Natalia Reshetovskaya, Người vợ đầu của Nhà văn Nga A.Solzhenitsyn:

Chia tay vẫn xót xa

Thứ Năm, 08/12/2011, 16:15
Hạ tuần tháng 10/2011 tại thành phố Gus – Khrustalny, thuộc tỉnh Vladimir, nơi Aleksandr Solzhenitsyn từng sống cùng người vợ đầu tiên Natalia Reshetovskaya vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước, đã tổ chức triển lãm những bức ảnh còn ít được biết đến của nhà văn Nga  từng được giải Nobel này.

Trong triển lãm trưng bày khá nhiều bức ảnh được lấy từ các album của Natalia Reshetovskaya. Và câu chuyện về những đoạn trường trong tình yêu và hôn nhân của hai con người Xô viết đầy thân phận này lại thêm một lần được hé lộ với công chúng.

Tình đến rồi đi

Năm 1936, Aleksandr Solzhenitsyn dù rất say mê văn học nhưng đã thi vào Khoa Toán lý của Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Rostov vì nhà văn tương lai cảm nhận rằng, “ở bộ môn toán lý chủ yếu là những giảng viên rất trí thức, rất học thức và rất thú vị.”  Bản thân Solzhenitsyn cũng có năng khiếu lớn về khoa học tự nhiên nên thường xuyên được điểm ưu trong lớp, dù vẫn dành không ít thời gian cho việc luyện bút văn chương.

Thậm chí, Solzhenitsyn còn được nhận học bổng Stalin nhờ thành tích học tập xuất sắc của mình. Và chính tại Rostov, ngay từ năm học đầu tiên, Aleksandr Solzhenitsyn đã đem lòng yêu nữ sinh viên Khoa Hóa, cùng trường và cũng đồng niên (sinh năm 1918) Natalia  Reshetovskaya. Hai người làm quen với nhau trong những buổi sinh hoạt ngoại khóa của lớp khiêu vũ dành cho sinh viên. Nhà văn tương lai đã hấp dẫn cô gái xinh đẹp bằng tài năng xuất sắc của mình trên sàn nhảy và hai người đã trở thành bạn nhảy của nhau như hình với bóng trong mọi buổi tập…

Tới năm thứ tư (1940), họ đã quyết định bí mật cưới nhau, không báo cho gia đình biết vì không muốn làm cho các bà mẹ phải phiền lòng khi con cái mình công chưa thành danh chưa toại và đại học thì chưa tốt nghiệp đã tính chuyện yên bề gia thất. Solzhenitsyn là con trai độc nhất được mẹ một mình nuôi khôn lớn (cha ông đã tử nạn trong một cuộc đi săn) và bà rất nâng niu con trai mình, chỉ muốn mọi chuyện được ổn thỏa trăm bề…

Nhà văn tương lai cùng Natalia Reshetovskaya đăng ký kết hôn ngày 27 (Solzhenitsyn thích những con số chia hết cho 9) tháng 4/1940. Và họ đã tổ chức cho mình một tuần trăng mật đã đầy vào kỳ nghỉ hè năm đó ở Tarusa, một khu bảo tồn thiên nhiên tuyệt đẹp vẫn được coi là trung tâm văn hóa của tâm hồn Nga la tư.

Những ngày nghỉ trong rừng, Solzhenitsyn đã đọc cho vợ nghe các trang tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình của Liev Tolstoi mà theo ông, có nêu bật những nét chung giữa vợ ông với nhân vật nữ Natasha Rostova. Và chỉ khi trở về sau tuần trăng mật, hai người mới thông báo cho họ hàng thân thuộc biết tin rằng từ nay, họ đã là vợ chồng… 

Reshetovskaya (người ngồi giữa) cùng bạn bè.

Khi cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại bắt đầu (ngày 22/6/1941), Solzhenitsyn không phải ra chiến trường ngay vì sức khỏe của ông không được tốt. Tuy nhiên, nhà văn đã rất cố gắng vận động để được nhập ngũ. Chính vì thế nên tới giữa tháng 10/1941, Solzhenitsyn đã được động viên vào lực lượng vận tải bằng xe ngựa.

Trong quân đội, Solzhenitsyn đã phấn đấu để được cử đi học ở Trường Sĩ quan Pháo binh và từ đó dần trưởng thành, tới ngày 7/5/1944 đã là đại úy. Đồng thời, ông vẫn tiếp tục theo đuổi ước mơ văn học và không ngừng sáng tác. Rồi “bút sa gà chết”, Solzhenitsyn đã bị mắc vào vụ án oan do bị hiểu nhầm trong quan điểm được thể hiện ở các tập bản thảo chiến trường. Và ông đã bị bắt giam.

Tháng 3/1945,  ở hậu phương, Natalia Reshetovskaya đã phải nhận lại những bức thư mà chị đã gửi ra chiến trường cho chồng với ghi chú: “Không tìm thấy người nhận”.  Mọi cố gắng truy tìm tin tức đều không mang lại kết quả gì. Mãi tới tháng 6/1945, Reshetovskaya mới nhận được điện thoại từ người cô của Solzhenitsyn gọi về từ Moskva: “Cô vừa chuyển đồ tiếp tế cho cậu ấy sáng nay”.

