Cái chết khó hiểu của những người nổi tiếng: tình cờ hay không tình cờ?

Thứ Sáu, 11/06/2010, 09:22
Như thể tình cờ bỗng nhiên có một cỗ xe chở đầy hàng hóa xuất hiện chềnh ềnh ngay trước ôtô của Tổng thống Mubanda. Đành phải phanh xe lại. Cơn mưa rào vừa mới tạnh, không khí cực kỳ oi ả và vì thế, lớp mành cửa sổ ôtô đành phải cuốn vào nên công việc của sát thủ trở nên đơn giản hơn nhiều. Hắn chỉ cần lại gần ôtô và bấm cò súng, may thì trúng ngay...

Hắn cũng biết Tổng thống Mubanda là người có số rất "hên": suốt 21 năm ở trên đỉnh cao quyền lực quốc gia, ông ta, kẻ vừa rất sùng tín ở thần thánh dân tộc, vừa ưu ái những đồng minh da đen nhưng lại trung thành với các ông chủ thực dân da trắng, đã phải đối mặt với hàng chục vụ mưu sát nhưng lần nào cũng may mắn thoát chết. "Tuy nhiên, lần này thì không thể thoát khỏi sự trừng phạt của công lý" - sát thủ tuổi vừa đôi mươi nghĩ và nhắm mắt bóp cò… Câu chuyện này có lẽ có thể trở thành một phần nội dung của một bộ phim hành động không tồi…

Xe rơm định mệnh

Đã có một câu chuyện tương tự nhưng xảy ra cách thời đại của chúng ta những… 400 năm tại Paris! Ngày 14/5/1610, trong những tình tiết tương tự, vua Pháp Henri IV (1553-1610) đã bị một tín đồ Thiên chúa giáo cuồng tín hạ sát. Đó chính là ông vua từng hứa sẽ làm cho mỗi một người dân nghèo có được một con gà bỏ vào nồi mỗi ngày chủ nhật. Đó cũng chính là ông vua mà hàng thế kỷ sau nhân dân Pháp còn hát tụng ca: "Đức vua Henri Đệ Tứ vạn tuế, Đức vua Henri Đệ Tứ vạn tuế, Đấng tài cao đức trọng, uống rượu hay, đánh giặc giỏi, đại hào hoa…".

Ngày thứ sáu 14/5, nhà vua quyết định tới kho vũ khí để kiểm tra những loại vũ khí mới trước khi bùng nổ cuộc chiến với Tây Ban Nha. Trong xe ngựa cùng với vua còn có công tước Jean Louis de Nogaret de La Valette duc d'Epernon (1554-1642) và công tước Hercule de Rohan duc de Montbazon (1568-1654). Bên cạnh là các lính ngự lâm cưỡi ngựa đi tháp tùng. Tuy nhiên, ngay cả đoàn bộ hạ đông đảo này cũng đã không giúp được ông vua tốt tính. Xe chở vua lúc đó đã đi vào một con đường nhỏ mà ở cuối đường tự nhiên xuất hiện một xe chở cỏ to đùng chắn ngang. Cũng rất tình cờ là lúc đó các tấm mành làm bằng da trên xe lại để ngỏ. Và cũng rất tình cờ là ở đoạn đường đó, khi xe chở vua Henri dừng lại, tự nhiên có mặt kẻ cuồng tín Thiên chúa giáo Franois Ravaillac (1578-1610), vốn rất căm thù nhà vua, đang cầm dao găm.

Số là, tên sát thủ này chỉ biết điểm tới cuối cùng của nhà vua là kho vũ khí nhưng không biết vua sẽ đi tới đó theo lộ trình nào. Y đã gặp may khi tình cờ trông thấy xe nhà vua dừng lại trong con phố nhỏ và ngay lập tức đã lao tới phía xe, rút dao đâm thẳng vào ngực nhà vua. Trước đó vài năm, vua Henri IV cũng đã bị một lần mưu sát tương tự: khi nhà vua cúi người tiếp đám cận thần tới chào đón ông, kẻ sát nhân đã đâm dao vào ông nhưng lưỡi dao đã không đâm được vào ngực mà trượt qua mặt, chỉ làm ông gãy răng - một cái giá quá nhỏ để giữ được mạng sống. Thế nhưng, lần này, cú đâm của sát thủ đã chính xác và nhà vua chỉ kịp kêu lên: "Ta đã bị thương" rồi tắt thở.

