Bài học Xô Viết

Thứ Năm, 14/11/2013, 10:58

Giành được chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó vạn lần hơn. Muốn giữ được chính quyền cần phải biết cách quản lý công việc sao cho quốc gia vừa phát triển vừa giảm thiểu những tệ nạn vốn là thâm căn cố đế đối với xã hội loài người nói chung.

Sau khi Cách mạng tháng Mười thành công, V.I.Lênin đã ngay lập tức nêu rõ: “Trong lịch sử thế giới, đây là lần đầu tiên mà một đảng xã hội chủ nghĩa... đã có thể trực tiếp đảm nhận lấy nhiệm vụ quản lý. Chúng ta phải tỏ ra là những người xứng đáng để cáng đáng nhiệm vụ rất gay go (và rất cao cả) ấy của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta phải hiểu rằng, muốn quản lý được tốt, mà chỉ biết thuyết phục, biết chiến thắng trong cuộc nội chiến mà thôi thì chưa đủ, còn cần tổ chức về mặt thực tiễn nữa”. Làm cách mạng, nhất là cách mạng xã hội chủ nghĩa, đề ra những đường hướng đúng mới chỉ là một nửa của công việc, cái quan trọng hơn nữa là phải tổ chức thực hiện làm sao để những đường hướng đó được đưa vào thực tế một cách đúng đắn chứ không bị bóp méo, xuyên tạc. Điều này đòi hỏi các nhà lãnh đạo cách mạng vừa phải hết sức đúng nguyên tắc trên cơ sở nắm vững các nguyên lý căn bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và đặc thù tư  tưởng chủ đạo của dân tộc và quốc gia mình, vừa hết sức mềm dẻo và nhạy bén với các trào lưu và xu thế chính yếu của thời đại và khu vực, kết hợp các yếu tố trên theo những bài bản  tối ưu thường là không có trước để tạo thành động lực to lớn nhất đưa xã hội đi lên.

Nhìn lại cuộc đời hoạt động cách mạng của vị lãnh tụ của giai cấp vô sản Nga và thế giới, có thể đúc rút được nhiều bài học về phương diện này. Người đã không coi cách mạng vô sản như một sự đoạn tuyệt với mọi di sản của quá khứ, mà biết tận dụng tất cả những gì hữu lý đã có (kể cả trong hành trang của giai cấp bóc lột thống trị vừa bị lật đổ) để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lênin cũng đã viết: “Hãy tính toán tiền nong cho cẩn thận và thành thực, hãy làm ăn một cách căn cơ, đừng lười biếng, đừng tham ô, hãy triệt để tuân theo kỷ luật trong công tác - những khẩu hiệu này đã bị những người vô sản cách mạng chế giễu một cách có lý, khi giai cấp tư sản đã dùng những luận điệu đó để che đậy sự thống trị giai cấp của bọn bóc lột. Nhưng ngày nay, sau khi lật đổ giai cấp tư sản rồi, thì cũng chính những khẩu hiệu này lại trở thành chủ yếu trước mắt...”. Cách mạng xã hội chủ nghĩa khác tất cả những biến chuyển xã hội diễn ra trước đó, không phải chỉ ở khát vọng xây dựng một xã hội phát triển và cũng không chỉ ở ước mơ tạo nên phương thức sống nhân bản với những cơ hội và điều kiện bình đẳng cho tất cả các thành viên... Cách mạng xã hội chủ nghĩa có ý nghĩa vĩ đại trong lịch sử nhân loại  ở chỗ nó có thể chứng minh được rằng, những khát vọng và ước mơ đó không phải là không tưởng. Muốn hào phóng thì phải xây dựng đủ tiềm lực vật chất tương ứng. Muốn công bằng thì phải tạo nên được các điều kiện để các điều luật công bằng được thực hiện nghiêm túc. Muốn cái đẹp được tôn vinh duy nhất thì phải  triệt mọi địa thế mà cái ác có thể nảy nở... Không có một nếp sống thích ứng, không có một năng lượng thích ứng, người gieo hạt giống nhân nghĩa có thể sẽ không chỉ  bị phá sản bởi chính thiện tâm của mình, mà còn vô tình tạo cơ hội cho  các tà đạo trỗi dậy... Vì thế, trong bất cứ giai đoạn phát triển nào của cách mạng xã hội chủ nghĩa, khâu tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đã được đề ra để quản lý tốt xã hội bao giờ cũng phải được chú trọng đặc biệt. Nhân loại đã có quá nhiều kinh nghiệm về việc không ít tư tưởng hay ho đã bị phá sản vì cách chuyển thành hiện thực vụng về. Thậm chí, những tư tưởng tốt đẹp còn có thể bị lợi dụng để làm bung  xung cho những việc rất phi nghĩa. Trước một đảng đang cầm quyền duy nhất cũng như trước những vương triều ở thời thịnh trị  bao giờ cũng tiềm ẩn những nguy cơ to lớn mà niềm say mê vòng nguyệt quế trên đầu có thể gây nên. Đã có không ít chính thể bị sụp đổ vì không chứng minh được rằng cái mới  thực sự khác cái cũ ở bản chất xã hội chứ không phải  ở tầng lớp cầm quyền trong xã hội.