Thế là người vợ trẻ đã hiểu ra mọi sự. Về sau, Reshetovskaya tâm sự rằng, tâm trạng của chị lúc ấy  có thể diễn tả đúng nhất theo cách của Solzhenitsyn đã viết trong tiểu thuyết Trong vòng thứ nhất: “Đầu tiên là nước mắt giàn giụa. Rồi khi chị biết rằng chồng chị đang ở trong tù thì chị bỗng cảm thấy nhẹ lòng hơn và thậm chí lại vui vẻ trở lại. Thật may là anh không bị kết án 25 hay 15 năm tù! Chỉ có từ dưới mộ mới không ai hồi sinh, còn bị đi tù thì hết hạn lại trở về”.

Và mặc dù phải sống rất kham khổ theo chế độ tem phiếu nhưng Reshetovskaya vẫn cố gắng chắt bóp để gửi cho chồng các nhu yếu phẩm: đường, giấy, bút chì và đặc biệt là sách. Về sau, chị viết trong hồi ký: “Tôi đã mua cá trích theo tem phiếu rồi đổi lấy pho mát và mỡ muối”. Chị đã cố gắng làm mọi việc để chồng ở trong nhà giam không phải lo chuyện đói ăn.

Tuy nhiên, thời gian cứ đằng đẵng trôi đi, càng ngày càng mịt mù tin tức về khả năng được ân xá của Solzhenitsyn. Thậm chí nhà văn đã phải viết về cho vợ: “Hy vọng được ân xá đang dần dà lịm tắt”. Và đúng lúc đó trong cuộc đời của Natalia Reshetovskaya đã xuất hiện một nhân vật mới: Giáo sư Vsevolod Somov, một đồng nghiệp ở Trường Đại học Tổng hợp Ryazan.

Vị GS này có hai đứa con trai sinh đôi và Reshetovskaya đã dồn vào hai đứa trẻ những tình cảm mẫu tử chất chứa trong lòng từ bao nhiêu năm nay mà vẫn không được toại nguyện với Solzhenitsyn. Khi còn sống bên chồng, chị từng muốn sinh con, thậm chí đã có mang nhưng Solzhenitsyn cương quyết bắt chị phải nạo thai. Ca nạo thai đó đã gặp rắc rối nên Reshetovskaya đã vĩnh viễn bị mất khả năng có con.

Tháng 12/1948, Reshetovskaya đã “li dị vắng mặt” với Solzhenitsyn. Mối quan hệ với GS Somov thực sự  mang lại cho Reshetovskaya niềm hạnh phúc gia đình giản dị và không phải là không quý giá. Và khi chị nói rằng, giời đã tặng cho chị cặp con trai sinh đôi ấy là chị đã rất thực lòng. Chính trong sự yên bề ấy, Reshetovskaya tưởng như đã vĩnh viễn quên được Solzhenitsyn.

Sau khi được ra tù ngày 13/2/1953, Solzhenitsyn phải sống cảnh lưu đày ở miền Nam nước Cộng hòa Kazakhstan thuộc Trung Á. Rồi tháng tháng 6-1956, ông được trả lại tự do và đã về dạy toán tại  thành phố Gus – Khrustalny. Ông không hề có ý định tìm gặp lại người vợ cũ.

Gương vỡ lại lành

Thế nhưng, số phận lại dắt hai người về lại với nhau. Họ đều có những người quen chung  ở Moskva. Và một lần, tại nhà bè bạn, bất ngờ Reshetovskaya đã nhìn thấy Solzhenitsyn, mới từ nơi đi đày trở về. Và hai người đã trò chuyện cùng nhau rất tự nhiên và thân thiết, như thể chưa từng có hơn mười năm ly biệt và biến đổi. Rồi họ cùng ra về, chân bước như mộng du trên đường phố thủ đô đầy mưa bụi. Tránh vào trú mưa tại một ngách nhà, Solzhenitsyn rút từ trong túi áo bành tô ra một cuốn bài tập số học và nói: “Em xé bìa nó ra thì sẽ thấy”.

Khi  Reshetovskaya đến nhà một người bạn gái, lập cập xé cái bìa các tông ra và nhìn thấy ở bên trong là những câu thơ mà Solzhenitsyn đã viết tặng chị khi ở chốn tù đày. Từ khoảnh khắc đó, Reshetovskaya như ở trong cơn mê sảng cùng quá khứ. Hình ảnh Solzhenitsyn lại bùng lên chiếm ngự tâm trí chị. Thậm chí khi ôm Somov, chị cũng gọi ông bằng tên của người chồng cũ…

Và chuyện cần đến đã đến. Ngày 2/2/1957, Reshetovskaya và Solzhenitsyn lại đăng ký kết hôn lần nữa và về làng Mezinovsky thuộc tỉnh Vladimir. Khi Reshetovskaya đi tàu hỏa tới, Solzhenitsyn đã ra đón chị tại ga tàu và trên đường về nhà, cứ chốc chốc họ lại dừng chân để hôn nhau đắm đuối… Trong một lần hôn, Reshetovskaya đã ngả đầu ra sau mạnh đến nỗi cái mũ rơi tuột xuống đất. “Em xinh hơn trước bao nhiêu” - nhìn vào gương mặt vợ, nhà văn thầm thì thốt lên.

