Bạn đọc hỏi nhà báo trả lời Chuyên đề ANTG Cuối tháng số 172

Thứ Bảy, 09/01/2016, 19:55
Có không ít những câu chuyện bi hài về chuyện công nhận danh hiệu gia đình văn hóa. Có những gia đình được gắn biển gia đình văn hóa đã đề nghị chính quyền tháo gỡ vì họ thấy họ không xứng đáng nhận danh hiệu đó.


Không gian cho trẻ em đang vô cùng hạn chế

Bạn Ngô Hà Vinh (Quận Long Biên, Hà Nội): Hiện nay, ở các cấp trường học, từ mầm non cho đến trung học cơ sở, trung học phổ thông, hầu như trường nào cũng tổ chức các tour đi tham quan cho học sinh. Đây là một hoạt động ngoại khóa có ích đối với các em, tuy nhiên, việc quá lạm dụng hoạt động này ở một số nơi cũng gây phản cảm, ức chế cho cha mẹ học sinh. Ví dụ như số tiền đóng phí cho mỗi lần đi chơi cũng không phải là ít, hay như ở các lớp mầm non, lớp nhà trẻ, nhiều trường cũng tổ chức cho các cháu đi tham quan. Thiết nghĩ ở tuổi của bé, việc tham quan chưa thực sự bổ ích, và cũng chưa cần thiết; nhưng nhà trường vẫn kêu gọi tham gia, đưa phụ huynh vào tình trạng khó xử. Vậy xin hỏi nhà báo, các Phòng giáo dục, hoặc Sở giáo dục có quy định gì về việc này, về số lần tổ chức tham quan trong một năm học và số tiền đóng cho mỗi lần đi chơi của các cháu?

Nhà báo Minh Đức: Thưa anh Ngô Hà Vinh, thời gian vừa qua, chúng tôi cũng nhận được một số ý kiến của bạn đọc đề cập cùng nội dung như thư của anh. Tôi nghĩ, vấn đề này không chỉ là phản ứng hay băn khoăn của một mình anh mà là của không ít phụ huynh.

Một hiện thực mà chúng ta đều nhận thấy là: không gian cho những đứa trẻ Việt Nam nói chung và không gian cho học sinh nói riêng là vô cùng hạn chế. Nếu chúng ta thử làm một khảo sát ở các thành phố lớn, chúng ta sẽ thấy không gian cho trẻ em như công viên, vườn hoa, nhà văn hóa, thư viện, rạp chiếu phim... đặc biệt một không gian thiên nhiên là vô cùng ít ỏi.

Trong khi đó, chúng ta lại dùng đất để xây dựng chủ yếu những khu thương mại. Tôi đã nghe một phụ huynh nói với con mình: “Học giỏi rồi mẹ cho đi siêu thị”. Hài hước và đau lòng. Nghĩa là, vào những ngày nghỉ hay đặc biệt dịp nghỉ hè, chúng ta không biết đưa con cái mình đi đâu chơi.

Việc các trường tổ chức những tour tham quan cho học sinh là cần thiết. Ở các nước trên thế giới, mỗi năm học, các chuyến tham quan được lập kế hoạch một cách khoa học và hợp lý. Nhà trường có kinh phí cho việc này. Kinh phí đó được cấp như một phần phúc lợi xã hội mà những đứa trẻ được hưởng như một chiến lược quan trọng trong giáo dục các công dân tương lai của họ. Và, với từng lứa tuổi thì tham quan cái gì và như thế nào là vô cùng cần thiết. Những đứa trẻ lớp 1 không thể tham quan bảo tàng lịch sử vì chúng sẽ chẳng tiếp nhận được điều gì ở đó. Nhưng chúng lại cần được hoặc phải tham quan những khu bảo tồn thiên nhiên.

Ở Việt Nam, chương trình tham quan là cần thiết và đã được hầu hết các trường thực hiện. Nhưng việc đóng góp cao cho chương trình tham quan và tham quan không hợp lý dẫn đến phản tác dụng. Các trường ở nông thôn thì có trường không bao giờ tổ chức cho học sinh những chuyến tham quan như thế vì điều kiện kinh tế không cho phép.

