Bắt bệnh cho phóng viên văn nghệ

Thứ Bảy, 03/07/2010, 15:33
Viết đầy đủ, thì nhan đề bài báo này phải là "Thử bắt bệnh cho các phóng viên văn nghệ". "Thử", vì những điều tác giả sắp nói trong bài hoàn toàn chỉ dựa trên sự quan sát cá nhân, không có bệ đỡ vững chắc của những điều tra xã hội học "đến nơi đến chốn", nên không khỏi có những lúc rơi vào phỏng đoán, giả định, mang nặng tính suy diễn chủ quan, thậm chí vu khoát.

"Các", vì đối tượng của việc "bắt bệnh" ở đây - phóng viên mảng văn nghệ - chắc chắn không phải một người, không phải vài người, mà là một số phổ biến (cũng không phải tất cả, dĩ nhiên) ở mức đủ khiến người ta phải giật mình lo lắng cho tương lai của mảng văn nghệ trên báo chí nước nhà.

Vậy đó là những bệnh nào? Xin được tạm gọi ra một số cái tên bệnh như sau:

1. Bệnh ghét sự chậm rãi

Bệnh này, xét cho đến cùng, là căn bệnh mang tính thời đại, thời đại của chúng ta, thời của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Người ta yêu thích tốc độ đến mức rốt cuộc trở nên sùng bái nó. Nhanh hơn, nhanh hơn nữa; gấp hơn, gấp hơn nữa! Các phương tiện giao thông liên tục được cải tiến kĩ thuật để có thể nuốt một quãng đường tối đa trong một khoảng thời gian tối thiểu. Thức ăn biến thành fastfood. Trứng gà, trứng vịt được cho vào lồng ấp để nở cho nhanh. Nước trà đóng chai, khỏi cần phải hỏa lò, chén tống chén quân kích rích. Viết thư tay gửi theo đường bưu điện bị thư điện tử tiêu diệt v.v...

Có thể dẫn ra làm ví dụ hàng tá những thứ bị cắt xén, bị giản lược để tiết kiệm thời gian theo kiểu như vậy (thời gian tiết kiệm được có thực sự trở nên có ý nghĩa hay không lại là chuyện khác, rất thường khi đó là thứ thời gian không biết để làm gì, vô nội dung, rỗng tuếch). Vậy thì, hà cớ gì báo chí - ở đây là báo chí về mảng văn nghệ - lại khước từ tốc độ? Ngày trước, cả tháng, rồi nửa tháng, rồi một tuần mới ra được một số báo; nay thì một tuần bảy số, nửa tháng mười lăm số, cả tháng ba mươi số, đằng nào hơn?

Hồi trước, cánh phóng viên mảng văn nghệ tiêu phí ngày rộng tháng dài vào việc tỉ mẩn kỳ khu với từng đề tài, từng câu chữ, thậm chí từng dấu chấm dấu phẩy. Nay thì không ai có quyền "xài sang" như thế nữa: xã hội đang phát triển sôi lên sùng sục, đời sống văn nghệ ngày hôm sau thoắt cái đã khác ngày hôm trước, hối hả, quay cuồng. Cứ lọ mọ như "các cụ" thì ngửi khói làng văn nghệ không xong mà bản báo thì có nguy cơ phải chịu cảnh cháy bài. Bởi thế, phóng viên văn nghệ ngày nay là phải liên tục, liên tục: hết họp báo lại đi dự triển lãm, vừa nhào vào nhà hát kịch lại bổ tới rạp chiếu phim. Để lấy thông tin, lấy tài liệu, rồi còn mau mau viết bài cho kịp ra báo nữa. Không thể bắt chước ông Kundera mà ca ngợi sự chậm rãi được. Sự chậm rãi đáng ghét! Chậm rãi nghĩa là tụt hậu với yêu cầu của báo chí.

Thế nhưng, như một phóng viên già đời với mảng văn nghệ từng ngậm ngùi tổng kết: "Mình viết báo suốt mấy chục năm, đến nay ngẫm lại mới thấy không biết thật ra thì mình biết được cái gì cho đến đầu đến đũa?". Té ra, sự chậm rãi mà ông nhà văn người Séc nọ ca ngợi, nếu áp vào mảng báo chí văn nghệ của ta thì hình như cũng có cái lý của nó chứ chẳng chơi.   

