Janet Yellen – Bóng hồng quyền lực nhất giới tài chính:

Bình tĩnh “cầm cương”

Thứ Sáu, 02/10/2015, 09:39
Thời gian gần đây, mọi tâm điểm chú ý đang hướng về Janet Yellen, người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử giữ vai trò Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Bà Yellen được xem là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới khi các quyết định liên quan đến đồng USD của bà sẽ gây ảnh hưởng lên “sức khỏe” nền kinh tế toàn cầu. Hàng tỷ USD có thể biến mất hoặc gia tăng chỉ sau một đêm, phản ánh động thái của các nhà đầu tư toàn cầu dựa vào lời nói và hành động của người phụ nữ nhỏ bé với mái tóc bạc trắng như cước này.

Nổi tiếng trong cộng đồng tài chính, nhưng theo một cuộc thăm dò vừa qua, khoảng 70% dân số Mỹ không biết Janet Yellen là ai. Điều này trái ngược với thực tế rằng những quyết định của bà ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống và tài chính của mỗi người dân Mỹ, và được lý giải rằng phần lớn thời gian trong nhiệm kỳ đầu tiên tại FED, chính sách của bà được cho là chỉ tiếp nối từ người tiền nhiệm Ben Bernanke. Điều gây ấn tượng mạnh nhất ở bà Yellen là chất giọng đều đều và nhẹ nhàng mỗi khi nói về các chính sách của FED, cố gắng tránh những từ hoặc ngữ điệu có thể gây bất an cho các nhà đầu tư.

Chuyên gia trẻ tuổi

Sinh năm 1946 tại Brooklyn, New York trong một gia đình Do Thái với bố là bác sĩ và mẹ là giáo viên, Janet Yellen từ nhỏ đã bộc lộ trí thông minh và nhanh chóng tìm thấy niềm đam mê trong kinh tế học. Năm 1963, Yellen tốt nghiệp Trường Trung học Fort Hamilton với biệt danh “nhà nghiên cứu trẻ”. Bà tiếp tục con đường học vấn với chuyên ngành kinh tế tại Trường Đại học Brown (Rhode Island) năm 1967 và lấy bằng tiến sĩ kinh tế của Đại học Yale (năm 1971). Với thành tích rất xuất sắc, nhiều người cho rằng Janet Yellen sẽ làm nên chuyện khi bà rất tài giỏi trong các vấn đề liên quan đến tài chính.

Không mấy ngạc nhiên khi Janet Yellen được xem là chuyên gia trong lĩnh vực thất nghiệp từ nguyên nhân, cơ chế cho đến các biện pháp. Sau khi rời Đại học Yale, bà đã làm việc tại FED với vai trò là một chuyên gia kinh tế. Đây cũng là nơi bà gặp người chồng George Akerlof, một đại diện tiêu biểu của trường phái kinh tế Keynes mới và cũng là người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001.

Chuyện tình lãng mạn của hai nhà kinh tế học này đã cho ra đời một sự hợp nhất lịch sử, đặc biệt trên khía cạnh tri thức. Trong khi bà giảng dạy tại Trường Havard và Trường Kinh tế London, rồi trở thành giảng viên tại Berkeley từ năm 1980, họ đã cùng nhau nghiên cứu về tính cứng nhắc của tiền lương và giá cả. Sau đó, kể từ đầu những năm 1990, Janet Yellen đã nghiên cứu về những hệ quả kinh tế từ sự thống nhất của nước Đức.

Chủ tịch FED Janet Yellen là bóng hồng quyền lực nhất giới tài chính khi các quyết định liên quan đến đồng USD của bà sẽ gây ảnh hưởng đến "sức khỏe" nền kinh tế toàn cầu.

Nghiên cứu này vẫn được tiếp tục cho đến năm 1994, bà tham gia vào Hội đồng Thống đốc của FED. Làm những công việc thầm lặng nhưng Janet Yellen cũng không ngần ngại phá vỡ một số quy tắc. Không khó để thấy bà đang ăn trưa trong quán cà phê với nhân viên bình thường của FED bởi bà cho rằng “đây là cơ hội tốt để tìm hiểu xem người khác đang nghĩ gì, biết điều họ nghĩ trong đầu”. Tất cả những người từng tiếp xúc với bà đều ấn tượng bởi sự giản dị, thân thiện và dễ gần. Janet Yellen rất hay cười nhưng đồng thời, bà luôn thể hiện một tính cách cứng rắn, kiên định.

Tài giỏi và sáng tạo

Năm 1996, Janet Yellen là người đã đặt nền móng cho chính sách lạm phát mục tiêu 2% của FED, đồng thời bảo vệ thành công quan điểm rằng, việc tìm cách tiêu diệt hoàn toàn lạm phát sẽ chỉ dẫn đến các tác hại nhiều hơn là tác dụng. Sau một thời gian cống hiến cho FED, bà Yellen chuyển đến làm việc 3 năm (1997-1999) cho cựu Tổng thống Bill Clinton trong vai trò là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn kinh tế. Tại đây, bà đã lên tiếng ủng hộ việc xóa bỏ sự phân biệt giữa hoạt động ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư.

Đầu năm 2009, trước lo ngại kinh tế Mỹ có thể lún sâu vào một thời kỳ đình đốn kéo dài, bà Yellen, người vừa được bầu luân phiên vào Ủy ban Hoạch định chính sách của FED, đã ủng hộ mạnh mẽ quan điểm mở rộng chương trình kích thích kinh tế của người tiền nhiệm Ben Bernanke. Bước sang năm 2010, nguy cơ tái suy thoái lộ rõ hơn trong con mắt của nữ quan chức FED.

