Cảm ơn những ngày làm báo quân nhân

Thứ Hai, 07/01/2008, 10:00
Tôi thực sự bước vào nghề báo tháng 6/1987, tại tờ tin Binh đoàn Tây Nguyên, sau 6 tháng làm trợ lý kỹ thuật ở Tiểu đoàn Thông tin 29 theo đúng chuyên môn mà tôi đã học 6 năm ở Liên Xô. Mới chỉ cộng tác một ít tin bài với Báo QĐND, tôi đã lọt vào "mắt xanh" của lãnh đạo mấy phòng: Quân sự, Văn hoá và Thời sự quốc tế. Và thế là tháng 9/1988, tôi rời Pleiku ra Hà Nội về Báo QĐND.

Yêu thương không thỏa

Tôi đã viết về việc này nhiều rồi nhưng hôm nay, trước dịp kỷ niệm 57 năm ngày ra đời của Báo QĐND (20/10/1950 - 20/10/2007), tôi vẫn muốn nhắc lại. Cho tới bây giờ, tôi vẫn nhớ và kính trọng những người đi trước đã truyền cho tôi ngọn lửa đam mê với nghiệp báo lính ở nhà số 7 Phan Đình Phùng: chú Phan Lang, chú Bùi Biên Thùy (nay đều đã mất), các chú Phạm Phú Bằng, Tạ Duy Đức, Khánh Vân, Lê Kim, Vũ Hồ, Hồ Sĩ Thoại... đến các anh Hà Phạm Phú, Mạnh Hùng, Nguyễn Phúc Ấm, Phạm Quang Đẩu, Vũ Đạt, Phạm Đình Trọng, Trần Hồng...

Chú Phan Lang cho tôi bài học về sự độc đáo của tư duy và chiều sâu trong những nhận định. Chú Phạm Phú Bằng luôn biết cách gây sự chú ý bằng những câu chuyện cực kỳ hấp dẫn, rất lạ lẫm nếu ta nghe một người ở tuổi khả kính như thế kể (mặc dù, nói thực, sau này tôi đồ rằng, không ít chi tiết trong các câu chuyện có thể gây sốc như thế dường như là do chú tự nghĩ ra, hoặc giả, đó là những chi tiết mà chỉ có con mắt yêu đời một cách hóm hỉnh và nhiều ý vị như chú mới có thể nhận ra được). Chú Lê Kim hồn nhiên và tới tuổi cổ lai hy vẫn mang trong mình máu trẻ thơ khi nhìn đời và đặc biệt là nhìn... phụ nữ!...

Với tôi, tất cả những nhà báo lão thành như thế đều khả kính cả, nhưng rồi tôi cũng nhận ra hình như quan hệ giữa họ cũng có phần giống như quan hệ giữa các nhà báo ở lứa sau, có yêu, có phục, nhưng không phải không có những "này nọ". Dẫu sao, họ cũng là một "thế hệ vàng" của Báo QĐND, những người đã thực sự lớn lên qua bao nhiêu dông bão của nghề và của thời đại. Họ trở nên khôn ngoan và "biết điều" hơn sau những biến cố nhưng không phải vì thế mà đánh mất trong mình những phẩm chất đích thực của bộ đội Cụ Hồ thế hệ đầu tiên, vừa không ngại chinh chiến vừa giữ được phong độ trí thức chân chính.

Những bậc đàn anh của tôi ở Báo QĐND đều là những người có cá tính, lắm khi không giống ai. Tôi thích một Trần Anh Thái ở những đam mê vừa lanh lợi vừa thật thà, vừa cứng cỏi vừa yếu đuối. Nhà thơ Trần Anh Thái từng là người đã kèm cặp tôi rất nhiều trong trường đời và đã thực sự thương tôi trong nhiều tình huống khó khăn, mặc dù hai anh em đã không chỉ một lần vì quá quý nhau mà vô tình làm nhau phật ý...

Tôi không bao giờ quên được một Hà Phạm Phú luôn luôn độ lượng với tôi; anh thực sự là người có mắt xanh trong việc nhìn ra cấp dưới, tiếc rằng, anh đã rời khỏi báo khi mà lẽ ra anh còn có thể giúp cho báo nhiều hơn nữa... Tôi quý sự hồn nhiên và tử tế của anh Phạm Đình Trọng; con người yêu văn nghệ và yêu người làm văn nghệ, luôn biết tha thứ cho đồng nghiệp và đặc biệt là các nhà báo lớp sau, đôi khi bị "hoắng" vì cứ tưởng hậu sinh nào cũng khả úy...

Tôi nhớ, có lần vào TP HCM công tác, đến nhà anh Sĩ Bình ăn cơm và uống rượu cùng Trần Anh Thái, chẳng hiểu vì cơn cớ gì tác giả của "Hoa xuyến chi" bỗng nhiên nổi nóng và có những lời cực kỳ đao to búa lớn với anh Trọng. Nếu ở địa vị tôi thì có lẽ khó giữ được hòa khí. Ấy vậy mà anh Trọng vẫn cười được, một cách rất thực lòng. Lúc đó, tôi trộm nghĩ, nếu anh Trọng là lính cứu hỏa thì đám cháy nào chỉ thấy anh xuất hiện cũng sẽ tự tắt....