Điều này cũng thực dễ thấy nếu nhìn thẳng vào lịch sử thế giới hiện đại. Kinh nghiệm trong việc chế độ xã hội chủ nghĩa bị sụp đổ ở Liên Xô cũ và Đông Âu cho thấy, ngoài việc đề cao hơn nữa tinh thần cảnh giác chống lại mọi xung lực của “diễn biến hòa bình” do các đối thủ của chủ nghĩa xã hội bày đặt, còn phải kịp thời phát hiện những triệu chứng giáo điều, lệch hướng, suy đồi, thoái hoá, biến chất trong chính bản thân các xã hội đang phấn đấu để tiến ngày một gần hơn tới thuộc tính xã hội chủ nghĩa. Không một xã hội nào tránh được khỏi hoàn toàn những tệ nạn nhưng không thể để các tệ nạn lan tràn tới mức công khai lũng đoạt thượng tầng kiến trúc. Xã hội phải có đủ các biện pháp  như vòng kim cô phong tỏa tệ nạn để chúng không trở thành nỗi kinh hãi thường trực đối với những người lương thiện. Khác đi, mọi sự sẽ trở nên rối lẫn và dẫn tới tan vỡ những kỷ cương lề thói cốt tử của chế độ. Liên Xô cũ trong những năm cuối 70 đầu 80 đã bắt đầu suy giảm nhịp độ phát triển vì đã không vượt qua được sức cám dỗ kiểu “đạn bọc đường”của thời bình. Bản chất tinh tuý xã hội chủ nghĩa khởi nguồn từ tháng 10 năm 1917 đã không được duy trì đúng mức trong lòng xã hội Xôviết, dẫn tới những hiện tượng tiêu cực không chỉ trong nội bộ Nhà nước Xôviết, mà còn làm ảnh hưởng xấu tới quan hệ giữa Liên Xô với một số nước xã hội chủ nghĩa anh em, làm yếu đi sức mạnh(vốn nhờ đoàn kết mới có thể tạo nên hiệu quả tổng hợp) của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới và phong trào hoạt động của các đảng cộng sản. Không vượt lên trên được các đối thủ phương Tây trong “chiến tranh lạnh” về năng suất lao động mà chỉ đơn thuần chạy đua vũ trang, lại có biểu hiện chủ quan, tự mãn và hưởng lạc ở một bộ phận không nhỏ đảng viên cộng sản nắm vai trò lãnh đạo (kể cả ở cấp cao nhất), không kiên quyết đấu tranh bài trừ những căn bệnh vốn dễ lây đối với bất cứ một chính đảng cầm quyền nào như đặc lợi quá đà, tham nhũng, sùng bái hình thức chủ nghĩa, xa rời hay diễn giải sai lệch theo kiểu xu thời những nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác-Lênin... Đó chính là những nguyên nhân chính đã khiến Nhà nước Xôviết dần dà suy giảm tiềm lực và vị trí của mình trên trường quốc tế.

