Các tổ chức khủng bố hồi giáo: Những hung thần cực đoan

Thứ Tư, 23/07/2014, 15:56

Các nhóm Hồi giáo cực đoan hiện đang gieo rắc những nỗi sợ hãi kinh hồn không chỉ ở châu Phi và Trung Đông... Thời gian gần đây, nổi lên nhất trong lực lượng này là tổ chức khủng bố Sunni mang tên Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant (ISIS).

ISIS

Dù mới chỉ xuất đầu lộ diện cách đây hơn một năm nhưng tổ chức khủng bố Sunni mang tên Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant (ISIS) chỉ trong một thời gian ngắn đã xác định được một cách rành rẽ ranh giới ảnh hưởng của mình và nắm quyền kiểm soát  hàng loạt khu vực. Những yêu sách tư tưởng của tổ chức này tập trung trong chính cái tên của nó với mục tiêu là thành lập một nhà nước thần quyền theo dòng Sunni cực đoan bao trùm lên các vùng lãnh thổ của Syria, một phần Iraq, một phần Lebanon và những vùng lãnh thổ ngoại vi của khu vực tự trị Palestine và Jordan. Ở thời điểm hiện nay, do các hoạt động của ISIS mà Iraq đang có nguy cơ bị tan rã thành những vùng lãnh thổ thù địch và xung đột.

ISIS hiện được đánh giá là còn cực đoan hơn cả Al-Qaeda. Tổ chức này được tài trợ chủ yếu nhờ các cá nhân từ các nước vùng Vịnh như Qatar và Arab Saudi. Những nguồn tài trợ khác cho ISIS được lấy từ các điểm khai thác dầu mỏ ở miền Bắc Syria và những hoạt động tống tiền thường trực.

Theo đánh giá của các chuyên gia, ISIS hiện có tới gần 10 nghìn tay súng. Lực lượng ISIS được tập trung dày đặc nhất tại nơi đang diễn ra những đụng độ vũ trang giữa cộng đồng Sunni thiểu số với những người theo giáo phái Shiite đa số ở Iraq. Tham gia các hoạt động vũ trang này có khá đông những người ủng hộ chiến tranh giáo phái và cải đạo. Ngày 29/6/2014 vừa qua, ISIS tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo mới trên các vùng lãnh thổ chiếm được từ tỉnh Diyala của Iraq đến Aleppo của Syria. ISIS cũng đã bỏ tên gọi “Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant” và tuyên bố từ giờ sẽ mang tên là “Nhà nước Hồi giáo” do Abu Bakr al-Baghdadi là “caliph” của nhà nước mới, là lãnh đạo của người Hồi giáo ở khắp mọi nơi.

Cần phải nói rằng sức mạnh quân sự của ISIS không phải tự nhiên nảy nòi từ không đến có mà đã được tập hợp, nuôi dưỡng bởi chính các cơ quan an ninh tình báo Mỹ và đồng minh. Tổ chức khủng bố này đã từng đóng vai trò quan trọng trong cuộc nội chiến ở Syria, đứng về phía phe đối lập chống lại chính thể của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên, sau một thời gian, những tư tưởng cực đoan quá đà đã khiến ISIS lại quay súng bắn vào chính những đồng minh cũ là các nhóm đối lập ôn hòa ở Syria và cả lực lượng Al Nusra của Al-Qaeda.

Những tiết lộ thông tin ít ỏi cũng đã đủ cho thấy ISIS và chiến dịch quân sự lớn vừa được phát động ở Iraq và một phần ở Syria đã được chuẩn bị và điều phối từ trụ sở CIA ở Langley, bang Virginia cũng như các căn cứ khác của CIA và Lầu Năm Góc. Hành động này được coi như giai đoạn tiếp theo trong những nỗ lực tạo nên tình trạng hỗn loạn trên thế giới với tâm điểm ở quốc gia lớn thứ hai toàn cầu về khai thác “vàng đen”. Nó cũng có mục tiêu là giảm những nỗ lực ổn định tình hình của chính quyền Damascus...