Tôi cũng luôn muốn giữ quan hệ tốt với anh Trần Đình Bá, một trong những nhà báo có góc cạnh nhất mà tôi từng gặp trong đời; tôi cứ nghĩ rằng, nếu Trần Đình Bá luôn có được một thủ trưởng như bác Trần Công Mân thì hẳn anh đã có thể làm được nhiều việc hay hơn và bớt đi được những vụ khiến cho những ai có chút ít cảm tình với anh đều cứ phải thót tim mà xa xót...

Có lẽ ít ở đâu có được tình cảm trên dưới, trước sau tử tế như ở Báo QĐND thời ấy. Tôi nhớ hồi vừa về báo, có lần gần Tết âm lịch, tôi được hai bậc đàn anh là Phạm Quang Đẩu và Vũ Đạt rủ đạp xe đi ròng rã ba bốn nơi mới lấy được hai suất quà Tết của hai anh, đâu đó gần chục cân gạo nếp.

Tôi chỉ là "tiểu đệ" đi theo, không có "chỉ tiêu" nhưng cũng được hai anh chia cho vài ba cân. Mang về cho mẹ, tôi hãnh diện lắm vì đấy là lần đầu tiên trong đời tôi được "lộc" của nghề báo về giúp gia đình đỡ khó khăn. Với tôi, những cân gạo thuở đó chính là "bát cơm Siếu Mẫu" mà bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy rưng rưng...

Nói chung, ở tòa soạn Báo QĐND đã trở thành truyền thống việc lớp trước kèm cặp, giúp đỡ lớp sau hành nghề và sống! Nếu ta là phóng viên trẻ về báo, ta lập tức sẽ được tất cả mọi người giúp đỡ. Được phân về Phòng Thời sự quốc tế, tôi đã được những người đi trước (các anh Trần Nhung, Quang Lợi, chị Thùy Chi, anh Đức Nguyện, rồi cả Minh Tâm hấp dẫn nữa) dìu dắt rất tận tình, dạy cho từ việc trực tin đến viết điểm thời sự, rồi bình luận...

Những bậc gia ân

Tại tòa soạn Báo QĐND, tôi đã phải làm việc dưới quyền của nhiều thủ trưởng nhưng có ba vị Tổng biên tập mà tôi tạc dạ ghi ân: Thiếu tướng Trần Công Mân, Thiếu tướng Phong Hải và Đại tá Đặng Văn Nhưng.

Tổng Biên tập Trần Công Mân có cách giáo dục cấp dưới không giống ai cả. Ông không bao giờ góp ý thừa cho ai và nếu ông đưa ra một ý kiến gì đó phản bác ta thì dù ta tự tin đến mấy ta cũng nên xem lại mình, thường là ông đúng hơn ta. Bác Mân rất nghiêm khắc với cấp dưới nhưng không ai thấy bác nghiệt ngã. Trái lại, mỗi chữ bác sửa cho ta về lâu về dài đều là bài học để đời về nghề nghiệp.

Tổng Biên tập Trần Công Mân (đứng thứ hai từ trái sang) tiếp các nhà báo Nga.

Tháng 5/1989, Đại tá Phong Hải về làm Tổng Biên tập Báo QĐND thay Thiếu tướng Trần Công Mân chuyển lên công tác ở Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam. Anh Phong Hải là người cổ động nhiệt tình cho việc ra tờ báo tuần QĐND Thứ bảy (ý tưởng ra tờ báo này thực ra có từ thời bác Trần Công Mân, rất được nhà văn Hà Phạm Phú, lúc đó còn là Trưởng phòng Văn hoá - Văn nghệ, hưởng ứng nhưng vì sao đấy không thực hiện được).

Trước khi báo ra, toà soạn có tổ chức một cuộc họp mời các cán bộ lão thành của báo về để "thỉnh thị ý kiến". Tôi nhớ bác Mân có nói một câu đại ý, làm khó lắm, đội khăn xếp thì không nhảy đầm được đâu...

Sự thực thì tờ báo QĐND Thứ bảy (nay là QĐND Cuối tuần) vẫn ra được, bắt đầu từ ngày 7/7/1990, tới nay vẫn còn hương vị riêng của nó. Tôi không quên câu nói của bác Mân trong buổi họp hôm ấy, nhưng không vì thế mà tình yêu và sự kính trọng của tôi đối với bác lại suy giảm. Ai thì cũng "sông có khúc, người có lúc". Tôi hiểu là khi rời khỏi toà soạn Báo QĐND, bác Trần Công Mân không khỏi có chút bùi ngùi...--PageBreak--

Có một Tổng biên tập Báo QĐND nếu tính về họ hàng thì tôi có thể gọi bằng chú hoặc bằng anh đều được. Ở thôn La Tiến (xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) có hai họ chủ đạo là họ Đặng và họ Phạm. Thời xưa, bế quan tỏa cảng, hai họ này thường lấy lẫn nhau. Nếu tính về họ nội, Đặng Văn Nhưng là chú tôi, còn nếu tính về họ Phạm (họ của bà nội tôi), ông chỉ là anh tôi.

