Bốn mươi năm trước và bây giờ

Thứ Hai, 11/05/2015, 08:19
Họ là bốn nữ nhà báo của Thông tấn xã Giải phóng miền Trung Trung bộ (Khu V cũ) có mặt tại thành phố Đà Nẵng ngay trong ngày 29/3/1975, ngày thành phố được hoàn toàn giải phóng.

Đó là các chị Hoàng Tuyết Trinh, Cao Tân Hòa, Lê Thị Kim Thoa và Triệu Thị Thùy - những cựu sinh viên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sau khi tốt nghiệp đã cùng hàng trăm bạn bè đồng môn khác xung phong vào miền Nam, trở thành phóng viên mặt trận của Thông tấn xã Giải phóng có mặt trên khắp các chiến trường từ Trị Thiên đến Quảng Ngãi, Bình Định, vào tận miền Đông, miền Tây Nam Bộ cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được nối liền một dải.

Nỗi đau bạn bè còn nằm lại trên rừng Trường Sơn

Học xong lớp đào tạo phóng viên ngắn hạn mang tên GP 10 của Thông tấn xã Việt Nam, ngày 16/3/1973, các chị Hoàng Tuyết Trinh, Cao Tân Hòa, Lê Thị Kim Thoa, Triệu Thị Thùy cùng hơn 140 người bạn lên đường ra mặt trận. Đoàn xe chở các cựu sinh viên ngày nào nay đã là những tân phóng viên mặt trận mới đến thành phố Vinh thì không may đã có một xe ô tô gặp tai nạn, một số bị thương phải ở lại, còn tất cả vẫn hồ hởi lên đường.

Hơn chục ngày sau, một  xe chở các phóng viên tăng cường cho Thông tấn xã Khu V lại gặp tai nạn trên đường Hồ Chí Minh, chị Cao Tân Hòa bị thương nặng, phải nằm lại Trạm xá của một binh trạm thuộc Bộ Tư lệnh 559 gần một tháng. Còn đoàn xe chở gần 100 phóng viên vào tăng cường cho Thông tấn xã Giải phóng Nam Bộ đến đoạn đường gần Atôpơ của Lào cũng gặp tai nạn. Chiếc xe chở chị Phạm Thị Kim Oanh và anh Trần Viết Thuyên bị lật, hai người hy sinh tại chỗ.

Cao Tân Hòa, người duy nhất trong đoàn phải ở lại để điều trị tại Trạm xá. Các bác sĩ kết luận “chấn thương sọ não do đổ xe, không đủ khả năng làm việc bằng trí óc, chuyển về phía sau điều trị” nhưng chị nhất định đòi đi tiếp. Hơn một tháng sau chị có mặt tại Tiểu ban Thông tấn xã Giải phóng thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy V, đóng tại Dốc Voi, thuộc tỉnh Quảng Nam.

Từ trái sang phải: Các nữ nhà báo TTX Giải phóng Khu V Hoàng Tuyết Trinh, Cao Tân Hòa, Lê Thị Kim Thoa, Triệu Thị Thùy (ảnh chụp tại chiến trường Quảng Nam năm 1974)...

Vào tới chiến trường, năm 1973 và 1974, lần lượt Hoàng Tuyết Trinh, rồi Triệu Thị Thùy được phân công về làm phóng viên Thông tấn xã Giải phóng tại tỉnh Quảng Ngãi, còn Lê Thị Kim Thoa và Cao Tân Hòa về làm phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng tại Bình Định. Các nữ phóng viên mặt trận này bám theo các đơn vị bộ đội địa phương và du kích xã tham gia các chiến dịch, viết tin, chụp ảnh kịp thời gửi về cho Thông tấn xã Giải phóng Khu V để gửi ra Hà Nội. Trong một lần tác nghiệp trên chiến trường Quảng Ngãi, phóng viên nhiếp ảnh Triệu Thị Thùy bị thương ở chân, phải quay về phía sau điều trị.

