Biển Hồ trên đỉnh núi

Thứ Bảy, 05/02/2011, 14:00
Biển Hồ, hay hồ Tơ Nưng (Ya Nueng) nằm ở phía bắc tỉnh Gia Lai, cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 7 km, thuộc xã Biển Hồ, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Biển Hồ có hình bầu dục, diện tích khoảng 230 ha, xung quanh hồ là núi bao bọc và rừng thông xanh ngút ngàn, tỏa mát quanh năm.

Theo truyện cổ dân gian của dân tộc Jơ Rai kể về sự tích Ya Nueng (Biển Hồ) khi xưa là bến nước uống chung của dân làng người Jơ Rai ở đây. Già làng kể rằng, khi ấy Ya Nueng nhỏ, trông rất giống cái giếng khơi, miệng tròn úp vừa khít chiếc nia. Nước ở Ya Nueng rất xanh trong, soi rõ mặt người.

Có điều Ya, dù mưa lũ dài ngày nhưng nước cũng không bao giờ tràn qua mặt giếng, nắng hạn cũng không bao giờ cạn. Ya Nueng có từ bao giờ, già làng không biết, chỉ nghe kể xưa kia ở đây cây cối rậm rạp, quanh năm xanh tốt. Khi dân làng đến đây phá rừng làm rẫy, sinh cơ lập nghiệp nhà nào cũng sung túc. Một hôm, trên đường đi đến bến Ya Nueng để lấy nước, có hai người dân trong làng là ËYă Pôm và Yă Chao phát hiện một con heo (lợn) trắng rất đẹp.

ËYă Chao đã bắt con lợn trắng xinh đẹp kia về nuôi ở nhà mình, tuy không nhốt vào chuồng, chỉ thả rong nhưng con lợn trắng vẫn quanh quẩn trong nhà, không đi đâu. Hàng ngày, Yă Chao chăm sóc cho lợn trắng đủ thức ăn ngon nhưng chú lợn con không ăn gì cả. Một lần ËYă Chao mang những chiếc bầu đi lấy nước ở Ya Nueng về dính những hạt cát trắng thì bỗng nhiên chú lợn con đã liếm hết những hạt cát một cách ngon lành.

Hồ Tơ Nưng.

Sửng sốt trước hiện tượng lạ, YËă Chao cứ đi lấy cát trắng về cho chú lợn ăn và lớn nhanh như thổi. Sau 3 lần trăng tròn, chú lợn trắng lớn bằng con trâu to, khiến cả dân làng ngạc nhiên. Khi ấy, dân làng làm nhà rông mới và sai người trong làng là anh em Rok và Sét đi tìm một con lợn thật to để cúng yàng, làm lễ ăn mừng.

Sau khi sai người đi tìm kiếm khắp nơi nhưng không lấy đâu ra con lợn to như già làng mong muốn nên trở về nhà ËYă Chao xin bắt con lợn trắng để làm thịt. ËYă Chao kiên quyết từ chối, dù có đổi bao nhiêu tài sản của dân làng người cũng không chịu để mất con lợn trắng. Nhưng cuối cùng dân làng đã quyết cử 2 người to khỏe đến bắt cho bằng được con lợn trắng về làm thịt cúng yàng và chia đều thịt cho các gia đình trong làng để ăn mừng.

Riêng Yă Chao không nhận thịt và thề rằng: "Nếu tôi ăn thịt này thì đất sẽ động, YaNueng sẽ sụp lở". Nhưng đứa cháu của Yă Chao thấy thịt ngon đòi ăn và khóc cả ngày đêm nên bà không cầm được lòng mà phải cho đứa cháu ăn thịt lợn trắng. Bỗng chốc, trời đất, núi rừng rung chuyển, nhà cửa ngả nghiêng, vùi lấp cả dân làng. Hai bà cháu Yă Chao chạy nhưng không kịp nên bị nước nhấn chìm biến thành tượng đá dưới đáy hồ...

Còn Rok nhảy lên lưng voi chạy lên núi nhưng voi chạy không nổi nên liền rút gươm chém vào đầu voi, voi biến thành núi Nâm ngày nay. Còn Rok chạy đến tới chân đèo Mang Yang thì chết. Người sống sót còn lại ở 3 làng quanh hồ là ËYă Nơm đã đúc bàn thờ đặt ở bên bờ hồ nhưng đến nay không còn nữa…

Ngoài ra, còn có chuyện kể rằng, hồ mang tên Tơ Nưng là tên một làng cổ trong huyền thoại. Chuyện kể về ngôi làng xưa to và đẹp lắm. Dân làng sống yên vui, hòa thuận lâu đời thì bỗng một hôm, ngọn núi lửa ập tới vùi lấp làng. Những người may mắn còn sống sót đã khóc thương cho làng mình, khóc cho người thân không ngớt, khiến nước mắt chảy thành suối, các suối đổ về thành hồ.

