Anh thành mây trắng bay về

Thứ Sáu, 28/07/2017, 09:18
Trở về từ chiến trường Tây Nam, những người cựu binh luôn xem mình là "những kẻ may mắn còn sống sót", đang ngày đêm miệt mài từng bước chân để đưa hài cốt đồng đội của mình trở về đất mẹ sau chuyến đi dài dằng dặc gần 40 năm.


Và có theo chân họ - những người trong Ban liên lạc Trung đoàn 96 Quảng Nam và Chi hội 5 nghĩa tình đồng đội tại TP HCM - mới thấu hết được những nghĩa cử từ trái tim họ đối với hài cốt và gia đình đồng đội.

1. Trên xe, từ những ánh mắt già nua của những cựu binh thuộc Trung đoàn 96 Quảng Nam (Sư đoàn 309, Quân đoàn 4), cả một trời ký ức thời khói lửa như ùa về. Trong những năm 1977 - 1989, có đến hàng trăm ngàn thanh niên Việt khăn gói đến chiến trường Tây Nam, rồi sang Campuchia để giúp nước bạn thoát nạn diệt chủng do Pôn Pốt - Iêng Xa-ri.

Bấy giờ, Việt Nam chỉ vừa mới hoàn toàn giải phóng, đất nước còn ngổn ngang. Vậy, mà vẫn đi giúp bạn. Họ đã bước về nơi khói lửa, vì ở đó có người anh em đang lâm nạn. Việt Nam, Lào và Campuchia - 3 nước Đông Dương, dẫu gì cũng đã sát cánh bên nhau chống thực dân, đế quốc. 

Đã cùng khóc chung một nỗi đau đất nước bị giày xéo, đã từng cười chung một niềm vui chiến thắng, thì làm sao có thể ngoảnh mặt trước họa diệt vong đó của Campuchia. Họ gọi đó là nhiệm vụ quốc tế!

Đưa đồng đội về nghĩa trang liệt sỹ quê nhà.

Trong ký ức Đại tá, cựu binh Nguyễn Quang Ngọc, những năm tháng sát cánh cùng đồng đội ở chiến trường này vẫn còn như mới. Năm 1978, chàng lính của Trung đoàn 96, đến chiến trường Campuchia, và 5 năm sau, ông mới rời chiến trường này. 

Trong suốt quãng thời gian đó, ông đã chứng kiến rất nhiều đồng đội hy sinh. Đầy máu và nước mắt. "Ở chiến trường, cái chết luôn chực chờ. Có những anh em, vừa nằm chung giấc ngủ đó, một lát sau thì hy sinh; thậm chí, có người hy sinh trong khi miệng vẫn còn đang ngậm miếng bánh tét cắn dở" - Đại tá Ngọc nhớ lại. 

Trong chuyến đi này, tôi gặp lại cựu chiến binh Phạm Đăng Tiến, khi mà năm ngoái, ngày về, lúc Quảng Nam đang nước lụt, xe không thể chạy từ quốc lộ 1A lên nghĩa trang liệt sỹ huyện Duy Xuyên, nên phải nhờ sự giúp đỡ từ ca nô. Đó là hài cốt của liệt sỹ Võ Đức Sinh (quê huyện Duy Xuyên), cùng tiểu đoàn với ông Tiến. Trong trận đánh lớn năm 1980, đơn vị của ông Tiến chỉ có một người hy sinh, là liệt sỹ Võ Đức Sinh.

Chuyện hy sinh trên chiến trường, với người lính, đó như đã mặc định là điều không thể tránh khỏi, và có lẽ họ đã chuẩn bị tâm lý để đón nhận nó trước khi đi vào nơi đầy khói lửa. Để rồi khi sống sót trở về, họ tự nhận mình là "những kẻ may mắn".

Nên nỗi đau của "những kẻ may mắn", là thấy thi thể của đồng đội mình nằm đấy, mà không cách nào để giành lại từ tay kẻ thù. Làm nghĩa vụ quốc tế, người lính còn thêm một nhiệm vụ khác, là bằng bất cứ giá nào, cũng phải mang được xác đồng đội về sau mỗi trận quyết chiến. 