Ở thế kỷ XVII, những người chịu trách nhiệm điều tra vụ ám sát vua Henri IV cũng ít tin vào một chuỗi những yếu tố tình cờ của tội ác đó như các điều tra viên của thời đại chúng ta. Vì thế, sát thủ Ravaillac đã bị tra hỏi một cách đầy định hướng. Nhưng y ngay cả khi bị tra tấn dữ dội cũng nhất mực khai rằng y hành động một mình và không hề nói ra tên họ của những kẻ đã thuê y ám sát nhà vua. Kéo dài thời gian điều tra một vụ việc nghiêm trọng và có sức chấn động lớn đối với xã hội như vụ ám sát vua Henri là điều mà các cơ quan an ninh hoàng gia Pháp ngày đó, cũng như các cơ quan an ninh hiện đại đối với các vụ việc tương tự, không hề muốn. Vì thế nên sát thủ Ravaillac đã bị tử hình ngay sau khi bị bắt hai tuần. Dẫu vậy, những đồn đại về một âm mưu sâu rộng hơn nhằm sát hại vua Henri IV vẫn không hề chấm dứt…

Ai đó khi ấy đã nói rằng, dính líu tới vụ ám sát nhà vua có cả hoàng hậu Marie de Médicis (1575-1642)… Ai đó lại cho rằng, chính công tước Jean Louis de Nogaret de La Valette duc d'Epernon đầy quyền thế, người luôn khao khát được ngồi trên ngai vàng, đã bí mật thuê sát thủ… Thậm chí còn xuất hiện cả một phụ nữ tên là Jacqueline d'Escoman sẵn sàng đứng ra làm chứng cho một âm mưu đảo chính nhưng chị ta đã bị mau chóng kết án chung thân vì một lời kết tội không hề dính líu gì tới vụ ám sát vua Henri IV. Còn Thượng thư của triều đình, công tước Maximilien de Béthune (1560-1641) và giáo chủ khét tiếng Armand-Jean du Plessis, duc de Richelieu (1585-1642), sau đó đã đưa ra lời ám chỉ rằng, vụ ám sát vua Henri IV là do người Tây Ban Nha chủ mưu.

Katyn đen đủi

Tất nhiên, là các vụ tử nạn của những nhà lãnh đạo quốc gia luôn luôn làm nảy sinh ra vô số những hoài nghi và đồn đại. Ngay cả trong những trường hợp không phát hiện được bất cứ một chứng cớ trực tiếp nào. Chính vì thế không có gì lạ nếu đã xuất hiện quá nhiều những giả thuyết về các nguyên nhân có thể đã dẫn tới cái chết thảm khốc ngày 10/4/2010 của Tổng thống Ba Lan Lech Aleksander Kaczynski.

Nói một cách công bằng, đã có quá nhiều yếu tố ngẫu nhiên và đầy huyễn hoặc ẩn sau tai nạn hàng không này, bởi lẽ  ông Kaczynski đã bay không phải tới một nơi tình cờ nào mà là tới Katyn gần Smolensk, địa danh đã gắn bó quá bi thảm với lịch sử nước Ba Lan trong thế kỷ XX, nơi mai táng nhiều sĩ quan Ba Lan trong chiến tranh thế giới thứ hai. Ngày 10/4/2010, trong dịp kỷ niệm 70 năm vụ việc các sĩ quan Ba Lan bị bắn chết, chiếc máy bay Tu-154 của Tổng thống Ba Lan đã tới Smolensk…

Trên máy bay có 7 thành viên phi hành đoàn và 89  hành khách, chủ yếu là những gương mặt tinh hoa nhất của nền chính trị Ba Lan hiện đại, trong đó có vợ chồng Tổng thống Lech Kaczynsky. Phái đoàn đặc biệt này của phía Ba Lan muốn tới dự lễ tưởng niệm những người đã chết ở Katyn. Phía Nga cũng đã có dự định tham gia lễ tưởng niệm này. Đây có thể trở thành một buổi lễ "làm lành" giữa hai dân tộc Nga và Ba Lan, một bước khép lại quá khứ hướng tới tương lai. Trong bầu không khí chính trị của hai nước hiện nay, một sự kiện như thế có thể làm nảy sinh câu hỏi: Liệu có ai không thích việc hai dân tộc láng giềng này lại đoàn kết với nhau không?