Một năm sau, các chị Hoàng Tuyết Trinh, Cao Tân Hòa, Lê Thị Kim Thoa và Triệu Thị Thùy lại có mặt trong đoàn quân tiến vào giải phóng thành phố Đà Nẵng ngày 29/3/1975. Một tháng sau, ngày 30/4/1975, họ sung sướng hòa vào niềm vui chung của cả dân tộc: giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bây giờ nhớ lại những ngày tháng gian khổ, hy sinh nhưng đầy tự hào ấy, Cao Tân Hòa không khỏi ngậm ngùi: Vì hơn 40 năm rồi, mặc dù cơ quan, anh em, bạn bè, đồng nghiệp và cả gia đình liệt sĩ Phạm Thị Kim Oanh, người bạn thân nhất của chị trong những ngày cùng học đại học và học lớp phóng viên GP 10, cố gắng đi tìm mà vẫn không thể tìm được hài cốt bạn mình và của liệt sĩ Trần Viết Thuyên.

“Những câu chuyện này cần được kể lại cho mọi người nghe”

Có lẽ nhiều người còn chưa biết câu chuyện về bốn nữ nhà báo của Thông tấn xã Giải phóng Khu V trên đây và nữ phóng viên nhiếp ảnh tại chiến trường Nam Bộ Nguyễn Thị Phương Thảo cùng học lớp GP 10 năm 1972  ấy đã được đưa vào phim và giáo trình dạy báo chí ở Mỹ.

Năm 2000, nhân dịp 25 năm ngày Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam, bà Chistine Martin, Chủ nhiệm Khoa Báo chí - Trường Đại học Tây Virginia và bà Maryane Reed, Phó Giáo sư dạy về Truyền hình tại Khoa Báo chí của trường đại học này đã mời bảy cựu nữ phóng viên Mỹ tham gia một cuộc hội thảo để nói về hoạt động tác nghiệp của họ trong chiến tranh Việt Nam.

...và tại TP Hồ Chí Minh năm 2015.

Từ cuộc hội thảo này, một câu hỏi được đặt ra: Trong chiến tranh Việt Nam có nữ nhà báo Việt Cộng nào tham gia tác nghiệp hay không và cuộc sống của họ nay ra sao? Câu hỏi đó đã thôi thúc bà Chistine Martin và bà Maryane Reed hai lần sang Việt Nam và qua Thông tấn xã Việt Nam năm 2000 và 2001,  hai bà đã tìm gặp 5 nữ nhà báo  từng có mặt tại chiến trường miền Nam nói trên để tìm hiểu về hoạt động tác nghiệp của họ trong chiến tranh. Những câu hỏi hai bà đặt ra cho các nữ phóng viên chiến tranh của Mỹ nay được lặp lại đối với các nữ phóng viên chiến trường Việt Nam.

Câu hỏi thì chung nhưng những câu trả lời mà Chistine Martin và Maryane Reed nhận được thì khác nhau ghê gớm. Những nữ phóng viên chiến trường của Mỹ sang Việt Nam hầu như thuần túy vì lý do nghề nghiệp. Một số không nhiều lắm, muốn tìm hiểu sự thật về chiến tranh Việt Nam xuất phát từ quan điểm chính trị riêng. Cũng có người chỉ muốn đến Việt Nam như tìm đến một vùng đất lạ, như đi du lịch để thỏa mãn trí tò mò...

Ngược hẳn lại với các câu trả lời của các nữ phóng viên chiến trường của Mỹ, những câu trả lời của các nữ phóng viên chiến trường Việt Nam mà Chistine Martin và Maryane Reed đã gặp chỉ có một: “Chúng tôi tình nguyện ra mặt trận như những người lính tham gia vào cuộc chiến đấu của toàn dân tộc vì độc lập, tự do, thống nhất và hòa bình…”.

