Bất thường ở siêu dự án sông Hồng

Chủ Nhật, 29/05/2016, 11:00
Những câu trả lời mà tôi có được cho thấy phía sau một siêu dự án mà nhiều người đang lo ngại sẽ băm nát sông Hồng, đang có những bất thường đến khó hiểu...

 

Bất chấp hàng loạt ý kiến phản ứng dữ dội, với ý đồ độc chiếm sông Hồng thông qua siêu dự án Xây dựng tuyến giao thông thuỷ xuyên Á và thuỷ điện sông Hồng, đến nay Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình - chủ đầu tư của dự án vẫn khẳng định sẽ chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng quy hoạch tổng thể để tiếp tục đề xuất triển khai. 

Tức doanh nghiệp này vẫn ôm tham vọng sẽ bằng cách nào đó biến con sông - tài nguyên của đất nước, tài sản chung của hàng chục triệu người dân thành tài sản riêng của họ.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ cho giao 288km sông Hồng cho Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình để triển khai một tuyến vận tải đường sông, cùng với đó là 7 cảng sông, 6 nhà máy thủy điện. Tổng vốn đầu tư dự kiến là 24.500 tỉ đồng.

Thủ tướng Chính phủ chưa chấp thuận đề xuất này vì chưa đủ căn cứ pháp luật. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để đảm bảo phát triển bền vững.

1. Ngay từ khi có đề xuất triển khai dự án này, tôi đã tiếp cận với hồ sơ và đi tìm hiểu thực tế dọc con sông Hồng, từ thượng nguồn về đến Hà Nội. Trong hành trình ấy, không ít lần tôi phải tự hỏi, họ - gồm cả chủ đầu tư và cơ quan đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương đầu tư - đã vẽ ra dự án này như thế nào?

Những câu trả lời mà tôi có được cho thấy phía sau một siêu dự án mà nhiều người đang lo ngại sẽ băm nát sông Hồng, đang có những bất thường đến khó hiểu. Đó là sự bất thường trước hành xử của các bộ, ngành với tài nguyên của đất nước, trước sinh kế của người dân, là sự bất thường khi họ lựa chọn cái lợi cho doanh nghiệp thay vì đáng ra tài nguyên thiên nhiên phải dành cho nhân dân thụ hưởng... 

Khi đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết các bộ, ngành và địa phương đều đồng thuận với chủ trương cho doanh nghiệp đầu tư.

Phú Thọ là tỉnh có 120km sông Hồng chảy qua, nằm trọn vẹn trong dự án của Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình. Thế nhưng, rất lạ là Bộ Kế hoạch chỉ đưa vào hồ sơ ý kiến chấp thuận của các địa phương khác như Lào Cai, Yên Bái, mà hoàn toàn không đề cập đến Phú Thọ. 

Khi tìm đến tỉnh Phú Thọ, điều bất ngờ là người đứng đầu Ủy ban nhân dân tỉnh này, ông Bùi Minh Châu, Chủ tịch tỉnh, lại hoàn toàn không nắm được bất kì điều gì về siêu dự án của Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình. Ông Châu khẳng định chưa nhận được một báo cáo đề xuất hay bất kì thông tin nào một cách chính thức.

Để làm rõ vấn đề, ông Châu đề nghị tôi đến làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ. Lãnh đạo cả hai sở này một lần nữa khẳng định tương tự như lãnh đạo tỉnh. 

“Chúng tôi hoàn toàn không được biết thông tin về dự án Xây dựng đường thuỷ xuyên Á và thuỷ điện sông Hồng một cách chính thức từ chủ đầu tư hay các ban ngành chức năng. Chưa có ai làm việc, lấy ý kiến, quan điểm của chúng tôi. Tất cả những gì tôi nắm được chỉ là đọc trên báo chí và mạng xã hội”, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ khẳng định ngay khi bắt đầu trả lời phỏng vấn nhóm phóng viên chúng tôi về các vấn đề xung quanh dự án của Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình.

Không làm việc với địa phương, không hỏi ý kiến địa phương, không đề nghị địa phương báo cáo tình hình thực tế... thế nhưng điều khó hiểu là trong đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để xin chủ trương cho doanh nghiệp đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại dẫn ra ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định những tác động đến môi trường, đến nguồn nước, đến sự phát triển của nông nghiệp địa phương, đến đời sống của người dân khi triển khai dự án, đặc biệt là xây dựng 6 đập thuỷ điện, là không nhiều, không đáng kể.