"Địch biết điều đó, nên giăng bẫy, mà cụ thể là cài bom mìn rất nhiều xung quanh thi thể đồng đội của chúng tôi đã hy sinh. Nếu không khéo, thì không những không lấy được thi thể của đồng đội, mà mình cũng bỏ mạng. Nếu anh từng thấy điều đó thì sẽ hiểu vì sao ký ức đau thương này không phai nhạt trong chúng tôi" - Đại tá Ngọc tâm sự.

Bốc dỡ hài cốt liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sỹ Châu Thành - Tây Ninh.

Cho nên, niềm đau ấy như âm ỉ mãi. Trở thành miền đau đáu trong mỗi trái tim người cựu binh. Rồi dâng lên ước nguyện đưa đồng đội của mình về lại quê nhà, vì không thanh thản với giấc ngủ tạm của đồng đội đang đâu đó ở các nghĩa trang liệt sỹ Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM, Tây Ninh...

2. Khi chiếc xe dừng bánh trước nghĩa trang liệt sỹ thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), bà Đặng Thị Rân dường như không còn đủ sức lực để ùa tới vỡ òa như bao người đang đứng đợi khác. Bà ngất trong nước mắt, vào đúng cái thời khắc gặp lại chồng, nhưng không phải là hình hài nguyên vẹn như hồi đưa tiễn cách đây 38 năm, mà là chiếc quách với hài cốt bên trong. 

Lẽ ra, bà đã được gặp chồng, là liệt sỹ Đinh Văn Hương sớm hơn vài ngày tại nghĩa trang liệt sỹ TP HCM. Nhưng trước hôm đi một ngày, bà bệnh nặng phải nhập viện và không thể tham gia chuyến đi.

Sáng hôm sau, tôi gặp lại bà Rân, khi chính quyền địa phương cùng Ban liên lạc Trung đoàn 96 Quảng Nam làm lễ đón nhận, truy điệu và cải táng hài cốt liệt sỹ. Đứng bên chiếc quách của chồng, nước mắt bà không còn chảy nhiều như hôm trước, nhưng đôi mắt đã đỏ hoe và những tiếng thút thít vẫn luôn thường trực. 

Bà Rân với liệt sỹ Hương cưới nhau vào năm 1979, được nửa tháng thì liệt sỹ Hương lên đường sang Campuchia giúp nước bạn chống lại họa diệt chủng và ngăn cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam mở rộng. Đến tháng 12/1979, thì chồng bà hy sinh. Dang dở lời hứa trở về. "Đó là những tháng năm buồn..." - bà Rân nấc nghẹn mấy lời đó. Rồi đưa tay quệt nước mắt. Thi thoảng phủi tàn nhang rơi trên quách chồng.

Bà chỉ mới gượng dậy sau cơn ốm đột ngột vào sáng hôm qua. Ba mươi tám năm qua, bà vẫn luôn mang trong mình tình yêu với chồng, không bước thêm bước nào nữa. Với bà, một ngày hay nửa tháng, đã là vợ chồng thì mãi mãi như vậy. Bà vẫn ở gần bên, và mỗi ngày đều qua lại chăm sóc cha chồng đã hơn 90 tuổi. "Ba mươi tám năm qua, đây là lần đầu tiên cô gặp lại chú?" - chúng tôi hỏi. 

Bà Rân khẽ gật đầu: "Nhưng là ở quê. Chứ trước đó cô có mấy lần vào thăm chú rồi". Đó là khi hài cốt liệt sỹ Hương được đưa về nghĩa trang liệt sỹ TP HCM. Từ những cuộc hạnh ngộ đầy nước mắt ấy, đến buổi trùng phùng cũng đầy nước mắt như hôm nay, trái tim bà vẫn đập những nhịp yêu thương với chồng.

