Khi chủ nghĩa tối giản gặp thời

Bài 3: Những chớp mắt vô tận trong thơ Việt đương đại

Thứ Bảy, 20/04/2019, 09:50
Chịu ảnh hưởng của truyền thống làm thơ ý tại ngôn ngoại, một số nhà thơ Việt đương đại, dù không khỏi bâng khuâng trước quán tính thơ kể, thơ tự sự, cũng đã kịp rẽ ngoặt sang những chân trời của tiết chế, giản lược. 

Ở đó, nhờ khả năng tự loại trừ, giảm thiểu câu chữ, cùng sự dồn nén, chặt chẽ hóa cấu trúc thi tứ, các bài thơ theo hướng tối giản có thể mang chứa rất nhiều lớp nghĩa. 

Thoạt nhìn, các nhà thơ thực hành tối giản phải khổ hạnh, “kiêng khem”ngôn từ, nhưng chính từ trạng thái đó, những làn sóng cảm xúc và liên tưởng sẽ liên tục phủ ập, khỏa lấp tâm trí người đọc. Từ chối mênh mông, tối giản trong thơ Việt lại có những mênh mông khác, thuộc về tâm thức, cảm quan đời sống ngắn ngủi, khoảnh khắc “lóe sống” và lóe sáng.

1. Thả (NXB Hội Nhà văn, 2015) là tuyển thơ, với số lượng không ngờ tới, trên một ngàn bài, đều cùng một thể, tưởng không thể ngắn hơn, “thơ ba câu”, của Mai Văn Phấn. Chẳng những mất thời gian nếu muốn đọc hết tuyển thơ này, mà còn, khó khăn hơn, nếu muốn thẩm thấu hết các ngữ nghĩa của từng ấy bài. 

Hóa ra, chỉ ba câu, với số lượng từ (chữ) chủ yếu dưới mười, nhưng Thả đánh dấu bước ngoặt trong tư duy thơ Mai Văn Phấn, và chắc chắn, trong bối cảnh thơ Việt đương đại, Thả là trường hợp tạo được điểm nhấn nổi bật không nhờ vào sự phong nhiêu, tấp nập, ngồn ngộn câu chữ mà nhờ khả năng tiết chế, giảm thiểu vật liệu ngôn từ.

Mang cái tên hàm chỉ trạng thái buông bỏ, nhẹ nhõm, một ý niệm về sự thoáng qua, vụt hiện, Thả, cũng như phần lớn tiêu đề các bài thơ chỉ một chữ khác, thể hiện tinh tế cảm quan nghệ thuật tối giản hướng về những khoảng trống, khoảng rỗng, những tự do liên tưởng thay vì phải quy chiếu một điểm cố định. 

Vì thế, Thả rộng chỗ cho những trực cảm có thể vang lên bất chợt: “Lơ lửng/ Tiếng chuông/ Rơi” (Hạt sương); những phát hiện nhân sinh tinh tế: “Bóng núi/ Nhuộm râu ông lão/ Gùi lá thuốc về nhà(Chiều xuống); những mơ mộng siêu hình ẩn dưới cái nhìn thảng thốt: “Mình và giọt sương/ Nhìn nhau/ Hai anh em” (Nguồn cội); những giật mình thức nhận về một đời sống bất an và bất khả nắm bắt mọi thứ: “Quờ phải con dao/ Ngỡ cây nến/ Ngọn lửa rất sắc” (Nửa đêm tỉnh dậy)… 

Trong Thả, mạch nguồn cảm hứng gắn với “thiên nhiên trung tâm luận”, đặt nhân gian thế tục vào  thế giới của những núi non, sơn cước, cây cối, chim muông…, nghĩa là, chính xác, đã có sự hồi quy đến phong thái của một cái tôi muốn giao hòa, thấu lẽ vũ trụ, muốn nhận chân bản lai diện mục thông qua đức tính của thiên nhiên, “thấu mọi chuyện/ Như/ Không biết gì(Núi đứng đó). 

Biết như không biết, nói mà vô ngôn, hình hài mà vô tướng, vĩnh cửu mà chớp mắt, nhỏ bé mà không cùng, tại đây và ngay tức thì, những phẩm tính hằng số, biến số ấy của thiên nhiên, trong cảm nhận của Mai Văn Phấn, mới thực sự là chứng nhân, triết nhân đời sống. 