Công cuộc cải tổ đất nước, khởi đầu rầm rộ vào giữa thập  niên 80 trong hội nghị tháng 4/1985 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên  Xô, về sau không những không giúp khắc phục những căn bệnh tai ác của xã hội Xôviết, mà cuối cùng lại đi vào chỗ hữu khuynh, để cho các kẻ thù giai cấp và tư tưởng lợi dụng, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của những người cộng sản. Kết cục là chế độ xã hội chủ nghĩa đã bị thủ tiêu ở Liên Xô, bản thân Liên bang Xôviết với vai trò  một siêu cường thống nhất cũng biến mất và dẫn theo phản ứng dây chuyền là sự thay đổi cơ chế ở hàng loạt nước Đông Âu vốn thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa  thế giới...

Quản lý xã hội tốt còn là điều phối tốt tư duy thực tế và tỉnh táo trong việc nhìn nhận bản chất con đường phát triển đã chọn. Không thể theo đuổi những mục tiêu mang tính tuyên truyền quá cao để đến nỗi lực bất lòng tâm. Nhưng cũng không thể làm ngơ những bất công hiện hữu trong lòng chế độ tư bản để chỉ nhìn thấy ánh hào quang của các tủ kính đầy hàng. Những nét vẽ trước đây về một xã hội xã hội chủ nghĩa có thể chưa hiện hình rõ nét ở các nước Đông Âu và Liên Xô cũ, thậm chí có thể đã bị bóp méo, nhưng những nhận định về chủ nghĩa tư bản từ không chỉ một thế kỷ nay đến giờ vẫn đúng. Chủ nghĩa tư bản hiện đại có thể dư dả vật chất hơn, nhưng bản chất thì không hề thay đổi. Và sẽ không thể thay đổi.

Thực tế cho thấy, những người cộng sản chân chính không chỉ lôi kéo quần chúng bằng các viễn cảnh sáng lạn, mà cả ở cách tạo nên con đường đi tới tương lai với cái giá nhân bản nhất. Cần chứng minh rằng, lại nói bằng lời của Lênin, chúng ta sẽ “thiết lập một chế độ xã hội cao hơn chủ nghĩa tư bản”. Cái cao hơn ở đây không chỉ là năng suất lao động cao hơn như một số người trong chúng ta từ trước tới nay vẫn hiểu. Thực ra, có thể tạo nên một năng suất lao động rất cao trong nền sản xuất vị lợi nhuận bằng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Mục tiêu mà chế độ xã hội chủ nghĩa muốn vươn tới là một năng suất lao động cao trong các điều kiện nhân đạo nhất đối với người lao động! Chúng ta cần phải tổ chức sao cho xã hội vừa phát triển vừa công bằng, đó dường như là hai chân cân đối để mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa đứng vững lâu dài và vĩnh viễn. Nói cho cùng, một nền sản xuất lành mạnh là phải vì con người trước hết, chứ không phải vì những thành tựu mang tính khoa trương và sự tích cóp của cải vô độ “tiền đè chết người”, đến mức xã hội trở thành không có mục đích như xã hội tư bản chủ nghĩa.

Những khó khăn, vấp váp  hiện nay không làm chúng ta nản chí bởi lẽ, người Việt Nam ta đã nhìn ra mục tiêu cần tới của mình. Lênin cũng đã từng nói: “Duy chỉ có giai cấp nào đi theo con đường của mình mà không do dự, không chán nản, không sa vào tuyệt vọng trước những bước ngoặt khó khăn nhất, gay go nhất và nguy hiểm nhất, thì mới có thể lãnh đạo được quần chúng cần lao và bị bóc lột. Chúng ta không cần những sự hăm hở điên cuồng”

Minh Huyền
.
.