Cái kết đắng của điệp viên hai mang

Thứ Năm, 21/03/2019, 16:30
Khôn khéo, cực kỳ khôn khéo, đầy mánh khóe và luôn luôn tỉnh táo… đó là những yêu cầu bất di bất dịch đối với bất kỳ điệp viên hai mang nào. Song, cho dù luôn tâm niệm được điều đó, thảm họa vẫn có thể sẵn sàng ập xuống.


Robert Hanssen, một trong những điệp viên hai mang nổi tiếng nhất trong lịch sử phản gián quốc tế cận đại, hiểu rất rõ rằng không có gì là hoàn hảo. Bất chấp việc đã tìm mọi cách để che giấu thân phận, ông ta cũng chỉ có thể bảo đảm an toàn cho chính mình được 15 năm.

Tiền không phải là tất cả

Ngày 18-2-2001, công viên Foxstone, hạt Fairfax, bang Virginia (Mỹ). Một người đàn ông tay xách cặp, tiến đến một chiếc cầu gỗ trong khuôn viên. Nhìn quanh, không thấy ai, ông ta nhét chiếc cặp xuống dưới trụ cầu. Rồi sau đó, đi qua một cây cột điện phía ngoài công viên, ông ta để lại một ám hiệu nhỏ bằng viên phấn trắng giấu trong tay.

Không lâu sau, có người đến lấy chiếc cặp khỏi trụ cầu. Gần như đồng thời, ở một địa điểm khác, 50.000 USD được đặt vào chỗ quy định quen thuộc. Nhưng tối đó, trở về nhà, người đàn ông ấy - Robert Hassen, đã thấy các nhân viên Cơ quan điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) đợi sẵn mình, để đưa đi.

Hanssen ngày sập bẫy.

Giá trị của những thông tin mà Hanssen bán cho phía bên kia - KGB (Ủy ban An ninh quốc gia - cơ quan tình báo trung ương của Liên Xô) ước tính trị giá lên tới hàng trăm tỷ USD. Thế nhưng, thật kỳ lạ, tổng số tiền Hanssen thu về qua chừng ấy phi vụ trót lọt, suốt chừng ấy năm, lại chỉ vỏn vẹn 1,4 triệu USD.

Điều này có thể được lý giải thông qua một bức thư Hanssen gửi KGB, trong đó nói rõ: "Từ năm 14 tuổi, tôi đã quyết định sẽ đi theo con đường này (nghĩa là trở thành một điệp viên hai mang). Ông ta xem những thử thách và cạm bẫy của công việc ấy như là một đam mê, chứ không chỉ là sự thúc giục của lòng tham hay nhu cầu vật chất.

Hanssen chưa từng phô trương. Ông ta sống một cuộc sống bình dị cùng gia đình trong một ngôi nhà đơn giản, đi một chiếc xe hơi bình thường. Ông ta hoàn toàn xa lạ với những sự hưởng thụ xa xỉ.

Song, 15 năm ấy, ông ta là một trong những quân bài phản gián chủ chốt của KGB, và những thông tin mà ông ta đánh cắp gây những hậu quả khôn lường đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Kẻ luôn luôn chủ động

Câu chuyện bắt đầu vào sáng 4-10-1985, một lá thư đề ngày 1-10, không có tên người gửi, đến hòm thư nhà riêng Đại tá KGB Viktor M.Degtyar - người đang hoạt động dưới lớp vỏ tùy viên ngoại giao tại bang Virginia. 

Bên trong lớp phong bì đầu, còn một phong bì khác, đề dòng chữ: "Không được mở. Hãy chuyển bức thư này cho Victor I.Cherkashin (sếp phản gián của KGB)". 

Degtyar đã làm đúng như vậy, và Cherkashin đọc được những dòng sau: "Kính gửi ngài Cherkashin. Sắp tới, tôi sẽ gửi một thùng tài liệu cho ngài Degtyar. Nó bao gồm những thông tin tuyệt mật của cộng đồng tình báo Mỹ, và đều là bản gốc để các ngài có thể dễ dàng kiểm chứng tính xác thực. Hãy xem xét lợi ích lâu dài của chúng ta, đừng để bị tác động bởi ngoại cảnh.