Không hiểu các bộ, ngành này đã lấy đâu ra cơ sở dữ liệu, tình hình thực tế để đánh giá tác động khi triển khai dự án? Có lẽ nào việc mà họ làm chỉ là ung dung ngồi trong phòng lạnh, “phán” dựa trên những thông tin mà chủ đầu tư vẽ ra, dù chính chủ đầu tư cũng chưa hề làm việc với địa phương?

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, không thể xác định được mức độ ảnh hưởng cụ thể đến dòng chảy trên sông Hồng, chưa thể đo đếm chính xác được tác động đến môi trường sẽ đến mức nào, cũng như đời sống của người dân ra sao khi nhà đầu tư can thiệp vào dòng chảy tự nhiên, ngăn sông đắp đập sẽ ảnh hưởng ra sao... nếu chưa có địa điểm xây dựng thủy điện cụ thể để khảo sát, tính toán.

Tuy nhiên ông Thắng nói rằng, kinh nghiệm thực tế cho thấy các nhà máy thuỷ điện luôn để lại những tác động rất lớn đến môi trường và đời sống người dân, không chỉ ở khu vực làm đập thuỷ điện mà còn kéo theo cả phía hạ lưu bị ảnh hưởng nặng nề. 

Đồng thuận hay phản đối một dự án phải cân nhắc lợi ích của các bên liên quan. Chỉ nên cho đầu tư nếu lợi ích hài hoà giữa người dân, nhà nước, doanh nghiệp. Nếu phải cân nhắc giữa một bên là lợi ích của nhân dân với một bên là một doanh nghiệp, thì chắc chắn phải chọn nhân dân. Tuy nhiên, địa phương này đã không có quyền lựa chọn, vì không có ai đoái hoài đến họ.

2. Trong hành trình đi dọc sông Hồng, chúng tôi đã gặp một số tàu cuốc đang khai thác cát trên sông. Ông Thắng, người đang làm việc ở một điểm khai thác đoạn gần thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nói rằng con sông này rất nhiều cát nhưng hoạt động khai thác mới chỉ bắt đầu lẻ tẻ chứ không ồ ạt như sông Lô. Vì thế lượng cát ở sông Hồng còn rất nhiều, dọc từ Phú Thọ về Hà Nội đều có thể khai thác.

Để được cấp phép khai thác cát chính thức, các doanh nghiệp phải nộp nhiều khoản phí khai thác khoáng sản, thuế môi trường, tài nguyên... Nhưng nếu giao cả 288km sông cho doanh nghiệp toàn quyền thực hiện nạo vét với danh nghĩa để xây dựng tuyến giao thông thủy, thì chủ đầu tư lại có thể ngang nhiên khai thác cát mà chẳng phải nộp bất kì khoản thuế phí khai thác tài nguyên nào.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ nói rằng, thực chất của việc nạo vét lòng sông là doanh nghiệp lấy cát sỏi mang bán, nhà nước thất thu thuế phí. Trên tuyến sông Hồng chảy qua địa bàn tỉnh này, qua thăm dò một số điểm, lượng cát ghi nhận được là 60 triệu m³. 

Với giá cát hiện nay, số tiền thu về khoảng 8.000 tỉ đồng! Nếu tính toàn bộ lượng cát trên sông Hồng, thì số tiền mà doanh nghiệp có thể vơ vét đút vào túi mình sẽ khủng khiếp đến mức nào?

Đó là chưa kể, thực tế trên sông Hồng, hàng ngày tàu thuyền vẫn qua lại nhộn nhịp, đa số các tàu với tải trọng cả ngàn tấn. Thế nên, việc nạo vét sông Hồng có phải để tạo luồng sông cho tàu thuyền qua lại, hay thực chất đang nhằm vào khối lượng cát sỏi khổng lồ ở lòng sông? Đây là câu hỏi lớn đặt ra với các cơ quan chức năng khi xem xét quy hoạch khai thác sông Hồng sau này.