Không nằm ngoài quy luật nhân sinh, vạn vật đều có thời khắc bừng ngộ, chuyển hóa, biến dịch: “Trái ương/ Úp mặt vào đêm/ Mới chín” (Đợi). 

Rõ ràng, Mai Văn Phấn đang cố gắng chuyển tải phong vị Thiền và Lão Trang, một chất xúc tác quan trọng để các câu thơ ngắn, vốn khởi sinh từ thể thơ Haiku, chạm đến ngưỡng triết lí, ẩn dụ, đa nghĩa. 

Dĩ nhiên, không phải các bài thơ ba câu của Mai Văn Phấn đều có tầm vóc thơ Haiku, hoặc sẽ được coi là phái sinh của Haiku, song, như phần lớn các thi sĩ phương Đông khi muốn tu tập trong cảnh giới tối giản, Mai Văn Phấn đã phải soi mình trong cỗi gốc văn hóa, chắc hẳn rất nhọc công, để nhập tâm và hiểu rõ các chuẩn mực diễn đạt kiệm lời mà sâu sắc, trí tuệ mà tinh giản của tiền nhân. 

Khi tác giả, qua hình ảnh “bướm trắng” đậm chất Trang Tử, diễn đạt điều mình tìm kiếm không khác huyễn mộng, “đậu xuống khóm lau/ Tôi tìm/ Không thấy” (Con bướm trắng), tôi tin, ông đã gặp được huệ nhãn đời mình.

Cách chọn lựa “ba câu” của Mai Văn Phấn càng củng cố nhận định của tôi, rằng, rất nhiều nhà thơ Việt hiện đại, sẽ “đi xa về gần”: thoạt tiên quyết liệt đổi mới, cách tân bằng cách phá vỡ các chuẩn mực truyền thống, tiếp thu nghệ thuật phương Tây hiện đại nhưng càng về sau, bởi nhu cầu nội tâm lẫn thúc bách sáng tạo, đã trở về, an trú dưới mái hiên thi ca cổ điển, dưới vòng cung bất tận của những ca dao/ vè, Đường thi, khúc ngâm,… 

Ít nhất, những Trần Dần, Lê Đạt, Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên,… đều từng kinh qua trải nghiệm đó. Việc Mai Văn Phấn, một thi sĩ có nhiều đổi mới thơ trong khoảng ba thập niên qua, tái dụng nguyên tắc tiết chế/giảm thiểu ngôn từ của thi học cổ điển, chứng tỏ các hình thức tổ chức thơ ý tại ngôn ngoại, lời ít ý nhiều vẫn chưa nguôi sức hấp dẫn. 

Trước Mai Văn Phấn, Lê Đạt cũng đã biến cải và theo đuổi dạng thơ ông tự đặt tên là “haikâu”. Lý do để sinh thành thơ haikâu, theo Lê Đạt, “ra đời từ bận tâm chống lãng phí […] thủ pháp giản ước quá hấp dẫn”.

Ông nhận thấy bản thân thơ tứ tuyệt, tuy đã chặt chẽ và khúc chiết, nhưng dường như chỉ có câu thứ ba, thứ tư là “hay nhất, căn bản nhất. Còn câu 1 câu 2 có thể coi như những câu dẫn”.

Từ đó, ông chủ động thử nghiệm loại haikâu nhưng không coi nó là một bài “tứ tuyệt cắt đôi” mà là một thể hoàn chỉnh có những con “chíp” chữ đa năng, đa nghĩa. 

Lê Đạt đã viết hàng trăm bài thơ haikâu, góp phần định hình một kiểu “vân chữ” không dễ lẫn với bất kì ai. Đáng chú ý, học theo Lê Đạt, tác giả Nguyễn Khoa Linh cũng đã viết đến 4 tập thơ hoàn toàn hai câu mang tên Nghiệm (2008-2011). Thơ haikâu, vì thế, không đoản mệnh trong bối cảnh các tập thơ mới ở đâu cũng vắn số trên những kệ sách chất chồng danh tác.

2. Cố nhiên, vấn đề của thực hành tối giản trong thơ không chỉ nằm ở số lượng câu chữ. Nó cần đến ít nhất một hoạch định, trù bị cho sự xuất hiện của các hình ảnh, cảm xúc, cái nhìn. 