Những năm tiếp theo của họ thực hạnh phúc và viên mãn. Đấy là khi Solzhenitsyn đã hoàn thành những tác phẩm kỳ vĩ nhất của đời ông. Reshetovskaya đã dành trọn vẹn sức lực và thời gian cho sự nghiệp của chồng: bà đích thân đánh máy mọi tác phẩm của ông.

Solzhenitsyn đã rời Vladimir về ở Ryazan với vợ và để khỏi mang tiếng vô công rồi nghề (tội có thể bị xử tù dưới thời Xô viết), ông đã nhận chân giáo viên với mức lương tối thiểu (và thời gian dành cho công việc này cũng là tối thiểu) để có thêm thì giờ sáng tác.

Trong khi đó, với chức danh GS Trưởng Khoa Hóa, Trường Đại học Nông nghiệp Ryazan, Reshetovskaya đã có mức lương rất cao: 320 rúp một tháng. Hai người đã sống khá khép kín, ít tiếp khách tại nhà và khi thích thì mới đi chơi với những thân hữu gần gụi nhất. Họ có một lịch giải trí rất rành mạch: mỗi tháng chỉ 2-3 lần đi xem phim chứ không nhiều hơn. Về sau, Reshetovskaya nhớ lại: “Sania (tên gọi thân mật của Solzhenitsyn - PH) lúc nào cũng mê mải viết”.

Bỗng dưng rẽ lối

Cảnh sống yên ả đã bất ngờ bị phá vỡ khi một hôm không đẹp giời, Solzhenitsyn đánh bạo thú nhận với Reshetovskaya rằng, ông đã đem lòng yêu một phụ nữ khác, cũng tên là Natalia, người về sau trở thành vợ thứ hai của ông. Reshetovskaya, lúc này đã ở tuổi ngũ thập, cảm thấy như sét đánh ngang tai.

Bà cương quyết không chịu nghe theo lời khuyên li dị của chồng. Thậm chí, bà đã định tự vẫn. Nửa đêm, bà đã uống 35 viên thuốc ngủ trong lúc chồng đang ngồi viết tại phòng làm việc. Bình thường, những lúc đó, ở nhà rất tĩnh lặng vì Solzhenitsyn không thể chịu được những tiếng động trong lúc ông viết và ông đã “huấn luyện” được bà sống theo ý ông như thế.

Bất ngờ, đêm đó, ông làm rơi cuốn sách xuống đất, tiếng động rất to. Và ông ngạc nhiên là vì tại sao không thấy vợ chạy ra như mọi khi để xem có chuyện gì xảy ra. Ông liền  đứng dậy đi vào phòng ngủ và thấy bà đã bất tỉnh nhân sự. Solzhenitsyn liền gọi cho vị bác sĩ hàng xóm và xe cấp cứu tới. Ba ngày liền Reshetovskaya đã mê man bất tỉnh.

Trong tình cảnh đó, Solzhenitsyn đã không nỡ bỏ vợ ngay, dù tình yêu mới ngày một trở nên sâu đậm trong ông. Phải sau đó ba năm, họ mới chính thức li dị. Mất chồng rồi, Reshetovskaya đã tới khu trang trại của họ ở ngoại ô Moskva, đào một cái hố nhỏ dưới gốc cây hạt dẻ và chôn xuống đó bức ảnh chồng cũ mà bà yêu thích nhất.

Quan hệ của Reshetovskaya với người vợ thứ hai của Solzhenitsyn, Natalia Svetlava, về sau rốt cuộc cũng đã trở nên tốt đẹp. Thậm chí, một lần, Natalia Svetlava còn tới nhà Natalia Reshetovskaya xin lỗi về nỗi đau khổ đã gây ra cho người vợ đầu của chồng.

Trong những năm cuối đời, Reshetovskaya đã bị lòa và bị liệt. Solzhenitsyn và người vợ thứ hai đã tỏ ra rất quan tâm tới bà, chu cấp cho bà tiền và cố gắng làm mọi thứ để bà đỡ bị khổ sở thêm.

Trong cảnh đau ốm, Reshetovskaya vẫn giữ dưới gối cái chìa khóa nhà của mình. Bà nói: “Bất cứ lúc nào Sania tới, tôi cũng sẵn sàng trao cho ông ấy chìa khóa và nói: Anh luôn luôn được mong đợi ở nhà em!”. Thế nhưng, ông không bao giờ quay lại cùng bà nữa.

Reshetovskaya qua đời ngày 28/5/2003 trong khi đang ngủ. Trước khi chết, bà luôn hỏi bạn bè rằng, không rõ ông có tới viếng bà không. Solzhenitsyn đã mất sau bà gần 5 năm (ngày 3/8/2008)

Phương Hiền
.
.