Bà Yellen cảnh báo rằng, nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ thất nghiệp tăng trở lại, với tăng trưởng việc làm chậm một cách đáng ngại và nền kinh tế không hoạt động hết tiềm năng cho đến năm 2013.

Tháng 4/2010, Janet Yellen được bổ nhiệm vào vị trí Phó Chủ tịch FED. Từ đây, bà càng khẳng định mình không chỉ là một chính sách gia có lập trường kiên định mà còn uyển chuyển và sáng tạo. Đầu năm 2011, FED bắt đầu thực hiện vòng nới lỏng định lượng lần hai với sự ủng hộ của các lãnh đạo cao nhất, nhưng không phải quan chức nào cũng đồng thuận. 

Đối diện với hoài nghi về kế hoạch mua thêm 600 tỷ USD trái phiếu kho bạc, bà Yellen đã đưa ra một lý lẽ không thể bác bỏ: “Đó không phải là một đơn thuốc để chữa mọi bệnh, nhưng tôi tin nó sẽ phát huy tác dụng trong tối đa hóa việc làm và ổn định giá cả”.

Tròn một năm sau đó, FED lần đầu tiên đưa ra tuyên bố về những mục tiêu dài hạn của mình, chính thức hóa cam kết duy trì lạm phát ở mức 2%/năm. FED cũng nói sẽ cân bằng mục tiêu đó với việc giảm thiểu số người thất nghiệp. Bà Yellen chính là người chủ trì soạn thảo tuyên bố đó và xây dựng sự ủng hộ từ bên trong. Đây là bước hiện thực hóa tham vọng ấp ủ từ lâu của bà và ông Bernanke trong việc nâng tầm ảnh hưởng của chính sách, bằng cách nói rõ hơn cho công chúng hiểu về định hướng của FED.

Tiếp theo động thái định hướng thị trường bằng mục tiêu lạm phát 2%, tháng 11/2012, FED đưa ra thông điệp định hướng thứ hai, gắn với chỉ tiêu thất nghiệp 6,5%. Theo đó, FED sẽ giữ lãi suất ngắn hạn gần bằng 0% cho đến khi nào tỷ lệ thất nghiệp về dưới mức này. Và người đứng đằng sau phương thức tiếp cận chính sách mới này tiếp tục là Phó Chủ tịch Janet Yellen.

Trách nhiệm to lớn

Nhãn quan kinh tế và chính sách sắc sảo của bà Janet Yellen ngày càng được chứng tỏ qua thời gian, đặc biệt là giai đoạn trước, trong và sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Điều đó đã bồi đắp cho bà sự tín nhiệm cao nhất vào vị trí kế nhiệm ông Ben Bernanke.

Tháng 10/2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama bổ nhiệm bà Yellen vào chức Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Ông Obama gọi bà là một trong những nhà kinh tế và nhà hoạch định chính sách xuất sắc nhất của nước Mỹ đương đại. Janet Yellen trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo FED, một cơ quan hoạch định chính sách không chỉ có ảnh hưởng nhất đối với nước Mỹ mà với cả nền kinh tế toàn cầu.

Bà Yellen đã hình thành cho mình một thái độ bình tĩnh kể từ ngày bà còn theo học trung học. Trên con đường sự nghiệp, bà Yellen đã gây ấn tượng với nhiều người không chỉ bằng sự thông minh, khiêm tốn mà còn ở khả năng đối đầu với mọi áp lực và luôn thông báo đầy đủ về các quyết định của mình, ngay cả khi đối mặt với những bất ổn nghiêm trọng.

Nhiều người hiện vẫn còn mối nghi ngờ về sự tồn tại trong mối quan hệ giữa FED và Phố Wall, nơi tập trung các doanh nghiệp, tổ chức tài chính hàng đầu nước Mỹ. Tuy nhiên, bà Janet Yellen lại khẳng định, phần lớn bạn bè và những phụ tá làm việc cho bà đều thuộc Main Street - nơi đối lập Phố Wall với sự hiện diện của các doanh nghiệp, công ty trong lĩnh vực sản xuất. Trên thực tế, khác với nhiều quan chức của FED, bà Yellen chưa bao giờ đặt chân tới Phố Wall. Bà lớn lên trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu và không hề có hứng thú cho những công việc kiếm bộn tiền.

Tại FED, Janet Yellen nổi tiếng là người tỉ mỉ và chi tiết. Bà không muốn chỉ dừng lại ở những kết luận, mà tiếp tục đi sâu vào vấn đề với những câu hỏi kiểu như: Có phải lạm phát đang đi đúng hướng hay không? Tại sao đồng USD mất giá? Đâu là những rủi ro mà kinh tế Mỹ và thế giới sẽ phải đối mặt? Quan trọng hơn, bà đã làm rúng động FED khi yêu cầu một cách quyết liệt về sự minh bạch của chính sách tiền tệ. Và kết quả là vào tháng 1/2012, lần đầu tiên FED công bố các chỉ tiêu lạm phát và thất nghiệp. Bà Yellen khẳng định về hi vọng rằng thời kì “không bao giờ giải thích và không bao giờ xin lỗi” đã đi vào quá khứ.

Janet Yellen khiêm nhường và kín tiếng đến mức không ai trong số bạn bè quen biết có thể đoán trước được mục tiêu sự nghiệp sau này của bà, cho đến khi thấy bà xuất hiện trên truyền thông trong vai trò người đứng đầu một tổ chức tài chính lớn như FED. Rõ ràng, quá trình học vấn, tính cách và tài dự báo của Janet Yellen đều xứng đáng với vị trí đầy thách thức tại FED - ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới. Khéo léo, nhẹ nhàng nhưng cũng đầy cương quyết, người phụ nữ này sẽ chèo lái chính sách tiền tệ của Mỹ, cũng như đưa ra định hướng cho phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu…

Nam Hồng
.
.