Với Lê Đạt, haikcâu trước hết là để, như lời Tô Đông Pha, “nhắc nhở thời gian chỉ có một thời”, phải trọn vẹn và cứu vớt những thời khắc bất hoàn tác đó.

Ở trường hợp khác, nhà thơ Trần Quang Quý, tác giả của một dạng thơ do chính ông định danh “namkau”, lựa chọn năm câu cho mỗi bài thơ bởi vì “hợp với khí thơ chiêm nghiệm, triết lý”. 

Trong giới hạn tưởng khó vượt thoát, loại thơ namkau của Trần Quang Quý, bởi sức mở tối đa ở phần kết, lại tạo được những nếp nghĩ hô ứng không dứt. Thơ namkau, tựa mô hình tương sinh của ngũ hành, cho phép tác giả tính toán để trọng tâm ý rơi đúng nhịp xúc cảm, không dùng dằng và ứ thừa, đồng thời cũng không vội vàng bắt vít góc nhìn vào điểm duy nhất. 

Nhờ thế, các bài namkau hay nhất của Trần Quang Quý, theo tôi, là có sự nới lỏng cả về số chữ lẫn thi ảnh, nhưng phải căn đúng nấc tinh lọc cho mỗi triết lí. 

Công việc này, như anh diễn đạt, gần với lao động mùa màng, “Lưỡi liềm gặt những bông lúa chín/ gặt se sắt gió sương/ hương lúa nhấc lên hơi thở cánh đồng/ Chỉ những giọt mồ hôi nhỏ xuống/ nắng gặt về trời chưng cất mây” (Mùa gặt)

Khi triết lí, Trần Quang Quý cũng cố gắng đặt nó trong tinh thần đối thoại, khơi gợi cách nghĩ mới hơn trước những điều quen thuộc. 

Chẳng hạn, về sự soi chiếu các giá trị: “bầu trời mênh mông không thể in bóng nước/ chỉ nước mới in được trời kia lồng lộng/ trên dòng thời gian xanh/ Để in bóng bầu trời cao rộn/ nước lọc mình gạn trong” (In bóng); về sự thật ẩn giấu bên trong: “Để làm núi, đá phải tựa nhau/ lưỡi đá nhọn hát cùng mây ngàn/ bằng sự tĩnh tại đến trọc đầu/ Đá cũng đổ mồ hôi dưới bước chân người/ bước chân một đời gùi hoàng hôn qua núi” (Núi đá); về năng lực riêng có không thể sao chép: “Những con vẹt biết nói tiếng người/ cũng chỉ một vài câu học vẹt/ trò chơi đơn điệu của thanh âm khuôn sáo/ Khi bắt chước tiếng người/ vẹt bắt đầu cụt lưỡi” (Vẹt)… 

Lợi thế của namkau, như vậy, gần gũi với kiểu đoản ngôn vốn giàu sức khái quát, phát hiện và thiên về duy lí.

3. Haikâu của Lê Đạt, ba câu của Mai Văn Phấn hay namkau của Trần Quang Quý, đều tồn tại như một thách thức với thơ nhiều khổ/đoạn hoặc, với thơ văn xuôi, trường ca. 

Tôi không cho rằng các dạng thơ dung lượng ngắn sẽ chiếm ưu thế trong tiếp nhận nhưng bản thân sự vận hành của các mô hình sáng tạo thơ trên đều đòi hỏi nhà thơ phải chấp nhận những khắt khe, áp lực của việc rút bớt, giảm thiểu và chắt lọc. Điều này, một cách tương thích, cũng là đòi hỏi của một xã hội hiện đại coi trọng thông tin và những diễn đạt chính xác, ít “thôi xao”.

Nhìn rộng ra, các loại hình nghệ thuật khác như trang trí, kiến trúc, thiết kế cũng đang đưa sản phẩm về gần với tính hữu dụng, đa năng và đơn giản vận hành. 

Nếu có điểm tương đồng nào giữa thơ ca và thực tế đó, tôi nghĩ, đấy là khi các nhà thơ thực hành nghệ thuật tối giản gợi nhắc chúng ta về tầm quan trọng của sự chú tâm, quán tưởng, tận hưởng thấu suốt vào mỗi hiện hữu, mỗi giây phút, mỗi thời khắc vụt qua và duy nhất mà tạo hóa đã ban tặng.

Mai Anh Tuấn
.
.