Báo Tết những bệnh thường gặp

Thứ Bảy, 12/02/2005, 08:19

Không ai phủ nhận báo Tết của ta những năm gần đây nội dung phong phú, hình thức đẹp, song dư luận cũng kêu nhiều về hiện tượng các báo lặp nhau chủ đề, bài vở khá nhiều. Hiện tượng một cộng tác viên photo bài viết của mình gửi liền lúc cho nhiều tờ báo là điều đã và đang xảy ra, rất khó kiểm soát.

Tôi còn nhớ cách đây ít năm, trong cuộc họp chuẩn bị cho số báo Tết ở một tờ báo nọ, cố nhà thơ Lữ Huy Nguyên đã lên tiếng nhắc nhở Ban biên tập đề phòng trường hợp có những cộng tác viên cóp lại bài mình đã đăng từ giáp trước để gửi in lại ở giáp sau (tức là sau đó 12 năm). Về điều này quả là ông Nguyên nghĩ... hơi xa, bởi hiện nay, chỉ cần chịu khó quan sát một chút thôi là bất kỳ cây bút nào, dù mới chân ướt chân ráo tập tễnh vào nghề cũng có thể biết cách cấu tạo bài theo mô típ vừa dễ làm vừa được các báo “ưa dùng” trong dịp Tết. Đó là, năm nay năm gà thì nên biên soạn loạt bài kiểu: Năm Dậu nói chuyện gà; Các danh nhân sinh năm Dậu; Con gà trong đời sống văn hóa Việt Nam; Những năm Dậu đáng nhớ trong lịch sử... v v và v v... Đi kèm với những thông số này là đôi lời bình tán.

Thôi thì, tới năm con giáp nào thì con giáp ấy “đăng quang” là đúng rồi. Song trong 12 con giáp, công bằng mà nói, có con thì tán ra được, như: con trâu: biểu tượng của sự cần cù; con hổ: uy dũng, sức mạnh; con rồng: sự thăng hoa; con ngựa: hướng tăng trưởng; con mèo: sự tinh nhanh, cảnh giác; con khỉ: sự năng động, khôn ngoan... thì cũng có những con vật không dễ đưa dẫn đến những liên tưởng khoáng đạt, như con rắn, con dê, con lợn, con gà... chẳng hạn. Bởi vậy, nếu người viết không phải là người có tư duy sắc sảo, lập luận chặt chẽ, lôgíc thì lời bình tán rất dễ trở nên nhăng nhít, gây phản cảm trong người đọc.

Ví như trước đây, dư luận từng lấy làm khó chịu khi đọc được trên một tờ báo Tết những dòng bình... loạn về vị trí của con lợn trong đời sống tình cảm của dân ta thế này: “Lợn là con giáp cuối cùng của 12 con giáp. Nhưng “giàu con út, khó con út” nên người ta dành cho nó sự yêu mến âm thầm và dai dẳng. Nó có duyên thầm”. Nói vậy thì với con chuột, con vật có vị trí “con cả”, đứng đầu 12 con giáp thì sao? Cần thương nó phận “con cả” phải thay cha mẹ lo toan gánh vác việc nhà à?

Cũng như vậy, đến năm con giáp nào thì các danh nhân cầm tinh tuổi ấy dễ được người đời điểm danh, nhắc nhớ tới. Âu cũng là việc làm có ý nghĩa. Song ngặt nỗi, không ít người làm báo chỉ căn cứ vào một cuốn từ  điển danh nhân nào đấy, rồi cứ thế tự chuyển đổi từ năm dương lịch sang năm âm lịch, hoàn toàn không lường tới khả năng: Có những nhân vật sinh vào đầu năm dương lịch nên vẫn còn nằm trong năm âm lịch cũ. Ví như một người sinh vào tháng 1/2005 chẳng hạn, như vậy là họ vẫn cầm tinh con khỉ chứ đâu đã đến... gà. Nếu cứ suy đoán theo cách thông thường thì việc nhầm lẫn cũng là điều dễ xảy ra.

Chẳng gì thì nhuận bút báo Tết cũng cao hơn số báo thường, cho nên đây là dịp để các “đại gia” báo Tết biểu diễn ngón nghề “thâm canh tăng năng suất”. Có người khi bị nhắc nhở vì gửi bài cùng lúc cho nhiều báo đã “lý sự” thế này: “Nếu là loại bài khác, chúng tôi không đăng vào dịp này thì đăng vào dịp khác. Bài Tết có đặc điểm riêng, nếu không dùng năm nay có khi phải chờ tới...12 năm nữa. Bởi vậy, để ăn chắc, chúng tôi cần phải gửi cho nhiều báo. “Bắn” tiểu liên “dễ trúng” hơn là súng trường chứ”.

Cũng còn một hiện tượng nữa cần nhắc tới, tuy mấy năm gần đây đã ít xảy ra hơn. Đó là việc một số tờ báo cho in liên tiếp cả hai số báo Tết và báo Xuân nhưng cách gọi căn cứ theo thời gian phát hành lại không chuẩn xác. Từ trước tới nay, chúng ta vẫn tính ranh giới các mùa theo ngày tháng âm lịch. Chính vì lẽ đó mà trong ngày Tết dương lịch chúng ta bao giờ cũng thấy các cơ quan đoàn thể căng biểu ngữ “Chúc mừng năm mới” chứ không đề “Chào Xuân mới”. Các báo lần lượt ra những ấn phẩm theo trình tự: Số Tết, rồi thêm nữa: Số Xuân (có báo gộp cả Tết và Xuân vào một số, gọi chung là báo Tết, hoặc báo Xuân).

Nhưng ngoại lệ cũng có một đôi tờ báo làm theo quy trình ngược lại. Họ ra số báo Xuân (có chữ Xuân khá to kèm với số năm, ví như Xuân 2005 chẳng hạn). Số báo này ra để chào mừng ngày Tết dương lịch. Và rồi chừng một tháng sau đó, họ ra tiếp số báo... Tết. Vậy các báo đó quan niệm thế nào là Xuân, thế nào là Tết, và quan niệm như vậy có chính xác?

Chúng ta đều biết, ngày Tết bao gồm ngày cuối cùng của năm cũ, ngày mở đầu cho năm mới. Những ngày này có ý nghĩa như cái bản lề, như bậc cửa, bước qua bậc cửa rồi - chúng ta bước vào một mùa xuân mới tràn trề nhựa sống. Đón Tết, mừng Xuân là chúng ta tiễn năm cũ, chào đón xuân mới. Xuân dứt khoát phải từ ngày Tết mở ra, không lý nào đón xuân về hàng tháng rồi mới đến lễ đón giao thừa, như thế có khác gì cô dâu về ở nhà chồng đến chán chê rồi mới tổ chức lễ cưới, lễ đón dâu. Như vậy, xem ra không thuận một chút nào.

Mong rằng trong dịp Tết Ất Dậu này, những “căn bệnh” nêu trên ít còn cơ hội tái diễn trên các ấn phẩm báo chí của chúng ta

Phạm Nhật Linh
.
.