Bác sĩ tâm lý: Vực thẳm của bóng đá Việt Nam

Thứ Tư, 26/03/2014, 15:24
Người dân Anh đang bàn tán rôm rả quanh việc HLV trưởng ĐTQG Anh Roy Hodgson đã quyết định mời một bác sĩ tâm lý sát cánh với ĐT nước này trong quá trình tham dự VCK World Cup 2014 tại Brazil vào mùa hè năm nay. Chuyện ở xứ người gợi lên những suy nghĩ nghiêm túc về khoảng trống của một “bác sĩ tâm lý” - một vị “phù thuỷ tinh thần” ở bóng đá xứ ta.

1.Tại sao ĐT Anh cần một bác sĩ tâm lý? Tại vì lịch sử các kỳ World Cup gần đây cho thấy ĐT Anh thường thất bại trên chấm 11m - điển hình rõ nhất của điểm yếu tâm lý trong thi đấu. HLV Roy Hodgson tin rằng năng lực của chuyên gia tâm lý có tên Steve Peters sẽ khiến tình trạng được cải thiện. Thực ra thì Steve Peters không phải là một cái tên xa lạ trong giới thể thao Anh khi ông đã từng gắn bó với nữ VĐV xe đạp lòng chảo Ronnie O’Sullivan trong một thời gian dài, và góp phần không nhỏ giúp VĐV này đạt được nhiều HCV thế giới.

Ở địa hạt bóng đá, Steve Peters cùng từng làm việc với các cầu thủ Liverpool trong năm 2012, và cứ nghe cái cách đội trưởng Gerrard của Liverpool hết lời ca ngợi ông là đủ hiểu nhà tâm lý này đã có những tác động tích cực đến những hoạt động bóng đá tới đâu. Cụ thể, Gerrad cho biết thời điểm đó anh bị một chấn thương rất nặng, và những cuộc làm việc với các bác sĩ thể thao không giúp anh thấy lạc quan hơn. Nhưng khi Steve Peters xuất hiện, và sử dụng những liệu pháp tinh thần hết sức đặc biệt thì Gerrard đã có một đời sống tinh thần hoàn toàn khác. Bây giờ thì không riêng gì các cầu thủ bóng đá, các cua - rơ xe đạp, mà nhiều VĐV danh tiếng ở nhiều môn thi đấu khác ở Anh cũng thường cậy nhờ đến Steve Peters trong những thời điểm khủng hoảng tinh thần.

Thực ra thì sự cần thiết của một bác sĩ tâm lý đối với một VĐV hoặc một tập hợp các VĐV trong các hoạt động thi đấu thể thao nói chung và bóng đá nói riêng đã được thế giới ghi nhận từ trên 20 năm nay. Tuy nhiên trong rất nhiều trường hợp thì vai trò “bác sĩ tâm lý” ở một đội bóng lại được đồng nhất với vai trò của ông HLV trưởng, và vì vậy, thế giới bóng đá đã chứng kiến những HLV - những nhà tâm lý đại tài.

“Người đặc biệt” Jose Mourinho - đương kim HLV trưởng đội Chelsea là một ví dụ điển hình. Sẽ là quá thừa nếu nhắc lại những chiêu mánh tâm lý mà Mourinho đã sử dụng trong quá trình làm việc từ Bồ Đào Nha, tới Anh, tới Tây Ban Nha và bây giờ lại là Anh, nhưng cũng cần “điểm diện” một chiêu tâm lý mới nhất mà Mourinho thực hiện trong trận Chelsea - Fulham ở vòng 28 giải Ngoại hạng Anh năm nay. Sau 45 phút đầu tiên Chelsea đá bế tắc, không ghi nổi bàn vào lưới Fulham, Mourinho bước vào phòng họp báo và cho phép các cầu thủ im lặng để chỉnh đốn trang phục khoảng 2,3 phút như thường lệ. Nhưng sau 2,3 phút này ông ta vẫn lặng im tuyệt đối, khác hẳn với buổi “lên lớp” liên hồi trước đây. Thật kỳ lạ, Chelsea bước vào hiệp 2 với một phong thái hoàn toàn khác, và cuối cùng đánh bại đối phương 3-1. Mourinho nói sau buổi họp báo: “Tôi nghĩ im lặng tuyệt đối cũng là một cách nói. Lần đầu tiên trong đời cầm quân của mình tôi “nói chuyện” với các cầu thủ bằng cách... im lặng tuyệt đối. Và họ phải hiểu khi tôi đã chọn phương pháp này thì họ cần phải thực sự thay đổi ra sao”.