Từ những gì được biết, tôi tin rằng một sĩ quan giàu kinh nghiệm như ngài có thể xử lý vấn đề này một cách đúng đắn. Tôi cũng tin rằng số tài liệu đó xứng đáng với 100.000 USD".

Vô cùng "hào phóng", Hanssen còn "khuyến mại" cho KGB một thông tin vô giá: Ba điệp viên của họ - Sergei Motorin, Valeriy Martinov và Boris Yuzhin - đã trở mặt, làm việc cho CIA. Ba người này, sau khi KGB nhanh chóng kiểm tra thông tin, đã lập tức bị trừng phạt vì tội làm gián điệp cho Mỹ.

Hanssen (vẫn còn là người vô danh trong bức thư đó), khẳng định sẽ không bao giờ tiết lộ thân phận thật của mình, cũng như sẽ không bao giờ gặp một điệp viên Liên Xô nào. Ông đòi hỏi sự tuân thủ tuyệt đối với những sự sắp xếp về thời gian và địa điểm liên lạc để "đối tác" đến lấy tài liệu và trả tiền.

Song, chừng đó là đủ để Cherkashin đặt niềm tin. Một người có thể biết đến ông - vị sếp tình báo ẩn thân rất kỹ trong vai trò nhân viên Đại sứ quán Liên Xô ở Washington, và lại chứng minh được "thiện chí" một cách thuyết phục như vậy, rõ ràng là "mỏ vàng" xứng đáng để mạo hiểm. 

11 ngày sau, KGB nhận được thùng tài liệu, được đặt ở khu vui chơi trong công viên Nottaway. Đó quả thật đều là những thông tin quý hơn vàng. 50.000 USD được trả ngay, và "người vô danh" (mà KGB đặt mật danh là "Ramon" hoặc "P") xác nhận rằng ông ta đã nghiên cứu KGB trong một thời gian dài, đủ để biết phải liên lạc với ai, qua những phương thức bảo đảm an ninh như thế nào.

Có điều, sau này, như sự khai nhận thành khẩn của "P", ông ta đã để lộ bí mật ngay từ thời điểm ấy. Bị vợ bắt gặp đọc thư phản hồi của KGB dưới tầng hầm và bị nghi ngờ ngoại tình, "P" đành thú nhận rằng mình làm việc cho KGB, để lấy tiền trang trải cho gia đình (có 6 đứa con đang ở độ tuổi ăn học).

Hanssen thuyết phục được vợ (Bonnie) rằng mình chỉ cung cấp những thông tin "vô giá trị", song lại không ngăn được vợ nói chuyện này với anh trai - Mark Wauck, cũng là một nhân viên FBI. Điều kỳ lạ là cho dù Wauck đã báo cáo, FBI vẫn không có động thái nào đáng chú ý.

Đoạn kết của một "huyền thoại"   

Vậy "Ramon" hay "P" thực sự là ai?

Robert Philip Hanssen, sinh ngày 18-4-1944 tại Chicago, trong một gia đình có bố là cảnh sát. Sùng đạo, đam mê truyện trinh thám, lịch thiệp, hòa nhã, chưa từng to tiếng với ai…, những người hàng xóm đánh giá Hanssen là mẫu đàn ông của gia đình điển hình.

Thời trẻ, tốt nghiệp đại học, có bằng kỹ sư hóa học, cử nhân tiếng Nga và cả chứng chỉ nha sĩ, Hanssen vẫn tiếp tục học lên thạc sĩ quản trị kinh doanh. Đã từng làm việc ở một công ty kiểm toán, rồi làm điều tra viên chống tham nhũng ở Sở Cảnh sát Chicago, đến năm 1976, Hanssen chuyển sang FBI. 

