Bóng đá VN và chuyện một ông cò, một ông thầy, một nền bóng đá

Thứ Sáu, 20/04/2012, 17:10
Thời gian vừa qua, làng bóng ầm ĩ quanh vụ “đại gia” Sài Gòn FC quyết định trảm thuyền trưởng Lư Đình Tuấn chỉ bằng một tin nhắn cùng mối quan hệ phức tạp, khó giải mã giữa ông Tuấn với ông GĐĐH CLB Trần Tiến Đại. Chuyện riêng, rất riêng, lại mang tính chất cá nhân hai người nhưng từ đó người ta có thể nhìn, có thể ngẫm, và có thể thấu hiểu những mặt trái của một nền bóng đá mang hơi thở kim tiền.

Ông Đại lấn sân ông Tuấn?

Ông Trần Tiến Đại vốn là một cựu cầu thủ bóng đá, và khi mà bóng đá Việt Nam manh nha khoác lên mình cái áo “chuyên” thì ông Đại với khả năng ngửi mùi thời cuộc nhạy bén đã lập tức chuyển sang làm “cò cầu thủ”. Trong tư cách của một cò cầu thủ, ông Đại mang những “món hàng” châu Phi về rao bán cho các đội bóng, và “hàng” của ông Đại được đánh giá là có chất lượng hơn hẳn so với các nguồn “hàng” khác.

Để thực hiện công việc của một cò chuyên nghiệp, ông Đại có lúc biến nơi cư trú của mình thành một đại bản doanh cho các cầu thủ ngoại…trú chân. Ông thậm chí từng đích thân đưa các cầu thủ đi “tắm rửa” với lý do “tụi nó bẩn, đứng gần không chịu nổi…”.  Có lần một cầu thủ do ông Đại mang đến không may đột tử ở Đồng Nai thì cũng một tay ông Đại lo chuyện hậu sự từ A đến Z. Thế nên trong mắt các ngoại binh và trong mắt các CLB Việt Nam một thời, thì ông Đại là một cò uy tín.

Chính vì được nhìn nhận là một cò uy tín nên ông Đại sau đó được mời làm GĐĐH hết CLB này đến CLB kia, và bây giờ thì ông đang hạ cánh ở Sài Gòn FC. Trong tư cách của một GĐĐH, dĩ nhiên ông Đại là người có quyền tiên quyết trong việc điều hành nhân sự CLB. Tuy nhiên những phần việc chuyên môn như cho ai ra sân, cho ai ngồi ghế dự bị thì nó tất yếu lại không thuộc về ông, mà phải thuộc về HLV trưởng Lư Đình Tuấn. Và nếu mọi thứ cứ thế diễn ra “đúng lý thuyết” như vậy thì mối quan hệ giữa ông Đại với ông Tuấn chắc chắn xuôi chèo mát mái.

 Song thực tế, những người hiểu CLB Sài Gòn FC nói rằng ông Đại nhiều lúc vẫn hay can thiệp vào phần việc của ông Tuấn. Không phải vì ông thích thể hiện như một số các GĐĐH khác ở V.League, cũng chẳng phải vì ông không tin năng lực chuyên môn của ông Tuấn, mà vì muốn duy trì những “phi vụ làm ăn” của mình. Chẳng hạn như trận Sài Gòn FC gặp Bình Dương diễn ra cách đây chưa lâu, người ta đột nhiên thấy thủ thành số 1 Bùi Tấn Trường ngồi ghế dự bị và thủ thành dự bị có cái tên Minh Nhựt đột nhiên được ra sân. Những người hiểu chuyện nói rằng ông Đại muốn quảng cáo Minh Nhựt để đến giai đoạn chuyển nhượng giữa mùa sẽ bán cầu thủ này cho đội khác, và nếu việc mua bán trót lọt thì ông chắc chắn sẽ có hoa hồng. Mà cũng chẳng riêng gì Minh Nhựt, một số cầu thủ khác của Sài Gòn FC cũng đột nhiên được tung vào sân với mục đích “show hàng” – cái việc khiến cho một người làm chuyên môn thuần túy như ông Tuấn chắc chắn không thể hài lòng. Và đấy chính là lý do sâu xa khiến ông Tuấn phải ra đi.

GĐĐH kiêm cò Trần Tiến Đại?

Đi, vì không thể chung sống với một người vừa làm cái việc rất chính chuyên là “GĐĐH” lại vừa kiêm nghiệm luôn cái việc “cò cầu thủ” vốn là việc chính, việc làm giàu cho mình trước đây.    

Và ông Đại lấn sân ông Sỹ?

Có một sự thật là không phải đến bây giờ những việc làm của một “GĐĐH Trần Tiến Đại” mới được biết đến và bị người ta đặt nhiều nghi vấn. Cách đây gần 5 năm, ông Đại trong tư cách của một “cò cầu thủ” đơn thuần đã bất ngờ được mời về làm GĐĐH CLB hạng Nhất The Vissai Ninh Bình. Có ông Đại, Ninh Bình lập tức có thêm nhiều cầu thủ mạnh, và thế là đã vô địch giải hạng Nhất QG một cách đầy ấn tượng. Khi Ninh Bình lên chơi chuyên nghiệp, ông Đại đề nghị phải thay máu lực lượng, và đề nghị đó đã va nặng với quan điểm “phải giữ bộ khung cũ” của HLV trưởng Nguyễn Văn Sỹ. Khi những va vấp này được đặt lên bàn ông bầu Hoàng Mạnh Trường thì ông Trường sau đó lại đứng về phía ông Đại, thay vì phía ông Sỹ, và thế là không lâu sau đó ông Sỹ phải khăn gói ra đi.