Thủ lĩnh hiện nay của ISIS, Abu Bakr al-Baghdadi, được đánh giá là một nhà chiến lược cao mưu. Theo Đài RFI, cách hành xử quen thuộc của y là nói ít làm nhiều, lặng lẽ tiến hành các chiến dịch giết chóc mà không cần đưa ra nhiều lời tuyên bố với truyền thông. Y đã dày công xây dựng những huyền thoại về mình để kích động giới trẻ vốn mang sẵn trong mình tinh thần bất mãn với hiện tại.

Boko Haram

Theo bản ngữ Hausa ở Nigeria, Boko Haram có nghĩa là “giáo dục phương Tây là tội lỗi”. Boko Haram bắt đầu nổi lên từ năm  2009 và mau chóng trở thành lực lượng giết người tàn bạo ở Nigeria. Nhóm này truyền bá tư tưởng thù địch phương Tây. Chúng bị coi là phiến quân vì đã gây ra hàng loạt các vụ bắt cóc, giết người và đánh bom trường học, nhà thờ... làm hàng nghìn người chết từ năm 2003 tới nay. Chúng hoạt động vũ trang chủ yếu tại khu vực miền Bắc Nigeria theo Hồi giáo và muốn thành lập một Nhà nước Hồi giáo ở Nigeria. Thảm trạng đói nghèo ở miền Bắc đất nước giúp cho các thủ lĩnh Boko Haram bớt khó khăn hơn trong việc lôi kéo các thành viên mới. Lực lượng an ninh Nigeria không đủ khả năng để trấn áp tổ chức khủng bố này. Các tín đồ của Boko Haram được  huấn luyện trong một môi trường khắc nghiệt, họ sẵn sàng dâng hiến bản thân để phá hoại chính quyền nhằm tạo lập một nhà nước mới.

Al-Shebab

Tên đầy đủ của tổ chức khủng bố này là Harakat al-Shebab Mugahid, tức là “Phong trào Chiến sĩ Thanh niên). Đây là một nhóm phiến quân Hồi giáo tại Somalia, nảy nòi trong chính khói lửa của cuộc nội chiến đẫm máu tại đây trong khoảng thời gian giữa những năm 2004 - 2006. Ở thời điểm đó Somalia đã ở trong tình trạng nội chiến gần 15 năm. Mục tiêu của tổ chức khủng bố này là thành lập một quốc gia Hồi giáo toàn tòng ở khu vực vùng Sừng châu Phi. Tư tưởng Hồi giáo cực đoan của Al-Shebab không biết tới biên giới quốc gia. Hiện nay lực lượng này tiến hành các vụ khủng bố ở khắp khu vực Đông Phi. Năm 2013 tại thủ đô Nairobi của Kenya, chính Al-Shebab đã tiến hành vụ tấn công  một trung tâm thương mại làm chết hơn 60 người. Al-Shebab hiện đang kiểm soát một khu vực lãnh thổ ở trung và nam Somalia. Các thủ lĩnh của tổ chức này công khai tuyên bố rằng chúng phối hợp chặt chẽ với Al-Qaeda trong việc huấn luyện các tay súng. Ngoài ra, Al-Shebab còn có quan hệ với các nhóm cực đoan Boko Haram.

Al-Qaeda

Al-Qaeda từng là khởi thủy của phong trào khủng bố thánh chiến  (Jihad) trên quy mô toàn cầu. Cái tên của nó có nghĩa là “căn bản” hay “cơ sở”. Chính Al-Qaeda đã là nhà tổ chức sau hậu trường gây nên vụ khủng bố nhằm vào hai tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11/9/2001. Mục tiêu của mạng lưới khủng bố này là thành lập một quốc gia thần quyền thống nhất,  bao trùm lên tất cả các nước và khu vực Hồi giáo hiện nay. Sau khi trùm khủng bố Osama bin Laden bị lực lượng đặc nhiệm Mỹ truy sát, Al-Qaeda được đặt dưới sự chỉ huy của  Ayman al-Zawahiri, người Ai Cập. Hiện nay mạng lưới khủng bố này nằm trải rộng ở nhiều quốc gia hoạt động chủ yếu độc lập với nhau. Tại Iraq, chính từ Al-Qaeda đã tách ra một bộ phận cực đoan hơn và trở thành nòng cốt cho lực lượng khủng bố ISIS.