2. Bệnh ghét tác phẩm nghệ thuật

Bệnh ghét sự chậm rãi nói trên là bệnh từ ngoài vào trong, từ trên ép xuống, nói gọn là bệnh do "hoàn cảnh khách quan". Nhưng bệnh ghét tác phẩm nghệ thuật là bệnh phát từ trong ra ngoài (tại sao lại từ trong ra ngoài thì xin miễn cho người viết cái việc phải trả lời quả quyết. Phải chăng do ông Platon dạy rằng nghệ thuật chỉ là cái bóng của cái bóng của ý niệm, nghĩa là thứ hai lần lừa dối?). Với phóng viên văn nghệ mà nói, ghét tác phẩm nghệ thuật quả thực là căn bệnh trầm kha. Nó biểu hiện ở chỗ người ta cảm thấy đau đớn tựa bị tra tấn khi buộc phải thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật nào đó, bất kể hay hay dở.

Đọc cuốn sách mới được vài ba trang đã thấy buồn ngủ, xem một bộ phim thấy nhức mắt, theo dõi một vở kịch thấy nó sao mà giả tạo thế không biết, vào triển lãm mĩ thuật vừa bị hoa mắt vì hình khối màu sắc vừa phải mất công mắng thầm mấy tay họa sĩ chỉ giỏi bôi quệt lăng nhăng. (Trong một tiểu luận có tên "Không không là không!", nhà văn Hồ Anh Thái nói đến việc dân ta đang dần mất thói quen tiêu thụ văn hóa: cho họ vé đi xem phim, xem kịch, tặng họ hoặc cho họ mượn sách, thì họ cũng xem cũng đọc cả đấy, xem xong, đọc xong còn bình luận rất rôm rả, thậm chí rất sâu sắc. Nhưng bảo họ bỏ tiền mua thì... không không là không! Người viết bài này không phản đối cái nhìn ấy, nhưng lại chỉ muốn nói tới trường hợp tác phẩm nghệ thuật bị ghét). Ghét, thậm chí ghét tác phẩm nghệ thuật đến mức căm thù, ấy thế nhưng vẫn phải nói phải viết về nó, thì làm thế nào? Dễ lắm.

Chẳng dại gì phải ép mình chịu đựng tác phẩm từ đầu tới cuối. Ai đó tìm thấy cái gọi là khoái cảm thẩm mỹ trong việc thưởng thức tác phẩm nghệ thuật thì cứ việc. Còn với những phóng viên văn nghệ mắc bệnh này, đọc bìa bốn của cuốn sách, hoặc đọc lời nói đầu sách thôi. Xem kịch làm gì, xem tờ giới thiệu mà nhà hát phát cho khán giả trước khi vào rạp là đủ.

Với phim, chỉ một đoạn clip quảng cáo của nhà sản xuất là thừa thông tin. (Người viết bài này biết có những phóng viên văn nghệ truyền hình có mặt ở mọi buổi biểu diễn ra mắt tác phẩm sân khấu mới, nhưng chỉ là có mặt khoảng 15 phút trong tổng số 90 - 120 phút của vở diễn, để ghi hình, sau 15 phút quý giá ấy thì vĩnh viễn không bao giờ có chuyện anh/chị ta trở lại rạp hát để can đảm và bình tĩnh xem vở diễn từ lúc mở màn tới lúc hạ màn). Đại loại thế. Và rồi cuối cùng thì họ cũng vẫn có bài, véo von, ngọt ngào, đâu ra đấy. Các anh có thể nghi ngờ những phán đoán giá trị của tôi về thứ tôi chỉ biết nó theo kiểu chuồn chuồn đạp nước, cưỡi ngựa xem hoa.

Nhưng có sao, nhiều người khác cũng thế. Vả lại, không lẽ tôi phải hy sinh thời gian ngồi cafe buôn chuyện hoặc thời gian đi shopping hoặc thời gian kiếm tiền trên sàn chứng khoán để gồng mình chịu đựng thứ tôi vốn ghét? Tình yêu, bản chất của nó là tự nhiên, tự nguyện, là "trực chỉ nhân tâm" theo cách nói của Thiền. Tôi không hề là người có lỗi nếu cố mãi mà tôi vẫn không sao bắt mình yêu được tác phẩm nghệ thuật và tìm thấy niềm vui trong việc thưởng thức nó!--PageBreak--

3. Bệnh ghét việc viết báo

Bệnh này, xét cho cùng, là bệnh do chọn nhầm nghề mà ra. Vì có cha mẹ hoặc người thân đang làm trong tòa báo hoặc trong đài truyền hình, tôi dễ dàng được nhận vào làm một chân phóng viên mặc dù tôi vốn không mấy mặn mà với nghề chữ nghĩa. Vì thật ra tôi cũng chẳng biết tôi có những tố chất tự nhiên của người viết báo hay không, nhưng háo hức trước cái viễn cảnh vinh quang của "quyền lực thứ tư", tôi cày cục xin được "sống chết với nghề".