Hồi ấy bầu Trường một mực tin ông Đại và cho rằng cái việc thay máu lực lượng mà ông Đại quyết chí thực hiện là vì đội bóng, chứ không phải vì mục đích cá nhân. Nhưng lạ là những cầu thủ mà ông Đại mang về thường chỉ chơi tốt, chơi tử tế trong một thời gian rất ngắn. Càng lạ hơn khi sau thời gian ngắn “chịu đá” thì các cầu thủ này thường giở trò bằng cách cố tình nhận thẻ hoặc bê trễ trong tập luyện và sinh hoạt để CLB chán nản mà phải cho đi.

Phải đến mãi sau này bầu Trường mới “hiểu ra vấn đề” và đặt nghi vấn về việc chính GĐĐH Trần Tiến Đại là tác giả của những màn trò nói trên. Trong một lần trao đổi với người viết, bầu Trường không ngại ngần cho biết: “Tôi đau đớn nhận ra anh Đại đã biến CLB Ninh Bình thành một trạm trung chuyển cầu thủ. Mỗi một cầu thủ được anh ấy đưa về Ninh Bình, rồi sau đó lại được anh ấy đưa đi đội khác chắc chắn phải trả cho anh ấy một khoản hoa hồng không nhỏ”. Kết quả là ông Trường sau đó đã sa thải GĐĐH Trần Tiến Đại, và khi sa thải rồi đã nói một câu nổi tiếng rằng: “Anh Đại đang phá bóng đá Việt Nam!”.

Có một sự trùng hợp là hai đội bóng mà ông Đại làm GĐĐH là Ninh Bình và Sài Gòn FC đều là những đội bóng của những ông bầu người Ninh Bình - những ông bầu luôn làm bóng đá theo kiểu vung tiền, vung cảm xúc vô tội vạ.

Ai phá hủy nền bóng đá?

Chuyện một ông GĐĐH vốn là một cò cầu thủ, và khi làm GĐĐH vẫn muốn kiêm nhiệm luôn cái vị thế cò để rồi va nặng với ông HLV trưởng khiến người ta phải suy nghĩ nghiêm túc. Nghĩ ở chỗ: Nếu một đội bóng cứ bị lũng đoạn bởi những ông GĐĐH kiêm “cò” như thế, để rồi việc một cầu thủ vào sân, ra sân không đơn thuần để phục vụ mục đích chuyên môn, mà chỉ để phục vụ mục đích “show hàng” thì các trận đấu bóng sẽ bị biến dạng như thế nào? Và nếu vì cò, vì những đồng hoa hồng béo bở mà các cầu thủ cứ nay đội này, mai đội khác thì những thứ giá trị nền tảng, bền vững của một CLB liệu có được định hình hay không? Sẽ là đại thảm họa nếu hình tượng một ông GĐĐH kiêm cò cầu thủ được nhân rộng và trở thành một mẫu kiếm tiền trong một thời đại bóng đá đang bị nhiễu nhương bởi đồng tiền.

“Trần Tiến Đại đang phá bóng đá Việt Nam. Muốn nền bóng đá phát triển cần phải loại ngay những người như thế” – câu nói của ông bầu Hoàng Mạnh Trường (TV. Ninh Bình) xuất hiện từ vài năm trước, nhưng đến bây giờ vẫn còn nguyên tính thời sự, và vẫn đáng để người ta suy ngẫm lắm!

Các HLV như Lư Đình Tuấn đều là nạn nhân của...

Dấu hỏi cho cầu thủ

Có một thực tế là nhiều cầu thủ ngoại do cò Trần Tiến Đại giới thiệu thường đá rất hay trong giai đoạn đầu, nhưng cứ đến giai đoạn chuyển nhượng thì lại… giở trò để đội bóng vì không chịu nổi mà phải thanh lý hợp đồng. Khi cầu thủ đã được thanh lý hợp đồng thì họ có thể dễ dàng được cò Đại mối lái cho đội khác, và sau mỗi lần mối lái như thế thì các cầu thủ lại có thêm tiền, và bản thân cò Đại cũng có thêm tiền. Chính vì nhận ra sự thật này mà nhiều đội bóng bây giờ đã cạch mặt với những cầu thủ do cò Đại giới thiệu. Và cũng chính vì vậy mà từ địa vị của một cò uy tín, cò Đại hiện nay đã và đang bị nhiều đội bóng… đề phòng.

Dấu hỏi cho báo chí

Những cầu thủ được cho là “hàng” của “cò” Trần Tiến Đại luôn được phát giá rất cao trên một bộ phận các mặt báo thể thao, kiểu như cầu thủ A, cầu thủ B được đội bóng A, đội bóng B trả giá cả chục tỷ đồng. Sự thực thì phần lớn những cái giá ấy đều là giá ảo – cái ảo mà nhờ nó đội bóng nào thực sự muốn có những cầu thủ này thường phải bỏ ra một khoản tiền…chót vót. Nhưng câu hỏi đáng phải đặt ra là một bộ phận báo chí chỉ vô tình tiếp tay cho việc… tung giá ảo, hay chính họ đã chủ động làm điều đó vì một nguồn lợi ích nào đó, đặt trong mối quan hệ với cò?

Phan Đăng
.
.