Một chi tiết rất nhỏ và rất thời sự như thế đã chứng tỏ khả năng “làm tâm lý” của Mourinho xuất sắc cỡ nào. Nhưng không phải mọi HLV đều có khả năng “làm tâm lý” như Mourinho (cho dù trong quá trình học nghề HLV, họ đã được dạy kỹ năng này), và vì vậy ở nhiều đội bóng châu Âu người ta thường thấy xuất hiện gần như 24/24 một chuyên gia tâm lý.

2.Đội tuyển bóng đá Việt Nam cũng từng được dẫn dắt bởi một HLV được mệnh danh là “bậc thầy về tâm lý”, đó là HLV đồng hương với Mourinho, ông Henrique Calisto. Chuyện kể rằng sau trận Việt Nam ra quân thua trắng Thái Lan 0-2 ở vòng bảng AFF Suzuki Cup 2008, một nỗi thất vọng cùng cực lan toả khắp ĐT. Khi cả đội về tới khách sạn Royal Phuket City thì tất cả ngồi la liệt ở hành lang khách sạn, và ai cũng mệt mỏi tới mức không muốn lê bước vào phòng. Khi ấy Calisto không nói quá nhiều về trận đấu, cũng không nói quá nhiều về bóng đá, mà lại nói, và nói rất thuyết phục về lịch sử đánh giặc của dân tộc Việt Nam. Ông nhắc các cầu thủ: “Các cậu có biết tổ tiên các cậu đã can đảm, anh dũng nhường nào không? Và nếu cứ bạc nhược thế này, các cậu có thấy mình đang có tội với tổ tiên của chính mình?”.

Đến trận quyết đấu với Malaysia ngay sau đó thì Calisto đã đề nghị mỗi một tuyển thủ phải nhét một lá cờ tổ quốc nho nhỏ vào trong tất của mình với ý nhắc nhở: Hôm nay, cả một đất nước, một dân tộc sẽ vào trận cùng chúng ta. Trận ấy ĐTVN thắng hú hồn 3-2, và người ghi bàn mở đầu chiến thắng, tiền vệ Phạm Thành Lương đã ăn mừng bàn thắng bằng cách rút từ tất của mình ra một lá cờ nhỏ trong sự bỡ ngỡ của rất nhiều người xem.

Cựu HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam Calisto được đánh giá là một... nhà tâm lý đại tài.

Trong những cuộc tâm sự cá nhân với người viết, nhiều học trò ruột của Calisto đều gặp nhau ở suy nghĩ: cái được nhất, hay nhất, hiệu quả nhất của nhà cầm quân này chính là những chiêu bài tâm lý. Và chính nhờ những chiêu bài ấy (chứ không phải hoàn toàn nhờ năng lực chuyên môn) mà ĐTVN của Calisto đã vô địch AFF Suzuki Cup 2008. Có một chi tiết mà không nhiều người để ý, đó là trước khi bước vào nghề HLV bóng đá, Calisto là một nhà chính trị. Nhờ phẩm chất của một nhà chính trị mà ông rất giỏi trong việc thuyết phục, thu phục lòng người cũng như khơi gợi sức mạnh tiềm ẩn trong mỗi con người.