Run rủi thế nào mà tôi cứ quen gọi ông bằng chú. Nhà văn, nhà báo Đặng Văn Nhưng suốt đời luôn được bạn bè, đồng chí đồng đội quý mến vì tính hiền lành đến độ nhu mì, hầu như không bao giờ gây mâu thuẫn với xung quanh. Có cảm giác như ông luôn muốn thu mình lại, mặc dầu những suy tư của ông đôi khi cũng rất trăn trở, bức xúc với những gì không hay, không phải diễn ra ở xung quanh.

Là một nhà báo giỏi, Đặng Văn Nhưng có óc quan sát khá chi tiết và sắc bén, nhưng hình như ông luôn lấy chữ "hòa" làm trọng. Ngay cả khi ông làm Tổng Biên tập Báo QĐND rồi, ông vẫn giữ nguyên phong cách cố hữu của mình, rất ngại va chạm, ngay cả với cấp dưới. Biết ông hàng chục năm trời, có những lúc gần gụi, chưa bao giờ tôi thấy ông làm gì để kéo về mình phần hơn hay thế mạnh. Ngay cả khi chỉ đạo bài vở, ông cũng thường tỏ ta nhũn nhặn, hết sức tôn trọng các phòng chuyên môn, thậm chí có lúc hơi quá.

Ông không bao giờ "chơi rắn" được đối với những người mà ông coi là "quân" của ông, nên khi cấp dưới có điều gì không nên không phải với ông thì thường là ông cũng bỏ qua hoặc có khiển trách thì cũng nhẹ nhàng, tinh tế. Phong cách của ông rất thích hợp với môi trường tử tế, thấm đậm tình đồng chí đồng đội, khi mọi người biết nhìn nhau mà nương nhau.

Thế nhưng, trong những tình huống đòi hỏi phải va đập để bảo vệ chân lý, những người tốt tính như ông dễ bị lâm vào tình thế lúng túng. Ông đã không bảo vệ được tôi khi cần chứng minh rằng, những nhà báo có năng lực không bao giờ là dễ bảo cả. Hoặc giả là tôi có lỗi vì không để ông nhìn thấy rõ năng lực thực sự của tôi.

Người thế nào thì hơi văn như thế. Nhà báo, nhà văn chiến sĩ Đặng Văn Nhưng ngay cả khi viết những trang đẫm mùi khói súng vẫn giữ nguyên những cảm xúc nhân tình thế thái của một tâm hồn luôn luôn hướng thiện. Ông đã viết như một sự trả nghĩa cho đời, cho những tháng năm tuổi trẻ trôi qua trên chiến trường. Không phải ông không muốn thành danh trong làng văn nhưng với ông, mọi ồn ào danh vọng đều là thứ yếu, mặc dầu đôi khi nhìn lại con đường đã qua, ông không khỏi cảm thấy một chút bùi ngùi.

Trong lời tự bạch (in trong "Tổng tập các nhà văn quân đội: Kỷ yếu và tác phẩm" do NXB QĐND ấn hành năm 2000), khi nói về văn nghiệp của mình, Đặng Văn Nhưng viết: "Trong khi làm báo tôi vẫn viết ký sự, truyện ngắn, tiểu thuyết. Đã có truyện ngắn và ký được giải, còn tiểu thuyết cũng đã có vài lần được đưa ra xét giải nhưng đều trượt. Có thể vì văn chương tôi kém, có thể là do số phận. Tôi là nhà văn trẻ (kết nạp Hội năm 1996) nhưng tóc thì đã lốm đốm bạc, có nguy cơ trắng đến nơi".

Nói về Đặng Văn Nhưng, tất cả đồng đội của ông đều cảm thấy ngậm ngùi. Một con người tử tế như thế, một con người có tâm sáng như thế lẽ ra không nên phải gặp những tai họa như trọng bệnh cuối đời của ông. Biết làm sao, âu cũng là số giời.

Chấp nhận những điều rủi ro như số phận, đôi khi đó cũng là lối thoát. Cầu mong cho anh linh của nhà văn Đặng Văn Nhưng ở thế giới bên kia sẽ được ngậm cười. Có lẽ cũng cần phải tin rằng, nếu ta đã phải chịu những đau khổ quá mức thì có nghĩa là ta đã để lại cho con cháu ta những cơ hội tốt hơn, may mắn hơn vốn có. Bởi lẽ, không có sự hy sinh nào, không có sự tuẫn nạn nào là vô nghĩa cả

.
.