Hồ mang tên Tơ Nưng là một kỷ niệm chung của làng cổ đó... Về Biển Hồ ở Pleiku, Gia Lai còn có nhiều huyền thoại khác như chuyện kể rằng hồ sâu không đáy và thông ra tận biển Đông. Từ đó có câu chuyện ví von về những người làm gỗ ở Gia Lai, họ chỉ cần thả những lóng gỗ xuống Biển Hồ, một đêm xuống cảng biển Quy Nhơn, Bình Định là có thể lấy gỗ đem bán...

Thực tế, Biển Hồ (hồ Tơ Nưng; Ya Nueng) nguyên là một miệng núi lửa đã ngừng hoạt động từ hàng trăm triệu năm qua. Sự rộng lớn mênh mông của hồ nước này tựa như biển khơi giữa lòng núi nên người dân địa phương đặt tên là Biển Hồ. Dẫu thiên nhiên khắc nghiệt, nắng hạn đến đâu nhưng từ trước đến giờ nước Biển Hồ này vẫn chưa bao giờ cạn đến đáy.

Biển Hồ là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho hàng chục ngàn người dân thành phố Pleiku. Đây còn là nơi có nhiều tôm cá, phong cảnh xung quanh hồ rất xinh đẹp, mát mẻ quanh năm và là nơi hẹn hò thú vị của nhiều đôi nam nữ yêu đương thật trữ tình và lãng mạn. Có những bạn tình sau lần đến với Biển Hồ Pleiku đã rất thích thú và viết nên những cảm nhận trên blog của mình: "...

Giữa mùa nắng nóng oi nồng mà ở đây rất dễ chịu, không khí trong lành và mát rượi. Đứng trước hồ nước mênh mông, ngắm cảnh rừng thông trữ tình mà lòng càng đầy ắp tình yêu lãng mạn...". Nhiều người còn ví Biển Hồ như viên ngọc bích giữa mênh mông đất đỏ Tây Nguyên, là "đôi mắt" của phố núi Pleiku. Các nhà khảo cổ học cũng đã thám sát, thăm dò và khai mở trang sử từ lòng đất này và cho chúng ta biết thêm về văn hóa Biển Hồ, nền văn hóa đặc sắc thời tiền sử.

Cách đây một phần tư thế kỷ, nhà thơ Hồng Thanh Quang, khi đó còn là một trung úy trẻ măng ở Tiểu đoàn Thông tin 29, thuộc Binh đoàn Tây Nguyên, đặt chân tới Pleiku và lần đầu tiên được chiêm ngưỡng Biển Hồ với những huyền thoại của nó, đã ngẫu hứng viết nên bài thơ:

"Biển Hồ như tình yêu,
Mặt nước chỉ hiện ra từng đấy,
Nhưng ai biết ở sâu dưới đáy,
Nó ăn lan rộng đến bao chừng…"

Có thể nói, hồ Tơ Nưng là hạt ngọc quý của Pleiku mà bất cứ ai đã đặt chân đến vùng đất Tây Nguyên cũng không thể bỏ qua. Con đường nhựa phẳng lỳ chạy xuyên qua rừng thông xanh mát rượi. Cuối mùa mưa Tây Nguyên, hai bên đường còn rợp bóng những bông hoa cúc quỳ vàng rực dẫn đến tận bờ hồ. Loài hoa hoang dã đặc trưng ở Tây Nguyên này càng gợi vẻ nên thơ.

Mặt hồ trên cao, lung linh giữa những ngọn núi không bao giờ che khuất. Những ngày hè oi bức, đứng bên bờ hồ, chúng ta có cảm giác như được đứng trước biển trời lộng gió giữa cao nguyên đại ngàn. Hồ Tơ Nưng làm say đắm lòng người không chỉ ở mặt nước mênh mông, mây trời lồng lộng mà còn là nơi hội tụ của nhiều loài hoa đẹp, nhiều loài chim, cá quý.

Khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống, những tia nắng cuối cùng trải dài trên các sườn đồi nơi thảo nguyên là lúc từng đàn chim lần lượt bay về tổ ấm ven hồ Tơ Nưng đã tạo nên một bức tranh tuyệt mỹ

Ngọc Như
.
.