Nhưng tại sao nhà trường lại không tổ chức cho học sinh tham quan những không gian ngay ở địa phương họ. Một mùa lúa chín, những khu trang trại chăn nuôi gia súc, những hồ ao nuôi cá, những xưởng làm nghề thủ công truyền thống... đều là những điểm tham quan rất lí thú và bổ ích đối với học sinh tiểu học. Giáo viên chỉ cần có một phương pháp hướng dẫn và dẫn dắt các em đi vào thế giới ấy cùng đã có bao điều hấp dẫn và bổ ích. Ngay trong thời đại này, tôi đã chứng kiến một đứa trẻ thành phố nhìn thấy một con nhái xanh nhảy qua sân thì sợ hãi kêu lên “Mẹ ơi, ma!” thì chúng ta có thể nói rằng: giáo dục của chúng ta đã quá sai lệch.

Tôi tin chắc các cơ quan quản lý giáo dục như Phòng hoặc Sở giáo dục cũng có chương trình tham quan cho học sinh. Nhưng chương trình ấy như thế nào và việc đóng góp ra sao cần phải điều chỉnh.

Sách in có biến mất?

Anh Trương Văn Quý (Đồng Nai): Theo một thống kê gần đây của Thư viện quốc gia Việt Nam: mỗi ngày nơi đây có khoảng 2.000 lượt yêu cầu sách in, thì có đến 6.500 lượt yêu cầu về sách trực tuyến. Vậy nhu cầu và sự phát triển của sách điện tử đang ngày một tăng và tất yếu. Tuy nhiên thưa nhà báo, sự phổ cập hóa sách điện tử có lấn át, thậm chí có thể “giết chết” sách in được không? Và bên cạnh sự ưu việt không thể phủ nhận của sách điện tử, thì việc vi phạm bản quyền với sách in, tuy tràn lan, nhưng chưa thấm vào đâu nếu so với sách điện tử, vì tính chất đa phương tiện, tinh vi và dễ dàng của nó. Các cơ quan chức năng đã có biện pháp gì và liệu có thể kiểm soát được tình trạng đó không, thưa nhà báo?

Nhà báo Minh Đức: Thưa anh Trương Văn Quý, ngay trong những ưu việt của sách điện tử đã lộ ra những bất cập của loại hình này. Con người trên toàn thế giới đã và đang lo sợ một ngày sách in sẽ biến mất. Đó là tin xấu chứ không hề vui vẻ gì. Việc nghỉ ngơi ở một nơi chốn nào đó và bình tâm đọc một cuốn sách đã cho thấy một cách thức sống văn hóa của con người. Sách điện tử sẽ rất tiện lợi cho việc tra cứu, trích dẫn, tổng hợp và cho việc đọc khi người đọc di chuyển liên tục trong một không gian rộng. Nhưng hiện nay, qua thực tế trên toàn thế giới thì những người ngoài 50 tuổi chủ yếu là đọc sách in bởi việc đọc sách in sẽ mang tinh thần thưởng thức nhiều hơn.

Ngày nay, việc vi phạm bản quyền ngày càng đa dạng, đặc biệt đối với sách điện tử. Việt Nam đã ban hành luật bản quyền, cùng đó nhiều ngành nghề đã có trung tâm bản quyền để bảo vệ tác quyền. Chúng ta cũng đã thường xuyên đào tạo các chuyên gia bản quyền và tuyên truyền luật sở hữu trí tuệ đến người dân. 

Càng ngày càng nhiều các tác giả đã đăng ký bản quyền của mình với một trong những tổ chức bảo vệ bản quyền trong nước. Nhưng vấn đề vi phạm bản quyền ở Việt Nam vẫn ở mức là một trong những nước vi phạm bản quyền nhiều nhất. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là chính những người có các tác phẩm trí tuệ, sáng tạo ở mọi thể loại chưa nhận thức rõ ràng sự cần thiết của bản quyền và các những cá nhân, những tổ chức sử dụng tác phẩm của người khác cũng chưa “quen” với nghĩa vụ này.