Từ năm 1978, Hanssen trở thành đặc vụ phản gián, phụ trách việc lôi kéo, chiêu nạp các điệp viên Liên Xô hoạt động ở Mỹ. Đến năm 1987, Hanssen trở thành lãnh đạo cấp phó phòng, được quyền tiếp cận với toàn bộ các tài liệu chống gián điệp của CIA, FIB cũng như các cơ quan tình báo Mỹ khác.

Kể từ đó, tiến trình hình thành "thảm họa tình báo tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ" (theo trang History) chính thức "vào guồng". 

Chiếc cầu định mệnh trong công viên Foxstone

Thậm chí, kể cả khi FBI nghi ngờ rằng trong hàng ngũ của mình có "một con chuột chũi" (từ lóng để chỉ điệp viên hai mang) cỡ bự, tiến trình điều tra vẫn giậm chân tại chỗ cho đến tận cuối năm 1998. Cơ may hé lộ, khi FBI chi 7 triệu USD mua tài liệu (bao gồm cả các cuốn băng ghi âm) của một điệp viên KGB "quay đầu". 

Trong cuốn băng đó, giọng nói của một người mang mật danh "Ramon" rất quen với đặc vụ Michael Waguespack. Một đặc vụ khác, Bob King, cùng nghe, và nhận ra nguyên một câu trích dẫn lời tướng G.Patton đã được Hanssen thốt lên trước đây, với cùng ngữ điệu.

Cái bẫy được giăng ra từ từ. Hanssen tiếp tục được thăng cấp, điều về Tổng hành dinh. Một đặc vụ trẻ, Eric O'Neil, được cài vào làm trợ lý theo dõi Hanssen. O'Neil vừa là một tín đồ Thiên Chúa giáo ngoan đạo, vừa rất giỏi tin học. 

Song, chiếm được thiện cảm, mà O'Neil vẫn không có cơ hội tiếp cận máy tính cá nhân của Hanssen, khi "Ramon" luôn cầm theo nó bên người. Phải đích thân cấp trên FBI dàn dựng vở kịch rủ Hanssen xuống tầng hầm có việc, O'Neil mới có được vài chục phút ít ỏi để phá mã, tải toàn bộ dữ liệu trong chiếc máy tính ấy ra đĩa.

Điều phải đến cuối cùng cũng đến. Hanssen sa lưới sau chuyến đi đến công viên Foxstone, với những bằng chứng không thể chối cãi. Thất thế suốt 15 năm trong cuộc chiến phản gián với Liên Xô (và sau đó là Nga), rốt cuộc, ngành an ninh Mỹ cũng đã bít lại được những lỗ hổng chết người trong hệ thống của mình.

Và Hanssen, người cẩn thận đến từng chi tiết, người tưởng như không thể bị bại lộ, cuối cùng cũng đã thua trong trò chơi nguy hiểm mà ông ta dấn thân.

* Gần như hoạt động song song với Robert Hanssen, còn một lá bài phản gián khác cũng "đầu quân" cho KGB, làm nghiêng ngả nền an ninh Hoa Kỳ bởi tiết lộ các thông tin tuyệt mật: Aldrich Hazen Ames. Song, Ames chỉ giữ bí mật được 9 năm (1985 - 1994).  

* Ngay sau khi Hanssen bị bắt, Mỹ trục xuất hơn 50 nhân viên ngoại giao Nga. Tổng cộng, Hanssen đã cung cấp cho KGB hơn 6.000 trang tài liệu tuyệt mật.

* Nhưng vấn đề không nằm ở những con số. Sau Hanssen, FBI phải rà soát lại toàn bộ nhân sự trong khâu phản gián của mình. Và với những gì Hanssen đã tiết lộ, các "đại kế hoạch" sử dụng công nghệ tiên tiến và vô cùng đắt đỏ của NSA (Cơ quan An ninh quốc gia), CIA hay FBI, nhằm cài đặt thiết bị nghe lén, đánh cắp thông tin từ các cơ quan Liên Xô đều bị vô hiệu hóa. Chưa kể, mạng lưới điệp viên Mỹ tại Liên Xô, suốt 15 năm ấy, liên tục thất bại khi bị giáng những đòn nặng nề…

Robert Philip Hanssen.
Đông Quân
.
.