hoàn toàn tình hình đất nước và tin tưởng rằng sẽ đạt được mục tiêu này. Trước đó, ông Abhisit kêu gọi người dân tin tưởng vào chính phủ và khẳng định "sẽ vượt qua những khó khăn. Ông Abhisit nêu rõ những phần tử có vũ trang đang tìm cách ngăn chặn nỗ lực của chính phủ khôi phục trật tự tại thủ đô và kêu gọi người dân hợp tác với chính phủ phát hiện những phần tử này, giúp các lực lượng an ninh sớm đưa tình hình ổn định trở lại.

Trong thế giới hiện đại, ở những tình huống như hiện nay, thực ra nên thương lượng để giải quyết các mâu thuẫn. Để quá mù ra mưa và máu đổ, đó thực ra là trách nhiệm quá lớn đối với các nhà lãnh đạo quốc gia. Bài học này cần phải được thấm thía ở những quốc gia hiện đang bị lôi kéo vào vòng nội chiến như Kyrgyzstan chẳng hạn

Đặng Đình Nguyên
.
.