Phải gần 40 năm, bà Rân mới được đoàn viên với chồng tại quê nhà. 

3. Đoàn viên sau gần 40 năm xa cách, chẳng có ai đủ cứng rắn mà kiềm lòng trước phút giây đặc biệt này. Không chỉ mỗi bà Rân, mà đó còn là cảm xúc chung của 64 thân nhân liệt sỹ được đưa về lần này. 

Sáng hôm ấy đầy nắng. Nắng đầu tháng 7 thắm như dòng máu của những người lính đã hy sinh, và thắm như dòng máu đang chảy trong biết bao cơ thể người đang hiện diện ở nghĩa trang liệt sỹ.

Suốt hành trình dài 5 ngày 4 đêm theo chân những người cựu binh lặn lội vào chiến trường Tây Nam để mang hài cốt đồng đội trở về, chúng tôi luôn thấy vẻ đau đáu trên khuôn mặt họ. Tưởng rằng sự tàn khốc đến trần trụi nơi chiến trường gần 40 năm trước, đã làm cô đặc nước mắt người cựu binh. 

Cho đến khi chúng tôi vô tình bắt gặp khóe mắt ướt đẫm và đỏ hoe của ông Võ Văn Dũng, cựu binh Trung đoàn 96 thì mới hay mình đã lầm. Ông Dũng đứng đấy, lặng lẽ dõi theo người thân đến bên cạnh chiếc quách chứa hài cốt đồng đội mà ông vừa góp sức đưa về. Hẳn là ông đang vui mừng khi thỏa ước nguyện của biết bao gia đình.

Nhưng cái cảm giác vui mừng ấy, nào đâu chỉ riêng ông Dũng, bởi nó còn đang chảy khắp trong huyết quản của những đồng đội vừa thực hiện chuyến đi như ông. Khi những chiếc quách cuối cùng được cải táng, Đại tá Nguyễn Quang Ngọc mới thở phào nhẹ nhõm, xúc động nhìn đồng đội nằm yên bình trong đất mẹ. 

"Sau cuộc chiến, gần 30 năm trước, chúng tôi trở về trong vòng tay yêu thương của người thân, gia đình. Vậy mà hôm nay, có những người phải đến gần 40 năm mới trở lại nơi mình ra đi. Nhưng cuộc trở về này, biết nói sao cho hết những tủi hờn bởi đồng đội của chúng tôi giờ chỉ còn là chút xương trong chiếc quách" - Đại tá Ngọc ngậm ngùi.

"Gần 40 năm" - cái câu nói tưởng chừng như nhẹ hều ấy, vậy mà mang nặng biết bao nỗi niềm. Quãng thời gian ấy, chẳng là gì trong tiến trình của lịch sử nhân loại. Nhưng nó đủ để khiến một người vợ trẻ hóa thành một góa phụ già nua trong ngày hài cốt chồng được đưa về. 

Và quãng thời gian ấy, trong mỗi nhịp đập của trái tim, trong từng nỗi niềm thổn thức của những người cựu binh, như trở thành thôi thúc họ miệt mài những bước chân thầm lặng để đưa hài cốt của đồng đội mình về lại quê nhà. 

"Những kẻ may mắn" chúng tôi sẽ đi miết, đi mãi, cho đi khi sức tàn, hay không còn bất kỳ hài cốt đồng đội nào đang ngủ tạm chỗ chiến trường Tây Nam mới thôi..." - lời một cựu binh già nhẹ bật ra trên miệng.

Trời hôm ấy trong văn vắt, những người con ưu tú của trời Nam kiêu hùng, những chiến binh quên mùa màng đứng dậy đã trở về trong vòng tay của đồng đội. Ngày về các anh hóa cụm mây trắng bay, những cụm mây vẫn mãi luyến thương quốc gia này, non sông này, xứ sở này. Những cụm mây che chở cho hòa bình, những cụm mây mang dáng hình của sông núi, những cụm mây vọng lời tiền nhân...

Xuân Thọ
.
.