Tỉ lệ gia đình văn hóa cao không phải là nỗi mừng

Ông Ngô Quang Tiến (Quận Thủ Đức, TP HCM): Theo như phương tiện truyền thông vừa rồi công bố, cả nước ta hiện có gần 19 triệu gia đình trong tổng số hơn 22 triệu gia đình đạt chuẩn danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỉ lệ 85,03%, tăng 2% so với năm 2014.

Thưa nhà báo, con số trên mang lại những tranh luận sôi nổi là ta đang có 19/22 triệu gia đình văn hóa như trên là thực sự hay không, khi mà thực tế đạo đức xã hội, văn hóa xã hội, tỉ lệ tội phạm,… đang có những vấn đề đáng báo động như hiện nay. Và một sự thật khá hài hước là việc bầu chọn bình xét từ các cấp tổ dân phố đưa lên gần như bám theo các chỉ tiêu thi đua, bám theo các tiêu chí đánh giá cảm tính, thiếu thuyết phục. Thậm chí nhiều gia đình giật mình, ngỡ ngàng khi nhận được danh hiệu gia đình văn hóa. Và họ thừa nhận “có danh hiệu này cũng được, không có cũng chẳng sao”. Thưa nhà báo, liệu việc trao tặng danh hiệu gia đình văn hóa có thật sự quan trọng không, có nặng hình thức không và thực chất không?

Nhà báo Minh Đức: Thưa ông Ngô Quang Tiến, danh hiệu gia đình văn hóa đã được dư luận nói đến trong nhiều năm nay và nói đến như một sự cảnh báo chứ không phải là một nỗi mừng. Không phải chúng ta không vui khi tỉ lệ gia đình văn hóa đạt chuẩn cao như vậy; mà chúng ta không vui vì thực sự chúng ta xét duyệt và phong tặng danh hiệu gia đình văn hóa chỉ vì thành tích. Có không ít những câu chuyện bi hài về chuyện công nhận danh hiệu gia đình văn hóa. 

Vài ba năm gần đây thôi, báo chí đã đưa về trường hợp một phường ở quận Hà Đông, Hà Nội sau một đêm ngủ thức dậy thấy toàn bộ các gia đình trong phường đã trở thành gia đình văn hóa. Có những gia đình được gắn biển gia đình văn hóa đã đề nghị chính quyền tháo gỡ vì họ thấy họ không xứng đáng nhận danh hiệu đó. Đây rõ ràng là chủ nghĩa hình thức.

Chúng ta có cần phải làm những việc như thế này không? Câu trả lời có đầy đủ lý do là Không. Việc công nhận danh hiệu gia đình văn hóa lâu nay không phải là việc làm thúc đẩy văn hóa, không phải là việc cho gia đình nhận được danh hiệu này mà cho các chính quyền địa phương vì bảng thành tích của mình.

Trong thực tế có những gia đình nội bộ mất đoàn kết, có người vi phạm lối sống văn hóa, con cái đi bụi đời, tiêm chích ma túy, thậm chí có gia đình có thành viên đang trong thời gian thi hành án... cũng nhận được danh hiệu gia đình văn hóa. Hơn nữa chính các gia đình được gắn biển hiệu gia đình văn hóa cũng chẳng để ý đến vì họ cũng biết việc công nhận này không có ý nghĩa thực chất đối với lối sống văn hóa trong gia đình mình, trong khu phố mình.

Giáo dục, vận động, hướng dẫn mọi người làm theo luật pháp là việc làm vô cùng cần thiết và có hiệu quả hơn vạn lần chính quyền tự ngồi với nhau xét gia đình này hay gia đình khác được nhận danh hiệu gia đình văn hóa hay không rồi sai nhân viên tự động gắn bản hiệu này vào các gia đình như đã từng làm. Một trong những cản trở sự phát triển của xã hội chính là chủ nghĩa thành tích. Không hiểu sao cho đến bây giờ chủ nghĩa thành tích vẫn cứ hoành hành trong đời sống chúng ta mà chẳng nhìn thấy dấu hiệu giảm.

Chuyên đề ANTG Cuối tháng số 172
.
.