Mặt trận An Nusra

Lực lượng này được coi là một chi nhánh của mạng lưới khủng bố toàn cầu Al-Qaeda. Tên của nó có nghĩa là “Mặt trận hỗ trợ nhân dân Syria”. Nusra là một trong những nhóm quan trọng nhất của phe nổi dậy đối lập ở Syria chống lại chính thể của Tổng thống Al-Assad. Mục tiêu của nó trước hết là thành lập một nhà nước Hồi giáo toàn tòng ở Syria  rồi ở khu vực Levant, tức là ở tất cả các quốc gia nằm trên bờ đông Địa Trung Hải. Theo đánh giá của các chuyên gia,  Nusra hiện nay có từ năm nghìn tới bảy nghìn tay súng. Lực lượng đó chủ yếu đang hoạt động ở miền Bắc Syria.

Ansar al-Shari’a

Tổ chức khủng bố này hoạt động chủ yếu ở Libya và Tunisia. Tên của nó có nghĩa là “Những người ủng hộ luật pháp Hồi giáo”. Một số nhóm Ansar al-Shari’a với quân số ít hơn hiện đang có mặt ở một loạt các quốc gia Hồi giáo khác của vùng Trung Cận Đông và Bắc Phi. Mục tiêu của chúng là đưa vào cuộc sống những chuẩn mực pháp lý Hồi giáo.  Trung tâm của Ansar al-Shari’a là thành phố Bengazi. Tổ chức này đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công lãnh sự quán Mỹ tại Bengazi ngày 11/9/2012, làm chết bốn công dân Mỹ, trong đó có đại sứ Mỹ tại Libya. Ansar al-Shari’a có thể có mối quan hệ với Al-Qaeda. Tuy nhiên, đại diện của tổ chức này lại phủ nhận thông tin trên.

Hezbollah

Theo tiếng Aran, Hezbollah có nghĩa là “Đảng của Thượng đế”. Đây là tổ chức chính trị, vũ trang của người Lebanon theo giáo phái Shiite, được thành lập năm 1982 nhằm phản ứng trước sự kiện Israel xâm lược Liban để đẩy Tổ chức Giari phóng Palestine (PLO) của nhà lãnh đạo Yasser Araphat ra khỏi lãnh thổ lEBANON. Hezbollah được thành lập từ sự hợp nhất ba tổ chức dân quân của người Hồi giáo dòng Shiite tại Liban là Phong trào Hồi giáo Amal, tổ chức Daw’ah và tổ chức Ulema. Hezbollah được sự hỗ trợ tài chính của Iran và Syria. Hezbollah được xem như kẻ thù không đội trời chung của Israel. Lực lượng vũ trang của Hezbollah bị coi là tổ chức khủng bố ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). TạI Syria, các đơn vị Hezbollah đứng về phía quân đội của chính phủ.

HAMAS

“Phong trào kháng chiến Hồi giáo” hay HAMAS được thành lập  năm 1987. Đây  là chi nhánh Palestine của tổ chức “Những người anh em Hồi giáo”. Cùng với phong trào FATAH của người đứng đầu chính quyền tự trị Palestine, Mahmud Abbas, HAMAS là lực lượng đứng thứ hai trong những đại diện chính thức quyền lợi của người Palestine.

Khác với FATAH, HAMAS không bao giờ công nhận quốc gia Israel. Mục tiêu của phong trào này luôn là tiêu diệt nhà nước Do Thái. Để đạt mục đích đó có thể sử dụng cả những hoạt động khủng bố. Trong những năm 80 của thế kỷ trước, Israel đã bị rung chuyển bởi hàng loạt vụ đánh bom cảm tử. Từ năm 2007, HAMAS đã kiểm soát được dải Gaza, còn khu vực ảnh hưởng của FATAH lại là vùng lãnh thổ ở bờ Tây sông Jordan. Mới đây, HAMAS và FATAH đã cùng nhau thành lập chính phủ dân tộc thống nhất...

Nguyễn Hữu Huy
.
.