Vào rồi mới thấm nỗi trần ai của cái sự mà nhà Phật gọi là "oán tăng hội khổ" - cái khổ của việc ghét nhau chết bỏ mà vẫn bị phải chung sống với nhau. Kẻ nào đó trong số các người có thể tìm thấy niềm vui ở việc viết về mảng văn nghệ, bảo rằng như thế là đang sáng tạo ra văn bản thứ hai - một thế giới của mình, tồn tại bên cạnh văn bản thứ nhất, tức cái thế giới mà người nghệ sĩ đã sáng tạo trong tác phẩm nghệ thuật của anh ta - tôi thì không. (Nếu như tôi "kiêm" thêm cả bệnh ghét tác phẩm nghệ thuật nữa, thì cái sự không sẽ được nhân đôi!).

Nhưng nếu vậy thì tôi phải bỏ nghề báo chăng, cái nghề xét ra cũng mang lại thu nhập đủ sống, mà trong khi ngoài kia biết bao kẻ đang thất nghiệp? Giải quyết rắc rối này dễ lắm. Thay vì việc phải trần mình đem cái tôi nhà báo "lẩy bẩy như Cao Biền dậy non" của mình ra để đối diện và đối thoại với tác phẩm, tôi lấy cái tôi của người khác lấp vào. Hạ sách là bê nguyên xi sản phẩm của phóng viên báo bạn, đặt tên mình dưới bài viết - cách này dễ dẫn đến kiện tụng phức tạp, rồi sau lại ỳ xèo lời ra tiếng vào.

Thượng sách là xào xáo mỗi thứ một tý, thêm chút gia vị mắm muối - cách này an toàn hơn, cho dẫu độc giả có cảm giác là gặp vài "người quen" trong bài báo của tôi thì cũng chẳng làm gì được (người viết bài này không nói tới việc phóng viên văn nghệ nhờ vả, thuê mướn người khác viết hộ, vì đó là trường hợp... ngoại sách). Xã hội, và thủ trưởng các cơ quan báo chí, vẫn yêu cầu nhà báo không được "chủ quan" khi nhìn nhận vấn đề, thì giải quyết theo cách như vậy dứt khoát là "không chủ quan" rồi còn gì!

Bệnh ghét việc viết báo sẽ khó nhận diện hơn một chút nếu ta xét tới mảng báo chí văn nghệ truyền hình. Television, đó là câu chuyện của thị giác (vision - cái nhìn). Hình ảnh là quan trọng, lời là thứ yếu, thậm chí không là gì cả - nhiều phóng viên biên tập của văn nghệ truyền hình, nhất là những người cả đời không bao giờ viết nổi chữ nào ra hồn, vẫn nói vậy. Thì cũng đúng. Nhưng, như Kinh Thánh dạy: "Khởi thủy là lời", hay như một định nghĩa cơ bản của logic học: "Ngôn ngữ là công cụ cơ bản của tư duy", coi rẻ lời tức là ta đã quên mất, hoặc không biết rằng khi ta tính toán lấy hình ảnh này chứ không lấy hình ảnh kia, chuyển động trong hình ảnh phải thế này chứ không thể là thế nọ, thì cái trước tiên hiện ra trong đầu là ngôn ngữ, là lời về sự tính toán ấy, chứ không phải hình ảnh. Ngay cả những thước phim chỉ có hình ảnh, không có lời, thì không phải là lời không tồn tại, mà nên hiểu là nó tồn tại ở trạng thái không được nói ra, là "sự im lặng hùng biện".

Nói gọn, bảo rằng phóng viên biên tập của văn nghệ truyền hình không cần đến kỹ năng viết, thì đó chẳng qua chỉ là sự ngụy biện vụng về của những anh chọn nhầm nghề. Và thực tế đã chứng minh rằng anh nào viết không nổi thì hình ảnh cũng nhập nhoạng, anh nào hình ảnh tốt - tôi muốn nói tới thứ hình ảnh mang nghĩa, chứ không phải thứ hình ảnh đèm đẹp nịnh mắt nhưng rỗng nghĩa - chắc chắn là người "có chữ". Tính biện chứng của sự yêu/ghét công việc viết báo trong trường hợp này có thể được hiểu là như vậy.

Với vài thứ bệnh sơ sơ kể trên của phóng viên, hỏi đáng lo hay không đáng lo cho tiền đồ của báo chí văn nghệ nước nhà?

Hoài Nam
.
.