Các đời HLV trưởng ĐTVN sau Calisto như Falko Goetz, Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc đều không thể hiện được năng lực “làm tâm lý” như ông thầy người Bồ Đào Nha. ĐTVN ở 3 đời HLV này, có nhiều thời điểm không riêng gì các cầu thủ, mà chính các ông HLV cũng... bị tâm lý. Còn trước Calisto, ĐTVN được dẫn dắt bởi “nhà sư phạm” Alfred Reidl, và thực tiễn cho thấy Reidl là một HLV rất giàu ý tưởng chuyên môn. Nhưng khi ĐTVN đứng trước những trận đấu bước ngoặt - khi những “ý tưởng chuyên môn” là chưa đủ, mà còn cần đến những biện pháp tâm lý để giúp cả một đoàn quân bừng bừng sức sống thì Reidl thường xuyên thất bại. Có lẽ vì không giỏi trong “vấn đề làm tâm lý” mà Reidl mới trở thành một chuyên gia về nhì, dù có rất nhiều lần đội bóng của ông đứng trước thời cơ vượt ngưỡng?

3.Nhìn ở cấp độ CLB, dễ thấy là đa số các ông HLV ở các CLB Việt Nam đều không phải là những... chuyên gia tâm lý. Những người này có thể dựa vào cách sống mang hơi hướng “đại ca” của mình (trường hợp Hữu Thắng - Sông Lam Nghệ An) hay cái uy vốn có của mình  (trường hợp Huỳnh Đức - SHB.Đà Nẵng) để thu phục cầu thủ, và khiến cầu thủ vì mình mà chiến đấu. Nhưng nhìn một cách tổng thể thì kỹ năng, phương thức và những chiêu thức bài bản trong “vấn đề tâm lý” không có ở họ. Phải chăng chính vì khoảng trống mênh mông của một ông bác sĩ tâm lý khiến các cầu thủ, các đội bóng V.League luôn có thể nóng đầu, và luôn sẵn sàng lao vào nhau theo kiểu thượng cẳng chân, hạ cẳng tay? Và phải chăng vấn nạn bạo lực hoành hành ở sân chơi V.League hết mùa giải này đến mùa giải khác cũng có một phần bắt nguồn từ việc ở các đội bóng đều không có một “bác sĩ tâm lý” đủ tài để giúp các cầu thủ đá bóng trong trái thái... lạnh đầu?

Từ câu chuyện người Anh phải mời một tiến sĩ tâm lý theo chân ĐTQG trong quá trình tham dự VCK World Cup 2014, cần phải đặt ra câu hỏi: Đã đến lúc bóng đá Việt Nam phải nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề này? Và phải chăng nếu mỗi CLB Việt Nam cũng như ĐTVN đều có sự góp mặt của một chuyên gia tâm lý thì hình ảnh và hiệu quả thi đấu của chúng ta sẽ khác bây giờ nhiều lắm?

Từng có đề xuất mời bác sĩ tâm lý chữa bệnh cho HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam

Vấn đề bác sĩ tâm lý được nhắc đến nhiều trong bóng đá Việt Nam vào năm 2004 - khi “cậu bé vàng” Phạm Văn Quyến liên tục gặp phải nhiều sự cố, và HLV trưởng ĐTVN Tavares có nhiều biểu hiện khác thường trước thềm Tiger Cup. Thời điểm ấy đã có những đề xuất về việc VFF cần mời một bác sĩ tâm lý giúp Tavares giải tỏa những áp lực dồn nén trong cả một quá trình dài. Trước vấn đề này, các quan chức khoá 4 VFF tin rằng chính Tavares sẽ biết cách tự làm “bác sĩ tâm lý” cho mình, nhưng kỳ thực là trước trận quyết đấu Việt Nam - Indonesia trên sân Mỹ Đình năm ấy, ông thầy người Brazil đã sợ hãi đến... phát sốt, và phải vào bệnh viện truyền nước. Tiger Cup 2004, ĐTVN thất bại ê chề với lý do lớn nhất là cả thầy lẫn trò đều không thắng được áp lực tâm lý của chính mình!

Phan Đăng
.
.