3. Một con sông đang là nguồn cung cấp nước cho cả vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng rộng lớn, vựa lúa thứ hai của cả nước, nay bỗng dưng lại có người đến muốn độc chiếm, ngăn sông làm đập thuỷ điện, mùa khô nước bị giữ lại, những vùng hạ lưu liệu có rơi vào tình trạng chết khát như những gì đang diễn ra vô cùng tàn khốc ở Đồng bằng sông Cửu Long hay không?

Một con sông với những con tàu vẫn ngày ngày qua lại, là con đường làm ăn, nuôi sống biết bao nhiêu người dân và doanh nghiệp, nay bỗng dưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại muốn giao vào tay một nhà đầu tư, để rồi họ được “ăn” đủ đường. 

Cát nạo vét lên vẫn mang bán lấy tiền bỏ túi. Tàu chạy trên sông vẫn được ra tuýt còi chặn lại, đè đầu thu phí, với mức phí mà tính ra một tàu tải trọng khoảng 1.000 tấn có thể phải đóng lên đến vài chục triệu đồng.

Một con sông dự kiến sẽ xây dựng liên tiếp tới 6 nhà máy thuỷ điện, tưởng rằng thêm nguồn điện thì người dân được lợi nhưng thực tế thì không. Chủ đầu tư đề xuất giá bán điện từ 1.900 đến 3.600 đồng/kwh, mức giá quá cao so với mặt bằng giá ở thị trường điện cạnh tranh sẽ được xác lập trong vài năm tới. Và để có thể triển khai thì nhà nước sẽ phải dùng ngân sách để bù phần chênh lệch giá điện cho doanh nghiệp!?

Dự án được đề xuất thực hiện theo hình thức BOO, tức xây dựng - sở hữu - khai thác. Hình thức này cho doanh nghiệp được sở hữu vĩnh viễn dự án theo giấy phép, chứ không phải chuyển giao lại như BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). 

Một dự án có vô số nguồn lợi thu về, nhưng chủ đầu tư lại xin miễn thuế tài nguyên, thuế môi trường, thu nhập doanh nghiệp tới khi hoàn thành việc thu hồi vốn, mà họ dự kiến tới 25 năm.

Vậy là, nếu cho đầu tư thì phải ròng rã 25 năm trời, hàng chục triệu dân thiệt đơn thiệt kép, nhà nước chẳng thu được mấy đồng thuế phí, lại phải cấp bù giá điện, thì thử hỏi còn ai được lợi ngoài một doanh nghiệp? Chính trong hồ sơ mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, những lợi ích mà dự án này mang lại còn quá mơ hồ. Thế mà không hiểu điều gì khiến họ vẫn mắt nhắm mắt mở, gật gù đồng ý cho doanh nghiệp triển khai.

Đó là chưa kể, cả việc xây dựng thuỷ điện, khai thác tài nguyên nước... ở dự án của Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình xin đầu tư đều nằm ngoài quy hoạch. Một quy hoạch ngành được xây dựng đã dựa trên những khảo sát, đánh giá về tình hình thực tế, nhu cầu phát triển của hàng chục năm trong tương lai. Quy hoạch được đặt ra để đảm bảo cho sự phát triển bền vững. 

Nhưng với cách hành xử mà cơ quan nhà nước chỉ chăm chăm vỗ tay cho một doanh nghiệp vơ vét quyền lợi vào túi mình, thì sẽ chẳng có sự phát triển nào là bền vững. Bởi, bằng chứng là khi có nhà đầu tư nhòm ngó, ngay lập tức họ lại đề xuất cho chỉnh sửa, bổ sung vào quy hoạch ngành, nhằm hợp thức hoá cho tham vọng của một vài cá nhân lăm le nuốt trọn tài nguyên của đất nước. 

Ai được lợi từ dự án này, hẳn là đã quá rõ. Nhân dân đều thấy, những người am hiểu về tài nguyên, môi trường đều đã thấy. Những bộ ngành có liên quan đến dự án này chắc chắn lại càng tỏ tường. Chỉ là, họ đã chọn quyền lợi của một nhà đầu tư chứ không chọn nhân dân. Hơn nữa, với người quản lý kém năng lực, thì đào tài nguyên lên bán để làm thành tích phát triển luôn luôn rất dễ dàng.

Bạch Hoàn
.
.