Trong vụ tai nạn thảm khốc trên lại xuất hiện một chuỗi những sự tình cờ đến phi lý. Vì sao, bất chấp mọi quy tắc thông thường, quá nhiều gương mặt của giới tinh hoa chính trị Ba Lan lại cùng một lúc ngồi trên một chiếc máy bay như thế? Tại sao trong những điều kiện thời tiết khó khăn và phức tạp như vậy ở Smolensk, phi hành đoàn đầy kinh nghiệm của Tổng thống Ba Lan vẫn quyết định mạo hiểm hạ cánh mặc dù biết mình đang chở những hành khách VIP như vậy? Như định mệnh, ngay ở nơi đã từng mai táng những người sĩ quan Ba Lan 70 năm trước lại tử nạn hàng loạt những cháu con danh giá của họ… Nói tóm lại, nếu có những vụ tai nạn hàng không ẩn chứa những biểu tượng tang thương nhất thì có lẽ Smolensk là thí dụ hàng đầu…

Nguyên lý domino

Thật lạ nhưng một số tình tiết giống như trong vụ mưu sát vua Henri IV đã lặp lại vào ngày 22/11/1963 trong vụ ám sát Tổng thống Mỹ thứ 35 John Kennedy (1917-1963). Hôm đó, cũng vì thời tiết nực nội ở Dallas nên chiếc xe Limousine chở vợ chồng Tổng thống đã để hở mui, một tình tiết giúp cho công việc của sát thủ Lee Harvey Oswald (theo giả thuyết chính thức) trở nên dễ dàng hơn nhiều. Hai ngày sau đó, Oswald trong khi được dẫn giải sang một nhà tù khác, đã bị một kẻ tên là Jacob Leon Rubenstein (Jack Ruby, 1911-1967), chủ một sàn nhảy ở Dallas, bắn chết trước sự bàng quan toàn phần của nhóm canh giữ kẻ phạm tội.

Nữ phóng viên Dorothy Kilgallen, người từng trò chuyện trực tiếp với Jack Ruby hơn một giờ liền, cũng đã bị đột tử một cách bí ẩn - lý do chính thức là do uống thuốc quá liều… Jack Hanter, người sau khi Oswald chết đã tới ngay căn phòng của tên này, cũng bị bắn chết tại đồn cảnh sát - lý do chính thức: vì một lẽ gì đấy khẩu súng ngắn của viên cảnh sát ở đó đã bị cướp cò… Một nhà báo khác tên là Jim Koser, đã cùng Hanter xem xét căn hộ của Oswald, cũng bị bắn chết tại tư gia. Ngay cả người lái xe taxi, từng chở Oswald vào ngày xảy ra vụ ám sát Kennedy, cũng đã bị giết chết. Nhiều nhân chứng gián tiếp hay trực tiếp liên quan tới vụ ám sát Tổng thống Mỹ thứ 35 cũng dần dà bị chết hoặc bị giết chết trong những tình huống bí ẩn, không thể nào lý giải được rành rẽ.

Rốt cục là, cũng như Ravaillac trước kia, Oswald đã bị buộc tội là sát thủ "tự biên tự diễn" và những dòng tiểu sử đầy rối lẫn và kỳ dị của anh ta đã được coi là một lý lẽ biện minh cho tâm thần bất ổn của anh ta. Và thế là cái chết bất đắc kỳ tử của một Tổng thống Mỹ được quần chúng ưa chuộng, cũng như của ông vua Henri IV trước kia, tiếp tục sản sinh ra vô số giả thuyết thực hư lẫn lộn, bởi lẽ tình trạng "hỗn quân, hỗn quan" như thế hình như có lợi cho không ít kẻ muốn "đục nước béo cò"

Phạm Lãi
.
.