Những lời lẽ thoạt nghe có vẻ như to tát và công thức ấy được thể hiện một cách giản dị và chân thực qua từng lời kể của những nữ phóng viên chiến trường của Việt Nam đã khiến cho Chistine Martin và Maryane Reed thật sự xúc động và không ít lần phải nghẹn ngào. Sau này trở về Mỹ, Chistine Martin đã viết: “Chưa ai được nghe thấy những câu chuyện đó ở ngoài Việt Nam. Công việc của tôi là công trình của cả một đời người. Phải rất may mắn mới gặp được những người phụ nữ này và được nghe họ kể lại những câu chuyện của mình. Những câu chuyện này cần được kể lại cho mọi người nghe…”. 

Bốn mươi năm trước và bây giờ

Thấm thoát đã 40 năm kể từ ngày bốn nhà báo nữ có mặt tại thành phố Đà Nẵng trong ngày đầu thành phố được giải phóng. Bốn mươi năm ấy biết bao thay đổi đã đến với đất nước và đến với từng người. Bốn nhà báo nữ tuổi mới đôi mươi ngày nào nay đã thành bà nội, bà ngoại ở tuổi U70 cả rồi!

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cuối tháng 3/2015 họ lại có dịp gặp nhau và gặp lại bao nhiêu bạn bè cùng học lớp đào tạo phóng viên mang tên GP 10 của Thông tấn xã Việt Nam năm xưa tại thành phố Hồ Chí Minh để cùng nhau thăm lại chiến trường xưa, ôn lại biết bao kỷ niệm không quên của những ngày làm phóng viên mặt trận và cùng nhau chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống hiện tại.

Chị Hoàng Tuyết Trinh lấy chồng muộn, khi hai con còn nhỏ không may chồng bị bệnh mất sớm, nay tuy chưa thành bà nội, bà ngoại nhưng hai cháu đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Chị Cao Tân Hòa có chồng cũng là nhà báo cùng chiến trường nay vợ chồng đã có bốn cháu nội, hai con trai mỗi người một nghề, cậu lớn làm báo ở Hà Nội, cậu sau làm trong một doanh nghiệp nhà nước ở thành phố Hồ Chí Minh, có điều kiện đi ra đi vào thăm các cháu. Chị Lê Thị Kim Thoa cũng có chồng làm báo ở chiến trường cũ nay vợ chồng cũng đã lên ông bà nội và mới tháng trước tổ chức cưới vợ cho cậu con trai thứ hai ở Hà Nội. Còn vợ chồng chị Triệu Thị Thùy cũng lên ông bà nội, ngoại nhưng cuộc sống ít may mắn hơn. Anh chị cùng là phóng viên ở chiến trường, sinh được một trai, một gái.

Không may, cách đây hơn chục năm cháu trai bị bệnh nặng, đã phải ghép thận hai lần, còn anh mấy năm gần đây cũng thường bị đau yếu, có lúc tưởng chừng mắc bệnh hiểm nghèo không chắc qua khỏi. Bản thân chị Triệu Thị Thùy là thương binh, lại phải gồng mình gánh vác việc nhà nhiều khi tưởng chừng không chịu nổi. Còn chị Nguyễn Thị Phương Thảo, người không có mặt trong hai tấm hình trên đây thì mới đây bác sĩ phát hiện chị bị một căn bệnh hiểm nghèo nay thường xuyên phải vào bệnh viện điều trị.

Dù mỗi người mỗi hoàn cảnh và cuộc sống khác nhau nhưng mỗi khi gặp nhau là các nữ phóng viên chiến trường năm xưa lại cùng chia sẻ và động viên nhau vượt qua mọi khó khăn, vất vả trong cuộc sống để sống xứng đáng với sự tin yêu của mọi người dành cho mình - những nữ nhà báo đã trải qua những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ nhưng cũng rất đỗi tự hào.

Dương Đức Quảng
.
.